Biền là đồng môn với tôi thời Trung học Phan
Châu Trinh Đà Nẵng khóa 1964-1971. Biền học tứ hai rồi bê ba, còn tôi tứ ba rồi
bê hai. Dù khác lớp nhưng bạn và tôi sống với nhau như bát nước đầy.
Bạn bè vẫn gọi Biền là Biền Biệt một cách
thân thương. Mỗi
lần bạn nào gọi tên ấy, Biền trưng ra một nụ cười rất hồn
nhiên và lành hơn cả con gái nhà lành. Tôi biết tại sao bạn có cái biệt danh ấy,
nhưng chẳng bao giờ gọi. Tôi ngại chạm vết thương ngày cũ. Tôi sợ bạn lại ngoái
nhìn những gì đang ở phía sau. Nhưng càng gần gũi tôi càng biết Biền đã vứt vết
thương ấy vào mô tê thời gian rồi. Biền xông xáo tiến về phía trước, phía tương
lai. Phía ấy là sự sống dù chẳng hứa hẹn điều gì sáng sủa. Nhiều khi tôi nghĩ,
với Biền sống không phải là một nhiệm vụ mà là một tình yêu, bởi chỉ có tình
yêu mới có sức mạnh hơn hẳn mọi thứ khác trên đời. Tình yêu mãi mãi là chất đốt,
một thứ nhiên liệu bất diệt mà con người thắp sáng đời mình và đời mọi người
xung quanh.
Từ thanh xuân cho đến bạc tóc, Biền làm đủ
nghề. Khi thì làm quản trò, đem lời ca tiếng hát làm vui mọi người trong những
dịp lễ tết cưới xin. Khi thì gác đêm cho một công ty nào đó. Khi thì xe thồ mà
người ta đánh tráo khái niệm bằng từ xe ôm nghe rất tình tang tang tình. Tôi đã
từng gặp Biền ngất ngưởng trên yên xe, một chân đạp đất một chân gác chéo trên
yên, nhìn trời nhìn đất ở một khách sạn để đợi khách. Dáng bạn cứ như người
rãnh rỗi làm một vòng xe dạo phố rồi tìm góc râm mát ngồi đón gió qua sông, đợi
mây kéo về lãng đãng trên mấy nóc nhà cao tầng… Hình như cái bộn bề của cuộc sống,
cái hối hả của nhịp sống, cái vất vả của sự mưu sinh chẳng ăn nhập gì với bạn ấy.
Với Biền, đời cứ như “bướm đậu rồi bướm lại bay”, nhẹ nhàng thế thôi. Với Biền,
tôi cảm giác tuyệt nhiên không có cái mơ hồ
của “Trang Chu hiểu mộng mê hồ điệp/ Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên” (Cầm sắt - Lý Thương Ẩn).
Tâm
thế, cốt cách ấy càng hiển lộ rõ ràng qua những
buổi sáng Biền đi bộ thể dục. Sáng nào cũng vậy, tầm 5.30, tôi cũng gặp
bạn ở Tòa Thị chính. Bạn ngược lên bến Mía, tôi xuôi về bến cảng. Sáng nào Biền cũng ngược lên như thế
rồi ngồi đợi Nguyễn Ngọc Ân cùng xuôi về bến cảng. Có những hôm, phố thị còn lờ
mờ sương, tôi thấy Biền ngồi với Tôn Thất Đào, bạn học ban C, trò chuyện tâm đắc
lắm. Những lúc như thế, Biền vẫn chiếc mũ Bê-rê trông có vẻ rất lành, một vẻ
lành cổ điển! Biền lành nhưng biết quan tâm và sẵn sàng sống vì người khác. Biền
lành nhưng xông xáo, không thụ động trong lối sống. Hễ bạn bè có việc, bạn sẵn
lòng giúp đỡ. Khi Đông (Xuân) mất, Biền tiễn biệt bạn ra tận làng Hiền Lương ở
lại đấy khi mọi việc tang ma hoàn tất. Đâu phải ai cũng như vậy. Bỏ một vài
ngày xe thồ đâu phải ai cũng làm được khi cuộc sống ngày càng khó khăn eo nghèo.
Biền đã để lại trong tôi những ấn tượng
đẹp về tình bạn, tình người. Tôi nhớ một đêm lạnh, dễ chừng gần hai mươi ba giờ,
Biền đã đến nhà. Bên ly trà gừng, Biền đưa tôi cuốn sách “Trên đường đi tìm Tú
Quỳ” của Thy Hảo Trương Duy Hy (NXB Văn học, Hà Nội, 2012) và bảo: Trương Duy
Hy tặng vợ chồng mình cuốn sách này, mình đọc suốt đêm, thấy hay có ích cho bạn
nên đang đánh chén với Thỏa, với Hoàn,… ở nhà Châu, mình kiếu về sớm đến cho bạn
mượn đây. Mình nghĩ cuốn sách này cần cho bạn… Tôi cám ơn Biền. Giữa cái lạnh
se sắt của mùa đông, trong sự khuya khoắc của đêm, Biền vẫn tìm đến với tôi bằng
cả tấm lòng. Biền bảo, mình cất cuốn sách trong cốp xe thồ, đợi có ai sẽ gởi
cho bạn, nhưng chẳng gặp người quen nào, nay phải đích thân thôi. Bạn mà không
đọc được cuốn sách này, mình thấy không đành lòng.
Ngồi với bạn, tôi như sống lại với những
kí ức về bạn. Những kí ức về bạn lành lặn và đẹp không làm tôi hết băn khoăn về
hiện trạng đời sống của bạn. Tôi rụt rè hỏi Biền, việc làm khi có khi không thế
làm sao ổn định cuộc sống. Đi xe thồ, sao không tìm những khách sạn lớn mà đón
khách. Biền nhỏ nhẹ: những nơi ấy có những xe thồ khác rồi, mình đến hóa ra giựt
khách với họ à. Mình nghèo họ còn nghèo hơn… Tôi lặng đi trước câu trả lời của
Biền. Tôi nhìn bạn mà nghe lòng nhiễm lan vẻ sáng của từ tâm.
Biền trong tôi là thế. Nhiều khi tôi tự
hỏi mình, tại sao đời lại có những con người như thế. Rồi tự lí giải, phải
chăng căn cốt “tính bản thiện” trong con người ấy gặp môi trường giáo dục nhân
bản, cọng thêm vào đó là sự trải nghiệm thân phận đã làm nên con người nhân văn
ấy. Và nhiều khi nhớ về Biền, nghĩ lại, tôi cứ gật gù, cái lí là vậy chăng?
Hoàng Dục
12-2-2015
____________
Tình ban luôn măc áo gấm mà
Trả lờiXóaThân gởi Bạn Biền một thời muôn thuở Bê ba !
**************************************************
Biền Biệt bạn bè buổi Bê ba !
Một cơn gió bụi cuốn Quê nhà
Lại Dân lành lẫn quá lương thiện
Quần quật bao nghề xương bọc da
Còn nhớ nụ cười hồn nhiên thuở trẻ
Đầu đội trời chân đạp đất vui ca
Vết hùng ngày cũ đành bạc đãi
Dáng mũ nồi xưa nay vẫn là ta
Ai bảo tai bèo che khuất mãi
Nay thua thành thắng ai nghĩ ra ?
Bản chất Hồn Việt mình thân quý
Bạn Biền một thời muôn thuở Bê ba !
Thâm tình không bao giờ biền biệt
Chúc bạn hiền vui mạnh chắc gặp ta .. ..
Nguyễn Hữu Viện