Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

563. HÀ GIANG GHI CHÉP (TT)

Phố cổ Đồng Văn
3. Theo triền cao nguyên đá
      Theo quốc lộ 2C, quốc lộ 37, chúng tôi mượn Tuyên Quang để ngược Hà Giang. Càng đi, hai bên đường càng thưa thớt dân cư. Chỉ có núi non và nắng. Tháng 6, vùng núi xứ Bắc vẫn chói chang nắng. Nắng lung linh trên các chỏm ngọn cây. Nắng lênh láng khắp cả đồi chè. Nắng chùng chiềng nơi lũng thấp dưới kia. Nắng nung nóng cửa kính phía tôi ngồi. Nắng… Chao ôi, có lãng mạn đến mấy, tôi vẫn cảm nhận những đồi cọ trên cao kia, dù xòe ô hết cỡ cũng khó lòng che được nắng cho những lữ khách qua đây.
       Khoảng 1 giờ 30 chiều, chúng tôi đến thành phố Hà Giang. Thành phố chỉ thoáng qua trong một ánh nhìn rồi nhường chỗ cho những con đèo phía trước, hướng Bắc của thành phố. Phía trước, đúng là phía trước điệp trùng núi non. Phía trước, những con đường vắt vẻo bên sườn núi cứ lên cao lên cao dần. Tôi nhìn xuống mặt đường phía trước đầu xe, nhìn xuống lũng thấp tít dưới xa. Đường hẹp lại rỗ mặt trông cau có. Thung lũng bé lại như một chiếc mẹt đựng vừa mấy nóc nhà bé xíu chen chúc, co cụm vào nhau dưới màu vàng úa của nắng chiều. Chếch phía trái một chút, lác đác vài ngôi nhà hình như không muốn gần gũi nhau, thích cô đơn đang treo mình vào lưng chừng vách núi. Có lẽ đây là nhà của người Mông. Họ thường làm nhà trên núi đá tai mèo chênh vênh. Một cảm giác chon von len lỏi vào tâm lí tôi. Có gì như là nỗi sợ đang khe khẽ trở mình trong tôi. Và có gì như là xôn xao niềm cảm phục con người Việt Bắc đang sinh tồn trong sự hùng vĩ của thiên nhiên, của địa tầng đá vôi kì diệu nơi này.
       Có ai đó bảo: Hải Vân chẳng thấm vào đâu! Tôi không so sánh, chỉ cảm giác đường đèo ở đây như đường đất Thục đã chạy vào tâm thức thơ của Lý Bạch: “Thục đạo chi nan/ Nan ư thướng thanh thiên”. Dù khó đi như đường lên trời, chúng tôi cũng đã vượt qua, chuẩn bị cho chặng xuống trạm dừng chân ở cổng trời Quản Bạ. Nghỉ ngơi khoảng hơn nửa tiếng. Người uống cà phê, người tìm mua những đặc sản, người ngắm núi Đôi kì lạ. Trời về chiều. Còn hơn năm mươi cây số nữa mới đến Yên Minh. Chúng tôi lên xe rời Quản Bạ. Tranh thủ đường chảy xuôi, cậu lái cho xe bon, bởi 54 km ở đồng bằng thì mất ít thời gian hơn, còn ở đây thì nhiều. Không khéo tối mịt mới đến Yên Minh thì khổ. Đường lạ, quanh co và xa, chạy đêm làm sao được, ai đó thốt lên. Cũng may khi hoàng hôn buông xuống, chúng tôi kịp đến với thị trấn Yên Minh vừa mới đỏ đèn.
        Đêm Yên Minh có vẻ uể oải. Đường nhiều bóng tối hơn ánh sáng. Người đi thưa thớt. Có lẽ ban ngày sinh hoạt khác chăng. Người ta bảo, Yên Minh, trung tâm của Cao nguyên đá Đồng Văn, một vị trí thuận lợi cho sự phát triển thương mại và dịch vụ du lịch kia mà. Cả nhóm chúng tôi tản bộ tìm quán ăn mà tiếp tân khách sạn đã chỉ. Quán chỉ vài ba bàn ăn, có tính chất gia đình. Chúng tôi vào bàn chọn món. Những món đơn giản: trứng tráng, rau muống luộc, cá chiên (hình như là cá diếc). Bên phải chúng tôi có một bàn gồm những trung niên và thanh niên đang trong cuộc bia bọt. Họ nói toàn chuyện bóng đá. Có lẽ, đây là cuộc rượu chung độ. Họ nói, họ cười, họ nâng li. Nhất là mỗi lần cụng li, cả bàn đều đứng dậy, trăm phần trăm, rồi bắt tay nhau và… ngồi xuống. Cũng hay. Biết đâu đó là một nét văn hóa bia bọt của xứ núi phía Bắc!
Đường lên Đồng Văn
       Gần 7 giờ sáng. Con đường chính của thị trấn đã nhộn nhịp hẳn lên, khác với đêm qua. Từng tốp từng tốp phụ nữ dân tộc trong trang phục đặc trưng của dân tộc mình đang xuôi về chợ phiên. Chả là hôm nay chủ nhật mà. Những phụ nữ ấy, người gùi vài trái bí, người gùi gùi đậu phụng màu đỏ rất lạ, người mang những rau củ quả thu hoạch từ vườn nhà. Lại có người mẹ dắt những bé gái hồn nhiên thong dong về chợ. Bên cạnh đó, những đàn ông, người xách lồng chim, người ôm con lợn, người cầm khèn,… cũng nhanh bước. Theo chân họ, chúng tôi cũng ghé vào chợ. Chợ đông trên con đường nằm ở hông phải của chợ thị trấn. Một phiên chợ đầy sắc màu. Sắc màu áo quần thổ cẩm, sắc màu khăn xếp của nhiều dân tộc khác nhau và sắc màu của những món hàng. Hàng họ cũng không nhiều. Việc buôn bán khá nhanh. Hình như chợ phiên chỉ đông già nửa buổi sáng. Tôi chợt nhớ đến  cái chép miệng của cô lễ tân khách sạn: giá chú ở đây lâu hay gặp dịp sẽ dự chợ phiên Mậu Duệ hay Du Già thì thú hơn. Nhất là chợ Du Già cách trung tâm huyện Yên Minh khoảng hơn 60 cây số, rất đậm nét văn hóa dân tộc, trong buổi chợ thường có hoạt động văn hóa văn nghệ đậm dấu ấn vùng cao. Chú sẽ ấn tượng ghê lắm! Cũng tiếc thật. Nhưng không sao. Vốn sống, vốn văn hóa, biết mấy là đủ, là vừa.
       Gần 8 giờ. Chúng tôi lên xe men theo triền đá cao nguyên Đồng Văn. Đường đi vẫn hẹp, vẫn quanh quất ruột dê. Có những quãng đường, núi hai bên như ép lại khiến cảm giác xe phải nghiêng mình len qua. Phía trái xe là dòng sông cạn, có chỗ cắm bảng chỉ dẫn biên giới Việt Nam- Trung Quốc. Phía phải xe là những tảng đá đen san sát nhau. Trên những tảng đá mọc lên những ngọn bắp xanh rờn. Cả những núi bắp. Những ngọn bắp rập rờn từ núi nầy sang núi khác. Nhìn những núi bắp xanh, mới thấu cảm được nỗi nhọc nhằn của những người phụ nữ vùng cao. Nơi đây chỉ có đá, lấy đất đâu mà trồng trọt. Hóa ra, những người phụ nữ đã cần cù gùi những gùi đất dưới thấp lên cao, bỏ vào những kẻ đá để lấy đất gieo trồng. Tôi đã chứng kiến hình ảnh đó, vậy mà chẳng hình dung nổi sự khó khăn của cuộc sống miền cao. 
Khoảnh khắc cao nguyên đá Đồng Văn
  Tôi bảo với cậu tài xế: Con người kì diệu thật, luôn luôn tìm cách tồn tại, dù phải sống trong môi trường nghiệt ngã nhất, môi trường thiếu đất và thiếu cả nước của cao nguyên đá này. Trồng bắp trên đá, đó là cái khó ló cái khôn… Cậu ấy bảo: Đúng như thế. Nhưng trồng bắp như vậy khiến kết cấu đá không bền vững, đá sụt, đá lăn, đá chạy gây nguy hiểm lắm. Ở vùng cao này, sợ nhất là đá lở. Tôi chẳng biết cậu ấy nói về kết cấu đá có đúng không, nhưng về khoản đá lở thì chịu là đúng. Từng sống ở Đắc Lắc, từng đi Krông Pắc, Đắc Nông, Đắc Min,… dọc ngang khắp tỉnh, từng thấy đất đá sạt lở vào mùa mưa vùi nhà cửa, vùi xe cộ… Nghe đâu mới hôm qua ở Mèo Vạc cũng có một vụ sạt lở đất đá làm tắt nghẽn giao thông, ai đó góp chuyện. Mà vừa rồi, trên đường ta qua, người ta vừa dọn xong vụ lở đó. May. Nếu ta lên đây hôm qua không biết thế nào, người góp chuyện thở phào.
        Xe bỗng chạy chậm lại. Phía trước là một ngã ba. Cậu lái xe hỏi, rẽ Lũng Cú hay về Đồng Văn. Tôi nhìn bảng chỉ đường, thấy lên Lũng Cú gần hơn về Đồng Văn nhiều. Cả nhóm đồng thanh: lên Lũng Cú. Cô Hương trưởng nhóm bảo mọi người chuẩn bị sách vở, áo quần, bánh kẹo mang theo để cho các cháu. Những người đi trước cho biết từ đây lên cột cờ, nhiều bản lắm, các cháu hay đứng bên đường… Và họ từng cho các cháu những thứ cần thiết. Đúng là trên đường xe qua, nhiều cháu nhỏ tụ tập. Xe dừng, những gói bánh kẹo trao tay, những bộ áo quần cháu lớn nhất nhận, những cuốn sách ôm vào lòng. Nét mặt các cháu giãn ra như niềm vui. Nhìn các cháu tôi có cảm giác hàng hai buồn vui lẫn lộn. Bỗng một ai đó lên tiếng như giải tỏa băn khoăn của tôi. Biết làm sao hơn. Chúng ta chỉ là những lữ khách, chẳng có nhiều vật chất, thời gian; đành phải vậy thôi. Một chút vui cho các cháu là tốt rồi.
        Chúng tôi vào địa phận xã Ma Lé. Cột cờ Lũng Cú hiện ra sừng sững. Nghe nói nó vừa xây mới “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Biểu tượng Tổ quốc mà. Xe dừng lại ở khu nhà bán vé và bán sản phẩm lưu niệm. Các cô mua vé lên cột cờ với tâm lí cho biết, nhìn cho đã phía nước lớn xấu bụng phía bên kia. Tôi không theo các cô vì ngại mấy trăm bậc cấp, ngại cái nắng trưa hầm hập. Với lại, tôi muốn thấy cái vời vợi của cột cờ hơn. Đây là cảm giác thời thơ bé. Cứ mỗi lần lên Huế, tôi ngã lưng trên một khẩu thần công trước cửa Thượng Tứ, ngắm cột cờ Phu Văn Lâu, rồi reo thầm: chao ơi, sao kì vĩ thế, cái cột cờ uy nghiêm giữa bầu trời xanh.
         Ngắm cột cờ, chụp ảnh, nhất là được đứng chung trong một khung hình với cô hướng dẫn viên người Tày Phìn Thị Kỉ Hoa. Một dấu ấn Lũng Cú. Rồi lang thang đến hang Hàm Rồng. Leo lên đấy thấy càng rõ cột cờ. Chụp vài tấm cột cờ ở góc nhìn khác rồi tần ngần cửa hang. Hóa ra ở hang này có đường thông lên đỉnh. Lững thững quay về. Các cô đang xuống, nhưng không phải theo lối lên mà bằng xe ôm. Tôi hỏi có thấy gì không. Toàn núi non… thấy ngón tay chỉ của người hướng dẫn sau núi kia là sông Nho Quế. Cũng vui. Ở đời cũng có nhiều trường hợp lên dễ mà xuống khó ghê!
         Lại quay về Đồng Văn. Cả nhóm nghỉ ngơi, ăn trưa và thăm thú phố cổ, sau đó cùng cà phê Phố Cổ. Quán cà phê là một căn nhà cổ thông thoáng có hai tầng. Nghe nói chủ nhân xưa của nó là một nhà giàu hay quan lại gì đó. Vậy à! Tôi loanh quanh hết tầng trệt lại lên tầng trên. Tầng trên nhìn bao quát được toàn cảnh. Hướng nhìn ra khu chợ, khu dân cư mới, có trải sẵn những chiếc chiếu và những chiếc đệm ngồi. Tôi ngồi xuống nhìn mông lung. Phía bên kia có hai người khách một nam một nữ đang nâng cốc ra chiều “sóng tình dường đã xiêu xiêu”. Tôi cảm giác nắng trưa tan biến đâu đó ở không gian này.
        Khoảng hai giờ chiều, chúng tôi về nhà Vương ở Xà Phìn. Thăm thú một chút nhà vua Mèo Vương Chính Đức (có người cho rằng con của ông ấy là Vương Chí Sình mới là vua Mèo), tôi ra trước cổng vào, khu bán vé và hàng lưu niệm ngắm cảnh. Một dãy nhà hai tầng thấp bao lấy khoảng sân rộng. Một khu chợ nằm bên trái nhà Vương không bóng người. Những dãy chợ trống hoác đứng đội nắng. Tôi tò mò hỏi cô gái người Mông ngồi bên quầy vé. Cô bảo, chợ này là chợ phiên Xà Phìn còn gọi là chợ lùi, nhưng bây giờ không vào phiên. Tôi ngơ ngác, chợ lùi? Tức là lùi ngày họp chợ đó chú, cô gái nhanh nhẩu. Chẳng hạn, tháng này họp chợ ngày 30 thì tháng sau 29, tháng sau nữa 28... Thế thì làm sao nhớ, tôi băn khoăn. Cô gái cười, tập quán lâu đời mà chú, ai cũng nhớ cả. Tôi giật mình, có ai quên được văn hóa của dân tộc mình! Có ai không gìn giữ bản sắc dân tộc mình! Có chăng…

Chợ Lùi Xà Phìn
        Có tiếng gọi lên xe. Chiều rồi phải về Yên Minh trước trời tối. Chuyến về có vẻ nhanh hơn. Ai cũng cảm giác khoan khoái. Một cô trong nhóm đề nghị dừng lại ở một núi đá bên đường để chụp ảnh. Đến Cao nguyên đá Đồng Văn mà thiếu khoảnh khắc đá à! Hay. Cả nhóm lại được dịp bấm máy. Trong những khung hình, Cao nguyên đá Đồng Văn đang ở phía sau chúng tôi. Nhưng tôi biết, qua chuyến đi dài ngày và khá mạo hiểm này, khi về lại Đà Nẵng, Đồng Văn mãi mãi hiện diện trong tâm trí chúng tôi. Và Yên Minh, và Quản Bạ, và Tam Đảo cũng thế.

       Hoàng Dục
       25-9-2014
       __________ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét