Đây là nhan đề bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc. Bài viết thể hiện cái nhìn văn hóa dân tộc Việt từ xa, từ đất nước Lào của nhà văn. Bằng cái nhìn so sánh, giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, tác giả đã cho người đọc thấy được những gì cần thấy. Chính vì vậy, mình xin phép nhà văn được đăng lại trên trang này.
ĐI
XA ĐỂ NGHĨ LẠI GẦN
Sáng
sớm ở cố đô Luang Prabang của nước Lào, khoảng từ 5g, không gì hay bằng ra
đường và nhìn cảnh các nhà sư đi khất thực. Tôi cũng đã được thấy các sư đi
khất thực ở Sài Gòn. Rất khác, và cũng có thể ở đấy lại có cái hay khác: những
người tu hành đi xin ăn giữa chợ đời chen chúc, xô bồ, cũng là tu nhưng là “tu
giữa chợ”. Là một thứ triết lý tu hành thâm thúy riêng chăng?... Ở Lào khác
hẳn.
Từ mờ sáng, người ta
ra ngồi ven đường, mỗi người một vuông đệm nhỏ hay một chiếc ghế mây thấp, đàn
bà thì quỳ, đàn ông ngồi xếp bằng, giỏ xôi đặt trước mặt. Rất sớm và rất trang
trọng. Người ta bảo mình phải chờ sư, không được để sư chờ mình. Trước khi các
sư đến, người ta nâng giỏ xôi lên ngang trán, lầm rầm khấn vái. Không phải bố
thí mà là dâng hiến. Các sư đi thành đoàn dài, người hai bên đường cung kính
dâng thức ăn.
Khi các sư đã đi qua
rồi, người ta vẫn ngồi yên hồi lâu, chắp tay và nhắm mắt, một khoảnh khắc vọng
về cõi vô thường, mỗi sáng lại được chạm nhẹ vào đấy trước khi dấn vào cuộc lầm
bụi hằng ngày. Cũng có khi nhận thức ăn xong, các sư dừng lại, hát một bài kinh
ngân nga, cảm ơn và chúc phúc...
Lạ thay là một dân
tộc, là những con người, suốt đời, ngày nào cũng vậy, mỗi buổi sáng lại dậy
thật sớm, dọn mình thật thanh khiết rồi ra ngồi lặng lẽ và cung kính bên đường
để chờ làm công việc hẳn là tự nguyện nhất trong những công việc ở đời. Mở đầu
một ngày sống như vậy thì thật khó làm điều ác trong ngày. Và một chút nhận xét
nữa: ở đây người ta sống chậm. Không quan tâm, không ham hố tốc độ. Hình như
giữa sự thâm trầm của tu, chùa, sư và sự thanh thản của cuộc sống hằng ngày
chẳng có mấy khoảng cách.
Một chị bạn cùng đi
chiêm ngưỡng cảnh khất thực buổi sáng còn chỉ cho tôi một chi tiết: một bà cụ,
sau khi dâng thức ăn cho sư, dành lại một ít xôi trong giỏ, bà trở về nhà, chậm
rãi đi đến từng cây trong vườn, kính cẩn gắn những vón xôi nhỏ lên các chạc
cây: bà “cho cây ăn”. Dâng xôi cho sư và lại dâng xôi cho cây...
Ở Luang Prabang tôi
được biết một điều: cả thành phố không nhà nào cao quá hai tầng, cố đô nép mình
khiêm nhường bên bờ sông Mekong đoạn này rất êm ả, và bất cứ ai muốn chặt một
cây nhỏ, ngay trong vườn riêng của mình, đều phải xin phép, rất khó khăn. Tôi
bỗng nhớ đến Tây nguyên, ngày trước trên ấy khi phải chặt một cây trong rừng,
người ta cẩn trọng làm lễ xin phép rừng và tạ lỗi với cây.
Có gì đó gần nhau quá
giữa bà cụ Luang Prabang dâng xôi cho sư rồi lại dâng xôi cho cây, đều kính cẩn
như nhau, và người Tây nguyên của tôi thấy mình có lỗi với rừng, với cây mỗi
khi buộc phải làm đau cây, đau rừng. Giống quá, tự trong một chiều sâu rất sâu
nào đó mà Luang Prabang vẫn giữ được, còn Tây nguyên của tôi đang mất. Đến
Luang Prabang, tôi đi xa để lại nghĩ về gần...
Sau mấy ngày ở phố
Luang Prabang, tôi ra vùng ngoại ô, dừng lại ở bản Xiêng Đa của người Lào Lum.
Vừa qua ở Xiêng Đa đã tổ chức lễ Buot Ton May, phong sư cho các cây trong rừng.
Làng kéo nhau vào rừng, mỗi người mang theo một tấm vải dài màu vàng, cắt thành
những rẻo mỏng, đem buộc vào từng cây. Cây được buộc dải vải vàng cũng như
người được khoác áo cà sa, được đánh thức tính Phật, được phong sư. Và khi con
người đánh thức tính Phật ở cây thì cũng tự đánh thức tính Phật ở mình. Cây
được phong sư là vì trong cây vốn đã có chất sư. Ở Lào tất cả thanh niên lớn
lên đều phải qua mấy năm ở chùa, cũng là để đánh thức tính Phật vốn sẵn trong
mỗi con người.
Buot Ton May cũng lại
gợi suy ngẫm đến cách nghĩ về tự nhiên và con người ở bên này. Ở đây, giữa tự
nhiên, cây cỏ, với con người có gì khác nhau? Trong tác phẩm Nhiệt đới buồn nổi
tiếng, Claude Lévi-Strauss kể rằng người Bororo Nam Mỹ vẽ lên mặt những hình
khác nhau để tự phân biệt, tự tách mình ra khỏi tự nhiên, chưa vẽ mặt thì con
người còn hoang dã như tự nhiên, có hình vẽ trên khuôn mặt rồi con người mới
trở thành văn hóa, thành xã hội, cao lên, cao hơn tự nhiên. Và xã hội thì có
đẳng cấp. Mỗi đẳng cấp khác nhau vẽ mặt theo những cách khác nhau, như những
huy hiệu đẳng cấp vậy.
Hóa ra người Lào Lum ở
Xiêng Đa không cảm thấy có nhu cầu đó, họ không muốn cao hơn tự nhiên, thậm chí
họ cố đánh thức dậy ở mình một cái chất nào đó để được cao lên cho bằng tự
nhiên. Hoặc cũng có thể hiểu cách khác: để không từ “tự nhiên” mà tụt xuống
thành “văn hóa”, tức thấp hơn. Cũng chính Claude Lévi- Strauss, ở một chỗ khác,
trong tác phẩm Tư duy man dã, lại viết rằng “tư duy man dã không phải là tư duy
của người man dã, mà là một thuộc tính phổ quát của tinh thần con người, biểu
hiện chẳng hạn trong thơ và nghệ thuật”.
Hình như người Xiêng
Đa có biết - rất có thể tự trong bản năng thuần khiết, chứ không phải bằng ý
thức - những tìm tòi và trăn trở kiểu Strauss ấy và có câu trả lời riêng của
họ. Họ không sợ sự man dã. Nói như Strauss, họ là những nhà thơ và đầy chất
nghệ thuật. Họ không có nhu cầu tách mình ra khỏi tự nhiên, không sợ còn là tự
nhiên thì không có, chưa có văn hóa. Bởi họ tin rằng trong tự nhiên có văn hóa.
Con người đi tìm văn
hóa trong hòa nhập với tự nhiên. Người Xiêng Đa đánh thức dậy trong mình chất
cây, chất rừng, chất tự nhiên mà họ coi là cao quý nhất - cái mà chúng ta coi
là man dại và đã đánh mất, vứt bỏ, giày xéo trong cuộc đua chen để trở thành
hiện đại.
Người Xiêng Đa, tôi
được biết, cũng không đứng ngoài cuộc đua chen hiện đại, và trong cuộc đua ấy
họ đã thắng theo lối của họ. Vừa qua, nhiều thế lực bên ngoài, kiêu căng hùng
hổ có, dụ dỗ ranh ma có, đổ vào mua rừng Xiêng Đa, thậm chí mua đất rồi đưa
người đến theo một tính toán đồng hóa lâu dài. Người Xiêng Đa trả lời giản dị,
nhẹ nhàng: họ không bán Phật.
Đến nay rừng Xiêng Đa
vẫn xanh ngút đại ngàn.
Đến Xiêng Đa bây giờ
có thể mua được những tấm thổ cẩm thật đẹp do các cô gái Xiêng Đa thong thả dệt
trên các khung cửi của từng nhà. Các cô không dùng màu hóa học để nhuộm chỉ,
thổ cẩm Xiêng Đa toàn màu tự nhiên của cây, của lá, của rừng. Mộc, bền, tinh khiết,
đậm đà. Mà, như ta đã biết, rừng, cây ở đây cũng là Phật, trong thổ cẩm dưới
tay các cô gái Xiêng Đa có chất Phật... Thâm thúy thay, một đất nước có tục
khất thực đẹp quá buổi sáng, lại biết rằng có Phật cả trong những vật dụng hằng
ngày.
Các cô gái Xiêng Đa
dệt thổ cẩm có thu nhập khoảng 1 triệu kíp, tức 2 triệu đồng VN một tháng. Vừa
rồi có 20 hộ người Khơ Mú xin chuyển đến sống cùng bà con Xiêng Đa, được người
Xiêng Đa nhận. Chị Xy, chị Văn người Lào Lum Xiêng Đa dạy cho các chị người Khơ
Mú nghề thổ cẩm, không chỉ dệt mà cả nhuộm bằng cây, lá rừng, tạo nên màu tự
nhiên đẹp và quý. Người Khơ Mú không theo đạo Phật. Cũng không sao, người Xiêng
Đa bảo nói cho đúng Phật không phải là một tôn giáo, mà là một cách hiểu về
cuộc đời, một cách sống, Phật có trong bất cứ ai...
Vậy đó, kết quả của
một tư duy.
Tôi chỉ mới đến Xiêng
Đa một thoáng. Đang rủ một số bạn mùa xuân này trở lại Luang Prabang, trở lại
Xiêng Đa. Mùa xuân, đến, nhìn, gặp rừng và người, để nghĩ thêm về một cách tồn
tại trên đời, cũng là hay, đúng không?
NGUYÊN NGỌC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét