Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

692.ÔNG GIÁO GIÀ BÊN DÒNG Ô LÂU

Bài viết này là của cháu Hoàng Ngọc Tuấn, gọi tôi bằng cậu. Đã lâu cậu cháu không gặp nhau. Nay gặp lại qua trang sách. Kể ra, như thế cũng là duyên bút mực. Trân trọng.

1979…Năm ấy tôi học lớp 10. Đi coi bóng đá về thì thấy Mạ tôi ngồi khóc. Mạ nói Bác Mạch mất rồi, xe ngang qua nhà nên ba tôi đã lên xe đưa bác về làng. Tôi và Anh Thái (rể đầu bác Mạch) phải lên xe đò ra Đà Nẵng. Ra đến Huế không kịp chuyến đò trưa đành phải ở lại chờ đò hôm sau.
Đò chật, người hỏi con ai? Người hỏi ở xóm mô…Thì ra ai cũng biết nhau. Rồi ai cũng biết bên nội rồi bên ngoại tôi hết. 10 giờ xuất phát chạy mãi...5g chiều thấy đò ghé vô. Hỏi chị ngồi bên "chị ơi bến ni là bến mô ri chị" ? Bến Đại Lược. Ồ mừng quá, Mạ tôi dăn : “ Tới bến Đại Lộc thì xuống...”. Mừng khấp khởi, lẩm nhẩm : " Bến ni Đại Lược, chắc bến tới là Đại Lộc" . Đò vừa quay ra thì một bác kêu to : “Ơi thằng con Ôn Dàng Mụ Nga...răng tới làng rồi mà chưa xuống, còn đi mô nữa” … Dạ con đến bến Đại Lộc ôn ơi…
Cả đò cười như muốn nhận chìm tôi xuống dòng Ô lâu…
Đại Lộc và Đại Lược...là một mà thôi huhu...
KẾ MÔN – QUÊ CHA ĐẤT TỔ.
Đường vô xứ Huế quanh quanh…Nói đến Cố đô Huế, có lẽ ai cũng nói đến Sông Hương và núi Ngự. Sông Hương đẹp và thơ mộng nhưng Ô Lâu mới là dòng sông gắn liền với bao thăng trầm của đất thần kinh thì ít ai nhớ đến.
Trăm năm còn lỗi hẹn hò
Cây đa bến nước con đò khác xưa”….
Dòng Ô lâu thuở Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi là con đường huyết mạch để đến đất kinh kỳ xứ đàng trong bên kia dãy Hoành Sơn. Bến Ô Lâu xưa còn lưu giữ chuyến đò đưa nàng Công Chúa Đại Việt vào đất Chăm để vỗ yên bờ cõi. Cuộc chia ly đẫm nước mắt :
"Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm
Một gái Huyền Trân của mấy mươi“.
Cũng dòng Ô Lâu, có ai lý giải được vì sao dòng Ô lâu êm đềm là thế nhưng đến trước làng tôi thì ghé vào lưu luyến chưa muốn đi tạo nên một khúc quanh tại chỗ : Khút Bàu Ngược . Rồi cũng chính ở đây, có hay không và có ai lý giải được câu chuyện truyền khẩu về Ông Tổ Nghề Kim Hoàn định cư ở làng Kế Môn sau nghĩa cử ơn đền ? Mà ai mà đi nỡ bắt bẻ câu chuyện truyền khẩu một nghĩa cử trả nghĩa cao đẹp cơ chứ? Đúng không..
Nhưng hôm nay tôi có thể lý giải được tất cả nhờ một người .
Đó là Ông Giáo Già Hoàng Dục.(Duc Hoang) . Tôi gọi Ông bằng Cậu, dù đều cùng tộc Hoàng Ngọc. Không phải thấy sang mà bắt quàng làm họ mà vì Ông với Mạ tôi là chị em Cô cậu ruột. Trên Fb của chú em Đặng Hữu Hóa tôi tìm thấy Ông sau 40 năm cậu cháu chưa gặp nhau. Tập truyện ngắn Ông mới viết làm xôn xao người dân quê tôi .
- Cậu cho con xin một cuốn và gởi vào cho con 30 cuốn.
Và hôm nay tôi cầm trên tay cuốn “ KẾ MÔN – QUÊ HƯƠNG TRONG TÔI.
Thuở mà chỉ có sách mới làm tôi quên đi bọn con gái, tôi đã từng đọc “Muối của đất” hơn 1 tuần. Đọc “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” chỉ trong ngày rưỡi, đọc trộm “ Tiếu ngạo giang hồ"," Anh Hùng Xạ điêu" trong tiết học vì quá nghiện…Bỏ qua hết điện thoại , fb, cơm cơm áo áo gạo gạo tiền tiền. Gấp sách lại, có một cảm giác lạ. Giận ông thì phải. Ông làm tôi nhớ cơi trầu của Mệ ngoại, nhớ cái cối Ôn Mệ nội ....nhớ lời ru của Mạ:
À ơi..
"Ru em em théc cho muồi
Để Mạ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ quán chợ cầu
Mua Cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh"...
Ông làm tôi nhớ rau muống chấm nước đuốc cay tóe lưỡi, nhớ vị ruốc mà người dân quê tôi thường nêm nếm, nhớ trận đòn của ba tôi mỗi khi tôi đánh nhau với bạn chỉ vì kêu tôi "dân mắm ruốc"….
Nhưng thật lòng cám ơn Ông. Giữa thời buổi cơm áo gạo tiền, ai cũng lắng lo nhà cửa cộ xe …Có một Ông giáo già ngồi tẩn mẩn tỉ mỉ lau lớp bụi thời gian để hoài niệm về con người và dãy đất nhiều chất thơ bên bờ Ô lâu… Đúng, chính chất thơ của người dân quê tôi đã lý giải nhiều câu chuyện rất thơ và rất đời thường:
"O tê mười sáu trăng tròn
Răng O chưa chịu sặn lòng lấy dôn?
Làng mềnh mô thiếu nừng ôn
Hay là O vẫn chờ trôn một người"
Là thế này:
"Cô kia mười sáu trăng tròn
Sao cô chưa chịu sẵn lòng lấy dôn (chồng)
Làng mình không thiếu đàn ông
Hay là cô vẫn chờ trông một người"....
Làng tôi là thế, thợ vàng như tôi thì lắm lắm nhưng bụng toàn chữ nghĩa như ông thì mấy người. Nói rằng làng thơ thì hơi quá nhưng nhờ ông tôi mới hiểu được người làng tôi ngoài tay đe tay búa thì người làng tôi đủ chất thơ để lý giải nhiều câu chuyện nên thơ.
"Quê hương là gì hả mẹ
Mà Cô Giáo dạy phải yêu
Quê Hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ về …."
Trong tim ai cũng có dòng sông riêng mình
Tim tôi luôn gắn bó dòng sông tuổi thơ
Con sông tôi tắm mát
Con sông tôi đã hát ...

Hoàng Ngọc Tuấn
Eahleo Ngày Tết Covid - Mồng 3.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét