Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

388. THÂN GIÁP BẢNG


      Mười lăm phút tự thư giãn. Anh bạn trong phòng chua chát : “Ông thế nào ? Còn mình bây giờ rất thấm thía câu thơ cụ Khuyến : “Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng - Nét son điểm rõ mặt văn khôi” ! Bậc đại túc nho xưa sao mà thâm thúy quá !”. Nghe thế, tôi chẳng biết ất giáp gì, bèn gặng hỏi. Hóa ra, anh đọc báo “Tuổi Trẻ”, gặp phải một bài
nghẹn họng hơn cả xôi chùa của Lam Điền “Bác sĩ đạo sách chuyên khoa”. Anh không thể từ tầng 7 chạy xuống đất đào lỗ mà thở than vào đó được, đành ngồi thừ người đợi tôi ra, rồi “xả” nỗi buồn thế sự.
      Và thế là nỗi buồn thế sự của anh lây nhiễm vào tôi. Tìm đọc bài báo đăng trên “Tuổi Trẻ” vào thứ bảy, ngày 5-1-2013, mới thấy, tôi lậm căn bệnh thế sự của anh cũng dễ hiểu. Ai đời một một vị Phó Giáo sư Tiến sĩ, Giám đốc bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương lại có thể đạo văn một cách rất lành nghề và thuần thục như thế. Theo tác giả bài báo, BS Bùi Hữu Lâm, Phó khoa phẫu thuật răng hàm mặt của bệnh viện RHM TW chuyển dịch cuốn sách “Surgical appoaches to the facial skeleton” của Edward Ellis và Michael F. Zide, xuất bản tại Mỹ năm 1995 ra Việt ngữ với tên “Những đường rạch sử dụng trong phẫu thuật xương hàm mặt”, xuất bản năm 2000. Bản dịch của này được PGS TS Lâm Hoài Phương, Giám đốc bệnh viện RHM TW cho in với tên “Đường rạch phẫu thuật răng hàm mặt”, Nxb Y học, 2012; tác giả là : Chủ biên : PGS TS Lâm Hoài Phương, biên soạn : Ths Bùi Hữu Lâm. Ths Lâm Quốc Việt,….
      Đem so sánh hai cuốn sách, nhiều người có uy tín trong ngành y đã khẳng định : hai cuốn sách giống nhau như hai đứa trẻ song sinh. Đứa này có nốt ruồi ở chỗ kín đứa kia cũng có. Đứa này mắt lé kim đứa kia chẳng khác gì. Đứa này… Thậm chí, có người đánh giá bản dịch của bác sĩ Lâm có chỗ thô thì cuốn sách của PGS TS Phương cũng như thế.
      Đọc bài báo xong mắt tôi tròn vo : song sinh trong sản khoa không phải là hiếm, nhưng song sinh trong khoa khọc như thế này thì có một không hai. Nhưng rồi… Là người theo chủ nghĩa gia đình, tôi lại nghĩ : BS Lâm và PGS TS Phương là người cùng nhà thì của em cũng là của chị, của anh làm sao mà gọi là “đạo văn chuyên khoa”. Đã là người trong nhà thì cần gì nói đến chuyện tự trọng, xấu hổ cho nó xa cách, thiếu thân tình. PGS TS Phương có “ngã” trong kiến thức, trong sự tiến thân, thì BS Lâm nâng theo tinh thần “Chị ngã em nâng” thì tuyệt vời quá đi chứ.
      Và cũng là người thích “tập cổ”, tôi đem đặt vị PGS TS đáng kính ấy vào cái thời cụ Yên Đỗ, cụ Nguyễn Du, cụ Nguyễn Trãi,… nói chung là thời kì “văn học trung đại Việt Nam” thì thấy làm gì có chuyện đạo văn ở đây, đó chẳng qua là tinh thần tập cổ, trọng cái xưa thôi. Các cụ ngày xưa, khi làm thơ viết văn mượn câu thơ của người trước mà có sao đâu. Các cụ cho “tập cổ” mới làm thơ văn mình cao đẹp quý phái hơn. Người nay dẫn người xưa là làm cho người xưa sang trọng hơn lên. Cho nên người được dẫn và người dẫn đều huề cả làng, cùng nhìn nhau cười hồn nhiên, rất từ bi và hỉ xả. Cứ xem cụ Nguyễn Du mượn câu thơ của Thôi Hộ :
            Khứ niên kim nhật thử môn trung,
            Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
            Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
            Đào hoa y cựu tiếu đông phong
    
                     (Thị đô thành Nam trang)
    Đỗ Bằng Đoàn và Bùi Khánh Đản dịch : 
            Năm ngoái ngày này dưới cánh song
            Hoa đào ánh má mặt ai hồng
            Mặt ai nay biết tìm đâu thấy
            Chỉ thấy hoa cười trước gió Đông

    Tứ thơ trên đã an nhiên tự tại trong “Truyện Kiều” qua con mắt Kim Trọng khi trở lại vườn Thúy nhưng người yêu đã bay bổng tuyệt mù :
            Trước sau nào thấy bóng người,
            Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

    Và cụ Tam nguyên Yên Đỗ, trong bài “Thu vịnh” cũng mượn rất khéo câu thơ “Xuân lai xuân phát cựu thời hoa” của Sầm Tham mà viết nên câu :
            Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
            Một tiếng trên không ngỗng ớc nào.
                                     
      Người xưa “tập cổ”, sao người nay lại không ? Đừng nghiêm khắc quá với người nay. Sách BS Lâm ra trước là cổ, sách PGS TS Phương ra sau thì phải “tập cổ”. Hãy nhìn “tập cổ” như là tinh thần trở về với truyền thống mới quý cái tâm của PGS TS Phương chứ. Hơn nữa, nếu so sánh với ông TS Nguyễn Thế Quyền, cựu giảng viên Đại học Thương mại Hà Nội, môi giới hối lộ, chiếm 1,2 tỷ đồng mà báo “Tiền phong” đăng tải thì chuyện của PGS TS Lâm Hoài Phương nhẹ hơn bậc nữa. Hơn nữa, theo nhà văn Áo Stefan zweig, thân phận con người trong thế kỉ XX là thân phận chính trị thì cái ông GĐ bệnh viên RHM TW làm như thế để kiếm một chút danh khoa học, một chút phận chính trị thì cũng dễ hiểu thôi.
      Đáng buồn chăng là cái học hàm học vị của ông Lâm Hoài Phương đó.
      Than ôi, muốn vui, muốn cười, vậy mà tôi đâm ra gật gù :
          Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe,
          Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi.
 
               (Nguyễn Khuyến - Tiến sĩ giấy)
       Mười lăm phút thư giãn ít ỏi thế là thành mây thành khói!
         
                              Hoàng Dục, 9-1-2013
                 ______________________________

2 nhận xét:

  1. Không phải là đạo văn? Việc chép bài của nhau như báo nêu đó là lối sống của thế giới đại đồng mà các cụ từng mơ trong mơ đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chà, bạn có ý hay ghê! Cám ơn đã đồng điệu.

      Xóa