Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

587, CHỈ TẠI CON CÁ TO

      Nghỉ hưu, cứ sống bằng lặng thế nào ấy. Chưa bao giờ thấy cụm từ “cuộc sống phẳng” đúng với những ngày tháng về vườn này đến vậy. Cứ thế này thì thời gian đời cơ chừng nhạt hơn nước ốc! Còn đâu vị mặn mòi của của cuộc sống đáng yêu!
      Nhiều khi nhớ “Tỏa nhị kiều” của Xuân Diệu mà lẩn thẩn. Cái anh chàng Phan thấy đời hai cô Quỳnh và Giao sao đơn điệu, nhạt nhòa đến thế. Anh ta ước gì được ném đá vào “ao đời phẳng lặng” của hai cô, mong những vòng sóng sự sống dậy lên và lan tỏa, chứng tỏ hai cô đang sống. Ném đá ư? Tại sao mình không tự ném đá vào đời mình? Chao ôi, mình tự ném đá mình… đau lắm… nên chăng?
      May thay, đã có báo chí ném đá vào đời mình bằng những bài rất báo chí. Không những được ném một lần mà nhiều nhiều lần. Ngày nào đọc báo cũng được ném đá nên những vòng sóng tâm trạng lại quẫy lên khẳng định sự tồn tại của mình. Thế là đâm ra nghiện được báo chí ném đá!
      Như sáng nay (27-7-2015), đọc Thanh Niên Online, bỗng nghe cốp một cái ngay trán, giật mình, hóa ra mình đang đọc bài “Vuột HCV Olympic sinh học quốc tế vì… mổ cá 5 kg” của tác giả Diệu Hiền. Bài báo đã tạo sóng cho ao đời mình. Những vòng sóng lăn tăn từ thực tại loang về quá khứ, từ căn nhà mở ra hình ảnh ngôi trường ngày xưa từng giảng dạy. Hòn đá báo đã đánh thức kí ức một thời, đã lật giở những mảnh ghép kí ức về cái ngày xưa nhớ và quên ấy.
      Ngày xưa, khi trường về đất mới, những HC Olympic Quốc tế các môn học bắt đầu được gặt hái nhiều hơn. Học sinh vui, phụ huynh vui, thầy cô giáo vui,… Cả thành phố vui. Ai cũng vinh dự với thành tích vinh quang ấy. Học trò vui một, người lớn vui mười, vui trăm, vui ngàn,… Người lớn vui thái quá, ồn ào thái quá. Người lớn đem võng lọng tư tưởng rước học sinh vinh quy. Những tấm huy chương Olympic trở thành một thứ áo mão cân đai lụng thụng, loẹt lòe theo quan trạng về làng.
       Từng sống trong không khí ấy. Vui cũng có mà buồn cũng có. Nhớ có một em đoạt HC bạc Olympic Quốc tế, Sở và trường chỉ đạo thầy cô giáo và học sinh của bộ môn em ấy dự thi lên sân bay đón. Một vài thầy giáo vì lí do gia đình không đi được bị hiệu trưởng phê rất gắt và bắt làm kiểm điểm trong buổi họp hội đồng. Nghĩ cũng lạ đời cho kiểu ứng xử như vậy. Mắt người lãnh đạo ấy hình như chỉ thấy thành tích mà không thấy con người!
       Những ồn ào trên tưởng chỉ một thời, hóa ra lê thê cùng năm tháng. Ngày xưa cũng thế ngày nay vẫn thế. Bài báo này chứng minh cho sự lê thê đó bằng sự mở rộng đề tài với một chủ đề chẳng đâu vào đâu! Thử ghé mắt một chút.
       Được biết, L.T.N.H. (*) vừa đoạt HCB kỳ thi Olympic sinh học quốc tế (IBO) lần thứ 26, tổ chức tại Đan Mạch từ ngày 9 đến 21.7.
      Nhắc đến chiếc HCB này, N.H. không khỏi tiếc rẻ, bởi nếu không phải “đối mặt” với con cá to 5 kg thì câu chuyện điểm số đã khác.
      Mặc dù các phần thi H đều hoàn thành xuất sắc, nhưng trong phần thi thực hành, khi ban tổ chức phát cho cô học trò bé xíu chú cá to chừng 5 kg để mổ thực hành với yêu cầu không để nội tạng không bị vỡ, H. đã không hoàn thiện tốt phần thi này, nên bị mất điểm khá nhiều.
      Ở nhà, H. cũng hay mổ cá để thực hành, nhưng chỉ những chú cá 1 kg là lớn nhất, nên khi gặp con cá lớn, H. đã không hoàn thành tốt phần thi. “Nhìn qua thấy cậu thí sinh nước bạn cùng thi cao 1,9 m mổ cá thành thục mà em phát thèm. Nhưng nhỏ con nên đành chịu”, H. chia sẻ.
      Với mục đích ca ngợi và tự hào, bài báo biện giải nguyên nhân tại sao em học sinh chỉ đoạt giải bạc. Một nguyên nhân nặng về tình mà nhẹ về lí. Một nguyên nhân có tính bao biện nhưng chỉ che được một nửa cái cần che. Đâu phải vì nhỏ con nên vuột HC vàng. Đâu phải vì con cá nặng 5 kg nên đoạt HC bạc. Con cá nặng 5 kg có tội tình gì đâu? Nói kiểu này thì dễ bị ông nhà thơ làm chính trị Tố Hữu mắng cho, bởi ông từng viết:
    O du kích nhỏ giương cao súng
    Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu
    Ra thế! To gan hơn béo bụng
    Anh hùng đâu cứ phải mày râu!
  
    Mắng sao được, nhà báo trung thực với lời chia sẻ của em học sinh. Lỗi, nếu có là lỗi của em học sinh ấy. Thì vẫn biết như thế.  Em ấy nói thật, nhà báo viết thật mà. Nhưng nghĩ cho cùng, em học sinh ấy không có lỗi, em đâu đã được dạy đức tính khiêm cung. Lỗi là ở người lớn và ở tác giả bài báo này. Viết thiếu sự chọn lọc, gạn đục khơi trong. Viết như thế khác nào ném đá vào người đọc, ném đá vào em học sinh mà kĩ năng sống còn quá ít ỏi kia, và… tự ném đá vào chính mình!
      Mà thôi, cũng cần có những bài báo ném đá như vậy, nếu không mặt ao đời mình đâu gợn sóng lênh đênh.
      Hoàng Dục
      27-7-2015
      _______
     (*) Người viết xin phép viết tắt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét