Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

585. BẬN LÒNG



    Như mọi ngày của người về vườn, cứ loanh qoanh trong nhà, ra dáng thong dong nhưng có chút gì đó uể oải, ra vẻ buông xả nhưng vẫn có những giây phút bận lòng. Nhiều khi mong tất cả chỉ là gió thổi mây trôi qua tâm trí, nhưng nào được như ước mong. Thành ra luôn nghĩ ngợi, luôn để tâm trí chảy theo dòng thời gian.
      Như sáng nay chẳng hạn. Ngồi nhâm nhi cà phê tưởng lòng yên ổn, hóa ra không. Tiếng thằng cháu đọc bài thường ngày nghe dễ thương sao bây giờ có gì cồm cộm. Vội nhỗm người, nhìn vào bài đọc của cháu. Ồ, bài thơ “Bận”(*) của Trinh Đường.

      Thơ sao cồm cộm thế! Có lẽ như thơ thôi! Đúng hơn là đồng dao, một loại lắp ghép chữ nghĩa theo vần theo điệu để nghêu ngao giữa đồng giữa bãi của trẻ mục đồng. Các sự vật hiện tượng được liệt kê ra theo kiểu “bận” đủ loại và kết thúc bằng bài học luân lí:
       Mọi người đều bận
       Nên đời rộn vui
      Con vừa ra đời
      Biết chăng điều đó
      Mà đem vui nhỏ
      Góp vào đời chung. 

    Thơ sao lại lồ lộ giáo điều đến thế! Trẻ con có cần “Biết chăng điều đó” không? Hãy để trẻ thơ sống đúng với tâm lí lứa tuổi của nó, nhất là ở độ tuổi “Con vừa ra đời”!
       Phải chăng đây là bài hát ru như tác giả viết “Mẹ bận hát ru”. Hát ru nên điểm nhìn thổ lộ tâm tình thường là tình cảm của người mẹ qua từ xưng hô ruột rà “con”. Hát ru nên có những bài, lời nhắn nhủ cuối bài cùng là lời của mẹ. Nhưng nếu so sánh với những khúc hát ru truyền thống vẫn thấy có chút khác biệt.
      Cái Bống là cái bống bang
      Mẹ Bống yêu Bống, Bống càng làm thơ
      Mẹ Bống yêu Bống bao giờ
      Để cho cái Bống làm thơ cả ngày
 
    Hay:
      Ru hời ru hỡi là ru
      Bên cạn thì chống bên su thì chèo
      Hai tay em vừa chống vừa chèo
      Không ai tát nước đỡ nghèo một phen

    Hoặc:
      Mẹ bồng con lên ngồi cầu Ái Tử
      Gái trông chồng đứng núi Vọng phu
      Một mai bóng xế trăng lu
      Ve kêu mùa hạ, biết mấy thu mới gặp chàng!

    Người mẹ trong hát ru truyền thống mượn lời ru để than thân, để bộc bạch nỗi lòng của mình, chứ không hề đem giáo điều mà dạy con cái kiểu thơ phúng dụ!
    Đấy là chút cồm cộm về thể loại của “Bận”, còn câu chữ cũng có chỗ ngang xương rất dễ làm người đọc mắc nghẹn, ngộ độc chữ nghĩa tiếng Việt lắm. Đọc những câu: “Trời thu bận xanh”, “Cái hoa bận đỏ”, “Chữ bận thành thơ” cảm giác có gì lợn cợn trong miệng như là sạn như là cát. Và nhất là khi đọc những câu:
      Còn con bận bú
      Bận ngủ bận chơi
      Bận tập khóc cười
      Bận nhìn ánh sáng.

mới thấy buồn cho trẻ thơ. Sao trẻ thơ lại phải “Bận tập khóc cười”. Phải chăng chúng đang được dạy “Bận làm người lớn”!
Hoàng Dục
20-7-2015

___________
(*) Tiếng Việt lớp 3, tập I, NXB Giáo Dục, tr. 61
Bận
Tác giả: Trinh Đường

Trời thu bận xanh
Sông Hồng bận chảy
Cái xe bận chạy
Lịch bận tính ngày
Con chim bận bay
Cái hoa bận đỏ
Cờ bận vẫy gió
Chữ bận thành thơ
Hạt bận vào mùa
Than bận làm lửa.

Cô bận cấy lúa
Chú bận đánh thù
Mẹ bận hát ru
Bà bận thổi nấu.
Còn con bận bú
Bận ngủ bận chơi
Bận tập khóc cười
Bận nhìn ánh sáng.

Mọi người đều bận
Nên đời rộn vui
Con vừa ra đời
Biết chăng điều đó
Mà đem vui nhỏ
Góp vào đòi chung.


1 nhận xét: