Thứ Hai, 12 tháng 9, 2022

714. MÊ NGỘ KHÔNG KHÁC

MÊ NGỘ KHÔNG KHÁC

Chuyện kể rằng:

Một lần, Thượng Sĩ vào cung thăm thái hậu. Bà mở tiệc thịnh soạn chiêu đãi. Ông gắp thịt ăn. Thái hậu lấy làm lạ hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt, đâu thể thành Phật”. Chỉ vì một lúc ăn thịt mà không thể thành Phật thì con bò đã thành Phật từ lâu. Bò là bò mà Phật là Phật. Dẫu bò cũng có tánh Phật.

Câu chuyện trên nói về ăn chay và ăn mặn trong tu tập. Nghe thật đơn giản, kì thực chứa đựng Phật triết thâm sâu. Bởi đó chỉ là ẩn dụ triết học về nguyên lí bất nhị mà chỉ có bậc thượng thừa Phật học, chỉ có bậc tuệ nhãn trung đạo như Tuệ Trung Thượng Sĩ mới thấu suốt được. Bài thơ “Mê ngộ bất dị” dưới đây nằm trong mạch nguồn tư tưởng ấy. Bài thơ kiến giải “mê” “ngộ” hay “sắc” “không” không hề khác nhau, cả hai chỉ là một. Khác chăng là do con người lấy nhị kiến để nhìn, để phân biệt. Con người càng phân biệt, càng rơi vào hỗn mang, rơi vào vọng tâm thì làm sao thành chánh quả. Chỉ có:

               Nhị kiến cứ quên hết

               Pháp giới ắt nhiệm màu.

MÊ NGỘ BẤT DỊ

Tuệ Trung Thượng sĩ

Nguyên tác:

  














Phiên âm:

MÊ NGỘ BẤT DỊ

Mê khứ sinh không sắc,
Ngộ lai vô sắc không.
Sắc không mê ngộ giả,
Nhất lý cổ kim đồng.

Vọng khởi tam đồ khởi,
Chân thông ngũ nhãn thông.
Niết-bàn tâm tịch tịch,
Sinh tử hải trùng trùng.

Bất sinh hoàn bất diệt,
Vô thuỷ diệc vô chung.
Đãn năng vong nhị kiến,
Pháp giới tận bao dung.

Dịch nghĩa:

MÊ NGỘ KHÔNG KHÁC

Lúc mê sinh ra “không” và “sắc”,
Khi ngộ không còn “sắc”, không, mê, ngộ.
“Sắc”, “không”, với “mê”, “ngộ”,
Xưa nay vẫn chung nhau ở một lẽ.

Mê vọng nổi dậy thì ba đường nổi dậy,
Cứ chân thông suốt thì năm mắt đều thông suốt.
Tâm niết-bàn lặng lẽ,
Biển sống chết trùng trùng.

Không sinh mà không diệt,
Không trước cũng không sau.
Nếu quên được cả ngã kiến và pháp kiến,
Thì bao hàm được cả pháp giới.

Nguồn: Thơ văn Lý Trần (tập II), NXB Khoa học xã hội, 1988
Dịch thơ:

MÊ NGỘ KHÔNG KHÁC

Khi mê sinh không sắc

Lúc ngộ chẳng sắc không

Sắc không và mê ngộ

Xưa nay đều ở cùng

 

Vọng nổi ba đường nổi

Chân thông năm mắt thông

Tâm niết-bàn lặng lặng

Biển sống chết trùng trùng

 

Không sinh lại không diệt

Không trước cũng không sau

Nhị kiến cứ quên hết

Pháp giới ắt nhiệm màu.

Hoàng Dục dịch

Đà Nẵng, 12-2021 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét