Hơn nửa
tháng chỉ đọc sách, chẳng viết gì. Có gì uể oải đang thành hình và diễn biến
trong tâm trạng của mình. Tâm trạng ấy phải chăng có nguyên cớ từ những trang
sách hay từ những gì diễn ra xung quanh. Mình chẳng biết. Chỉ biết, hình như
càng đọc càng thấy mình bé mọn quá! Tâm hẹp, trí cạn, gan núng, chí mòn… Để rồi
trăn trở, viết gì vào lúc này?
Nhớ một ngày đầu tháng 5, được mời dự Hội
nghị Cộng tác viên của Chi nhánh Nhà xuất bản Hội Nhà Văn tại Đà Nẵng nhân kỉ
niệm hai năm ngày thành lập. Ở không gian 42 Trần Phú, mình gặp gỡ giao lưu với
nhiều người cầm bút của miền Trung-Tây Nguyên. Có nhà văn nhà thơ đã biết lâu lắm
rồi, từ thời giúp Câu lạc bộ Sáng tác Văn học Nhà Thiếu Nhi Đà Nẵng như Thanh
Quế, Ngân Vịnh. Có nhà thơ mình giảng dạy tác phẩm của họ nhưng chưa một lần diện
kiến nay mới “nhận diện” như Thanh Thảo. Có những tác giả gặp lần đầu như Nguyễn
Anh Tuấn (tác giả tập truyện Gái li dị)… Nói chung, “chộ” khoảng sáu mươi người.
Qua giao lưu, mình cảm giác có cái gì cũ
kĩ đang tỏa ra ở đây. Người cũ chăng? Cách tổ chức cũ chăng? Hay những trang viết chưa có gì mới? Khó nói
cụ thể được. Chỉ cảm giác xưa xưa, thế thôi. Cứ điểm danh những trang viết sau
thập niên 1980, những trang viết gọi là đổi mới, xét cho cùng cũng không mới
gì. Cứ nhìn những tác phẩm dùng trong nhà trường thì rõ. Người ta bảo, Một người Hà Nội của Nguyễn Khải mới, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh
Châu mới, Đàn ghi ta của Lor-ca của
Thanh Thảo mới. Mình thấy đây chỉ là cũ của người ta mới mình thôi. Các tác phẩm
có ý nghĩa nhận thức lại tư tưởng sáng tác của các nhà văn ấy hơn.
Cho nên, đi dự Hội nghị mình vừa vui vừa
không vui. Không khí văn học trong nước vẫn chưa khai thông được huyệt “Nhân đốc”
thành ra các cây bút còn thử nghiệm nhiều.
Riêng với mình, ngòi bút có vẻ cứng lại,
ì ạch bám vào mặt giấy, chữ nghĩa vì vậy mà ốm đói, thiếu sinh khí. Bám vào văn
chương để viết, bám vào đời sống xã hội mà viết hay cả hai. Nhất là những ngày
này. Biển Đông dậy sóng. Có gì như là năm 1974 đang dày vò tâm tư mình. Biên giới
bạn thù mong manh quá! Văn hóa của kẻ mạnh thiếu văn hóa là sự tráo trở. Kẻ mạnh thường
phàm ăn và tham ăn, và vì tham ăn vô độ nên mới là kẻ mạnh. Trong không khí
này, viết được chăng?
Mình cảm giác khó viết dù văn chương kiểu
mình nó nhỏ lẻ lắm! Nhưng chả lẽ không viết. Vấn đề là, viết cái gì lúc này,
khi biển Đông không còn yên tĩnh!
Hoàng Dục
16-5-2013
________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét