Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

560. THỨ BA HỌC TRÒ



      Khi nói về học trò, nhất là sự nghịch ngợm của chúng, người ta thường dùng câu nói cửa miệng: “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Tất nhiên, tùy theo hoàn cảnh giao tiếp, giọng điệu mà câu nói đó có sắc thái biểu cảm, có hàm ý khác nhau, nhưng phần lớn vẫn nghiêng về chê trách.


      Với tôi lại khác. Tôi hiểu câu ấy theo nghĩa thương cảm. Thương thứ nhất, thứ nhì là vì quỷ ma chưa giải được nghiệp nên cứ quay cuồng trong cõi âm. Thứ ba là thương các học trò. Thương học trò ngày xưa tầm chương trích cú, gò lưng đọc văn sách, thi thư mong đỗ đạt ra làm quan. Họ mỏi mòn vì ba năm mới mở một khoa thi. Thương học trò ngày nay, học ngày học đêm học thêm giờ nghỉ, khi kiếm được mảnh bằng thì đấm cửa công ty, cửa công ty vẫn im ỉm đóng! 


      Làm sao mà không thương cho được khi đọc bài viết Ước gì con tôi không phải đi du học… của  một phụ huynh tên Nguyễn Anh Thi. Bài viết là tấc lòng của một người mẹ thương con nhưng lại là sự trăn trở về thực trạng giáo dục Việt Nam.

      Trong bài viết, người mẹ ấy thương con mình phải học ba ca, cả sáng, chiều và tối, từ học chính khóa đến học thêm. Giờ làm việc của một đứa bé thành ra từ 6h sáng đến 10h đêm; lại phải học tập trong môi trường không công bằng do một số thầy cô giáo, phụ huynh và xã hội tạo ra. Chính sự tiêu cực ở môi trường học đường này đã biến những đứa bé thành lọc lõi và tìm ra cách đề phòng để sống sót. Và khổ nhất là phải quay quắt trước sự thay đổi xoành xoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hầu như tháng nào, thậm chí chỉ cách nhau vài ngày lại thấy một sáng kiến, một thay đổi không lớn thì cũng cỡ vừa ảnh hưởng đến mọi cấp học từ Bộ Giáo dục hay Sở Giáo dục địa phương.

      Tâm sự của người mẹ trên cũng là tâm sự của bao phụ huynh khác, trước tình trạng không ổn định của chiến lược giáo dục Việt Nam. Không chỉ phụ huynh mà ngay cả học sinh cũng đầy những trăn trở. Có em gặp và hỏi về đổi mới thi cử hiện nay. Chỉ nói riêng về sự vội vàng áp dụng cũng tạo ra sự hoang mang cho học sinh rồi. Mới bàn đó, mới công bố ngày 9 tháng 9 đó, đã áp dụng vào kì thi Trung học phổ thông Quốc gia vào trung tuần tháng 6 năm 2015. Có em thì bảo, chúng em đứa nào cũng chuẩn bị các môn theo khối đại học mà mình chọn, bây giờ phải chạy đôn chạy đáo học thêm các môn khác. Chẳng hạn, lỡ theo khối A, bây giờ phải học thêm văn, ngoại ngữ. Có em bảo, không biết học theo ban tự nhiên, khoa học xã hội có ích gì với việc thi ba môn bắt buộc và một môn tự chọn trong kì thi này không? Lại thị cụm này cụm kia nữa. Cụm do trường đại học tổ chức cho học sinh muốn thi CĐ, ĐH; cụm do địa phương, Sở GD&ĐT tổ chức cho nhưng ai chỉ muốn tốt nghiệp (nhưng nếu có nguyện vọng học đại học cũng được xét!). Nghe rạch ròi nhưng à uôm lắm, nghe công bằng nhưng chia phân nặng nhẹ khác nhau. Chia như vậy thì đâu còn một kì thi chung quốc gia, văn bằng giá trị ngang nhau. Tại sao không thi chung tất cả. Đỗ rồi, ai muốn vào CĐ, ĐH thì vào, ai không thì chọn con đường khác. Có em bảo, xét đỗ dựa vào kết quả học tập năm mười hai nên mấy ngày này phụ huynh đều cho con học thêm với các thầy cô đứng lớp hết! Rối cả lên!

      Nghe mà nẫu cả ruột. Đúng là học trò phải thương thứ ba, xếp theo thứ tự ưu tiên. Các em phải được phát triển tận độ năng lực người, vậy mà học hành như thế làm sao phát triển được. Các em là người, con người nói như nhà văn M. Gorki đã viết: Phải kính trọng con người. Đừng thương hại nó. Và quan niệm trong câu cách ngôn La-Tinh: Tôi là con người, cho nên tôi không coi những gì thuộc về con người là xa lạ với tôi. Đó là những lời khuyên minh triết, sáng đẹp như chân lí. Vậy mà, con người là một phép thử làm sao không thương.


      Hoàng Dục


      18-9-2014


      ________


 



 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét