Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

539. BUỔI CHIỀU VỚI NHỮNG MẢNH GHÉP KÍ ỨC



với Nguyễn Hữu Kiềm và bằng hữu

      Quanh co một chút, chúng tôi cũng đến đúng con đường vào nhà thầy Lê Long Viên. Đang rẽ vào ngả ba, thấy ai dáng quen quen đang ngả lưng trên yên xe máy, sát bờ tường dưới tán cây. Áo rằn ri của lính, mái tóc bạc, nước da đen. Hình như là Mỹ, dân A1 Phan Châu Trinh đây. Vừa nói với Thông, ngoảnh lại đã thấy người quen quen nhảy xuống. Đúng là Mỹ rồi. Bắt tay chào hỏi, Mỹ bảo: Vào nhà thầy Viên hả. Số 44. Chúng tôi gật đầu, cười rồi chia tay.

      Tôi cho xe chạy vào con đường Mai Lão Bạng. Con đường có cái tên lạ mà Thông bảo phải xớt google mới biết được, nhưng với tôi có vẻ quen. Càng đi tới càng thấy quen hơn. À, hóa ra đây là con đường tôi đã từng đến, bởi có nhà của bạn tôi. Qua lại nhiều lần nhưng tôi đâu biết thầy Lê Long Viên cũng ở nơi đây. Bây giờ tôi mới đến thăm thầy kể cũng muộn nhưng thôi… như ai kia từng nói “muộn còn hơn không”.
       Thực ra, tôi đã gặp thầy rất nhiều lần, chỉ có điều ở những nơi khác trong những thời điểm khác. Và tôi cũng biết rất nhiều về thầy qua cô con gái của thầy. Mỗi lần gặp em ấy, tôi vẫn hỏi thăm thầy. Nhưng tôi chưa hề đặt chân lên ngưỡng cửa nhà thầy. Bây giờ, tôi đang đến với cả niềm vui và nỗi buồn.
       “Đến rồi”. Mải mê lục vấn tâm hồn, tôi giật mình khi nghe Thông buột miệng. Thông gọi, thầy ơi! Có tiếng ơi nho nhỏ, rồi tiếng dép lệt xệt. Thầy ra mở cửa, mời chúng tôi vào nhà và bảo ngồi đợi thầy một tí. Trong khi thầy chỉnh trang y phục, lấy bia, tôi lặng ngắm nơi ở của thầy. Có một chút gì cổ kính, một chút gì hiện đại, một chút gì giản dị, một chút gì trang nhã vừa ẩn tàng vừa hiển lộ trong những vật dụng quanh tôi. Nhìn những sự vật trong phòng, tôi không còn cảm giác, thầy một mình một bóng nữa mà nghĩ, thầy sống thanh cao trong sự thanh bạch của một người thầy.
       Thầy đặt ba lon bia 333, rồi ba cái li xuống bàn. Thầy nói, các em đến, thầy vui lắm. Uống một chút để trò chuyện. Thầy hỏi về cuộc sống của chúng tôi, rồi kể chuyện vui buồn của đời thầy.
       Chuyện của thầy phần lớn xẩy ra sau 1975. Chuyện thầy làm “công nhân” đóng bìa sách. Chuyện thầy đang dạy bổ túc văn hóa vào ban đêm thì có tên trong danh sách những người đi gỡ bom mìn, may có ông cán bộ phường gỡ rối cho. Chuyện thầy được “mời” đi triệt sản trong khi người phụ nữ đầu ấp tay gối, người mẹ những đứa con của thầy đã sống ở cõi hết. Chuyện thầy được mời đi Pháp làm thông dịch cho các cán bộ. Được đi là vui, nhưng dịch lời các cán bộ khó quá. Họ cứ nói một phách, chung chung, chẳng có gì cụ thể, cứ vờn quanh vấn chính đề. Đến nỗi thầy phải yêu cầu các ông ấy, ngày mai nói gì đêm nay viết ra giấy, khi giao tiếp cứ y như những gì đã viết mà nói. Có như thế mới đạt được hiệu quả giao tiếp. Chuyện thầy rất phục thầy Nguyễn Lương Hiền. Từ chuyện giảng dạy đến chuyện dạy con cái; từ chuyện làm nghề “chế tạo” sườn xe đạp đến chuyện ứng xử rất văn hóa, rất tình người, tất tất, thầy Nguyễn Lương Hiền thật tuyệt vời.
      Nghe thầy kể chuyện mình bằng nhịp từ tốn, giọng vui, tôi cũng cảm giác vui lây. Tôi cảm thấy, người ta khó xóa sổ kí ức. Kí ức luôn luôn sống cùng hiện tại trong mỗi đời người. Vấn đề là người ta ứng xử với kí ức cá nhân và kí ức tập thể (cộng đồng) thế nào. Đừng bao giờ đậy nắp kí ức bằng sự giả dối, bằng sự vụ lợi, bằng thái độ không công bình. Các thầy lưu giữ kí ức và tự hào về những gì đã có trong kí ức để sống. Tôi cũng thế. Đứng trên bục giảng của chế độ xã hội mới, tôi vẫn thực hiện những gì tốt đẹp về lối sống, về đạo lí có trong kí ức tôi về những gì được học trong nhà trường miền Nam, nhất là kí ức về nghề dạy học khi còn là sinh viên Sư phạm của những năm 1971-1975. Rồi kí ức của những ngày tháng ở Trung học Krông Buk. Ama Trang Lơng (Đắc Lắc), Trung học Ông Ích Khiêm, Hoàng Hoa Thám, chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) luôn sống cùng tôi, bởi đó là cuộc đời tôi.
      Tâm tình thầy trò tưởng chừng bất tận. Nhìn nụ cười hiền hòa, nghe lời nói dí dỏm của thầy, tôi như quên mất thời gian. Cũng may, Thông đá nhẹ vào chân, tôi mới sực tỉnh. Phải “kiếu” không thì thầy mệt. Tiễn chúng tôi ra về, thầy cười bảo, các em thấy đó, bây giờ bước xuống bậc cấp cũng phải vịn, nhưng có sao đâu, các em đến là thầy vui rồi.
      Chúng tôi quay lại hướng đã đến. Cả hai chúng tôi đều vui. Tới ngả ba, Mỹ không còn ở đó. Hình ảnh Mỹ nằm trên yên xe, đầu gối lên tay lái, chiếc mũ che mắt lại hiện về. Nào có lạ gì hình ảnh ấy. Đó là khoảnh khắc nghỉ ngơi của những người chạy xe thồ (xe ôm) khi không có khách mà tôi từng gặp. Không lạ, sao hình ảnh ấy cứ lảng vảng trong tâm trí? Có lẽ, Mỹ là bạn thời Trung học Phan Châu Trinh với tôi. Và có lẽ hình ảnh Mỹ đánh thức kí ức tôi về những người bạn khác trước sự sang trang của lích sử.
      Giang sơn quy về một mối. Sông Bến Hải chỉ còn là kí ức lịch sử. Dòng sông như vết chém ngang mình đất nước trở lại với danh phận tạo vật thiên nhiên của nó, bạn bè tôi bao người đã làm cái nghề xe thồ này. Họ là những người lính bị động viên năm 1972 đi tù về. Họ là những sinh viên Sư phạm, Khoa học ra trường nhưng không được bổ dụng vì chủ nghĩa lí lịch. Nhiều khi gặp họ gò lưng trên chiếc xe đạp (thời bao cấp) hay trên chiếc xe máy (thời thị trường), tôi tự nhủ, không biết các bạn ấy có còn giữ được những mảnh vỡ giấc mơ của một thời trai trẻ không? Người ta bảo tính cách chính là thân phận, nhưng lịch sử cũng làm nên thân phận con người!
       Tôi ngoái nhìn cái ngả ba. Không gian trống vắng nhưng lòng tôi lại bộn bề buồn vui.
       Tôi đâm ra lẩn thẩn, thêm một buổi chiều đẹp rớt vào đời tôi.
       Hoàng Dục
       29-4-2014

       ___________

       

    


5 nhận xét:

  1. Xin phép đăng lại bài viết của anh lênĐiểm Hẹn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất vui vì được bạn quan tâm và đăng bài viết của mình. Cám ơn nhiều.

      Xóa
  2. Thật hay , thấm đậm tình Thầy trò , bằng hữu .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quá khen, quá khen. Tại hạ cám ơn lão mỗ. Ha... ha....

      Xóa
  3. Viết hay lắm nhưng suy nghĩ nhiều và và buồn là huyết áp đó bạn già ơi Hãy cứ vui như mọi ngày dầu

    Trả lờiXóa