Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

577. KIM THÁNH THÁN QUA MỘT BÀI THƠ

    Thoại 8 trong Tùy Viên Thi Thoại, Viên Mai viết:
    Kim Thánh Thán hay phê bình tiểu thuyết nên ít người biết tài làm thơ của ông. Ông cũng thường có những bài thơ hay lắm, đại khái như một bài tả ngủ trọ ở một dã miếu sau đây:
    Phiên âm:
    Chúng hưởng tiệm dĩ tịch
    Trùng ư Phật diện phi
    Bán song quan dạ vũ
    Tứ diện quải tăng y 
   Giải: Mọi tiếng động đã im, côn trùng bay ở mặt Phật. Cửa sổ nửa khép vì mưa đêm. Bốn mặt tường áo sư treo đầy.
    Dịch:
    Tiếng ồn ào vừa dứt
    Phật đài nhộn gián bay
    Đêm mưa song nửa khép
   Quanh vách áo sư đầy(*)

    Yêu văn học, mấy ai không biết đến Kim Thánh Thán, nhà phê bình tài hoa, kiến văn uyên áo, người đời Thanh, Trung Quốc. Những dòng văn phê bình Tây sương kí (Vương Thực Phủ), Thủy hử (Thị Nại Am) của ông đã gieo vào lòng người đọc những ấn tượng khó phai.
    Về phê bình thơ, tập phê bình thơ Đường của ông cho thấy sự tinh tế trong nghệ thuật thẩm thức văn chương của con người đất Giang Tô này(**). Có thể mượn lời Dương Thành Trai, người đời Tống mà tán tụng ông: ông không chỉ chỉ ra cái đẹp của cách thể, thanh điệu mà còn phát hiện những vầng sáng là điểm tế nhị của tâm hồn thi nhân, cái phần ý vị thanh cao nhất của thơ ca. Nhưng thơ của Kim Thánh Thán, liệu có bao nhiêu người biết? Người viết bài này chưa hề biết. Nay mới được Viên Mai “điểm nhãn” cho!
    Vội vàng đọc lui đọc tới bài thơ. Và rồi như ong non ngứa nọc, cuồng ngông dịch:
    Mọi tiếng động vừa dứt
    Mặt Phật côn trùng bay
    Mưa đêm cửa nửa khép
    Bốn vách áo treo đầy 
   Gọi là dịch là gọi cho chữ nghĩa thế thôi. Thực ra, dịch chỉ là một thú chơi, chỉ là cách thức lật trở bài thơ để ngắm nghía, để cảm nhận cái phần thanh cao ý vị, cái phần linh hồn của nó. Nào có ý tranh đua khoe khoang với ai!
    Người ta bảo thơ hay ít tả mà chỉ cảm; thơ hay không ở cái xác phàm mà ở hồn vía, cái chất thơ của thơ; thơ hay phải rất hàm súc; thơ hay là đem năm giác quan mà cảm nhận thế giới tạo vật rồi bắt chúng bộc lộ những cảm xúc mong mạnh vi tế của lòng người... Ở bài thơ này, Kim Thánh Thán thiên về tả. Bốn dòng thơ, mỗi dòng năm tiếng biểu tả hình ảnh một hiện tượng. Khái quát một chút cũng chỉ có hai loại hình ảnh, thị giác và thính giác. Nhà thơ như khách quan ghi lại những hiện tượng đang diễn ra trong chánh điện của ngôi chùa (dã miếu) mà ông đang ngủ nhờ.
    Thơ viết về chùa chiền phải có tiếng chuông ngân nga:
    Cô Tô thành ngoại hàn san tự
    Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền 
    (Trương Kế - Phong Kiều dạ bạc)
    Tản Đà dịch:
    Con thuyền đậu bến Cô Tô
    Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San 
    Hay có sắc màu khói mây siêu thoát:
    Chùa xưa ở lẫn cùng cây lá
    Sư cụ nằm chung với khói mây 
   (Nguyễn Khuyến - Nhớ cảnh chùa Đọi)
    Vậy mà thơ của Kim Thánh Thán, thiên về tả chùa nhưng chẳng bàng bạc chút sắc màu hay ý vị thiền học nào cả. Trong thơ, mọi vật im lặng nhường cho mưa đêm thả từng giọt ướt buồn. Khung cửa sổ cũng hùa theo mưa đêm, cố tình nửa mở nửa khép cho gió lạnh tràn vào. Khuôn mặt tượng Phật không sáng lán màu từ ái mà nhuốm sắc tịch liêu, hoang dại tỏa ra từ màu sắc của đám côn trùng đang vờn lượn. Sư thầy vắng bóng, chỉ còn những chiếc áo treo trên bốn bức vách vô hồn. Sự sống như đang dời đi, nhường chỗ cho  quạnh vắng và lạnh buồn. Người ngủ nhờ trong thơ, vì thế cũng nằm im chiêm nghiệm nỗi cô đơn của một lữ khách.
    Nói bài thơ không chút thiền vị là nhìn từ bề mặt của câu chữ. Hiểu từ chiều sâu của ngôn từ, bài thơ vẫn rất thiền, đúng hơn là một thiền ngữ, một công án thiền. Bài thơ thể hiện tinh thần phá chấp của một thiền sĩ. Không phá chấp sẽ không có tư tưởng giải thiêng trong thơ. Tượng không phải Phật nên đám côn trùng bay vây. Áo không phải là sư dù áo treo đầy bốn bức vách. Tất cả chỉ có tính biểu tượng, gợi con đường tu tập để đạt đến cảnh giới vô ngã, cái tánh không của Phật tánh tiềm sinh kín đáo và nghiêm cẩn trong mỗi một con người. Hiểu như vậy mới thấy bài thơ nói được cái ý nghĩa ngủ nhờ cửa Phật. Ngủ nhờ cửa Phật vừa là hoàn cảnh riêng của nhà thơ khi sáng tác bài thơ này vừa toát lên ý nghĩa sâu xa của triết lí thiền. Trên con đường đi tìm Phật tánh của mình, người lữ hành chỉ tạm qua đêm nơi cửa Phật mà thôi. Muốn đạt đến cái đích cuối cùng của sự tu tập, lữ khách ấy phải lấy bản lĩnh, cái tâm của mình làm điểm tựa và phải “tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Muốn thấy được ánh sáng cuối đường hầm, lữ khách phải biết làm cho tâm hồn tư tưởng mình có ánh sáng. Đó phải chăng là thiền ngữ trong bài thơ của Kim Thánh Thán?
    Đến đây, có thể khẳng định, bút pháp miêu tả trong thơ là ý đồ nghệ thuật của nhà thơ. Nhà thơ chỉ ghi lại sự vật hiện tượng, không bày tỏ điều gì, tất cả dành cho người đọc giải mã thơ. Bài thơ chỉ là một kí hiệu ngữ ngôn tưởng chừng không sắc thái biểu cảm. Nhà thơ chỉ tạo ra mảnh đất, còn gieo trồng cây gì thì tùy người đọc. Người đọc trồng cây nào thì hái quả ấy. Trồng cây nhân sinh sẽ thu quả nhân sinh, trồng cây thiền sẽ hái được quả thiền. Tính dân chủ trong thưởng thức thơ là thế. Tính dân chủ càng cao bài thơ càng gần với tính hiện đại dù nó là một bài thơ cổ điển.  
    Phải chăng sự độc đáo của bài thơ là màu sắc kí sự ấy, ở tính ôn nhu hòa đạm của nó. Và bài thơ có được sự độc đáo, phải chăng vì nó là thơ của Kim Thánh Thán, một thiền giả, một nhà phê bình tài tuệ và đầy cá tính!

    Hoàng Dục
    8-4-2015
____________
(*) Viên Mai - Tùy Viên Thi Thoại, Trương Đình Chi dịch, NXB Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr. 27.
(**) Tìm đọc “Kim Thánh Thán phê bình thơ Đường”, Trần Trọng San biên dịch, Tủ sách Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 1990.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét