Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

562. HÀ GIANG GHI CHÉP (TT)

  2. Tam Đảo, phía mặt trời lên
Cửa vòm Nhà thờ đá Tam Đảo
      Tôi mở toang cửa sổ. Phía xa xa da trời còn mờ trắng. Sương như vờ vịt tản mác đó đây. Những núi đồi và những ngôi nhà còn lấp ló sau bức màn sương nhạt. Chỉ có những giàn su su thấp màu xanh bợt lồ lộ trước mặt. Tất cả yên ả trong cái se lạnh của một rạng sáng chốn núi non.

      Tôi chợt thấy lòng trống rỗng, một sự trống rỗng rất yên bình. Lặng ngắm cảnh xa cảnh gần, mới thấy cô Hương chọn Nhà khách Báo Nhân Dân để cả nhóm nghỉ ngơi quá hợp lí. Nghe nói nhà khách này nằm “ngất ngưởng” hơn các khách sạn khác. Cái “ngất ngưởng” của nó giúp khách trọ cũng có thể ngất ngưởng, lia cái nhìn thu toàn cảnh Tam Đảo vào tâm trí để cảm nhận cái đẹp hùng vĩ mà thơ mộng, tịch mịch mà huyền ảo của thiên nhiên nơi đây. Từ đó, thấy cảm phục sức liên tưởng, tưởng tượng kì thú của người xưa khi đặt tên cho dãy núi đá ở vùng Đông Bắc Việt Nam này là Tam Đảo. Ba ngọn núi Thạch Bàn, Thiên Thị và Máng Chỉ (một tư liệu khác gọi Máng Chỉ là Phù Nghĩa?) nhô lên khỏi tầng mây giăng mắc như ba hòn đảo chùng chiềng giữa biển phù vân xám bạc. Cái tên gọi như thế vừa khơi gợi chất thơ vừa gợi nét “thiên thai thoảng gió mơ mòng” đầy gọi mời.
      Lấy máy ảnh, nhoài ra ngoài khung cửa, chụp mấy tấm ảnh. Sau màn sương mỏng kia là hướng đông, hình như hướng ấy là Bắc Giang, Hải Dương, là… xa lắc biển khơi. Tiếc quá! Không thấy mặt trời. Nếu không sẽ có được những bức ảnh ấm hồng của một Tam Đảo bình minh. Mà thôi. Người ta bảo Tam Đảo có khí hậu của Đà Lạt, Tam Đảo có bốn mùa trong một ngày. Sao có thể bắt mùa xuân trong ngày của Tam Đảo lúc tảng sáng thay dáng thay hồn. Cứ để cho thiên nhiên sống đời của nó. Cứ để cho Tam Đảo mãi là chính mình.
xa xa là đền Mẫu
      Tôi xuống tiền sảnh của nhà khách và bước ra đường. Những sợi sương mỏng mảnh quấn quýt chân tôi như đùa giỡn trước khi giã từ. Khác với khi đặt chân lên đây. Bóng tối sụp xuống. Sương áp sát vào mặt đất. Những ngọn đèn thưa thớt nhoèn hẳn đi như mắt của người già. Chẳng thấy được gì. Bây giờ mọi vật đã tỏ. Cả thung lũng Tam Đảo hiện ra thân mật. Phía trước mặt, chắc là hướng tây bắc, chùa Tây Thiên và đền Tây Thiên (còn gọi Đền Mẫu, thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Năng Thị Tiêu, vì thần do linh khí Tam Đảo hun đúc nên) khoe mái đỏ trên nền xanh ngít của lá rừng. Phía đông có nhà thờ đá cổ đen thẫm trên nền trời trắng sáng. Những ngôi nhà cao tầng, những biệt thự, những con đường quanh quất thấp cao, những dãy phố như xích lại, nép vào nhau tìm chút tình thân, tìm chút hài hòa.
Những giàn su su và nhà cao tầng
    Nghe nói ở thung lũng Tam Đảo này, đầu thế kỉ XX (1902), người Pháp đã xây dựng 163 (có tự liệu là 145, là 200, chẳng biết tin ai bây giờ, đành lấy lưng chừng số liệu) biệt thự mang dáng vẻ châu Âu, nhưng một số đã đổ nát. Ngày nay xây dựng mới nhiều. Kiến trúc hơi lệch pha, phối cảnh tổng thể thiếu hài hòa. Đặc biệt, những ngôi nhà sang trọng cận kề với những giàn su su thì đúng là “tân cổ giao duyên”. Biết làm sao được khi người nông dân phải sống, khi người giàu bận làm giàu. Dẫu sao, tôi vẫn thích Tam Đảo. Ở độ cao 900m so với mặt biển, thị trấn Tam Đảo vừa là khu nghỉ dưỡng vừa là khu dân cư nên có vẻ gần gũi hơn. Có người hỏi tôi, thấy Bà Nà và Tam Đảo thế nào? Tôi dứt khoát, thích Tam Đảo hơn. Bởi Tam Đảo nhiều hơi ấm con người hơn, tự nhiên hơn, cổ xưa hơn; còn Ba Na hill hiện đại quá, dấu vết nhân tạo nhiều quá, phù hợp với người trẻ, còn U 60 như tôi thì hơi khó gần.
      Các anh chị trong nhóm đã xuống. Cùng nhau ngắm cảnh, cùng nhau chụp ảnh. Rời nhà khách xuống thị trấn. Chỉ ở đây một đêm và một buổi sáng, khó lòng đi hết, nên cho xe chạy chậm để còn “trông nhiều bề” nữa. Không thôi, không khéo “cưỡi ngựa xem hoa” thì “đi cho biết đó biết đây” cái nỗi gì! Phải nói rằng những cung đường ở thị trấn thung lũng này như biết uốn éo làm duyên nhưng không quá điệu đà, khiến khách có thể yên lòng ngắm cảnh. Và nếu cần khách có thể thả bộ để cảm nhận cái bầu khí ban mai trong lành của phố núi bởi chúng không dài và nhà cửa không chật nêm khiến người ta có cảm giác nghẹt thở. Xe xuống một đoạn dốc thấp chuẩn bị lên núi Nhà thờ, tự nhiên nhớ đến những câu thơ của Vũ Hữu Định viết về phố núi Pleiku: Phố núi cao phố núi trời gần/phố xá không xa nên phố tình thân/ đi dăm phút đã về chốn cũ/ một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng (Còn một chút gì để nhớ). 
Nhà thơ đá Tam Đảo
      Đã đến Nhà thờ đá (năm 2008 được đặt tên là Nữ vương Hòa bình). Theo một số tư liệu, nhà thờ này, năm 1906 là nhà sàn lợp lá, đến năm 1937, được xây dựng mới bằng đá xanh, không trụ, kiểu kiến trúc Gothic. Nếu đúng như vậy thì so với các nhà thờ đá tiêu biểu trên nước Việt, nó thuộc hàng sinh sau đẻ muộn. Nó nhỏ hơn nhà thờ đá Nhà nguyện Trái tim Vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ trong quần thể nhà thờ ở Phát Diệm, Ninh Bình kiến trúc mềm mại như đình chùa Việt được xây dựng năm 1883 đến 54 tuổi; thua nhà thờ đá cổ Đức Mẹ Mân Côi ở trung tâm thị trấn Sa Pa, Lào Cai được làm bằng đá đẽo năm 1925 là 12 tuổi; kém 9 tuổi so với Nhà thờ đá -  Nhà thờ Chánh tòa Kitô Vua hay Nhà thơ Núi - ở Nha Trang tọa lạc trên núi Bông.
     Chúng tôi cùng nhau leo lên các bậc thang đá xanh cao khoảng 5m ở sau lưng nhà thờ. Tôi nhanh chân chụp mấy tấm hình ghi lại khoảnh khắc nhóm đi lên. Những cô giáo đang chân trụ chân bước trên những bậc đá cao thấp nhuốm màu thời gian khiến có cảm giác họ đang “Đi tìm thời gian đã mất”, đang tìm lại “Dưới bóng những cô gái tuổi hoa” như tên tiểu thuyết của nhà văn Pháp Marcel Proust. Mà không, ấy chỉ là cảm giác nhất thời lạc điệu. Các cô đâu cần tìm lại thuở thanh xuân, bởi chất thanh xuân vẫn hằng hữu trong họ, thôi thúc họ mở hồn ra đón lấy những vần thơ dâng của cuộc đời qua những chuyến đi. Cả nhóm đã lên sân nằm ở hông trái nhà thờ. Người tìm cảnh nền chụp ảnh, người đứng bên những cửa vòm nửa vầng trăng bằng đá xanh ngắm phố thung lũng. Những con đường uốn lượn dịu dàng, những biệt thự, nhà nghỉ, hàng quán mái đỏ như những bông hoa điểm xuyết trên nền xanh ngắt của núi rừng. Xa xa, đền Tây Thiên uy nghi nhô mình lên khỏi màu rừng xanh mơ.
       Đang mải mê ngắm thị trấn thung lũng. Một người khách lạ đến bên hỏi như gió qua, sao chú không viếng đền Tây Thiên. Thiêng lắm. Cầu gì được nấy. Quay lại, tôi ra vẻ tiếc rẽ, chúng tôi ít thời gian quá. Đành hẹn dịp khác thôi. Khách lạ đi rồi. Tôi bỗng thầm nghĩ. Ông bạn ơi, chúng tôi không du lịch tâm linh. Chúng tôi là những khách du bụi trần lấm láp đi tìm cái đẹp của thiên nhiên, của cuộc đời. Ví như đến với Nhà thờ đá này, kính Chúa, nhưng chúng tôi không đến bằng đức tin của những con chiên ngoan đạo mà bằng sự trân trọng chiêm ngưỡng công trình kiến trúc tôn giáo đã góp phần phong phú hóa văn hóa vật thể của đất nước mình. Cắt dòng suy nghĩ, tôi lặng lẽ vòng quanh nhà thờ  ngắm cái đẹp kiến trúc Gothic của nó. Nhà thờ, hông phải dựa vào rừng thông, như im lặng lắng nghe chúng ca bài ca rì rào muôn thuở, hông trái là sân mà chân tường của nó như đang nghiêm nét mặt cổ xưa vênh váo với trục đường thoai thoải chạy xuống các hàng quán hiền lành nằm dưới kia. Trên sân, ở mặt tiền chánh điện sừng sững tháp chuông cao vọi. Nhìn những cây thánh giá trên nóc nhà thờ, trên nóc tháp chuông, trên bốn mặt thân tháp, tôi đâm ra lẩn thẩn “Chúa buồn trên thánh giá” (Nguyễn Văn Bình - Năm năm tình lận đận) bởi nhân gian còn lắm kẻ tráo trở, hoang đàng nhưng chẳng ai buồn sám hối.
       Lại lên xe. Cà phê, ăn sáng. Rồi làm một vòng cánh cung theo con đường phía trước nhà thờ lên Cổng trời Tam Đảo. Một cảm giác chon von mà bình yên khi xe men theo sườn núi phía đông. Ở tầng thấp, mây vẫn chưa chịu rời các vách đá. Mây như sóng cứ xao vỗ nhẹ nhàng vào thân núi, che choáng tầm mắt của người ngắm cảnh. Chỉ có trời mênh mang. Còn đất mờ mịt đâu đó sau biển sương. Tôi tự hỏi không biết đây có còn là Tam Đảo hay là cõi Thiên Thai. Một câu hỏi và một khoảnh khắc buông xả trí nghĩ, “thả hồn đi hoang”, tôi cảm giác Lưu Thần, Nguyễn Triệu đang quanh đây. Rồi như nghe giọng thơ Tào Đường trầm bổng:
      Thụ nhập Thiên Thai thạch lộ tân,
      Vân hòa thảo tĩnh quýnh vô trần,
      Yên hà bất tỉnh sinh tiền sự,
      Thủy mộc không nghi một hậu trần.
           (Lưu Nguyễn du Thiên Thai)
      Khe cây lối đá nhận đường vào,
      Hoa cỏ không vương mảy bụi nào,
      Nhìn bóng dáng mây quên việc trước,
      Trông chiều cây nước ngỡ chiêm bao.
              (Ngô Tất Tố dịch)
      Cái cảm giác đó không ở lại lâu, thay vào tâm trí tôi là một sự liên tưởng chẳng đầu chẳng đuôi: biển mây dưới kia như là biển nước, là vịnh Bắc Bộ. Biển mây phía đông và vịnh Bắc Bộ cũng hướng ấy. Biển mây tích điện cho sấm chớp, cho mưa. Biển nước, thuần tự nhiên, ăn ở hai mặt vừa ích kỉ vừa độ lượng. Từ khi bị xã hội hóa, nó trở thành địa kinh tế, địa chính trị, một đối tượng để con người tự nhận là văn mình tìm cách chiếm hữu, mặc dù không phải sở hữu của mình. Còn người chủ của vịnh biển ấy thì không tự chủ chỉ chới với hợp tác làm ăn trong thua thiệt. Đâu rồi Tam Thanh, Tam Điệp, Tam Đảo: Núi tựa đinh ba chọc giữa trời/ Mấy phen thắng giặc ta lên thử/ Đất cứ bình yên, sông cứ xuôi (Phạm Tiến Duật - Lên núi Ba Vì).
      Đã hơn tám giờ. Nhìn lại Tam Đảo để tạm biệt. Chúng tôi còn cả một hành trình dài theo sự vẫy gọi của Cao nguyên đá Đồng Văn. Đành tiếc nuối thôi. Đành khất với hồ Đại Lãi, với Vườn Quốc gia Tam Đảo. Đành “Ngơ ngẩn đầu non đôi ngã rẽ” (Tào Đường - Tiên tử tống Lưu Nguyễn xuất động). Đành như Tản Đà:
      Cửa động
           đầu non
                   đường lối cũ,
      Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
                  (Tống biệt)

      (còn nữa)
      Hoàng Dục
      (22-9-2014)
      ______________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét