Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

559. TRẦN ĐÌNH QUÂN VÀ KHÚC TÌNH CA XỨ HUẾ

HD: Nhân ngày giỗ lần thứ 11 của thầy Trần Đình Quân, thầy Trần Đại Tăng gửi tặng mình bài viết này.Và được phép của thầy, mình đăng lên đây để tưởng niệm một người thầy tài hoa của trung học Phan Châu Trinh ngày ấy. 
TRẦN ĐÌNH QUÂN và KHÚC TÌNH CA XỨ HUẾ 
Trần Hoan Trinh 
Kỷ niệm 11 năm ngày mất
của TRẦN ĐÌNH QUÂN (22.9.2003-22.9.2014 ) 
Mến tặng chị NGUYỄN THỊ HƯƠNG
và 2 cháu TRẦN ĐÌNH DUY, TRẦN THỊ NAM PHƯƠNG 
                                             Mùa hè 1964.
Thầy Trần Đình Quân
Chiếc xe đò Phi Long sơn hai màu vàng đỏ chạy đường Đà Nẵng-Qui Nhơn rời bến  tại ngả năm Phan Châu Trinh–Hoàng Diệu đúng 5 giờ sáng một ngày thứ bảy. Trần đình Quân, Nguyễn Thanh Trầm và tôi được điều động vào chấm thi Tú Tài I tại Hội đồng thi Qui Nhơn. Mặc dầu được Phòng Tài vụ Toà thị chính Đà Nẵng cấp phương tiện di chuyển bằng máy bay, nhưng  máy bay Đà Nẵng-Qui Nhơn tuần chỉ có 2 chuyến, thứ Hai và thứ Năm. Đi vào ngày thứ Hai thì quá trễ, ngày thứ Năm thì quá sớm. Chúng tôi rủ nhau đi bằng xe hơi cho vui.

  Chiếc xe đò 2 màu  vàng đỏ của hãng xe Phi Long  băng băng qua các con đường thành phố còn yên ngủ: Phan Châu Trinh, Hùng Vương, Thống Nhất, rồi bon bon chạy dọc theo Quốc Lộ số Một. Hai bên đường, những hàng cây xanh còn mờ mờ hơi sương, không khí ban mai trong vắt và se se lạnh. Thuở ấy dân Đà Nẵng chưa đông, nhà cửa chưa san sát chất chồng như bây giờ. Tất cả yên tĩnh, chỉ có tiếng động cơ xe rù rù.  Trần Đình Quân dành ưu tiên ngồi chễm chệ trên chiếc ghế trước đầu xe, bên phải tài xế. Tôi và Trầm phải nhường thôi, ngồi ở hàng ghế sau lưng. Tôi đang vo tròn một ý thơ vừa xuất hiện trong trí, Trần Đình Quân đang lẩm nhẩm một khúc nhạc đắc ý nào đó, Trầm thì nhắm mắt ngã lưng vào thành ghế, cố tìm lại giấc ngủ dở dang. Đến cầu Bà Rén, chiếc xe đang ngon trớn  bỗng chao qua trái, chao qua phải, lại chao qua trái, rồi chao qua phải lại, tông mạnh vào lan can cầu  rơi tòm xuống sông. Hình như tôi đã bất tỉnh bởi cú chạm mạnh lần sau và chỉ  tỉnh lại khi nước sông mát lạnh thấm vào người. Từ từ, tôi đưa tay vin vào cửa sổ xe, níu chặt khung cửa và định nhoài người ra, leo lên. Tay tôi đã được một người nào đó cầm lấy và kéo lên khỏi mặt nước. Mùa hè nên nước con sông Thu Bồn  rất cạn, chiếc xe chỉ chìm quá trần khoảng một gang tay. Tôi đứng yên trên trần xe, nhìn quanh. Ba bốn chiếc đò của dân địa phương đang loay hoay quanh chiếc xe bị nạn. Mấy chiếc va-li hành lý nổi bập bềnh, dần trôi giạt ra xa. Tôi leo lên một chiếc đò, cố vớt va-li của Quân trước vì nó gần hơn rồi mới vớt va li của mình. Trần Đình Quân đã bơi vào bờ, đang nằm dài trên bãi cát bờ sông, mặt anh đầm đìa những máu. Anh đã phóng ra ngay khi xe rơi xuống nước  nên hứng trọn mảnh vụn của kiếng xe văng tung toé vào mặt, vào người. Bình thường anh chầm chậm, uể oải, nhưng có việc gì thì sẽ nhanh như sóc, tính anh vẫn vậy. Anh không mở mắt, bảo tôi: tìm hành lý cho tau với. Nghe tôi nói đây rồi, anh chỉ nhướng mắt một chút rồi bảo: lau mắt tau chút, nhè nhẹ thôi. Tôi làm theo lời anh. Mặt anh bị cày sướt, tai rách, môi rách, mắt sưng vù. Có hai chiếc xe của hãng Phi Long đến hiện trường chở hành khách trở về lại Đà Nẵng.  Trầm chỉ bị thương nhẹ nên theo các xe đó về trước. Trần Đình Quân phải nằm xe cấp cứu  về bệnh viện ĐN, thuở ấy còn đặt tại đường Hùng Vương. Tôi về theo anh. Suốt trên xe, anh kéo chân tôi lại và gối đầu lên đó. Đuổi ruồi giúp tau. Tôi  đuổi.  Lau máu nơi mắt trái một chút. Tôi lau. Quân như vậy đó, ưa điều khiển, ưa người khác săn sóc mình, ưa người khác làm theo ý mình. Ưa được vỗ về. Chuyến đó anh phải nằm bệnh viện mất một tháng. Tôi còn nhớ cô y tá săn sóc cho Trần Đình Quân khi đó rất đẹp, tên Hường, một người đặc biệt ái mộ và mê nhạc của anh.Tôi thì ra về đi chơi tỉnh bơ, ai cũng ngạc nhiên. Trong tai nạn này, có hai người chết.

Thầy Trần Đình Quân và Thầy Trần Đại Tăng
Tôi và Quân có rất nhiều kỷ niệm. Đó là một trong những kỷ niệm sâu đậm nhất. Tôi chơi rất thân với anh hồi hai đứa còn độc thân.  Mỗi lần về Huế, về thăm nhà mình ở Vỹ Dạ xong là tôi đến nhà anh ở thượng thành liền. Hai đứa cứ kéo nhau đi lang thang mấy con đường của thành phố, khi vào Hồ Tịnh Tâm ngắm hoa sen nở, hương thơm ngây ngất, khi thơ thẩn cùng nhau đứng tựa vào lan can cầu Trường Tiền, nhìn về phía thượng nguồn sông Hương mây trắng sương mù bao phủ, nhìn về phía Vỹ Dạ những hàng tre lả ngọn, cao vút, đong đưa. Cồn Hến một màu xanh ngắt, một làn khói chiều lan rộng  ảo ảo mơ mơ, những chiếc thuyền con bập bềnh trên nước. Xa xa bến Thừa Phủ đò ngang qua lại vội vội, vàng vàng, gió thổi lồng lộng, những tà áo trắng thướt tha, gió in thân hình tròn lẵn như khêu gợi, như mời mọc, thả lòng thanh xuân cho ngây ngất, đắm say , thấy thương yêu vợi vợi, khôn cùng... Ở Đà Nẵng, anh Trần Ngọc Quán, chủ Tiệm sách Sông Đà, có cho tôi  thuê một phòng nhỏ, tại đường Tiểu La, bên cạnh Cổ Viện Chàm Đà Nẵng, sát với con sông Hàn thơ mộng. (ngôi nhà này bây giờ đã được đập bỏ, để kéo dài con đường Bạch Đằng lên tận Bến Đò Xu). Mỗi lần không có giờ dạy, Quân đều đến tôi chơi, nhiều khi ở lại luôn, nghe nhạc, đọc báo, rồi theo tôi đi ăn cơm tại các tiệm Thời Đại, Lâm Ký,… trên chiếc xe Vespa Ý Piagio màu xanh nhạt của tôi hồi ấy. Tôi để ý, ngồi  đâu anh cũng với ngay cây đàn. Bao giờ trên tay Quân cũng có cây đàn. Cây đàn không rời anh nửa bước. Gảy vài đoạn nhạc, hát khẽ vài câu, rồi mới ngủ, rồi mới ăn. Ngủ dậy lại ôm đàn ngay. Chúng tôi hay đi coi thi chấm thi cùng nhau: Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Qui Nhơn, Sài Gòn, Phan Thiết… Tôi trọ khách sạn thì anh cũng trọ khách sạn, tôi ở ngay trong trường thi thì anh cũng vào đó ở. Từ khi lập gia đình, thân thiết giữa tôi và anh có giảm đi. Tôi mải mê với chuyện mở cua dạy thêm dạy kèm, dạy luyện thi... Mở lớp Toán nào ra đều được học trò ghi tên xin học đông đảo không ngờ. Lớp học khi nào cũng đông nghẹt... Dạy sáng, dạy chiều, dạy tối, liên tu bất tận, nhiều khi mệt đến thở không ra hơi, mà vẫn cứ ham. Thời gian này Quân lại mê say với hoạt động DU CA. Áo nâu quần nâu đi đây đi đó ca hát. Anh có một số bạn mới thân thiết: Đỗ Viết Lê, Nguyễn Ngọc Thanh, Lê Quang Mai, Tôn Thất Lan …, vì vậy chúng tôi rất ít gặp nhau. Cho đến khi Quân lập gia đình, anh mua một ngôi nhà nhỏ trong Khu cư xá Cao Thắng cạnh nhà  tôi, cách nhau chỉ khoảng 10 m, khi đó chúng tôi mới hay đến nhà nhau lại, thăm viếng, hàn huyên.

   Trần Đình Quân tuổi Mậu Dần (1938), mặc dù trong khai sinh ghi là 1939. Thân phụ là cụ Trần Đình Dần, người làng Tam Đa, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (bây giờ là Hà Tây). Thuở trai trẻ, cụ ở Hà Nội, làm việc tại toà soạn Báo TIẾNG DÂN của cụ Huỳnh Thúc Kháng.  Khi tờ báo này bị đóng cửa, cụ chuyển vào Huế,  hoạt động cách mạng một thời gian, với chức vụ Ủy Viên Kinh Tế Xã.  Không thoát ly ra Bắc, cụ ở lại Huế  làm cho tờ báo TIẾNG DÂN của Võ Như Nguyện. Thân mẫu là bà Bùi Thị Uyển nổi tiếng nhan  sắc một thời, người làng Mỹ Xá, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Khi hai ông bà gặp nhau, ông đã có một đời vợ, bà đã có một đời chồng. Ông có một đứa con riêng: Trần đình Trung. Hai người có ba người con chung: Trần Đình Quân, Trần Thị Mai Hoa, Trần Thị Hồng. Trần Đình Trung thương yêu lắm những người em cùng cha khác mẹ của mình, luôn luôn săn sóc đỡ đần mọi chuyện. Lúc trẻ, Trần Đình Trung rất mê say với cách mạng, đã có lần bỏ học lên chiến khu. Bị bắt, bị tù, được thả ra, trở lại đi học tiếp. Sau là Trung Tá QĐVNCH, tử trận năm 1972 tại mặt trận Pleiku. Trần Đình Quân thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ  lãng mạn của bên ngoại. Lúc 6, 7 tuổi đã rất mê âm nhạc. Hồi đó có rất nhiều đoàn văn công về hoạt động ở quê ngoại làng Mỹ Xá. Mỗi khi có đoàn nào đến là gia đình không thấy mặt Trần Đình Quân đâu cả. Anh bám riết theo đoàn, theo các văn nghệ sĩ của đoàn, nhìn họ sinh hoạt, nhìn họ tập ca tập múa, say sưa không chán.
    Bà mẹ vốn có máu nghệ sĩ trong người, không lấy thế làm buồn, luôn luôn che chở khuyến khích con trai, mặc đi sớm về khuya thoả thích. Cậu nhỏ hồi đó thuộc làu làu các bài ca cách mạng, về nhà là TRẦN ĐÌNH QUÂN & TRẦN ĐẠI TĂNG (196) hát oang lên. Năm 1951, Quân được cho lên Huế học, trú tại Gia Hội. Anh theo học 4 năm Trung học Đệ Nhất Cấp tại trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Du. Anh là một học sinh giỏi và luôn luôn là người tổ chức mọi sinh hoạt văn nghệ cho lớp, cho trường nên rất được các thầy cô bạn bè yêu mến. Về nhà, tay anh không khi nào rời cây lục huyền cầm. Say sưa. Cuồng nhiệt. Năm Đệ Tam anh vào học Quốc Học cho đến khi tốt nghiệp Tú Tài (1958). Thuở đó, Huế vừa có trường Đại Học, nhưng anh chiều ý gia đình, vào học tại Sài Gòn, ở tại nhà anh Trần Đình Trung của mình, để giảm bớt gánh nặng cho ba mẹ. Anh thi vào trường Đại Học  Sư Phạm, ban Việt Hán B, khi tốt nghiệp (1961)  được bổ về dạy tại trường Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Năm 1965, Quân và một số thầy cô PCT vì phê phán những phát biểu thiếu trách nhiệm của bác sĩ T.N.N, Tổng trưởng Giáo Dục hồi đó, nên bị gọi nhập ngũ. Anh tốt nghiệp Khoá 25 Thủ Đức và được biệt phái về dạy lại tại PCT. Năm 1971, anh xin chuyển qua làm Quản thủ Thư viện, rồi được cử qua Úc tu nghiệp 2 năm về thư viện. Về nước anh lập gia đình, hoạt động Du ca, sáng tác, dạy học, cho đến 1975 thì  đi học tập cải tạo. Anh thuộc diện buộc đi kinh tế mới, nên bỏ vào Sài Gòn. Vào đó, chính quyền địa phương cũng yêu cầu ra khỏi thành phố. Anh vượt biên năm1986. Qua Úc ở một thời gian rồi tiếp tục qua Mỹ, trú tại bang California. Anh mắc bệnh Alzheimer, gia đình chỉ phát hiện được khi bệnh đã trầm trọng, đi làm hay đi đâu đó nhiêù khi anh quên cả lối về.
  Chàng trai đa tình tài hoa lắm mơ nhiều mộng Trần Đình Quân có một đời tình rất phong phu. Ngoài mặt anh có vẻ lãnh đạm khắc khổ nhưng trong hồn dạt dào tình cảm. Anh có vẻ lạnh như băng sơn, nhưng đúng khi đúng lúc sẽ ào ào như hoả diệm sơn ngùn ngụt. Học trò vừa mến anh, vừa thích anh nhưng cũng vừa sợ anh. Vừa muốn gần nhưng cũng muốn tránh. Anh đang vui cười đùa giỡn đó nhưng phút chốc có thể cay đắng ngay, mỉa mai ngay. Khi nào ngọt ngào thì anh hay sử dụng tiếng Huế, khi châm chích thì lại nói giọng Bắc. Anh sống thiên về nội tâm. Anh có nét duyên thầm, có sức lôi cuốn mãnh liệt người khác, mặc dù anh không đẹp trai lắm. Da anh tai tái, đầu tóc lơ thơ, vì kinh qua một cơn đau thương hàn trầm trọng suýt mất mạng. Anh có nhiều mối tình vừa đẹp vừa cay. Anh có lắm say sưa vừa rất dễ thương nhưng cũng nhiều khi đáng trách. Nghệ sĩ mà. Một chút gió đã như  bão, một chút rung động đã như địa chấn. Anh suy nghĩ quá nhiều. Phải chăng đó là mầm mống căn bệnh Alzheimer của anh về sau? Tôi có nghe  kể vài chuyện tình thời trai trẻ của anh. Có thể chỉ là những mối tình học trò đơn phương đẹp nhưng nhẹ như gió thoảng mây bay. Có thể là mối tình  sâu đậm, thắm thiết. Ai biết được. Chỉ có điều chắc chắn là những bóng dáng tình yêu này đã tạo ra nguồn cảm hứng dạt dào để Trần Đình Quân viết nên những khúc tình ca trữ tình, chan chứa, đắm say lòng người... Và  tôi cũng xin phép chị NGUYỄN THỊ HƯƠNG,  đó nghe!  Không phải Chị, lần về thăm quê hương 1996, Chị đã bảo tôi là người thương yêu TĐQ nhiều nhất đó sao? Trong niềm thương yêu đó, tôi xin chị cho phép nói năng “lung tung” một chút, cho đỡ nhớ, cho đỡ buồn. Bằng lòng nghe chị HƯƠNG! Cả 2 cháu  TRẦN ĐÌNH DUY và NAM PHƯƠNG nữa. Có gì làm Chị và 2 cháu không vừa ý, xin tha thứ. Chúng ta bây giờ ai cũng đã 60, 70 cả rồi, có nhắc lại kỷ niệm cũ cũng chỉ để nhớ nhau, thương nhau thêm mà thôi!
    Đi vào Thành nội Huế, từ cửa Thượng Tứ, rẽ phải,  theo con đường Nguyễn Thành, dọc  bờ thành một quảng khoảng 200m (bây giờ có Quán Cà Phê NGÕ HẠNH), leo một bậc cấp gồm những tảng đá xếp vào nhau, trèo lên thượng thành, có hai gian nhà sát nhau, vách gỗ mái tranh, gian bên trái là nhà Trần Đình Quân, gian bên phải là nhà LÊ THỊ HIÊN, vợ thầy TRẦN ĐÌNH THANH LAM sau này. Hai gian nhà chung một sân rộng mặt tiền, có một giàn hoa bất tử màu tím, hoa nở quanh năm, phía sau nhìn vói xuống là hồ sen hương thơm ngào ngạt, nhìn ra xa xa con sông Hương lặng lờ uốn khúc, như thật như mơ, huyền ảo, trữ tình. Đó là nhà TĐQ ở hồi anh sáng tác bài KHÚC TÌNH CA XỨ HUẾ, khoảng 1958. Bài nhạc này lúc đầu được đặt tên là NIỀM THƯƠNG XỨ HUẾ, tên tác  giả là TRẦN ĐA MỸ (chứ không phải Trần Đại Mỹ). Đa là Tam Đa, quê nội, Mỹ là Mỹ Xá, quê ngoại. Đến năm 1961, ca sĩ Duy Khánh vào gặp Trần Đình Quân tại trường PCT, đề nghị xuất bản, bài hát ấy mới được đổi tên thành KHÚC TÌNH CA XỨ HUẾ. Ca sĩ  Duy Khánh bảo QUÂN, tên anh hay như vậy thì lấy biệt hiệu làm chi, vì vậy Q mới ký tên TĐQ vào bài hát. Người hát bài hát này đầu tiên là một cô gái  trẻ đẹp của đất Thần Kinh lúc đó, DẠ ÁI.  Với bài hát này, được TĐQ luyện tập tận tình, DẠ ÁI đã đoạt giải quán quân trong Kỳ Thi Tân Nhạc do đài Phát thanh Huế tổ chức. Thuở đó, đi khắp phố phường xứ Huế, bãi sông, bến chợ, rạp hát, rạp ciné, quán trà, quán cà phê, tiếng hát DẠ ÁI với NIỀM THƯƠNG XỨ HUẾ thánh thót, nỉ non ngậm ngùi ru lòng người bâng khuâng, man mác...
Nhớ Huế xưa dập dìu tài tử giai nhân! Non xanh nước biếc cảnh đẹp người xinh. Dòng Hương Giang lặng lờ giăng mơ dệt mộng. Thành quách cung điện nội thành rêu phong trầm mặc. Cầu Trường Tiền lung linh bóng nước, 6 vài 12 nhịp mờ mờ trong sương sớm, huyền ảo trong nắng chiều, bước ai về thả tóc gió bay bay cho vấn vương cho quyến luyến! Những đêm trăng vàng ma quái, huyền hoặc, liêu trai! Khách đa tình mê man say đắm, thi nhân có những vần thơ tuyệt tác, nhạc sĩ có những nốt nhạc tài hoa… 
Chiều nay ai có về miền thùy dương
Về miền có nắng hạ giữa mùa thu
Về miền mây khắp trời giữa mùa xuân
Về miền thơm ngát mùa hoa yêu đương
Nam Giao đăm đăm mắt lặng nhìn  
Tóc bềnh bồng Bến Ngự chiều nay ai mong gió lên
Xa xôi âm vang tiếng cười hiền
Trên đường về hoa nở đẹp môi cười nhớ mãi không quên…

( Khúc tình ca xứ Huế ) 
Những đêm Văn nghệ các trường Quốc Học, Đồng Khánh, Đại học Huế,… góp phần làm cho thành phố thêm Đẹp thêm Thơ! Giai nhân nào đã là nguồn hứng cho chàng nhạc sĩ  trẻ đa tình đa cảm?
    Có phải là giai nhân đóng vai thiếu nữ trong Hoạt cảnh SERENATA đẹp tuyệt trần, phủ phục dưới chân chàng nhạc sĩ Tây phương đang ôm cây vĩ cầm thả rơi từng tiếng nhạc thánh thót, hoang đường, trong đêm Văn nghệ năm nào tại trường QUỐC HỌC?
    Hay là giai nhân đóng vai TÂY THI  trong vở nhạc kịch BẾN NƯỚC NGŨ BỒ, tóc thả dài như liễu rủ mây bay, xiêm y thướt tha hư hư ảo ảo, buồn vợi vợi như trăng như sao, trong đêm Văn nghệ ở trường ĐẠI HỌC HUẾ  một thưở xa xưa?
    Tình yêu thanh xuân, rung động đầu đời chắc đến với Trần Đình Quân mãnh liệt, say đắm lắm nên đã khiến nhạc sĩ tạo ra những nốt nhạc huyền thoại ngọt ngào vô tả! 
Hoàng hôn rơi ngơ ngẩn hàng thùy dương
Lạnh lùng trong bóng chiều dòng sông Hương
Trường Tiền qua mấy nhịp mờ trong sương
Ngỡ ngàng khách thấy hồn buồn mênh mang

Đêm nao nghe khúc Nam bình buồn trên dòng đời xuôi ngược
Đành lãng quên bao nhớ thương
Đêm nay dư âm đang vọng về
Trên lòng thuyền nghe não nuột
Mơ hồ tiếng hát Giang Châu...

( Khúc tình ca xứ Huế) 
Hè 1963,  kỳ thi Tú Tài I, Quân và tôi được cử về Huế coi thi tại trường Quốc Học, chấm thi tại trường Đồng Khánh.  Anh trọ tại nhà người cậu, trong Thành nội. Đối diện nhà anh có một biệt thự khang trang đẹp đẽ,  kín cổng cao tường, cây xanh bóng mát. Thấp thoáng sáng chiều có bóng một giai nhân “chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,  lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa”.  Ông thầy nghệ sĩ mỗi chiều mỗi tối bắt chước Trương Chi, ôm đàn đứng bên này hát vọng sang.  Không biết cô láng giềng có biết không,  có bâng khuâng, có xao xuyến? Chỉ biết nguồn hứng lại đến với chàng nhạc sĩ, nhiều bài hát ra đời trong thời gian này, những khúc nhạc tình nỉ non, tâm sự, thề nguyền, hẹn ước: Màu chiều hay là màu mắt em tôi
Nhạc chiều hay là tiếng hát em tôi
Rừng chiều hay là suối tóc em tôi... 
(Chiều xưa nhạt nắng) 
Còn trong tay anh bờ vai người yêu
Còn trong mắt em màu nắng ngã chiều
Còn trong tim ta bao nhiêu tình ái… 
(Còn trong tim ta) 
Tôi muốn nói với người
Tất cả lời yêu thương
Từ bao lâu ngại ngùng
Từ bao lâu thẹn thùng...

 (Ngõ ý) 
Có lần cô em gái MAI HOA nói với anh : “…đẹp quá ! Lấy đi !” Anh chỉ yên lặng không nói.  Con chim xanh vẫn bay đi chưa muốn đậu.  Chàng nhạc sĩ lại ôm đàn đi hát rong một mình! 
Còn nhớ gì không
Còn nhớ gì không
Nhìn em như nhìn một vùng tương lai buồn
Nhìn em như nhìn vùng quá khứ chẳng vui
Dấu xưa chưa nhòa
Mùa hạ mây bay đầy trời
Và vầng trăng trên vai người
Xin để mình tôi yêu người mà thôi... 
(Những ngày mùa hạ trở về ) 
Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ! Năm anh qua nghiên cứu về Thư Viện tại ÚC,  tôi nghe nói anh cũng có một mối tình say đắm ở đây. Không biết có đúng không hay chỉ là huyền thoại dành cho chàng nhạc sĩ tài hoa!
Năm học1968-1969, trường Phan Châu Trinh được tách hai. Học sinh nữ phải qua học tại trường Trung học Nữ HỒNG ĐỨC mới được thành lập. Một số thầy cô PCT được mời dạy thêm giờ tại trường Nữ đó, trong ấy có TĐQ. Lớp học lặng lờ, thời gian lặng lờ, tiếng thầy giảng Kiều khi trầm  khi bỗng, khi tuông trào ngọt ngào êm ái nũng nịu như tiếng đàn Kiều đàn cho Kim Trọng nghe, khi thổn thức ngậm ngùi đắng cay  như tiếng đàn cho Hồ Tôn Hiến.  Có một đôi mắt cuối lớp cứ nhìn lên thầy len lén. Cô nữ sinh trong màu áo trắng tinh khôi, thơ ngây làm sao, hiền dịu làm sao, bỗng thấy mình bâng khuâng trước vẻ ngang tàng lãng tử của người nhạc sĩ mình hằng trọng vọng. Lần này thì tình yêu đến với Trần Đình Quân đến nơi đến chốn, có đầu có đuôi. Hai người trở thành vợ chồng chính thức. Đám cưới đượccác anh ĐỔ VIẾT LÊ,  NGUYỄN NGỌC THANH,  TÔN THẤT LAN,  LÊ QUANG MAI  và đoàn  DU CA ĐÀ NẴNG đứng ra tổ chức,  đơn giản, thân tình, đậm tính nghệ sĩ.  Đám cưới vắng mặt chú rể,  vì một trở ngại, từ Uc không về kịp.  Cưới xong,  cô dâu mới khăn gói vào đón chú rể tại Sài Gòn. Trong thiếp cưới, do hoạ sĩ  ĐỔ TOÀN (người tạc tượng cụ Phan Châu Trinh hiện đặt tại sân trường) trình bày, tôi còn nhớ kỹ  mấy  câu thơ viết rất đẹp, rất bay bướm trích trong bài hát  CÒN TRONG TIM TA  của anh: 
Còn trong tay anh bờ vai người yêu
Còn trong mắt em màu nắng ngã chiều
Còn trong tim ta bao nhiêu tình ái
Tháng năm quên hết u hoài
Vì đời mình còn tương lai 
    Chị NGUYỄN THỊ HƯƠNG, bà Trần Đình Quân, người đàn bà Việt Nam dịu dàng, tình cảm, đảm đang, hy sinh, chịu đựng, đã hết lòng hết dạ săn sóc âu yếm chồng trong cơn bệnh bất trị. Người chồng bây giờ chẳng khác chi một đứa con nít, không biết cả chuyện vệ sinh cá nhân, xỏ chân vào dép cũng không được, cả ngày cứ ngồi ngơ ngơ ngáo ngáo cười bâng quơ,  nhìn bâng quơ. Chị Hương ơi, chị và hai người con, cháu TRẦN ĐÌNH DUY, cháu TRẦN THỊ NAM PHƯƠNG bây giờ là tất cả gì  còn lại duy nhất của TĐQ đó!  TĐQ có còn gì đâu ngoài chị và hai con. Bạn bè, thân thuộc thì xa quá, xa hun hút, xa mù tăm!
    Năm 1986, tôi theo phái đoàn của Sở Giáo Dục Đà Nẵng vào Sài Gòn dự một hội nghị về Phương Pháp Giảng Dạy Hình Học Không Gian, kéo dài bốn ngày. Phái đoàn có bốn người, cùng trọ tại một phòng khách của Bộ Giáo Dục, trên đường Lê Thánh Tôn. Buổi chiều bế mạc, trong khi ba người bạn rũ nhau ra phố Sài Gòn để mua sắm, mai trở về, tôi đến tìm thăm Trần Đình Quân, bấy giờ đang trú tại một căn nhà thuê ở đường Thiệu Trị, Phú Nhuận. Gặp tôi, Quân mừng ríu rít, ôm chầm lấy rồi kéo tôi ra quán cà phê đầu hẻm. Lần đầu tiên tôi thấy anh đòi hút thuốc, khi thấy tôi moi túi lấy bao thuốc ra. Thấy cách anh  cầm điếu thuốc mà buồn cười quá. Tôi biết anh đang có tâm sự gì buồn. Anh bảo tôi, đêm nay ở lại với mình đi, nói chuyện một đêm cho đã! Vì mai phải theo phái đoàn về ĐN sớm nên tôi từ chối.  Thấy tôi không nghe,  anh buồn ra mặt. Mấy lần anh định nói gì đó với tôi, nhưng rồi lại lặng yên. Tôi ngồi sau lưng bác tài xế xe ôm, anh đạp xe đi lẽo đẽo một bên. Chúng tôi không nói gì cả. Quảng đường từ Phú Nhuận về đến Nhà khách Lê Thánh Tôn đâu phải gần. Anh cứ đạp xe đi kề bên. Yên lặng. Buồn bã. Đến hông Nhà Thờ Đức Bà,  anh chào tôi,  vẫy tay rồi quay đầu chiếc xe đạp cà tàng của mình, đôi vai nghiêng nghiêng,  đạp đi vội vã. Tôi nhìn theo, thấy anh không một lần ngoảnh lại. Gia đình anh vượt biên đêm sau,  nhưng chỉ một mình anh đi lọt. Quân ơi! Tha lỗi cho tôi, thằng bạn vô tình quá. Thời thế làm bạn bè mình không tin tưởng cả nhau, không dám hé một lời tâm sự. Nếu biết mai mốt là anh đi, tôi đã thức trắng đêm với anh rồi.
     Năm 1996, với sự giúp đỡ của một số học trò cũ ở hải ngoại, chị Quân dẫn anh về thăm quê hương một lần, trước khi trí nhớ anh mất hẳn. Bệnh anh lúc đó cũng đã nặng quá rồi, anh chẳng còn nhớ chuyện gì, chẳng còn nhớ mấy ai. Anh về Sài Gòn, ra Huế rồi mới trở vào Đà Nẵng.  Cô em gái MAI HOA của anh gọi điện thoại cho tôi,  báo ngày anh rời Sài Gòn nhưng lại quên bảo đi theo tàu  nào,  S2,  S4, hay S6, S8.  Gọi điện thoại hỏi lại thì tất cả đã lên đường rồi.  Báo hại ngày hôm đó, tôi và thầy Nguyễn Văn Kính cứ chạy rong trên các tàu  S2,S4, S8,  từ toa này sang toa khác để tìm anh,  mong gặp Anh sớm.  Một oái ăm là chúng tôi đều  có giờ dạy khi tàu S6 đến ga,  không đón anh được,  thì anh và gia đình lại đi trên tàu đó.  Ngồi suy nghĩ lại,  tôi thấy mình thật lẩn thẩn: vô lẽ TĐQ khi đi ngang ga ĐN lại không ló mặt ra để nhìn lại thành phố thân thương ĐN của anh này sao,  cho dù anh bị bệnh thì chị Hương và hai người em của anh có đó,  cần gì phải đi lục lọi tìm Anh từng toa một như vậy!
Vợ chồng thầy TĐQ và v/c thầy TĐT
Khi Anh từ Huế trở vào ĐN,  chúng tôi tổ chức họp mặt vài bạn bè thân của anh, tại nhà hàng HOÀN MỸ, trên đường Pasteur. Tôi nhớ hôm ấy có vợ chồng thầy cô ĐỔ NGUYÊN-NGỌC KHUÊ, vợ chồng PHAN ĐÌNH VY-THÁI THỊ HOÀI, vợ chồng thầy NGUYỄN VĂN KÍNH-MAI THỊ  QUỲNH,  thầy LÊ LONG VIÊN,  thầy HÀ CÔNG BÊ,  cô PHAN THANH GIA LAI,  thầy NGUYỄN VĂN ĐÁO,  HUỲNH KHẢI,  HỒ DUY TRINH,  cô HỒNG CHÂU (vợ thầy NGUYỄN LƯƠNG HIỀN ), cô NỘN NGÂN,  cô MỸ HÀ,  vợ chồng TRẦN ĐẠI TĂNG-LÊ THỊ QUÝ PHẨM,… Giữa tiệc,  cả nhóm cùng hát  bài KHÚC TÌNH CA XỨ HUẾ  của anh, anh nhịp tay hát theo nho nhỏ. Tôi đã đọc tặng QUÂN bài thơ mới làm trong đêm  thức trắng vừa qua.  Bài thơ tôi định đặt tên là NGẬM NGÙI,  nhưng trên đường tới dự Họp mặt,  đi qua một quán cà phê trên đường Quang Trung, bỗng nghe văng vẳng một bài hát rất xưa mà một thời TĐQ và tôi rất thích: bài ONLY YOU ! Bài hát do ban nhạc da đen THE PLATTERS  trình bày, tiếng hát của người nhạc sị da đen chùng xuống để kết thúc bài hát: “You never know”,  tôi bỗng muốn đặt tên bài thơ mình là NỐT TRẦM CUỐI CỦA KHÚC TÌNH CA! Tôi nhớ tất cả các thầy cô trong bàn tiệc đã khóc,  cả hai mẹ con chị HƯƠNG cũng vậy, còn QUÂN thì đờ đẫn nhìn tôi!
NỐT TRẦM CUỐI CỦA  KHÚC TÌNH CA 
Anh trở về như đứa trẻ thơ
Nhìn ngơ ngác anh em bè bạn
Năm tháng đó đã thành dĩ vãng
Có kỷ niệm nào trở lại trong tim? 

Anh trở về đôi mắt bơ vơ
Vai nặng chĩu nỗi buồn trần thế
Còn nhớ không Khúc Tình Ca Xứ Huế
Lời tự tình một thưở thanh xuân ?

Anh trở về thành phố quê hương
Con sông đó hoàng hôn rơi ngơ ngẩn
Ngôi trường đó một thời diễm mộng
Trong cơn mê có thấy lòng buồn?

Anh trở về mái tóc pha sương
Vầng trán lạnh nụ cười xa vắng
Bỏ lại đằng sau âm vang cuộc sống
Hồn như mây một buổi trời chiều

Tôi nhìn anh lòng nghe quạnh hiu
Tiếc một kiếp tài hoa bạc mệnh
Thôi hãy bình yên ! Cũng đành số phận
Trần gian này ai dễ trăm năm!
Chỉ thương mình đã mất tri âm! 
    Trần Hoan Trinh
 Tôi dẫn anh đến thăm trường Phan Châu Trinh,  đi quanh sân trường, bước lên hành lang, vào ngồi trong lớp, hi vọng cảnh cũ người  xưa có làm hình ảnh nào trở lại trong trí anh không.  Anh đâu còn nhớ gì! Nói thì anh cười, chỉ thì anh gật. Nụ cười vu vơ, vô hồn.  Cái gật như cái lắc đầu ngao ngán. Anh đã quên hết thực sự rồi. Bao nhiêu vui buồn, bao nhiêu ân tình, bao nhiêu thân ái, tan vào hư vô như khói như mây. Căn bệnh Alzheimer quái ác đã làm biến đi tất cả. 
Gia đình thầy Trần Đình Quân

    Chiều tiễn anh lên tàu, đứng bên cửa sổ vẫy tay chào anh. Chị Quân bảo,  Anh Tăng vẫy tay chào anh kìa, anh vẫy tay chào lại đi. Thế là anh vẫy tay, vẫy miết, cho đến khi tàu xa hút tôi vẫn còn thấy tay anh vẫy. Tay vẫy nhưng mắt thì nhìn đâu đâu. Tôi biết lần này tôi mất hẳn anh rồi. Mất thật rồi. Mất thật rồi. Tôi ra về cúi mặt, thấy cuộc đời vắng tênh, nghe lòng dâng lên một nỗi buồn chất ngất, buồn vời vợi. 

Khoảng một năm sau, tự nhiên nghe học trò đồn ầm lên Quân đã tạ thế. Anh Đ. Ng. trước đây dạy Sử Địa tại trường Nữ Hồng Đức, bạn thân của gia đình Quân, điện thoại cho tôi, giọng run run:

-Anh biết chưa, Trần đình Quân chết rồi!

Tôi thấy như mặt đất dưới chân mình đang rệu rã, đang tan ra, đang lún xuống, người cảm thấy ớn lạnh. Mày chết rồi sao? Chết rồi sao? Sao nhanh thế? Sao vội thế? Nước mắt từ đâu chảy nhoà cả hai má. Tôi  đứng lặng đi, tâm trí như trơ cứng. Lâu lắm, tôi gọi lại cho Đ.Ng.:

- Anh nghe tin đó từ đâu? Nguồn tin có chắc không?

- Chắc! Một cô học trò của tôi vừa gọi điện thoại từ  Sài Gòn ra báo. Bạn nó ở Cali vừa phôn về. Nhưng để tôi hỏi lại xem. Tôi có mấy người học trò cũ ở gần nhà Quân bên đó.

Chiều hôm sau, Đ.Ng. phôn lại:

-Tin đúng đó anh. Người học trò tôi đã đến nhà Quân, thấy nhà đang tụ tập đông đảo lắm. Quân chết thật  rồi.

Tôi gọi điện thoại vào SàiGòn, báo cho MAI HOA và HỒNG, hai người em ruột của Quân.  Qua điện thoại, tôi nghe HOA, HỒNG  khóc nức nở. Đêm đó, buồn quá, tôi thức trọn đêm, làm một mạch bài thơ MẶC NIỆM, định mai mốt đọc trong lễ truy điệu anh mà tôi và một số bạn bè định tổ chức. 
MẶC NIỆM 
Có một loài hoa đã bặt tăm
Có một cung thương đứt đoạn đành
Có một người đi không trở lại
Có người tri kỷ đã trăm năm

Ta với ngươi cùng dạy một trường
Ta thì dạy tóan,ngươi văn chương
Ta mê thơ phú ngươi ca hát
Tiếng nhạc ngươi buồn thương vấn vương

Ta với ngươi như bát nước đầy
Khi chiều Bến Ngự sớm Nam Giao
Khi vào Thành nội nhìn sen nở
Khi đứng Trường Tiền ngắm tơ bay

Ta ở đây còn ngươi bỏ đi 
Đêm đêm nghe sóng vỗ rầm rì
Ta chừng trông thấy ngươi trôi nổi
Giữa Thái Bình Dương sóng phủ đầu

Nhớ những khi cùng ngươi chấm thi
Bãi cát Nha Trang nằm đợi đêm về
Đồi thông Đà Lạt chờ sương tỏa
Lạc giữa Sài Gòn quên lối đi

Ta ở trời đông nhớ ngươi trời tây
Đêm Ca-Li phố xá xe đầy
Ngươi có nhớ vầng trăng cố xứ
Trải ánh vàng ta ngươi ngất ngây?

Khúc Tình Ca ngươi để dở dang
Tiếng hát Giang Châu đó bẽ bàng
Ta ở bên này ta thương nhớ
Ngươi nằm bên ấy có  tang thương

Thôi cũng đành một nén hương thơm
Ta vọng ngươi hề thiên nhất phương
Hồn ta theo một loài chim nhỏ
 Bay lạc vào sương khói mịt mờ 
 Trần Hoan Trinh
Đó chỉ là tin vịt. Khi nghe Đ.Ng. xác nhận lại Quân chưa chết, tôi thấy mình chẳng vui chẳng buồn gì cả. Quân ơi! Bây giờ sống chết với anh cũng như nhau! Anh còn biết gì đâu! Ai thương, ai ghét, ai khen,  ai chê, ai cười, ai khóc. Cũng thế. Cũng thế thôi.  Anh còn biết gì đâu! Anh đã bỏ lại tất cả sân si  hỉ nộ ái ố để đắm chìm trong một cơn mê. Cơn mê bất tận của kiếp người phù du bèo bọt… Chỉ còn lại đó những giòng nhạc của anh, những giòng nhạc đam mê tha thiết một thời, những giòng nhạc chắt chiu từ tim từ óc, từ một tâm hồn luôn luôn mở rộng để ôm lấy cuộc đời. Những giòng nhạc của anh sẽ bất tử. Bất tử trong lòng bạn bè, trong lòng học trò, trong lòng những người yêu...
Cô Q.Phẩm, Mai Thị Quỳnh, v/c thầy Quân,c.Gia Lai, H.Châu
Ngày 22.9.2003 (27-8 âm lịch ) Quân tạ thế tại  California,  Hoa Kỳ.  Mấy người bạn của tôi ở CaLi  email về cho biết,  ngay khi anh vừa nằm xuống.  Lần này tôi thấy bình tĩnh lạ,  không hốt hoảng, không choáng váng  giao động như ngày nào… Tôi thông báo cho các bạn bè cũ của TĐQ  ở Đà Nẵng.  Tôi gọi điện thoại vào cho hai người em của TĐQ ở Sài Gòn.  Hai em của Q cũng đã biết tin rồi,  đang chuẩn bị tổ chức tang lễ vọng cho anh  và dự định về Huế tổ chức cầu siêu cho anh.  Tôi đến dự buổi Mặc Niệm TĐQ tại nhà anh chị Đ.Ng.,  do một số học trò cũ  trường Nữ Trung học Hồng Đức ĐN tổ chức.  Ngồi lặng nghe các em nữ  sinh,  bây giờ đã là mẹ là vợ,   nhắc lại những kỷ niệm về TĐQ,  những vui những buồn với anh một thời đã xa,  tôi thấy tâm hồn êm ả,  bình an chi lạ.  Thôi,  cho nó qua đi,  luyến tiếc làm gì ! Chuyện gì đến thì đã đến rồi! Thời gian anh  mắc bệnh  kéo dài lâu quá rồi,  sống đời thực vật vô tri vô giác thì sung sướng gì đâu! Chỉ làm khổ thêm cho vợ cho con mà thôi. 
VỖ VỀ 
Ngươi chết rồi sao ? Thôi cũng xong !
Sống như  cây cỏ cũng bằng không
Khổ con khổ vợ đày thân xác
Kéo mãi cơn mê thấy não lòng

Mệt quá rồi một cuộc trăm năm
Kẻ tỉnh người say chuyện bại thành
Rồi ra thiên cổ còn chi đó
Một nấm mồ hoang lạnh ánh trăng

Ngươi bỏ đi sao ta thấy gần
Như nghìn trùng chẳng có cách ngăn
Thấy trong hương khói đang nghi ngút
Có bóng ai về như cố nhân

Thoang thỏang trời cao tiếng hát tình
Một thời còn bạch diện thư sinh
Thương ai áo vải xanh Tư  Mã
Khuya bến Tầm Dương rượu tiễn hành

Thôi xin buồn thêm một đêm nay
Nghe tiếng đàn ngươi bên ly rượu cay
Ngày mai đập vỡ đàn, thơ đốt
Ta theo ngươi làm  mây khói bay ! 
TRẦN HOAN TRINH 
Đêm về,  tôi một mình ngồi nghe lại mấy dĩa  nhạc của anh mà tôi đã sưu tầm và còn lưu giữ : Khúc Tình Ca Xứ Huế,  Bỏ Trường Mà Đi, Xin Cám Ơn Người,  Thao thức,  Bây giờ, ... Tiếng hát ngọt ngào  tình cảm  của HÀ THANH,  tiếng hát điêu luyện  thướt tha  của THÁI THANH, tiếng hát liêu trai hoang đường của KHÁNH LY,  tiếng hát nỉ non nhẹ nhàng  của THIÊN TRANG,  tiếng hát tha thiết,  xao xuyến của ÁNH TUYẾT,  tiếng hát non trẻ thơ ngây của DẠ ÁI,… như quyện lấy  không gian, như tan trong  trong thời gian,  ru  hồn tôi vào một cõi đầy mộng đầy mơ,  ngan ngát hoa thơm cỏ lạ,  như tự tình, như dằn vặt,  như luyến tiếc, như xót xa và đầy ăm ắp kỷ niệm. 
Xin cám ơn người từng nói với tôi,
dù cho sớm nắng chiều mưa tình vẫn như ngày nào.
Xin cám ơn người từng nhớ tới tôi
Dừng chân giây phút bên trời tìm về kỷ niệm

Xin cám ơn người từng khóc với tôi
Buồn vui xin giữ cùng nhau giọt nước mắt lần đầu
Xin cám ơn người còn khóc với nhau
Một mai tiếng hát chìm sâu
Chẳng biết khóc lời nào… 
(Xin Cám Ơn Người)
Đứng: Thầy Đáo, Khải, Tăng, Bê, Kính. Ngồi: Thầy Vi, Hiến, Sơn, Trinh, Khá
Tiếng hát tan dần trong đêm,  thiết tha nức nở và buồn vô hạn,  kéo hồn tôi trôi bập bềnh,  bập bềnh... Tuổi thơ ấu.  Tuổi thanh xuân. Con đường Lê Lợi Huế hai hàng cây xanh thẳng tắp,  nắng đổ bóng lá đong đưa.  Con sông Hương uốn quanh nước chảy lặng lờ. Đêm An Cựu âm thầm.  Trưa Bến Ngự trầm tư.  Chiều tàn trên thềm Thương Bạc,  đêm lạnh trên bến Phu văn Lâu... Thành nội chiều mưa… Trường Tiền mờ trong sương sớm...  Tất cả ẩn ẩn hiện hiện,  tụ tụ, tan tan,.  mơ mơ, hồ hồ theo tiếng hát hoang đường  thổn thức… Hình như có tiếng ai đó đang thỏ thẻ nỉ non,  vuốt ve mơn trớn, khi bổng khi trầm,  xót thương cho những cuộc tình lỗi hẹn. 
Ai ra đi đành quên ngày xưa đẹp sao
Bên ven sông còn nguyên màu hoa ngày nao
Trăm năm vẫn vẹn thề nối lại vạn nhịp cầu
 Xa nhau lòng luôn nhớ mãi vẻ đẹp lòng nhau... 
 (Khúc tình ca xé Huế) 
Tiếng lục huyền cầm rời rạc,  tiếng dương cầm từng giọt rơi rơi, tiếng vĩ cầm lê thê,  tiếng sáo cao vút… Tôi rơi vào giấc ngủ từ lúc nào.  Trong mơ thấy mình biến thành một con chim yến nhỏ bay vút vào không gian mây  cuộn,  gió vần, sương giăng,  khói toả,  ngơ ngác tìm về một cõi trời vô định vĩnh cửu  bình yên. 
Thôi xin buồn thêm một đêm nay
Nghe tiếng đàn ngươi trong hơi rượu cay
Ngày mai đập vỡ đàn,  thơ đốt
Ta theo ngươi làm hơi khói bay… 
   (thơ T.H.T )   
TRẦN HOAN TRINH
BỊ CHÚ: Một số tư liệu trong bài này, tác giả viết theo lời kể của TRẦN THỊ MAI HOA, TRẦN THỊ HỒNG,   em gái của TRẦN ĐÌNH QUÂN.

2 nhận xét:

  1. http://www.hanoiparis.com/img_actu/117.jpg

    Nhạc sĩ Trần Đình Quân qua nét vẽ Danh họa Tạ Ty.




    Thôi Vĩnh biệt !
    ***********

    https://www.youtube.com/watch?v=KQgxdzxkXdY


    Tưởng niệm Thầy xưa - Nhạc sĩ Trần Đình Quân (Khúc Tình Ca Xứ Huế) Giáo sư Phan Châu Trinh Đà Nẵng




    Vĩnh biệt Khúc Tình Ca Xứ Huế

    Thể phách: Phố Sài Gòn Nhỏ lệ

    Tinh anh về Sông Hồng - Hàn - Hương

    Nơi sinh - sống - ngợi ca trần thế

    Mái trường xưa rêu phủ du ca

    Mộng triệu kiếp du tử lê thê

    Quê người đời lưu vong đất khách

    Bóng tài hoa siêu thoát hôn mê









    Nguyễn Hữu Viện




    Về Miền Thơm Ngát Mùa Hoa Yêu Thương



    http://www.hanoiparis.com/img_actu/117.jpg

    Nhạc sĩ Trần Đình Quân qua nét vẽ Danh họa Tạ Ty.









    Nhạc sĩ Trần Đình Quân qua nét vẽ Danh họa Tạ Ty.



    Về Miền Thơm Ngát Mùa Hoa Yêu Thương»

    Trần Gia Phụng (Toronto, tối 22--9--2003)



    Sửa soạn vào bữa cơm tối với gia đình, tôi nghe chuông điện thoại reo. Điện thoại đường dài, vì cắt khoảng nhiều lần. Đầu dây bên kia, Nguyễn Tuấn nói hơi chậm so với thường ngày: «Phụng ơi, thầy Quân mất rồi mi ơi!». Tuy biết anh Quân bị đau và nằm liệt giường đã lâu, nhưng tôi vẫn cảm thấy chấn động, lành lạnh, và lặng đi. Tuấn cho biết vừa mới đi làm về thì nghe cháu gái kể lại cô Hương gọi điện thoại báo tin buồn là thầy Quân ra đi lúc khoảng 2g15 ' giờ Cali. Tuấn chưa biết gì cụ thể vì chưa liên lạc được với chị Hương.



    Vội vàng cho xong cơm tối, tôi về phòng ngồi thừ một mình. Thế là một người nữa ra đi. Cách đây hơn một tháng là bà chị tôi. Sau đó đến Trần Phước Hải. Nay lại đến Trần Đình Quân. Thế hệ giáo chức chúng rơi rụng dần dần. Lần nầy lại là một người tôi rất mến mộ, một tài hoa thầm lặng.



    Tôi gọi điện thoại cho chị Quỳnh. Chị Lê Khắc Ngọc Quỳnh. Chị là bậc đàn chị của tôi ở đây. Chị về dạy trường Phan Châu Trinh năm 1957, lúc tôi còn đi học, nhưng tôi không học với chị Quỳnh. Chị Quỳnh nói: «Chừ làm răng Phụng hè! Phụng có làm phân ưu thì nhớ cho chị với nghe.» Tôi muốn gọi anh Trần Trừu, nhưng tôi không có số điện thoại của anh, thôi để sáng mai sẽ tìm. Tôi gọi chị Thu Hà. Chị Thu Hà học sau tôi vài lớp ở tường PCT, và chị học Việt văn với anh Quân năm lớp Đệ nhị, niên khóa 1962--1963. Chị Thu Hà bàn: «Mình đăng báo bên ni, ai mà đọc? Anh Phụng tìm cách đăng báo bên kia, hoặc làm vòng hoa phúng điếu, cho chị Thu Liên và tôi đóng góp với nghe.» Điều đó tôi phải nhờ người ở bên Cali nên xin sẽ trả lời sau. Tối lại, tôi i--meo cho bạn bè gần xa, những người quen biết anh Quân về tin buồn nầy.



    Tôi tìm nghe nhạc của Trần Đình Quân. Quân không có có CD riêng. Tôi chỉ có dĩa Một thời Phan Châu Trinh do Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh California phát hành nhân dịp «Lễ kỷ niệm 50 thành lập trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng» tại Orange County cuối tháng 8--2002, và dĩa Huế xưa Huế bây giờ do Hương Lan hát những bài của nhiều tác giả, trong đó bài thứ 3 là «Khúc tình ca xứ Huế», đã có trong dĩa Một thời Phan Châu Trinh.



    Riêng dĩa Một thời Phan Châu Trinh có 1 bài của thầy Hoàng Bích Sơn, 4 bài của Trần Đình Quân và 5 bài của Trần Nhật Ngân. Cảm ơn các bạn trong Hội AHCHSPCT California. Trong 4 bài của Trần Đình Quân, bài «Bây giờ» là thơ của người khác, Trần Đình Quân phổ nhạc. Ba bài kia đều là nhạc và lời Trần Đình Quân. Bài «Trên hoang tàn đổ nát» vẽ lại cảnh tang thương của đất nước sau chiến tranh, và hai bài còn lại là nhạc tình cảm.



    Bài «Khúc tình ca xứ Huế» làm cho Trần Đình Quân nổi tiếng khi còn trẻ, khi chưa rời ghế đại học. Hình như bài nầy xuất hiện năm 1958. Giống như trường hợp của anh chàng nhạc sĩ gốc Phan Châu Trinh, «có mẹt mà không có mét» Trần Nhật Ngân. (Nhật Ngân gọi tôi là thằng «Quảng Nam đặc sệt». Tôi gọi Nhật Ngân là thằng «có mẹt [mặt] mà không có mét [mắt]». Ai muốn biết vì sao, thì gặp anh ta là biết liền. Còn chị Liên Hương ở Cali thì gọi Nhật Ngân là ông «Giật Gân».) Ngân nổi tiếng ngay khi mới 18 tuổi với bài «Anh đưa em sang sông».

    Trả lờiXóa
  2. ĐỌC TIẾP TẠI :

    http://www.hanoiparis.com/construct.php?page=actutxt&idfam=5&idactu=117

    Trả lờiXóa