Công trình xây dựng tượng Phật ở Thái Bình bị sập |
Mấy ngày qua, từ “sập” cứ choáng
hết tâm trí. Không phải vì “sập” có sắc thái từ nghĩa mạnh, cũng chẳng phải
chuyện giật gân đại gia “sập bẫy” chân dài hay nhóm này “sập bẫy” nhóm kia hoặc
những việc đại loại như thế. Mà vì truyền thông liên tục đưa tin những vụ sập,
từ việc sàn chứng khoán nước ngoài lung
lay muốn sụm đến giàn giáo của một số công trình xây dựng ở nước ta đổ sụp,… Tất
tần tật được các báo giật tít to đùng khiến bao dư luận xôn xao.
Xa thì ngôi Thánh đường Thiên Chúa giáo
cổ kính St. Mary đã hơn 1000 năm tuổi ở thành phố Mosul nước Iraq bị ISIS đốt
cháy và cho nổ mìn sập hoàn toàn, khiến 4 em bé bị chết thảm. Sát nách thì Thị
trường chứng khoán Trung Quốc bốc hơi gần 3,5 ngàn tỉ Mĩ kim trong ba tuần do
làn sóng bán tháo cổ phiếu. Tương lai của TTCK và của nền kinh tế đứng thứ hai
thế giới này như thế nào chưa rõ, nhưng buồn nhất vẫn là người dân đang rơi vào
tình trạng trắng tay lâm vào cảnh nợ nần khốn đốn. Trong nước có ba vụ sập: Sập
công trình bốn tầng ở Hậu Giang (chiều 9-7), sập công trình 17 tầng tại TP.HCM
(sáng 10-7) và sập công trình xây dựng tượng Phật trong khi xây dựng chùa Sắc
Thiên Vương Quan Âm tại xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình xảy ra ngày 7-7,
ngoài thiệt hại kinh tế, chúng còn cướp đi sự sống một số công nhân, cướp đi
hạnh phúc gia đình của những người thân của họ
Những vụ sập liên tiếp diễn ra. Vụ nào
cũng gây thiệt hại tiền của và nghiêm trọng hơn là cướp đi sự sống của con
người. Sập là nỗi đau, nỗi lo không của riêng ai mà là của cả cộng đồng. Nhưng
có một nỗi đâu sâu dày hơn, không phải ai cũng nhận thức được, không phải ai
cũng quan tâm, không phải ai cũng biết một phần những vụ sập đó có sự can dự
gián tiếp của mình! Những vụ sập trên
chỉ là cái thấy được, cái vỏ bề ngoài; còn cái không thấy được, sâu xa hơn, giá
trị to lớn hơn làm sao nhận thức hết. Đó là đằng sau những vụ sập trên có “bóng
dáng” của sự sập nền móng đạo đức, sập hòn đá tảng mọi giá trị tinh thần truyền
thống và những giá trị tinh thần phổ quát được hình trên cơ sở Tính người và Tình
người. Những giá trị tạo nên vẻ đẹp của một dân tộc, tạo nên tính nhân bản,
nhân văn và nhân đạo của nhân loại.
Hai vụ sập công trình xây dựng ở Hậu
Giang và Sài Gòn, ngoài tính chất rủi ro còn phải nói đến vấn đề khoa học trong
xây dựng, vấn đề đạo đức nghề nghiệp nữa. Hay vụ sập tượng Phật ở Thái Bình,
bên cạnh những tính chất trên còn có sự can dự của hiện tượng sập niềm tin tôn
giáo đang âm thầm diễn ra nhưng không kém phần mãnh liệt. Nguyên nhân ở đâu?
Phải chăng nền kinh tế thị trường đã biến đức tin thành một mặt hàng dễ sinh lợi mà còn lợi to
nữa. Nền nông nghiệp lạc hậu tạo ra lối sống duy cảm duy tình dễ đưa người ta
vào môi trường mê tín; người ta đến với tôn giáo với mục đích “ăn mày tinh thần”,
với thái độ cầu xin tội nghiệp, vị kỉ hơn là vị tha. Nền giáo dục không dạy con
người biết sống tử tế với nhau, yêu thương gắn liền với tha thứ, chỉ giáo dục
người ta theo cái nhìn giai tầng, chỉ biết chạy theo bằng cấp, lấy bằng cấp làm
bàn đạp leo lên nấc thang danh vọng mới. Chính các yếu tố đó đã làm nên hội
chứng sập niềm tin tôn giáo, đúng hơn là niềm tin đạo lí làm người và đạo lí
của dân tộc.
Cho nên, càng xây nhiều chùa thì càng bị
“giải thiêng” mạnh. Chưa ở đâu, chùa mọc lên hơn nấm sau cơn mưa như ở xứ
này. Người ta đúc tượng, xây chùa để khoe to nhất, cao nhất, lớn nhất, nói
chung là cái gì cũng muốn đứng trên đầu trên cổ thiên hạ. Người ta xây chùa đúc
tượng khác nào hoa đem mật của mình ra mà nhữ ong nhữ bướm du lịch. Còn nhớ một
ông to ở một thành phố nọ chỉ đạo, cứ xây chùa nhiều lên, đúc tượng nhiều thêm,
càng nhiều chỗ, nhiều nơi cho chúng khấn vái cầu xin thì du lịch càng phát
triển, lợi nhuận càng cao. Quan niệm như thế đã chứa nội dung giải thiêng rồi,
cho nên đúc tượng xây chùa cũng chỉ là hình thức, nếu không muốn nói là dối
trá, là kiểu kinh doanh tín ngưỡng, là cách kiếm lợi bằng sự mê chấp của con
người.
Niềm tin tôn giáo là nền tảng hình thành
đạo lí sống của con người, bởi tôn giáo giúp người ta hướng thiện và làm việc
thiện. Mà hướng thiện và hành thiện là cái đẹp của con người. Niềm tin ấy rạn
vỡ hoặc lệch lạc sẽ đẩy con người mấp mé bên bờ vực băng hoại, băng hoại chữ
nhân của đạo Nho, chữ từ bi của Phật giáo, chữ yêu người của Thiên Chúa giáo.
Thực ra, chữ nhân, chữ từ bi, chữ yêu người (lòng lành) chỉ là cái vỏ hình thức
ngữ ngôn khác nhau của một nội dung biểu đạt, đó là đạo lí làm người với những
giá trị phổ quát mang tính nhân loại. Hiểu như thế mới thấy, những vụ sập trên
không chỉ là vấn đề sụp đổ đạo đức nghề nghiệp, sụp đổ niềm tin tôn giáo mà còn
sụp đổ đạo lí làm người. Không sụp đổ sao tội ác lại lộng hành khắp nơi, diễn
ra như cơm bữa, vợ chồng giết nhau, cháu giết bà, con giết cha mẹ, người yêu
giết người yêu thậm chí cả gia đình người yêu nữa,… Cứ hằng ngày lật giở báo
giấy hay báo mạng bên cạnh việc xây tòa này cao nhất, chiếc cầu này dài nhất,
con đường này rộng nhất, hotgirl chân dài nóng bỏng, showbitz ồn ào,… đều có
những vụ việc sập đạo đức như thế.
Trước thực trạng đó, người ta đã làm gì?
Công tâm mà nói, họ có làm nhưng chỉ tỉa tót cái ngọn, còn cái gốc vẫn không
được chăm lo vun vén đúng cách. Cái gốc vẫn bám vào đất nhưng chỉ hút thứ nhựa
sống đã thiếu chất bổ dưỡng. Người ta vẫn giáo dục bằng nhiều biện pháp nhưng
giữa giáo dục và thực tiễn lối sống trong xã hội có sự vênh lệch lớn, kiểu
“trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Chẳng hạn như giáo dục người ta đừng vô cảm,
xã hội lại vô cảm; giáo dục người ta không chạy theo thành tích và hình thức,
xã hội lại mắc bệnh thành tích và hình thức; giáo dục người ta thấy rõ giá trị
đồng tiền, lợi và hại của nó nhưng xã hội lại để cho đồng tiền thỏa sức lăn
tròn trên lương tâm của mình; giáo dục người ta tự lập, tự chủ, năng động sáng
tạo nhưng bao cấp mọi thứ, mọi lúc và mọi nơi,…
Thử hỏi cách làm đó có còn thích hợp
không? Có lẽ cũng đã có câu trả lời. Muốn không còn hiện tượng sập đạo lí làm
người thì cả xã hội, cả cộng động phải toàn tâm toàn ý xây dựng lại đạo lí làm
người, đạo lí của dân tộc trên nền tảng con người, dân tộc và thời đại.
Hoàng Dục
17-7-2015
_________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét