Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

385. HUẾ VỚI VÕ PHIẾN

                                                                                       1. Từ lâu, qua những trang văn của người Huế như Thanh Tịnh, Nhã Ca, Hoàng Ngọc Tuấn, Phan Nhật Nam, Hoàng Phủ Ngọc Tường,… tôi tưởng rằng, đã có một hình tượng Huế đầy đặn trong tâm thức mình. Để rồi khi đọc văn của một người không sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thuận Hóa, đó là Võ Phiến qua những tùy bút “Chè
và văn minh”, “Ăn mùi”, “Theo chân một món ăn”,  “Hạt bọt trà”, “Huế đối với trong Nam ngoài Bắc”, “Giọng Huế” và “Người Huế”, in trong “Quê hương tôi”, năm 1973 ở Sài Gòn; NXB Thời đại in lại kí tên Tràng Thiên, năm 2012, tôi mới thấy mình nhầm lẫn tai hại. Hóa ra, bức tranh cố đô trong tâm hồn tôi vẫn chưa thật viên thành, vẫn còn nhiều chỗ trống và nhiều chỗ trắng lắm.
      2. Người ta nói, đàn ông yêu bằng cái bụng, có lẽ tôi cũng yêu  những trang viết của Võ Phiến như thế, khi được ông cho ăn cái vị Huế, cái vị của chè, của bún bò, của mâm cơm Huế. Làm sao có thể giả tảng như không được khi trong “Chè và văn minh”, nhà văn đã cho tôi nếm bằng tai cái vị chè Huế qua những câu thơ của Nam Trân:
            Hai tay xách hai vịm,
            Một vài mụ le te,
            Tiếng non rao lảnh lót:
            Chốc chốc : “Ai ăn chè ?

      Chẳng biết cái “tiếng rao non lảnh lót” ấy thế nào, có đủ sức vang vọng giữa đêm Huế tĩnh mịch không ? Có làm ai nuốt nước bọt không ? Riêng tôi thì có. Chỉ nghe thôi mà tôi đã bắt thèm. Ước gì được trở lại ngày cũ, lang thang qua những cung đường Huế, rồi ghé Thương Bạc, ngồi xổm trước gánh chè của chị bán hàng trong chiếc áo dài mà làm một vài chén bột lọc, bông cau. Chao ôi, cái món chè vừa qua khỏi cổ đã nghe giọng mình thanh tao rồi ! Và gật gù đồng tình với ông nhà văn người Bình Định. Chè “là món ăn đặc biệt của Huế, nhất là vào những đêm hè” (“Chè và văn minh”, tr. 34).
      Thử ghé mắt vào những trang sách viết về văn hóa của Thăng Long xưa cùng Võ Phiến mới thấy cái lí của cây bút này về chè Huế là có sức thuyết phục. Thạch Lam trong “Hà Nội ba mươi sáu phố phường”, không đả động gì về món chè; Tản Đà trong “Tản Đà thực phẩm” cũng chẳng ngó ngàng gì đến món chè Hà thành; ngay cả Vũ Bằng trong “Miếng ngon Hà Nội” chẳng dành cho món chè “địa vị đặc biệt”nào (“Chè và văn minh”, tr. 35). Trong khi đó,  Hoàng Thị Kim Cúc nâng món chè quê hương mình lên thành món ngon của văn hóa ẩm thực Huế. Cô giáo và cũng là một Phật tử người Huế ấy đã viết về mười món chè trong “Những món ăn nấu lối Huế” bằng giọng văn đầy tự hào mà Võ Phiến đã trích lại trong tùy bút của ông : “Chè bán trong vịm, chè chứa trong nồi, luôn luôn đun nóng, chè múc sẵn vào chén đặt trên nhiều lớp trẹt xếp chồng lên nhau v.v… thứ nào cũng có cái ngọt tế nhị, thanh tao. Nhưng đều chưa phải là tinh hoa của chè Huế. Người Huế ăn ngoài đường phố ít hơn ăn trong nhà. Do đó những thức ăn nấu khéo nhất, tinh nhất, phải tìm mà nếm trong các cỗ gia đình” (“Chè và văn minh”, tr. 36).
      Từ tiếng rao trong thơ, đến địa vị chè trong sách vở, nhà văn đã tôi cảm nhận thức quà bình dân mà độc đáo của Huế. Nhưng hình như nhà văn muốn tôi phải say Huế như điếu đổ, nên vừa cho tôi “ăn vị” lại dọn thêm món “ăn mùi”. Đó là món bún bò Huế. Nhà văn cho rằng, “những người Việt Nam sành ăn đều ăn cả bằng… mùi (“Ăn mùi”, tr. 85), riêng “đối với người Huế, ăn món bún bò nửa phần là “ăn” cái mùi thơm ngạt ngào của sả, của ruốc…(“Ăn mùi”, tr. 85). Bún bò Huế, cho dù ăn ở đâu, dù trong tiệm, trong nhà hàng, trong lều chợ, ngay vỉa hè v.v…, hay ăn thứ “bún bò đài các thượng lưu trong tửu lầu, có thứ bún bò bình dân của những chiếc xe lăn dừng lại ở lề đường, có thứ bún bò gánh dạo len lỏi trong các xóm lao động v.v…” (“Theo chân một món ăn”, tr. 98), thì vẫn “ngậm mà nghe” cái mùi sả ruốc đặc trưng của Huế.  Người Huế rất tự hào về món ruốc này. Ruốc mà nêm khéo sẽ rất ngọt nước và mùi thơm đến nứt mũi. Còn về “mâm cơm Huế trông cảnh vẻ, mỗi món một chút, nhưng thật nhiều món nhiều màu sắc” (“Người Huế”, tr. 220). Nếu ai đó không tin, có thể làm một chuyến du khảo. Mâm cơm Huế sẽ làm cho cho họ biết thế nào là ăn màu, những màu sắc rất nhã, phối hòa với nhau thật tinh tế. Nhìn vào mâm cơm hay mâm cỗ của người Huế, mới thấy rằng họ “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Nói theo lối Huế, xơi cơm chỉ lấy hương lấy hoa chứ ai lại “thực bất tri kì vị”, ốt dột rứa!
      Võ Phiến làm tôi nhớ lại ngày xưa, mẹ tôi từng bảo : thức ăn ngoài cái sắc, cái vị còn phải có cái mùi. Ba thứ ấy chiếm phần lớn cái ngon của món ăn. Mẹ tôi còn nói thêm : một người nấu ăn giỏi, đâu cần phải nếm. Cứ nhìn cái sắc của các vật liệu cũng biết độ chín của nó như thế nào, nhìn cái màu của nước là cảm nhận được cái tinh tế của thức ăn, rồi chỉ cần ngửi cái mùi bay lên từ nồi canh, trách cá, cũng biết mặn nhạt thế nào. Chỉ ngần ấy thứ cũng đủ cảm nhận được sự tinh tế, tài hoa của người nấu. Bây giờ đọc “Theo chân một món ăn” mới thấy lời mẹ quả là chí lí. Ăn bún bò Huế mà chỉ chú ý đến cái no là ăn phàm. Mà ăn chỉ chú tâm đến con bún, miếng thịt thì làm sao cảm được cái ngon tinh túy của bún bò Huế. Thưởng thức bún bò Huế chính là ăn mùi. “Bún bò đã cay lại thơm. Thơm lắm kia! Thơm như đa số các món quà của Huế”. Hình như chưa bằng lòng với lời bình luận của mình, và hình như sợ người đọc không tin, nhà văn “trông cậy” vào Hoàng Ngọc Tuấn, một cây bút Huế : “Mỗi sáng sớm, mọi người còn nằm trong chăn ấm, từ ngoài đường đã thổi vào tiếng rao và mùi thơm lừng đánh thức tất cả - nồi bún bò giò heo, hay bánh canh bốc khói đã làm những kẻ ngủ muộn nhất cũng trỗi dậy tỉnh táo” (“Theo chân một món ăn”, tr. 92). Chao ơi, “từ ngoài đường đã thổi vào tiếng rao và mùi thơm lừng”, chỉ ngần ấy chữ của nhà văn xứ Huế cũng đủ cho người ta tin Võ Phiến lắm rồi. Tôi không chỉ tin mà còn đồng cảm với Võ Phiến. Món ăn Huế, hương hoa bao giờ cũng có vai trò quan trọng. Để món ăn tỏa ra hương hoa là một nghệ thuật. “Bún bò Huế là nghệ thuật” (“Theo chân một món ăn”, tr. 92).
      Đúng món ăn Huế là một nghệ thuật. Mà đã là nghệ thuật thì phải ăn bằng năm giác quan. Cho nên, tôi nghĩ ăn món Huế không chỉ ăn vị, ăn mùi, ăn màu, ăn thanh… mà ăn bằng cả tâm hồn nữa. Một người bạn tôi bảo : ăn bún bò Huế mà tay muỗng tay đũa như ăn phở, nghe xa cách lắm. Ăn con bún, ăn giò thì không nói gì, nhưng húp nước, phải bưng đọi bún lên mà húp, vừa húp vừa nghe cái mùi, cái vị và cả âm thanh nước bún đi vào thực quản thật ngọt ngào. Lúc ấy mới thấy bún bò với ta là một. Khoái hoạt lắm! Tôi tin bạn tôi không cường điệu hay xảo ngôn, bởi bạn ấy  từ khi biết tự ăn đến bây giờ, áng chừng gần hai vạn buổi sáng… đều chuyên trị mỗi món… bún bò Huế. Và vì vậy, tôi sẵn sàng tin Võ Phiến, bởi tất cả các nhà văn đều sành ăn. 
      3. Tôi nhớ trong “Một lần đi thăm nhau”, Nguyễn Tuân từng xao xuyến trước điệu hò Trị Thiên : “Kim Luông dãy dọc tòa ngang… I…í nước đổổổ về Sình… Đôi lứa mình… Lỡ hẹn ba sanh… Dẫu cóóó làm răng đi nữa… í i cũng không đành quên nhau”. Khi nghe điệu hò mái đẩy trên sông nước Thừa Thiên, Quảng Trị, ông cảm giác “mỗi thớ thịt người tôi bây giờ là một chữ của câu hò đò ”, ông cảm nhận được ma lực mầu nhiệm của giọng hát, cái linh hồn dân tộc ngân trong một điệu hò. Câu hò Trị Thiên đã cảm ông, khiến ông như nghe được “cái tiếng vô cùng của non nước thủy triều khi theo ánh trăng suông mà dâng lên mãi. Hễ bao giờ có dịp ghé Huế nữa, thế nào cũng ra Quảng Trị mà nghe hò mái đẩy cho thực thỏa thê thì mới đành”.
      Điệu hò xứ Huế đã ngân lên tưởng chừng ngút hơi trong tùy bút của Nguyễn Tuân. Bây giờ lại “kéo dài ra bất tận, nó lửng lơ, chùng chình, nó chất chứa vô vàn tình cảm nặng trĩu và u uẩn. Nó buồn thảm đến nhức nhối”(“Giọng Huế”, tr. 214) trong văn Võ Phiến. Tại sao Trị Thiên lại ngân vang một điệu hò, điệu ru như thế. Có thể có nhiều cách lí giải. Có lẽ do “sông không sâu núi không cao” chăng ? Hay khái quát hơn, chính địa  văn hóa theo cái nhìn của triết học hiện tượng luận, nó đã khiến điệu hò phải buông bắt dông dài như thế. Võ Phiến hình như không chấp nhận cách lí giải chung chung. Nhà văn nhìn thấy cái gốc của điệu hò là cái giọng Huế : “Giọng hát vốn từ giọng nói mà ra”. Để thuyết phục, ông dẫn lời Phạm Duy : “giọng Huế có âm vực cạn hẹp nhất nước : những thanh cao (với dấu sắc) được hạ thấp xuống, còn những thanh thấp (với dấu huyền, dấu nặng) lại được nâng cao lên”. Như vậy trong giọng nói của Trị Thiên, tiếng trầm tiếng bổng không quá cách biệt. Tất cả đều bằng bằng với nhau; nói cách khác : lại bình thản!
      Phải chăng vì vậy mà giọng Huế nghe dịu dàng, êm ái, ngọt xớt? Nhưng phải chăng chính vì vậy mà giọng Huế không thể hùng hồn, thiếu nam tính ? Phát âm mà san bằng các dấu giọng thì không thể “gồ ghề”, thì kém oai phong…” (“Giọng Huế”, tr. 211).  Và đó cũng là nhận xét của Thích Đại Sán, cái ông sư người Trung Hoa đến Việt Nam thời Đại Việt viết “Hải ngoại kí sự” : “giọng Huế có âm vực hẹp, nghe ngọt ngào, dịu dàng, uyển chuyển, không thể oai dũng, một giọng nói đầy âm tính”.
      Giọng nói “đầy âm tính” đã chuyển hóa thành điệu hò, điệu ru  “Huế lững lờ, buồn thảm, chùng chình chậm chạp, kéo dài lê thê, có thể nói chứa nặng âm chất” (“Người Huế”, tr. 216). Cái nhận xét ấy không phải áp đặt gì. Nhưng ở đời, hễ cứ trung thực, cứ nói thẳng thật ra thì dễ chạm tự ái, máu địa phương lại nổi lên không chừng. Ngày xưa, cái địa phương tính này được ngăn chận bởi luật “hồi tị”, còn ngày nay người ta tháo khoáng hết cỡ thợ mộc nên nó hiện ra thật dữ dằn. Mà thôi, đó là chuyện đời. Ông Võ Phiến đâu có chê bai gì ai. Ông yêu Huế, yêu mùi Huế, điệu Huế mới đi tìm tận ngọn nguồn lạch sông cái sự yêu cho nên nó chạm vào sự thật đấy thôi. Tôi ngẫm kĩ điều nhà văn nói không phải không có căn cứ. Cái căn cứ ấy là những nhận định của những nhà chuyên môn uy tín như Phạm Duy, như Tiến sĩ Trần Văn Khê.
      Nói về điệu hò Huế, Võ Phiến tìm thấy ở “Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam” của Phạm Duy một sự cắt nghĩa rất khoa học : “Âm nhạc Việt Nam dùng hệ thống ngũ cung, nhưng ba miền khác nhau. Miền Bắc giai điệu nằm trong hệ thống ngũ cung đúng : do, ré, fa, sol, la; dân ca miền Nam trong hệ thống ngũ cung oán : do, mi, fa, sol, la; dân ca Quảng Trị - Thừa Thiên thuộc hệ thống ngũ cung ai : do, ré non, fa già, sol, la non.  Cũng theo Phạm Duy, Hò ô một điệu hò làm việc của miền Trị Thiên “lại rất chậm rãi, thảnh thơi”, “nét nhạc rộng rãi”, với hai câu lục bát ngắn ngủi, người hò ô đã hát rất dài, rất chậm, dùng rất nhiều tiếng đệm”. Hò là thế còn ngâm thơ thì tha hồ mà “bình thản, thảnh thơi, chậm rãi!”. (“Giọng Huế”, tr. 208). Hay Trần Văn  Khê giải thích giọng Huế như thế là do ảnh hưởng âm nhạc Chăm “Tiếng hát của mái nhì mái đẩy xây dựng trên hệ thống âm giai Ấn Độ, mẹ đẻ của âm nhạc Chàm, vì những cung bực lơ lớ mà thể hiện ra được sự thần bí của cõi lòng mà vì vậy đi sâu vào tâm hồn ta hơn nhạc miền Bắc” (“Người Huế”, tr. 216).
       Với Nguyễn Xuân Khoát và Thanh Tịnh, hai người nghệ sĩ chốn Thần kinh, họ dựa vào yếu tố địa lí để cắt nghĩa sự sinh thành điệu hò Huế : “Cũng một điệu hò chèo thuyền nghe ở một khoảng phá hay ở một khúc sông là đã khác nhau : giọng hò lan dài rộng trêm mặt phá, nghe thanh thoát hơn giọng hò văng vẳng trên sông; giọng hò trên sông nghe “mùi” hơn, gần gũi hơn. Làng nào ở khúc sông, hay khoảng phá hẹp, giọng hò của người làng này nghe ngắn và trong; ở khúc sông hay khoảng phá rộng, giọng hò nghe trầm và mạnh” (“Người Huế”, tr. 217). Và cũng theo Võ Phiến, nhà văn Phan Nhật Nam lại cho rằng  giọng hò Trị Thiên có cái thê lương, não nùng, nên chứa điềm bất hạnh. “Bất hạnh cũng đã có “điềm” ở giọng hò thê thiết đến rợn da khi những con thuyền chập chùng trong bóng tối lướt thướt trên sóng qua Bảng Lảng, Ngô Xá, La Chữ, Vân Trình. A… ơ… chỉ hai tiếng nhỏ con thuyền đi hết khúc sông mà âm thanh còn lộng gió…”. Hoặc “Ai đã đứng ở bờ sông Bồ chảy qua An Lỗ, sông Thu Rơi (Mỹ Chánh), sông Hương nghe giọng hò cất lên từ những khoang đò khi chiều vào tối mới hiểu được vì sao có những quê hương cứ mãi tàn tạ, oán hờn… ” (“Giọng Huế”, tr. 213). Không hiểu có giọng hò chủ nghĩa định mệnh ấy không! Nhưng cứ nhìn dọc chiều dài lịch sử, lắm lúc cũng khó có thể phản biện được.
      4. Huế qua góc nhìn của Võ Phiến là như thế. Dẫu chỉ là một cái nhìn văn chương, nhưng thể loại tùy bút vẫn chuyển chở được sự thật về một vùng đất trong “khúc ruột miền Trung”, bởi tùy bút là một tiểu loại của thể kí. Nhà văn đã đem đến cho ta một vẻ đẹp văn hóa ẩm thực Huế, một điệu hò xứ sở có mặt bên cạnh “nhã nhạc” cung đình Huế, làm nên bản tổng phổ âm nhạc Huế, phong phú hóa văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam.
      Qua những tùy bút viết về Huế in trong “Quê hương tôi” của Võ Phiến, tôi cảm giác bức tranh Huế trong tôi có phần đầy đặn hơn, những chỗ trống chỗ trắng ít lại. Ngắm nhìn bức tranh Huế trong tâm hồn mình, tôi tự nhủ : nếu như không có Võ Phiến với những trang tùy bút có kiến văn uyên bác, có văn phong chân mộc mà thấm đẫm tình yêu chốn đế đô xưa,… liệu tôi còn tự mãn đến bao giờ. 

Hoàng Dục
30 - 12 - 2012
________________________  

4 nhận xét:

  1. Hoàng Dục viết tản văn thế này mà không in để cho người thế gian đọc thì uổng quá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Liệu có in được không ? Rất muốn nhưng còn ngần ngại sao ấy. Cám ơn bạn đã có lời động viên. Xem ra, "mua vui cũng được một vài trống canh".

      Xóa
  2. Nếu như mình đưa bút được 1 phần 10 của thầy Dục chắc chắn mình sẽ là thủ khoa Đại học !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn em đã có lời khen khéo. Có cần gì thủ khoa đại học hở em. Hãy là thủ khoa trong cuộc sống, thủ khoa của chính mình. Chúc em vui, thành đạt.

      Xóa