Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

386. Truyện ngắn TRONG TIỆM HỚT TÓC

     

Tuổi già quả là tệ hại, cái gì cũng chậm, chậm mà không chắc. Từ chuyện đi đứng, nằm ngồi, nói năng, nói chung là những gì thuộc con người đều chậm. Chẳng hạn như hôm nay, chuyện hớt tóc cũng rất chậm dù trên đầu chỉ còn “lơ thơ tơ liễu buông mành”.
      Chẳng bù với ngày xưa. Ngày ấy, mẹ chỉ cần bảo : “chạy xuống Chú Nghê hớt tóc đi, bữa nào mẹ trả tiền”.
 Mẹ chưa dứt câu, tôi đã vù xuống xóm Dừa, chạy đến trước bụi tre cán dáo - cái quán hớt tóc lộ thiên - nằm ở cổng nhà chú rồi. Nếu có ai thì loanh quanh chạy nhảy để… đợi, không thì chễm chệ trên cái ghế gỗ đóng rất thô, không vẹc ni vẹc niếc gì, trông già nua lắm. Tôi nhớ chú vừa choàng khăn vào cổ tôi vừa hỏi “cúp ca-rê hở”. Thế là tiếng tông đơ lách tách giòn tan, rồi cái sắc lạnh của dao cạo, chấn tóc… một loáng chú cầm cái bót lông to chải tóc rụng trên mặt, quanh cổ tôi và cởi khăn choàng kèm theo một tiếng gọn lỏn : “xong”. Tôi ngẩng mặt soi vào tấm gương treo vừa tầm trên một cây tre trước mặt, rồi nhảy ào xuống : “Mai mạ trả tiền… chú nghe”. “Ừ, biết rồi!”. Chao ôi là gọn, là nhanh, nhanh hơn tốc độ ánh sáng nữa. Vậy mà bây giờ, dễ chừng phải già nửa tiếng rồi mà vẫn chưa xong.
      Sau khi bôi đều thuốc nhuộm, anh thợ bảo tôi nằm ngửa kê đầu lên cái gối vuông bọc giấy báo. Tôi răm rắp làm theo lời anh ta. Kể cũng chẳng khó gì những yêu cầu đó, nhất là nó có lợi cho mình. Ngồi đã lâu, bây giờ được ngả lưng cũng là một cái thú. Tôi từ từ ngả người xuống, rất nhẹ nhàng xem chừng sợ đau cái ghế. Nhưng kì thực sợ những khớp xương răng rắc to quá thì chướng.
      Anh thợ bôi thứ keo gì xanh xanh lên mặt tôi, vừa chào một phụ nữ nào đó đang bước vào : “Xin chào ! Lâu ngày ghê nghe ! Hớt cho thằng cu hả ?”. “Ừ, cho thằng cu”, người phụ nữ nhỏ nhẹ. Nghe hai lời trao đổi, tôi đoán họ có quan hệ rất thân tình nhưng lại cười thầm : chà lời chào hỏi, ngộ ghê ! Dễ sinh hiểu nhầm quá ! Một anh thợ khác, lấy một miếng ván bắc ngang hai tay vịn của chiếc ghế sát tôi, và nói “Ngồi lên đây cu ! Thẳng lưng vào ! Ngoan dữ a ! Như cũ… chị há ?”
      Tôi muốn ngẩng xem thằng bé thế nào nhưng đành chịu. Có lé mắt trông sang cũng chẳng thấy gì. Một loáng, thấy anh thợ hớt cho thằng bé giọng phấn chấn : “rồi !”. Người đàn bà và đứa trẻ ra về. Tôi bỗng nhớ mẹ tôi thuở nào. Mẹ chưa bao giờ đưa tôi đi cắt tóc cả. Cuộc sống khó nghèo ở chốn quê không cho mẹ tôi một chút thì giờ để thở nói gì chuyện khác. Suốt ngày mẹ ngồi chợ, chỉ đêm về trong bữa cơm đèn, mẹ mới hỏi han tôi. Khi thì xắn tay áo tôi  lên : “Chà kì đất chưa sạch ở cùi này. Mai nhớ cọ cho sạch đó”. Khi thì nhìn vào chén cơm của tôi : “Ăn chi mà như mèo. Con trai mà…” Khi thì : “Mai có bài ở trường không ? Ừ, lo học đi con…”. Tôi ước gì, ngày ấy quê tôi cũng có quán hớt tóc đêm, chắc mẹ cũng đưa tôi đến quán như bà mẹ trẻ kia.  Tự dưng, tôi buột miệng : “Anh chủ này ! Anh thân tình với hai mẹ thằng bé lắm thì phải ?” “Vâng”, người chủ tiệm đang lấy ráy tai cho tôi nói và bỗng thở dài : “Ở sát nhà em mà thầy. Hoàn cảnh lắm!”. Tôi cảm thấy tò mò : “Hoàn cảnh thế nào. Hai mẹ con có vẻ hạnh phúc lắm mà !” “Thì thấy thế, nhưng mẹ góa con côi khổ lắm”. Anh thợ chủ tiệm giọng như thầm thì vào tai tôi về chuyện nhà hai mẹ con ấy, rồi bình luận : “Nghĩ cũng lạ, cái gia đình đang yên lành bỗng nhiên đổ vỡ. Cái thời buổi gì mà con người dễ mất phương hướng quá. Anh chồng trẻ đang ăn nên làm ra bỗng sinh tật cá độ bóng đá. Trái bóng lăn, lăn luôn cả cuộc đời của anh ta vào lưỡi dao tàn độc của những kẻ đòi nợ thuê. Anh ta chết khỏe cái thân anh ta, nhưng bao nhiêu nhọc nhằn, kể cả tương lai thằng con, đều đặt lên vai người vợ trẻ ấy ! ”.
      Nghe anh chủ tiệm mà lòng tôi quặn thắt. Tôi nghĩ về gia đình tôi. Ba tôi đã bị cuộc chiến tranh quỉ quái lạnh lùng trả về với cát bụi. Mẹ con tôi lạc lõng giữa xứ người. Chỉ một trái thơm, món hàng bán buôn thảm hại, mẹ tôi chỉ dám loanh quanh ngoài hè chợ Cầu Hai, nuôi sống gia đình từng ngày. Rồi mẹ mua đậu phụng, rang cho chị tôi bán trên tàu hỏa khi dừng ở sân ga. Tôi bé tí chỉ còn biết chơi với chuồn chuồn, châu chấu trong vườn. Cuộc chiến tranh đã qua đi nhưng những mảnh vỡ đau thương vô hình vẫn còn đó. Đời tưởng sẽ bình yên khi không còn tiếng súng, hóa ra vẫn còn những gia đình không lành lặn. Trong căn nhà tưởng yên ấm kia vẫn còn những đứa trẻ thơ bị cướp mất tình thương.  Nhưng thôi, dẫu sao tôi cũng hơn thằng bé kia. Tương lai nó thế nào, làm sao biết được. Còn tôi, tôi đã có cả một tương lai. Mặc dù, cái tương lại ấy hôm nay đang là hiện tại với đồng lương hưu thầy giáo ít ỏi.
      Đang vẩn vơ, tôi lại nghe tiếng người đàn bà trẻ cao giọng : “Có hớt không ?”.  “Mời chị vào”, anh chủ tiệm đon đả, xởi lởi. Tôi lợi dụng dịp này bảo anh thợ chủ tiệm cho tôi trở mình một chút chứ không mỏi nhừ cả thân mình. Thực ra tôi muốn nhìn rõ mặt cái chị gì vừa cụt cỡn hỏi ấy. Chà, trắng trẻo, dễ coi, trẻ nhưng trang sức hơi quá đà. Thằng con bụ bẫm thật. Không khéo thừa non chục cân chả chơi. Hóa ra chị ta dẫn thằng con đi hớt tóc. Cũng anh thợ hồi nãy. Anh ta vừa hớt vừa càu nhàu : “Yên nào cu. Cứ nhúc nhích như giòi thế ai mà hớt được”. Người mẹ đứng vịn thằng con : “Thì anh cứ hớt. Có tôi đây mà. Yên nào con… Con cưng của mẹ… Ngoan rồi tối bố mẹ dẫn đi ăn món Nhật. Mà này… Cứ đẹp vào. Xấu tôi không trả tiền đâu đấy”. Người thợ hớt cho thằng bé không nói gì, một hồi lâu như xả hơi : “xong rồi…”. Người đàn bà trả tiền rồi dẫn đứa bé đi về. Tôi nghe anh thợ lùng bùng : “Mập chi mà mập lạ. Cưng cho lắm vào. Cái tóc đẹp mà cái thân không đẹp cũng phí mất thôi”.
      Lần này không đợi tôi hỏi, anh thợ chủ tiệm bắt chuyện : “Thầy thấy không, có tiền một chút là huênh hoang rồi. Cũng hàng xóm, nhưng nhà mặt tiền, cái nhà hơi hỗn cả gan đưa đít vào mặt nhà em.  Ông chồng là giám đốc một công ty hái ra tiền. bà vợ là trưởng phòng ở một ngân hàng”. Tôi bật cười cho cái anh thợ này. Sao lại có chuyện đưa đít, đưa khu ở đây. Có lẽ anh ta cũng chẳng mấy thiện cảm với người phụ nữ kia. Tôi nhìn trần nhà và bâng quơ : “Đời thiếu gì kẻ hãnh tiến. Hơi đâu…”. Thấy tôi nói vậy, anh thợ chủ tiệm hình như gật gù : “Mà hơi đâu… phải không thầy ?”. “À, mà thầy ngẩng đầu lên một chút để em kê cái chậu gội. Được rồi. Thầy gội nước ấm hay lạnh ?”. “Nước lạnh đi”, tôi bảo.
     Từng dòng nước lạnh nhỏ chạm vào da đầu tôi, sao mà sảng khoái thế. Rồi những ngón tay anh th đan vào tóc tôi, cào mơn man lên da đầu, rồi vò từng lọn tóc ngắn… sao mà tỉnh táo lạ ! Tôi gần như quên tất cả những gì đã xẩy ra. Trong tôi bây giờ, hình như chỉ có cái sướng khoái của việc gội đầu là đáng quan tâm nhất. Và tôi cảm giác mình hình như trẻ ra, dù thời gian hớt tóc đã hơn một tiếng đồng hồ.

Dương Uyển Châu
30 - 12 - 2012      
____________

10 nhận xét:

  1. Ủa, tưởng đâu món khoái nhất trong tiệm hớt tóc là ngón ráy tai chứ? Ha ha ha
    Năm mới 2013 thân chúc bạn mình và gia quyến nhiều sức khoẻ; nhiều hạnh phúc; nhiều $$$ & như ý_____N2

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn N2 nhiều. Cái tên nghe hoài niệm quá ! Chúc bạn mình năm mới an khang và hạnh phúc.

      Xóa
  2. Troi ! Thay de tai la hot toc tuong chi ...hot toc thoi hien dai ! Doc thi cung thu vi ,gap lai thoi nien thieu thay vui vui ! Nhung cung ...giat minh,vi ...tu chuyen cai dau lai dan den ...giam doc,truong phong...! roi ...dua dit! roi hanh tien ! Ban lam minh nho den cac chuyen cua Phan Khoi qua !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy là vui rồi, tưởng truyện sẽ trơn tuộc chẳng để lại gì trong kí ức bạn. Bữa nào hẹn Mai Cư uống cà phê nghe. Chúc vui tà tà.

      Xóa
  3. Một thoáng xúc động khi nghe bạn nhắc lại thời thơ ấu .Những cậu bé nhà nghèo thuở xưa sao giống nhau ghê . Qua đây gặp lúc bạn đang hớt tóc nên không dám la lớn , sợ bác thợ hớt tóc run tay thi khổ ...Lại gặp chú nhóc mới lớn Đà nẵng và lão Phan văn ...Cũng vui đấy chứ .Bạn xóa mã đi cho anh em dễ bình .

    Trả lờiXóa
  4. Viết là mong gặp nhau. Gặp được là vui rồi. Bác cứ la, anh thợ này trời sập cũng chả ngán nữa là. Làm thế mào để xóa mã đây. Mình chưa biết cách. Chỉ giáo dùm nghe.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mạn phép bạn HD trả lời bạn kim hoa ở đây . Mời bạn vào blog của tôi , xem bài Những điều cần biết đối với blogger , đăng ngày 27 tháng 12 năm 2012 có thể bạn sẽ gặp được vài điều cần thiết . Nếu cần bạn có thể ghi lời bình để trao đổi thêm .Chào bạn . Chúc năm mới an vui .

      Xóa
  5. Đã thực hiện theo lời bạn CT. Cám ơn nhiều!

    Trả lờiXóa
  6. Chúc bạn năm mới 2013 nhiều sức khỏe

    Trả lờiXóa