Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

561. VỀ MIỀN THƠM NGÁT MÙA HOA YÊU THƯƠNG

HD: Sau khi đăng, "Trần Đình Quân và Khúc tình ca xứ Huế" của thầy Trần Đại Tăng, Nguyễn Hữu Viện-bạn B2 ngày ấy của một thời Trung học Phan Châu Trinh- gửi bài viết của thầy Trần Gia Phụng "Về miền thơm ngát mùa hoa yêu thương" khi nghe tin thầy Trần Đình Quân mất. Mình xin đăng lên đây với mục đích duy nhất vừa làm tư liệu vừa để các bạn PCT xưa đọc cho thêm tràn đầy tình thầy, tình trường xưa.
Nhạc sĩ Trần Đình Quân qua nét vẽ Danh học Tạ Tỵ
Sửa soạn vào bữa cơm tối với gia đình, tôi nghe chuông điện thoại reo. Điện thoại đường dài, vì cắt khoảng nhiều lần. Đầu dây bên kia, Nguyễn Tuấn nói hơi chậm so với thường ngày: Phụng ơi, thầy Quân mất rồi mi ơi!. Tuy biết anh Quân bị đau và nằm liệt giường đã lâu, nhưng tôi vẫn cảm thấy chấn động, lành lạnh, và lặng đi. Tuấn cho biết vừa mới đi làm về thì nghe cháu gái kể lại cô Hương gọi điện thoại báo tin buồn là thầy Quân ra đi lúc khoảng 2g15' giờ Cali. Tuấn chưa biết gì cụ thể vì chưa liên lạc được với chị Hương.
      Vội vàng cho xong cơm tối, tôi về phòng ngồi thừ một mình. Thế là một người nữa ra đi. Cách đây hơn một tháng là bà chị tôi. Sau đó đến Trần Phước Hải. Nay lại đến Trần Đình Quân. Thế hệ giáo chức chúng tôi ngày ấy rơi rụng dần dần. Lần nầy lại là một người tôi rất mến mộ, một tài hoa thầm lặng.
      Tôi gọi điện thoại cho chị Quỳnh. Chị Lê Khắc Ngọc Quỳnh. Chị là bậc đàn chị của tôi ở đây. Chị về dạy trường Trung học Phan Châu Trinh năm 1957, lúc tôi còn đi học, nhưng tôi không học với chị Quỳnh. Chị Quỳnh nói: Chừ làm răng Phụng hè! Phụng có làm phân ưu thì nhớ cho chị với nghe. Tôi muốn gọi anh Trần Trừu, nhưng tôi không có số điện thoại của anh, thôi để sáng mai sẽ tìm. Tôi gọi chị Thu Hà. Chị Thu Hà học sau tôi vài lớp ở tường Phan Châu Trinh, và chị học Việt văn với anh Quân năm lớp Đệ nhị, niên khóa 1962-1963. Chị Thu Hà bàn: Mình đăng báo bên ni, ai mà đọc? Anh Phụng tìm cách đăng báo bên kia, hoặc làm vòng hoa phúng điếu, cho chị Thu Liên và tôi đóng góp với nghe. Điều đó tôi phải nhờ người ở bên Cali nên xin sẽ trả lời sau. Tối lại, tôi i-meo cho bạn bè gần xa, những người quen biết anh Quân về tin buồn nầy.
      Tôi tìm nghe nhạc của Trần Đình Quân. Quân không có có CD riêng. Tôi chỉ có dĩa “Một thời Phan Châu Trinh” do Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh California phát hành nhân dịp “Lễ kỷ niệm 50 thành lập trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng” tại Orange County cuối tháng 8-2002, và dĩa “Huế xưa Huế bây giờ” do Hương Lan hát những bài của nhiều tác giả, trong đó bài thứ 3 là “Khúc tình ca xứ Huế”, đã có trong dĩa “Một thời Phan Châu Trinh”.
Riêng dĩa “Một thời Phan Châu Trinh” có 1 bài của thầy Hoàng Bích Sơn, 4 bài của Trần Đình Quân và 5 bài của Trần Nhật Ngân. Cảm ơn các bạn trong Hội AHCHSPCT California. Trong 4 bài của Trần Đình Quân, bài “Bây giờ” là thơ của người khác, Trần Đình Quân phổ nhạc. Ba bài kia đều là nhạc và lời Trần Đình Quân. Bài “Trên hoang tàn đổ nát” vẽ lại cảnh tang thương của đất nước sau chiến tranh, và hai bài còn lại là nhạc tình cảm.
      Bài “Khúc tình ca xứ Huế” làm cho Trần Đình Quân nổi tiếng khi còn trẻ, khi chưa rời ghế đại học. Hình như bài nầy xuất hiện năm 1958. Giống như trường hợp của anh chàng nhạc sĩ gốc Phan Châu Trinh, “có mẹt mà không có mét” Trần Nhật Ngân. (Nhật Ngân gọi tôi là thằng “Quảng Nam đặc sệt”. Tôi gọi Nhật Ngân là thằng “có mẹt [mặt] mà không có mét [mắt]”. Ai muốn biết vì sao, thì gặp anh ta là biết liền. Còn chị Liên Hương ở Cali thì gọi Nhật Ngân là ông “Giật Gân”). Ngân nổi tiếng ngay khi mới 18 tuổi với bài “Anh đưa em sang sông”.
     Tôi bấm máy cho chạy đi chạy lại hoài hai bản nhạc của Trần Đình Quân, đến nỗi gần như thuộc:
Hoàng hôn rơi ngơ ngẩn hàng thùy dương
Lạnh lùng trong bóng chiều dòng sông Hương
Trường Tiền qua mấy nhịp mờ trong sương
Ngỡ ngàng khách thấy buồn buồn mênh mang
Đêm nao nghe khúc Nam bình buồn trên dòng đời
                  xuôi ngược đành lãng quên bao mến thương
Đêm nay dư âm vang vọng về trên lòng thuyền
                 nghe não nuột mơ hồ tiếng hát Giang Châu
Ai ra đi đành quên ngày xưa đẹp sao?
Bên ven sông còn nguyên màu hoa chiều nao
Trăm năm vẫn vẹn thề nối lại vạn nhịp cầu
Xa nhau lòng thương nhớ mãi về đẹp lòng nhau
Qua không gian thời gian đẹp như ngày xưa
Mắt trong xanh và tóc vẫn mây mùa thu
Hôm nao nắng vàng về bướm lượn nhạc rộn ràng,
tâm tư mình phơi phới đến mùa hẹn cùng sang
Chiều nay ai có về miền thùy dương
Về miền có nắng hạ giữa mùa thu
Về miền mây khắp trời giữa mùa xuân
Về miền thơm ngát mùa hoa yêu thương
Nam Giao đăm đăm mắt lặng nhìn tóc bềnh
bồng Bến Ngự chiều nay ai mong gió lên
Xa xôi âm vang tiếng cười hiền trên đường về
hoa nở đẹp môi cười nhớ mãi không quên…
 
     Bài hát về Huế của Trần Đình Quân nghe buồn như điệu Nam ai, Nam bình, nhưng không buồn quá như “Đêm tàn Bến Ngự” của Dương Thiệu Tước, mà vẫn mở ra niềm tin và hy vọng: Qua không gian thời gian đẹp như ngày xưa/ Mắt trong xanh và tóc vẫn mây mùa thu/ Hôm nao nắng vàng về bướm lượn nhạc rộn ràng/ Tâm tư mình phơi phới đến mùa hẹn cùng sang. Cùng với hình ảnh trong sáng đầy tình người: Về miền thơm ngát mùa hoa yêu thương,dù khi dạo thuyền trên sông Hương.
      Anh Quân đã cảm nhận rằng: …dư âm vang vọng về trên lòng thuyền nghe não nuột mơ hồ tiếng hát Giang Châu… Tiếng hát Giang Châu! Tiếng hát của chàng Tư mã áo xanh hào hoa đất Giang Châu tên là Bạch Cư Dị, tức Bạch Lạc Thiên, tác giả bản Tỳ bà hành, bắt đầu bằng câu: Tầm Dương giang đầu dạ tống khách, mà Phan Huy Vịnh dịch một cách tài tình: Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách. Tuy làm đến thượng thư triều đình nhà Đường bên Trung Hoa, nhưng Bạch Cư Dị coi đời là giấc mộng, coi phú quý như mây trôi, chỉ lấy thơ, nhạc và rượu làm thú vui trần thế. Trước Trần Đình Quân, trong bài thơ viết về sông Hương năm 1940 tựa đề là “Một đêm đàn lạnh trên sông Hương”, nhạc sĩ Văn Cao cũng đã viết: Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh.
      Bài thứ nhì của Quân, mà tôi nghĩ là lời từ biệt nói với chúng ta hôm nay, đó là bài “Cám ơn” do Khánh Ly trình bày:
Xin cám ơn người từng hát với tôi,
tuổi thơ chắp cánh bay rồi cuộc đời còn lại
Xin cám ơn người từng nói với tôi,
dù cho nắng sớm chiều mưa tình vẫn như ngày nào
Xin cám ơn người từng nhớ tới tôi,
dừng chân giây phút bên trời tìm về kỷ niệm
Xin cám ơn người từng khóc với tôi,
buồn vui xin giữ cùng nhau giọt nước mắt lần đầu
Mai tôi đi rồi xin để lại đây,
xin để lại đây tiếng nói với tiếng cười
Xin cám ơn người còn nhớ tới nhau,
một mai giông bão qua rồi, tình người còn lại
Xin cám ơn người còn khóc với nhau.
Một mai tiếng hát chìm sâu,
chẳng biết khóc lời nào…
 
      Tôi rất dốt về nhạc lý, chẳng hiểu biết tý gì về âm nhạc. Tôi nghe nhạc cũng như đọc thơ, lấy lòng mình mà hiểu, lấy tình mình mà cảm thông. Thấy mình xúc động thì nghĩ là nhạc hay. Nhạc của Quân vừa nhẹ nhàng, êm ả, vừa rất nhân bản, lời lẽ luôn luôn chứa đựng tình người. Ngay cả trong bài “Trên hoang tàn đổ nát”, Trần Đình Quân chỉ muốn nhắc nhở cho mọi người thảm cảnh chiến tranh đã tàn phá đất nước và tuổi trẻ, để tránh vết đổ vỡ đã qua, chứ không hằn học, hận thù.
      Ngoài ra, với tôi, một bài thơ, một bản nhạc, hay một bức họa còn mang cả khung cảnh không gian và thời gian mình thưởng thức, mang cả những kỷ niệm vui buồn khi mình được nghe, được đọc, được nhìn. Cho nên nhiều khi có những bản nhạc mà nhiều người cho là không hay, nhưng tôi vẫn thích nghe, vì bản nhạc đã xuất hiện vào một thời điểm nào đó đầy kỷ niệm riêng tư, hoặc ở một điạ điểm nào đó thật đặc biệt với mình. Như thuở nhỏ tôi không thích vọng cổ, nhưng vào hai năm đầu đời giáo chức, tôi dạy ở một quận nhỏ trên cao nguyên, nhiều buổi trưa lạnh vắng lặng một mình, vừa nhớ nhà, nhớ người yêu, tôi được nghe những bản vọng cổ buồn mênh mang từ đài phát thanh Sài Gòn, thích hợp với tâm sự của mình, tự nhiên từ đó tôi thích vọng cổ. Tôi nghĩ nhiều người cũng có ý kiến như tôi.
     Tôi hơi dài dòng như thế để giải thích vì sao tôi thích bài “Khúc tình ca xứ Huế” của Trần Đình Quân, bản nhạc mà tôi nghe đi nghe lại nhiều lần vào khoảng năm 1980. Vào những ngày hè năm 1980, giữa những buổi trưa nắng gắt, xuất hiện trên đường Hùng Vương, đoạn nhà tôi ở, hai người du ca. Tôi dùng chữ du ca đúng nghĩa là người hát rong lang thang đây đó. Hai anh bạn cở tuổi tôi, có lẽ là thương binh chế độ chúng ta, một người mù và một người què, trưa nào cũng đi ngang qua trước nhà tôi, từ hướng Chợ Cồn. Người mù đánh đàn và người què hát, giọng Huế, trầm ấm rất dễ thương. Họ hát những bài ca tình cảm. Họ hò những câu ca dao rất mộc mạc. Người què cầm một chiếc mũ đựng tiền. Họ không xin, ai cho thì bỏ vào, ai không cho thì thôi. Tôi nhớ nhất câu hát của họ: Chim xa rừng thương cây nhớ cội/ Người xa người tội lắm người ơi!. Hai câu nầy rất hợp với tâm sự của tôi nên tôi thích lắm. Vả lại buổi trưa vắng lặng, ít người qua lại, quan sát hai người hát rong đi qua từ đầu đến cuối phố cũng rất thú vị. Một trong những bản nhạc được hai bạn nầy đàn hát mà tôi thích nữa là bản “Khúc tình ca xứ Huế”.
      Sau năm 1975, trong không khí ngột ngạt của chế độ mới, những bản nhạc eo éo lanh lãnh chiến đấu của Hà Nội thật là chán ngắt, nên đối với tôi tất cả những bản nhạc trước năm 1975 tôi đều thấy hay. Huống gì là “Khúc tình ca xứ Huế”. Bài nầy vừa nhắc tôi lại những kỷ niệm với tác giả, một trong những người hoạt động văn nghệ hăng say nhất ở trường PCT, vừa làm tôi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm về Huế là nơi tôi đã sống khá lâu và bắt đầu đi học vỡ lòng ở trường Thượng Tứ.
      Trở lại chuyện hai chàng du ca, lúc đó hai chàng ca sĩ của tôi trưa nào cũng hát khi đi ngang qua trước nhà tôi. Và họ lại hay hát “Khúc tình ca xứ Huế”, bài ruột của họ. Có thể hai anh vốn là những người trong đoàn Du ca của Trần Đình Quân.
      Do đó, với tôi, “Khúc tình ca xứ Huế” không phải chỉ là nhạc phẩm hay mà tôi yêu thích, mà còn là kỷ niệm một đoạn đời riêng tư nhỏ bé trong thời kỳ tôi bị căng thẳng ở Đà Nẵng, trước khi tôi vào Sài Gòn. Và trong đoạn đời đó, tôi bắt gặp những kỷ niệm vàng của tuổi xuân. Thật tình mà nói, trong thời gian còn đi học, tôi không biết gì về Trần Đình Quân. Anh học trên tôi nhiều lớp, đậu Tú tài ở Huế rồi vào Sài Gòn tiếp tục nền Đại học. Anh ra dạy năm 1961 khi tôi mới vào Đại học. Cho đến khi tôi về dạy trường PCT năm 1967, thì anh lại vào trường Thủ Đức. Rời quân trường, anh được chuyển về lại PCT. Tôi nghe giới thiệu về anh nhưng cũng ít có dịp nói chuyện vì hai người dạy hai môn khác nhau, nhưng rồi cuối cùng, hai chúng tôi có một sở thích giống nhau: mê thể thao. Có lẽ ít người biết rằng Trần Đình Quân là một hảo thủ vũ cầu kỳ cựu.
      Nguyên do là một người bạn thân của tôi là anh Phạm Văn Lương hay chơi vũ cầu ở sân Quan thuế, cuối đường Độc Lập, gần Cổ Viện Chàm. Anh Lương rủ tôi đến đó xem. Tôi chỉ xem chứ còn đánh vũ cầu dở ẹt. Tại sân Quan thuế, tôi lại gặp Trần Đình Quân. Từ đó chúng tôi mới nói chuyện nhiều với nhau, tới lui gặp gỡ nhau. Hai người còn thêm một sở thích khác: mê đọc sách. Có thể vì mê đọc sách mà Quân đi tu nghiệp ở Úc và về lại trường PCT làm Quản thủ thư viện. Nhà anh Quân ở Đà Nẵng gần nhà tôi, trên đường Tăng Bạt Hổ, khúc đường nhỏ song song với đường Triệu Nữ Vương, thẳng góc với đường Trần Tế Xương.
      Tôi thích nhất giọng nói của anh Quân. Giọng Huế hơi nặng, hình như có pha chút Quảng Trị. Giọng trầm, tròn, ấm, chắc chắn, đầy tự tin, nhưng không sắc cạnh, làm người nghe dễ chịu dù có nói tiếng lớn. Anh Quân đa tài nhưng trầm lặng, không ồn ào khoe khoang. Trông bề ngoài, anh Quân có vẻ khó tính vì ít nói, nhưng trong lòng là một người rất tình cảm, tình cảm đến độ lãng mạn. Và không phải chỉ lãng mạn trong tình cảm mà còn lãng mạn trong văn học, trong nếp suy nghĩ, trong tầm nhìn về cuộc sống, về con người. Cái lãng mạn vừa hướng thượng, vừa hướng thiện.
      Trần Đình Quân rất thích sinh hoạt thanh niên. Những lần học sinh PCT đi thi đấu thể thao, tuy anh Quân không có trong ban Thể thao, nhưng luôn luôn có mặt để cổ động cho học sinh nhà trường. Khi nào các lớp tôi hướng dẫn ở trường PCT mà có anh Quân dạy, tổ chức những buổi du ngoạn (pique-nique), anh luôn luôn tham gia với chúng tôi, kể chuyện hay hát hò với các em rất vui vẻ.
      Anh Quân hay giúp đỡ anh em chúng tôi trong những công việc của chúng tôi. Có lần anh dẫn đoàn Du ca qua hát giúp vui cho đồng bào Quảng Trị tỵ nạn cộng sản tại làng Đồng Thạnh, là làng do anh em chúng tôi tổ chức tại khu vực gần Ngã Ba Xã, trên đường từ núi Non Nước đi vào Hội An.
      Tôi có nhiều kỷ niệm về anh Quân, nhưng có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất là cái kỷ niệm cuối cùng. Sau năm 1975, là một sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa biệt phái, anh Quân đi tù ở An Điềm, Quảng Nam. Ra khỏi tù năm 1980, anh Quân cùng gia đình vào Sài Gòn sinh sống. Chúng tôi thường gặp nhau nói chuyện trường xưa, người cũ, và những ước vọng tương lai. Một hôm, vào khoảng giữa thập niên 80, nếu tôi không lầm là vào năm 1985, tôi đang đi Honda trên đường Hai Bà Trưng, trước chợ Tân Định, Sài Gòn, thì thấy anh Quân đi Honda ngược chiều, từ phía Cầu Kiệu đổ về. Tôi đưa tay chào, còn anh Quân thì kêu ơi ới: Phụng, Phụng. Nhưng tôi cứ đi thẳng trong khi anh dừng lại và ngoắc tay nhiều lần. Vợ tôi ngồi phía sau đập nhẹ vào lưng bảo: Anh Quân gọi kìa, anh Quân gọi kìa. Tôi vẫn cứ đi thẳng và giải thích cho vợ tôi hiểu: Mình đang đi giao hàng, trong giỏ đầy thuốc tây, dừng lại ở đây, ngay trước chợ Tân Định, nếu cảnh sát thấy anh quen mặt, chận lại xét giỏ thì mất hết tiền, để tối hay mai mình lên thăm anh ấy. Lúc đó, tôi bán thuốc tây ở chợ Tân Định và đang đi giao hàng cho khách. Vợ tôi thấy hữu lý nên hai vợ chồng tiếp tục công việc.
       Cách hai hôm sau, vào buổi tối, vợ chồng tôi đến nhà anh Quân ở trên một đường nhỏ đâm ra đường Nguyễn Huỳnh Đức ở Phú Nhuận thì phải. Khi gỏ cửa thì thấy chẳng có ai, chỉ có hai em bé ra cho biết anh Quân đi vắng. Hai hôm sau tôi trở lại lần nữa, thì một người lớn tuổi ra trả lời Quân đi chưa về. Tôi lấy làm lạ vì anh Quân ít đi chơi, nhất là vào buổi tối. Bẳng đi độ một hay hai tháng thì có anh Ngô Hào, cũng là cựu giáo sư trường PCT, tới báo cho biết là Quân đi lọt rồi. Hai đứa tôi mừng với nhau. Đối với những người rời Việt Nam lúc đó, tôi không biết là họ có đến được Thiên Đàng hay Niết Bàn hay không, nhưng tôi biết chắc chắn họ đang rời điạ ngục. Như thế là may mắn quá sức. Thoát được ai thì mừng người đó. Tôi sực nhớ đến tiếng kêu ơi ới của anh Quân trên đường Hai Bà Trưng hôm nào, và vẻ sợ sệt của những người nhà anh Quân khi tôi đến thăm.
      Tôi qua Canada năm 1995. Khi liên lạc được với bạn bè thì tôi được biết anh Quân bị bệnh Alzheimer càng ngày càng nặng. Lúc đầu lãng trí, rồi nặng dần đến mất trí. Đến năm 2001 tôi mới qua Cali lần đầu. Có người cho biết là anh Quân hoàn toàn không còn nhận biết gì cả, và nhất là rất tiều tụy, dù chị Hương đã hết lòng săn sóc. Đối với anh em chúng tôi, chúng tôi xem chị Hương là một gương hy sinh vĩ đại, đã hết lòng lo lắng chăm sóc chồng trong hoàn cảnh rất khó khăn nơi quê người. Tôi vừa muốn đi thăm anh Quân, vừa không muốn đi thăm anh Quân. Tôi muốn đi thăm vì muốn gặp lại người bạn xưa, nhưng tôi cũng không muốn đi thăm vì tôi muốn giữ trong tâm trí mình hình ảnh phong độ của người bạn xưa, chưa bị bệnh tình huỷ hoại. Tôi nói điều nầy với Nguyễn Tuấn, một người bạn thời thanh niên của tôi và cũng là cựu học sinh PCT. Tuấn nói rằng quan trọng là tinh thần chị Hương, nhưng khi gặp chị Hương, tôi không dám nói chuyện nhiều vì sợ chị buồn.
      Người mô tả anh Quân trong những ngày cuối của cuộc đời anh mà tôi nghĩ là hay nhất có lẽ là thi sĩ Trần Hoan Trinh. Trần Hoan Trinh là giáo sư Trần Đại Tăng, là thầy dạy toán của tôi vào năm tôi học Đệ Tam và Đệ Nhị C trường PCT trong hai niên khóa 1958-1960. Tôi không hiểu sao một người dạy toán khô khan mà sáng tác được nhiều bài thơ hay quá. Trong bài “Nốt trầm cuối của khúc tình ca”, Trần Hoan Trinh sáng tác khi anh Quân, lúc đó mới chớm bệnh, được gia đình đưa về thăm Việt Nam lần cuối:
Anh trở về như đứa trẻ thơ
Nhìn ngơ ngác anh em bè bạn
Năm tháng đó đã thành dĩ vãng
Có kỷ niệm nào trở lại trong tim?

Anh trở về đôi mắt bơ vơ
Vai nặng trĩu nỗi buồn trần thế
Còn nhớ không “Khúc tình ca xứ Huế”
Lời tự tình một thuở thanh xuân?

Anh trở về thành phố quê hương
Con sông đó hoàng hôn rơi ngơ ngẩn
Ngôi trường đó một thời diễm mộng
Trong cơn mê có thấy lòng buồn?

Anh trở về mái tóc pha sương
Vầng trán lạnh, nụ cười xa vắng
Bỏ lại đàng sau âm vang cuộc sống
Hồn như mây một buổi trời chiều

Tôi nhìn anh lòng nghe quạnh hiu
Tiếc một kiếp tài hoa bạc mệnh
Thôi hãy bình yên! Cũng đành số phận
Trần gian nầy ai dễ trăm năm! 


Chỉ thương mình đã mất tri âm!
 
    Người tri âm đó, hôm nay đã thực sự ra đi vĩnh viễn. Đúng hơn, không phải anh ra đi, mà anh trở về, như lời người xưa đã nói “Sinh ký tử quy”. Trong bản nhạc làm anh nổi danh, anh đã từng thổ lộ:
Ai ra đi đành quên ngày xưa đẹp sao?
Bên ven sông còn nguyên màu hoa chiều nao
Trăm năm vẫn vẹn thề nối lại vạn nhịp cầu
Xa nhau lòng thương nhớ mãi về đẹp lòng nhau
Qua không gian thời gian đẹp như ngày xưa
Mắt trong xanh và tóc vẫn mây mùa thu
Hôm nao nắng vàng về bướm lượn nhạc rộn ràng,
tâm tư mình phơi phới đến mùa hẹn cùng sang...
      Và anh mơ ước sẽ có ngày:
Về miền có nắng hạ giữa mùa thu
Về miền mây khắp trời giữa mùa xuân
Về miền thơm ngát mùa hoa yêu thương
  
     Tôi không biết rõ Trần Đình Quân viết bản nhạc “Cám ơn” khi nào, mà hôm nay tôi coi như lời từ biệt của anh trước khi anh trở về. Anh muốn cám ơn người đời về tất cả những điều người đời đã làm cho anh. Tuy nhiên, không phải chỉ có anh xin cảm ơn người đời, mà chúng ta phải xin cảm ơn anh. Chúng ta xin cảm ơn anh, người từng hát… tuổi thơ chắp cánh bay rồi cuộc đời còn lại… người từng nói… dù cho nắng sớm chiều mưa tình vẫn như ngày nào… người từng nhớ… dừng chân giây phút bên trời tìm về kỷ niệm… người từng khóc… buồn vui xin giữ cùng nhau giọt nước mắt lần đầu…
       Và như anh hát “Mai tôi đi rồi xin để lại đây, xin để lại đây tiếng nói với tiếng cười…”. Chẳng những anh để lại cho chúng ta tiếng nói với tiếng cười, mà anh còn để lại cho nhân gian cả những bài hát đầy ắp tình người, mà anh một lòng tin tưởng “một mai giông bão qua rồi, tình người còn lại…”. Vâng, xã hội nầy rất cần và rất mong tình người còn lại, anh Quân ơi! Xin chúc anh an lạc trên miền vĩnh cửu, nơi đó chắc chắn mãi mãi là “miền thơm ngát mùa hoa yêu thương”.
Vĩnh biệt Trần Đình Quân!
Trần Gia Phụng
(Toronto, tối 22-9-2003)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét