ĐẦM CẦU HAI ĐÁ BẠC |
Cả bài thơ là tấc lòng xốn xang tự nhận
thức, một sự tự nhận thức rất thật, rất chận thành, bằng một giọng điệu trần
tình, phân bua với thứ ngôn ngữ không màu mè, chuốt gọt. Bài thơ mang chở tâm
tình rất mộc nhưng có sức thuyết phục riêng.
Trong văn chương, cái nhìn thế hệ hoặc
mang màu sắc thế hệ đã có nhiều tác giả biểu hiện. Có thể đơn cử một vài trường
hợp. Nhà văn Mỹ, Ernest Hemingway, giải Nobel văn chương năm 1954, tự nhận thế
hệ ông là “Thế hệ vứt đi” (lost generation). Vũ Hoàng Chương trong bài “Phương
xa” từng cảm xúc viết về thế hệ ông: “Lũ
chúng ta đầu thai lầm thế kỉ/ Một đôi người u uất nỗi chơ vơ/ Đời kiêu bạc
không dung hồn giản dị/ Thuyền ơi thuyền, xin ghé bến hoang sơ”. Giáo sư
Tiến Sỹ văn chương Thanh Lãng khi viết văn học sử Việt Nam năm 1971 đã chọn
phương pháp phân chia theo thế hệ. Với cuốn I, lịch sử văn học Việt Nam từ đầu
đến 1428, ông đặt tên là “Đối kháng Trung Hoa”, từ 1428 đến 1505, gọi là “Thế
hệ dấn thân yêu đời”. Với Chế Lan Viên, sau năm 1945, ông cũng gọi thế hệ ông
như Vũ Hoàng Chương “lũ chúng ta” nhưng với cái nhìn phản tỉnh cảm tính, với
giọng điệu reo ca hồn nhiên con trẻ. Đó là “Lũ
chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con…”
(Người đi tìm hình của nước).
Và nay, trong hiện thực xã hội và văn
chương, Gia Hiền đã trở lại với cái nhìn thế hệ tự nhận thức đớn đau. Tựa bài
thơ Thế hệ tôi, một thế hệ cúi đầu
như nén chặt chủ đề bài thơ. Bài thơ là sự triển khai cụ thể về cái nhìn của cả
thế hệ cúi đầu ấy, mặc dù nhà thơ biện giải: “Không, tôi không đại diện thế hệ
mình đâu!”. Câu thơ như là cố tình tạo vỏ bọc khách quan cho một cái nhìn-cái
nhìn không đại diện, cái nhìn “vơ đũa”, cái nhìn cá nhân chủ quan- nhưng cấu
trúc điệp mở rộng tựa đề qua những câu thơ: Thế
hệ tôi, một thế hệ cúi đầu; Thế hệ tôi, cơm áo gạo tiền níu thân sát đất; Thế hệ tôi, nhận quá nhiều di sản hoang mang;
Thế hệ tôi, ngày và đêm đảo lộn tanh bành;
Thế hệ tôi, tự ái đâu đâu; Thế hệ tôi, ba chục đã quá già; đã không
thuyết phục được người đọc. Người đọc vẫn thấy bài thơ chan chứa nỗi buồn thế
hệ qua màng lọc nỗi buồn của cá nhân nhà thơ.
Thế hệ ấy buồn bởi đã đánh mất nhân cách.
Họ đã đặt nhân cách mình “sau mông người khác”. Suốt một đời đôi lúc chỉ có một
cái ngẩng đầu duy nhất, đó là khi cạo râu:
Thế hệ
tôi, một thế hệ cúi đầu
Cúi đầu
trước tiền tài, cúi đầu sau mông người khác
Cúi đầu
trước chính mình, cúi đầu bạc nhược
Chỉ ngầng
đầu…
…vì…
…đôi lúc…
…phải cạo
râu!
Thế hệ ấy buồn vì chưa thoát khỏi vòng hệ
lụy của áo cơm. Cơm áo những thứ tưởng tẹp nhẹp ở đời nhưng có sức mạnh tước
đoạt mất nhân cách con người và đạo lí làm người:
Thế
hệ tôi, cơm áo gạo tiền níu thân sát đất
Cuộc sống
bon chen
Bàn chân
trần không dám bước hiên ngang.
Những câu thơ hiện ra, nối
tiếp mạch thời gian kể của thơ kết hợp với khổ đầu theo kết cấu nhân quả. Vì
“cơm áo gạo tiền níu thân sát đất” nên phải cúi đầu nhục nhã sau mông người
khác, trước tiền tài, trước chính mình và thê thảm hơn, tệ hại hơn là cúi đầu
bạc nhược, điều mà trong khổ này tác giả gọi là “không dám bước hiên ngang”. Những
câu thơ khô khốc nhưng đầy ám ảnh. Nhưng câu thơ gợi hình ảnh một thế hệ trí thức trước năm
1945 trong văn Nam Cao. Họ là những thầy giáo, nhà văn, viên chức nghèo. Họ bị
nợ áo cơm đánh lưới khiến giá trị con người, nhân cách, đạo lí làm người “mốc
lên, mòn ra và rỉ đi”. Họ sống lay lất, mòn vẹt trong trời đất. Họ cúi đầu
không dám ngẩng mặt, lầm lụi đi về giữa cuộc sống xã hội. Từ liên tưởng đó,
người đọc tự hỏi. Gần tám mươi năm trước, sống trong xã hội thuộc Pháp, cái xã
hội mà người ta ra rả lên án nào là áp bức bóc lột, nào là sưu cao thuế nặng,
nào là quan hệ giữa người là chó sói với cừu non,… thân phận trí thức như thế
thì đã đành. Nhưng nay, gần tám mươi năm sau, xã hội đã ấm sáng lên như Tố Hữu
reo ca: “Người yêu người sống để yêu nhau”,
“Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”
(Bài ca mùa xuân 1961), nhạc sĩ nhà thơ Văn Cao mừng vui: “Mùa bình thường mùa vui nay đã về” để “Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người” (Mùa
xuân đầu tiên-1976), sao thân phận con người lại đen đúa dị hơm hơn!
Sỡ dĩ có cơ sự ấy là do thế hệ ấy thừa
hưởng một di sản tư tưởng, lớn hơn là di sản văn hóa hoang mang, một di sản vĩ
mô nhưng mập mờ khái niệm:
Thế
hệ tôi, nhận quá nhiều những di sản hoang mang
Đâu là tự
do, đâu là lý tưởng?
Đâu là vì mình, và đâu là vì nước
Những câu
hỏi vĩ mô cứ luẩn quẩn loanh quanh…
Thừa hưởng những khái niệm bị đánh tráo,
nhưng thứ văn hóa lai căng làm sao thế hệ của nhà thơ không hoang mang. Từ
hoang mang đến buông xuôi, mặc đời đưa đẩy sự sống của mình chỉ là tấc gang.
Gần tám mười năm trước người trí thức như Thứ , như Hộ trong văn Nam Cao đau
đớn vì phải rơi vào bi kịch “Sống mòn”, bi kịch “Đời thừa; thì nay thế hệ của
Gia Hiền như một bản sao trung thực nhưng nhem nhuốc hơn. Họ không còn sống với
thời gian. Họ tách mình ra khỏi dòng chảy sự sống muôn đời của nhân loại. Họ
không còn rành rõ ranh giới giữa ngày và đêm. Họ Đốt ngày vào đêm, và đốt đêm không ánh sáng. Họ cảm thức sự vô
nghĩa của thời gian Nếu cho chúng tôi một
nghìn ngày khác/ Cũng chẳng để làm gì, có khác nhau đâu?. Và thế là họ rơi
vào cảnh chết mòn hiện đại.
Một khi lí tưởng lung lay, họ xem mình
không còn là thực thể tồn tại, một giá trị hiện hữu thì người ta sẽ lao vào
cuộc sống ảo như con thiêu thân. Lúc ấy, họ sống tự ái hơn là tự trọng, họ Tự hào
về những điều huyễn hoặc/ Tự lừa dối mình và dối lừa người khác/ Về niềm
tin chằng chút thực chất nào. Thực đơn nuôi dưỡng đời sống tâm hồn của họ
là Nỗi lẩu tinh thần là những chiếc
I-phone. Ứng xử giữa người vơi người của thế hệ cúi đầu là Văn hóa ngoại giao là trà chanh chém gió.
Một khi sống chỉ biết thờ phượng đồng tiền
và danh lợi; sống quay lưng với thực tại, vùi tâm trí vào thế giới ảo; sống mà
không còn phân biệt được trắng đen của từng giá trị của con người, của đời sống
xã hội thì làm sao có thể sống tử tế với chính mình và với mọi người. Ý thức
được điều đó, nhà thơ đã chua chát phơi bày sự thực tâm hồn, sự thực lối sống
của thế hệ mình.
Không
ghế để ngồi, thì thôi, ngồi bệt
Mối lo hàng
ngày là tiền trong tài khoản có tăng lên?
Thứ đắt
nhất bây giờ là từng lạng NIỀM TIN
Thứ rẻ
nhất, lại là LỜI HỨA
Sự dễ dãi
đớn hèn khuyến mại đến từng khe cửa
Có ngại gì
mà không phản bội nhau?
Có gì xót xa hơn cho con người và xã hội khi niềm
tin đã mất; khi sự bội tín, bội tình, bội nghĩa, bội phản lên ngôi. Một xã hội
mà niềm tin là của hiếm, lời hứa là thứ ngôn ngữ đầu môi chót lưỡi tất phải
sinh ra những con người chỉ biết cúi mặt, gậm nhấm nỗi buồn của chính mình và
của thời đại. Đấy là điều lịch sử sẽ ghi như tác giả dự cảm:
Trăm
năm sau, lịch sử sẽ ghi vài dòng vắn tắt:
Có một thế
hệ buồn, đã nhạt nhẽo đi qua…
Đọc phần kết bài thơ, bỗng
giật mình nhớ lại. Có ai đó đã từng nói về hành trình đời của con người: “Sống
là đi ra từ bụng mẹ rồi đi đến một nấm mồ”. Tôi đã từng cho người này đeo kính
đen để nhìn cuộc sống và nói những lời tối về con người. Và tôi đã vứt phát
ngôn này vào sọt rác đời tôi.
Bây giờ, sau khi đọc bài thơ này, sau
khi đem bài thơ trải ra giữa mặt đất cuộc sống, tôi tự trách mình đã bị màu
hồng của đời phỉnh phờ mà quên đi màu thật của nó. Thế hệ tôi cũng đã quên
ngẩng đầu. Và tôi đã từng cúi đầu nhìn bóng mình nhạt nhẽo in trên trang sách
đời dâu bể hoang mang.
HD, 1-3-2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét