Những ngày của tháng 11, đồng nghiệp, bằng hữu và học trò cũ lại tưới tẩm niềm vui của mình bằng những lời chúc tụng, bằng những cánh hoa rạng rỡ và bằng cả những cái bắt tay đi đôi với nụ cười thân tình. Lòng rộn vui thêm trên nền ngày tháng bằng lặng trôi qua. Vậy mà, như có cái gì đó lấn cấn, có điều gì đó cản trở dòng chảy của sự hân hoan, tâm hồn bị chùng xuống, trí não lại lăn tăn lục vấn vùng kí ức đã đóng gói nằm yên trong ngăn kéo quá vãng. Cái nghiệp dạy học lại phá vỏ sự phong bế trồi ra thở dài.
Không thở dài sao được khi học trò cũ đến
thăm than thở về chương trình đổi mới, phương pháp dạy đổi mới quá rối rắm như
một ma trận, như một mê cung. Các đại giáo sư, những nhà giáo dục vĩ mô đại tài ba, cứ ngồi trên phán xuống, chẳng thèm ngó ngàng đến cảm giác của thầy giáo và
học sinh. Các giáo sư trên ngôi cao ấy đổ đống bùi nhùi giáo dục, kiến thức xuống
đầu thầy cô, bắt thầy cô mang vác đến nghẹt thở. Các học sinh tuổi lớn, cần được
khai phóng, tìm hướng đi đúng nhất, phù hợp với cá tính và năng lực của mình
thì cũng chẳng khác hơn. Các cháu lo học cua náo nhiệt, tưng bừng chưa từng thấy.
Học ở trường, học ở trung tâm, học tại nhà các thầy cô còn tất tả hơn cả đi cày
vào thời “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Đúng là cua kéo năm này hơn hẳn mấy năm
qua. Càng nghĩ càng không thể nén được tiếng thở dài thậm thượt.
Đã thế. Các đấng bậc phụ huynh lại bắt
con theo khuôn chiếc bóng của họ. Mặc dù cái bóng của họ xộc xệch, lắm màu
trong thì quá khứ. Chẳng sao. Cái tôi là số một. Nghĩ mà buồn. Cũng chẳng trách
họ. Khi xã hội trọng bằng cấp, bằng cấp là giấy chứng nhận quan chức, bằng cấp
là két sắt đựng tiền vàng. Ma lực ấy làm sao con người trần thế có thể cưỡng nổi.
Cũng chả trách khi xã hội tạo khuôn đúc giáo dục sản xuất hàng loạt ông tú, ông
cử, ông thạc, ông tiến. Cũng chả trách khi quan chức ca ngợi nền giáo dục trong
nước ưu việt nhưng lại cho con đi học ở các nước tiên tiến trên thế giới. Phụ
huynh liệu có còn niềm tin khi chứng kiến sự kiện phổ biến này không? Muốn biết, hãy nghe tiếng thở dài và hình ảnh chạy
xô đón con học thêm của họ.
Trò chuyện với học trò cũ, bỗng thấy
trong tiếng thở dài của các em hiện hình hình tượng nhân vật Quân Quân và Lệ Lệ
trong phim truyện truyền hình Trung Hoa: “Chúng ta là một gia đình”. Hai người
mẹ này, chạy theo trào lưu, theo khuôn giáo dục xã hội đã ép con mình học và học
để được vào trường hàn lâm và đại học Thanh Hoa, mặc dầu chúng đang chuẩn bị
lên lớp 6. Họ không ngó ngàng đến những yêu thích của chúng, chẳng quan tâm đến
tâm lí lứa tuổi, xem nhẹ năng lực và năng khiếu của chúng. Họ chăm chăm đúc con
họ trong khuôn được tạo ra từ hình mẫu của xã hội, từ nỗi tự hào ảo của họ. Những
bậc phụ huynh, những người mẹ này đã làm tổn thương con họ mà không biết, đến nỗi
chúng bị chấn thương tâm lí. Cũng may khi đưa con đến bệnh viện họ mới nhận thức
lại. Họ nhận thức con họ là một con người, có nhân vị riêng; con họ vẫn là những
đứa trẻ tuổi ăn tuổi lớn.
Chao ôi, chuyện dài giáo dục. Làm sao
chia sẻ tiếng thở dài của học trò cũ, của các phụ huynh. Mong sao không riêng
gì học trò cũ mà mọi người sẽ nhận thức lại, có cái nhìn giáo dục tích cực, tôn
trọng và phát triển nhân vị của các em học sinh.
Hoàng Dục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét