Tháng 7 năm 2021, tôi vừa ấn hành cuốn "Kế Môn-quê hương trong tôi" trong đó có lời giới thiệu của nhà thơ Hồ Sỹ Bình-Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. Xin đăng lại lời giới thiệu để cùng đọc.
LỜI GIỚI THIỆUKế Môn, quê hương trong tôi là một công trình nghiên cứu mà tác giả Hoàng Dục đã bỏ rất nhiều công sức, thời gian để viết. Đặc biệt là tình cảm đối với nơi nhau rốn của mình của một đời xa quê luôn đau đáu thắc thỏm yêu thương với nguồn cội trở thành nỗi ám ảnh như một món nợ suốt cả đời người cần phải trả. Kế Môn, quê hương trong tôi được viết bằng một tâm thế của một người trở về tìm lại “dấu xưa xe ngựa” giữa bộn bề của bể dâu thế sự một ngôi làng còn lưu giữ truyền thống văn hóa nổi tiếng của đất thần kinh.
Về dự lễ khánh thành Trung tâm thương mại của làng lại ngồi nhớ
ngôi chợ Điền Môn của làng kháng chiến ngày xưa với những phiên chợ đêm tránh
máy bay ném bom của Pháp với nỗi vương vấn hồi cố xa xăm, chuyện được - mất giữa
truyền thống và hiện đại. Nỗi ám ảnh ấy luôn nặng lòng người đi xa trở về. Thăm
lại ngôi chùa mới cũng ngậm ngùi thao thiết “Chùa làng tôi, không biết xây dựng
tự bao giờ, thuở ấy nghèo lắm, thoạt trông có vẻ tiêu sơ nhưng rất uy nghi”, “đó
là không gian hoài niệm của tôi” (Chùa
làng tôi). Nhưng nói chuyện làng, chuyện quê không chỉ là kí ức, nhà văn là
người muốn đánh thức những gì đã bị lãng quên, những giá trị phải được dựng dậy
bằng sự khảo cứu, tìm tòi, phát hiện, bằng một quá trình nghiên cứu khoa học.
Người viết đã rất hoài công, ngồn ngộn tư liệu kể cả những tư liệu cổ để truy
nguyên nguồn gốc, so sánh đối chiếu để làm nổi bật giá trị đặc trưng của di sản.
Về một tên gọi là một giải mã và lí
giải về một điệu múa được trình diễn của làng Kế Môn có tên gọi là múa Náp trên
thông tin báo chí. Người viết đã nhiều năm đi điền dã nhiều nơi, gần gũi trò
chuyện với những bô lão kể cả những những người trong đội múa, lục lọi tìm
trong tự điển chữ Nôm cũng chẳng có một thông tin gì về tên gọi Múa Náp, chỉ đến
khi vô tình đọc được “Chiếc náp dài khoảng 100 cm, lưỡi dài khoảng 40 cm. Hình
thức như một thanh đao” trên một tờ báo Ninh Thuận mới hiểu múa Náp thực chất
không phải là Múa Gươm mà “người dân thường gọi tên bằng phương ngữ là: “Lộn
gươm”. Để từ đó, tác giả dựa vào vũ điệu, vào truyền thống, tâm thức của làng,
đã đối chiếu so sánh nhằm tìm ra nét đặc trưng điệu múa của làng gắn với cái
tên Múa Náp theo như báo chí đưa tin là không đúng mà phải gọi đúng bản chất của
sự vật là Múa Gươm.
Kế Môn là ngôi
làng duy nhất suốt dải đất Ngũ Điền có Văn thánh điện thờ Đức Khổng Tử Vạn thế
sư biểu, luôn xem sự học là tối quan trọng. Làng có hai vị đại khoa: Đệ tam
giáp đồng Tiến sĩ Nguyễn Thanh Oai khoa Quý Mão (1843) và Đình nguyên Hoàng
giáp Trần Dĩnh Sĩ khoa Ất Mùi (1895). Về “cụ Thượng họ Trần” Trần Dĩnh Sĩ là một trường hợp đặc biệt bởi một “sắc phong
của vua Duy Tân” lại dành cho phụ thân, người đã “thành tựu nuôi dưỡng con cái
bằng đạo đức của người xưa, dạy con có nghĩa phương, có năng lực làm quan và biết
khuyên con giữ chữ trung”. Đọc lại sắc phong, mới thấy rằng “cha ông xưa đã quý
người tài đến nhường nào. Bậc vua chúa ngày xưa đã nhận thức rõ “hiền tài là
nguyên khí quốc gia (Thân Nhân Trung)”. Phụng chiếu ban ân của nhà vua dành cho
phụ thân của cụ Thượng Hoàng giáp nhưng vẫn không quên khẳng định tài năng, đạo
đức, phẩm chất của vị Hoàng giáp bằng những lời lẽ trân trọng đối với kẻ sĩ Hoàng đế định rằng, người quân tử có hiếu
làm vẻ vang cho cha mẹ, không gì bằng để lại danh tiếng nơi triều đình…
Nhắc đến Kế Môn
người ta phải nhắc đến là làng nghề Kim hoàn truyền thống nổi tiếng của cả nước.
Vua Khải Định đã sắc phong ghi ân cho hai vị khai sáng nghề Kim hoàn nước ta là
Cao Đình Độ và Cao Đình Hương là thần Dực Bảo Trung Hưng (thần Bảo vệ dân chúng
an cư và trung hưng nghề nghiệp). Chính với “tinh thần sáng tạo, trí óc mẫn tuệ,
họ đã đưa kĩ thuật điêu khắc, chạm trổ vàng bạc, đồ trang sức ở cung đình lên nấc
thang giá trị nghệ thuật, có giá trị thẩm mĩ cao”. Đã hơn 200 năm kể từ ngày
khai sinh nghề, người làm nghề kim hoàn đã tạo dựng tên tuổi và sự nghiệp làm
nghề không chỉ trong nước mà còn vang danh ở nước ngoài. Trải qua những thăng
trầm thế sự, dẫu có khi khó khăn trở ngại nhưng những người làm nghề đã biết tiếp
truyền niềm đam mê, chịu bao khổ lụy để học nghề của các vị tổ nghề khẳng định
ý thức dân tộc về nghề của người Việt để lưu giữ và phát triển nghề của quê
hương mình.
Những chuyên luận
khảo cứu về những di tích văn hóa lịch sử xưa trong Kế Môn, quê hương trong tôi luôn được tác giả diễn ngôn bằng một
góc nhìn của quá khứ trong dòng chảy của thời gian tiếp diễn với hiện tại, những
tích tụ, lưu giữ, nâng niu để tồn tại phát triển và tỏa hương với những bài viết
Tản mạn chuyến về khánh thành đình làng,
Về quê ngồi chuyện phiếm, Hướng dẫn viên du lịch tay ngang… Đó còn là kỉ niệm
đầy xao xuyến khi nghĩ về, là nỗi hồi cố, hoài cảm xa xăm với những năm tháng thời
thơ ấu. Cái nắng quê nhà là cái nắng
thiêu đốt của miền cát bỏng, khô khốc cháy da cháy thịt của gần 20 cây số đi về
của một cậu bé là tác giả trong những buổi đến trường làng “mồ hôi nhỏ xuống mặt
cát tưởng xèo xèo nghe như nhỏ vào cục than đang cháy. Vậy mà chẳng than van.”.
Nhớ lại để quý cái ngày xưa ấy, cảm xúc khôn nguôi đối với những năm tháng lặn
lội sách đèn để “thắp nắng tương lai”. Huyền
thoại Ô Lâu cũng thế, là dòng sông của tuổi thơ, của mảnh trăng mềm như lụa
vương vấn những tiếng đàn sáo réo rắt mang âm hưởng của âm nhạc ngũ cung xa vắng
nổi lên từ những thuyền rồng. Ô Lâu của một thời thuyền bè giăng mắc khách
thương hồ xuôi ngược, là một dòng sông huyền thoại với những câu hò điệu hát thấm
đẫm những tình sử đã đi vào ca dao: Trăm
năm đành lỗi hẹn hò/ Cây đa bến cộ con đò khác đưa… Thuyền ơi có nhớ bến chăng/
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền… Nhiều lắm những câu hò mà tác giả đã
kì công sưu tầm. Nhưng thế đó, sông Ô Lâu ngày ấy - bây giờ: “Sau năm 1975, người
ta đã lấp bàu Đán và bàu Môn vì lí do đơn giản. Thêm một vài mẫu đất có cứu
đói, có làm giàu quê tôi không, có giúp đất nước phát triển không. Tôi nghĩ là
không”. Câu hỏi như một sự tắc nghẹn ngậm ngùi nỗi buồn vì không có ai trả lời,
không một ai chịu trách nhiệm…
Nỗi tự hào lớn
nhất của đất học Kế Môn là nơi đã sản sinh ra nhà tân học Nguyễn Lộ Trạch.
Hoàng Dục đã dành 2 bài chuyên khảo (Nguyễn
Lộ Trạch, “Trị an” qua áng văn chương; Kỳ Am, cây quỳ cô đơn) và dịch 14
bài thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt của Nguyễn Lộ Trạch). Đây là những bài viết
khá kì khu. Tác giả Kế Môn, quê hương
trong tôi không đề cập nhiều đến “Thiên hạ đại thế luận” chỉ tập trung đi
sâu vào phân tích tư tưởng “trị an” đã chi phối mọi hành động của Kỳ Am Nguyễn
Lộ Trạch. Khi đất nước đang đứng trước họa xâm lăng của thực dân Pháp, thì “trị
an” có nghĩa là “làm cho đất nước sạch bóng quân thù, dân tộc tự do, dân chủ,
quốc gia hưng thịnh trong xu thế hiện đại. Nói gọn hơn, ‘trị an” có nghĩa là an
quốc, an dân theo hướng duy tân mà chí sĩ Phan Châu Trinh đề ra sau này: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.
Là một con người có đủ điều kiện để thăng tiến trên con đường hoạn lộ nhưng
Nguyễn Lộ Trạch dù là người thông minh, uyên thâm Nho học nhưng không đi thi,
không chọn con đường làm quan bằng khoa cử. Học vấn đối với ông là con đường thực
học hướng đến bằng tư tưởng và hành động duy tân đất nước. Ông chỉ muốn “nhận
thức lại giá trị của cái học từ chương… đóng khung lại trong Tứ thư, Ngũ kinh,
chế độ thi cử lấy văn sách, thơ phú để chọn người tài không còn phù hợp với thời
cuộc”. Tư tưởng của ông, muốn đất nước độc lập tự cường phải đổi mới chính trị
và giáo dục, giáo dục theo ông là giáo dục thực nghiệm, “mở mang dân trí, canh
tân nước nhà theo hướng khoa học tiên tiến” của phương Tây.
Hoàng Dục vốn là
cựu sinh viên Việt Hán trường Đại học sư phạm rồi lấy thạc sĩ văn học cổ, anh sở
đắc vốn hiểu biết Hán Nôm khá rộng nên khi tiếp cận thơ ca bằng chữ Hán của
Nguyễn Lộ Trạch đã giúp anh đào sâu vào góc khuất thế giới nội tâm đầy ẩn ức, nỗi
trăn trở, tư duy nhạy bén, khí chất của Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch. Sau khi “Thiên hạ
đại thế luận” bị vua Tự Đức bỏ ngoài tai “nói sao cao quá”, bao nhiêu niềm u uẩn
của cuồng sĩ Kỳ Am đều kí thác vào thơ ca. Tiếng thơ ấy vẫn là một mạch ngầm
xúc cảm của một tấc lòng canh cánh trước vận nước nổi trôi. Đọc lại thơ ca Nguyễn
Lộ Trạch, theo Hoàng Dục nội dung gói gọn trong 2 chủ đề chính: “Tiếng thơ đau
đáu thương lo vận nước và tiếng thơ ngưỡng vọng và giao tình với những nhân sĩ
yêu nước”. Giữa gió bão trầm luân thời cuộc, nhà tân học lỗi lạc “thông kim bác
cổ” Kỳ Am đã như một Cây quỳ cô đơn
trong thế giới thi ca chỉ biết thắp đèn đi trong đêm tối để tìm người tri âm
“Lòng đau không thể níu tà huy/ Song vắng một mình đọc Thức Vi”….
Là một người
dành cả đời đeo đuổi văn chương, tác giả là một thầy giáo dạy Văn gần 40 năm đứng
trên bục giảng. Khi giới thiệu Vườn thơ Kế
Môn, bằng sự cảm thấu tinh tế văn chương, anh vẫn là người miệt mài với cái
đẹp bằng những phát hiện nhẹ nhàng sâu thẳm mĩ cảm với thơ ca. Với Nguyễn Thành
Nhơn là niềm tưởng nhớ với người tình cố quận bởi “những vọng âm của từng con
sóng xa” để ngậm ngùi đau đớn bởi một trái tim cô lẻ “để ta tìm kiếm bạc đầu
tương tư” (Bạc đầu tương tư).Với thơ
ca của Hoàng Ngọc Ẩn, là “dòng chảy tình cảm mang phù sa của kí ức tập thể, kí ức
của người Việt xa xứ” của một “tâm hồn ăm ắp tình quê, căng phồng giấc mơ hồi
hương của cánh chim giữa trời chiều đất khách” (Trên triền kí ức khói sương). Với Hoàng Ngọc Châu là một Không gian thơ phấn vàng bay của một “vũ
trụ như khoác lên mình chiếc áo vàng mơ lóng lánh”, một không gian thơ đầy yêu
thương với quê hương, hương vị ngọt ngào của tình yêu, nỗi nhớ về “những chốn
xưa vàng rơi mấy độ”…
Nhánh thơ Kế Môn
gồm nhiều nhà thơ thế hệ sau này tiếp nối những thế hệ cha ông đi trước, khi viết
về họ, Hoàng Dục luôn thể hiện sự trân trọng, tự hào. Những phân tích, cảm nhận
luôn muốn tạo dựng một chân dung thơ với những nét riêng, tạo cho vườn thơ
phong phú những bông hoa rạng rỡ sắc màu, mỗi người mỗi vẻ. Anh tiếp cận thơ ca
không phải “chẻ sợi tóc làm tư, tìm cho được mạch nguồn lạch sông, như thế lắm
lúc làm hỏng thơ. Thơ hút nhụy từ cuộc sống nhưng được thăng hoa bởi tâm hồn
người làm thơ”. Đó là cách tiếp cận với thế giới thi ca đầy nữ tính của Hoàng
Xuân Thảo, một tâm hồn thơ trong tình yêu đôi lứa vốn chỉ để thể hiện sự giải
bày. Một nhà thơ nữ khác, Lệ Phi với một không gian bao trùm của những cơn mưa
của đất trời kỉ niệm “Em đi về chốn chiêm bao/ Hoa vàng từ độ rơi vào hư
không…”.
Kế Môn, quê hương trong tôi là một công
trình biên khảo với phương pháp nghiên cứu tư duy khoa học, những đúc kết phân
tích khả tín nhưng bàng bạc trong đó ăm ắp một nỗi niềm cố xứ, bằng tâm thức của
cái tôi trữ tình khắc khoải niềm yêu thương “quê quán tôi xưa”, với một thứ
ngôn ngữ bay bổng, giàu hình ảnh, tràn đầy cảm xúc dưới nhãn quan và tâm tình của
một nhà văn. Có lẽ nhờ vậy Kế Môn, quê
hương trong tôi đã tạo ra một sức hấp dẫn cho người đọc.
Đó là tập sách nên đọc không chỉ với
người làng Kế Môn mà với tất cả những ai còn yêu mến ngôi làng của mình.
Trân trọng
Hồ Sĩ Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét