Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

579. QUANH MẤY CÂU CHUYỆN TRÀ


      1. Hòa thượng Triệu Châu, người Sơn Đông, Trung Quốc, thường mời trà mọi người đến học đạo.
      Có hai vị tăng mới đến tham học, ông  hỏi đã đến đây chưa, họ trả lời là chưa, ông bảo “Uống trà đi”. Lần khác, cũng hai vị tăng đó, ông hỏi từng đến chưa, họ đáp đã đến, ông lại bảo họ “uống trà đi”. Thấy vậy vị viện chủ thưa, người mới đến mời trà thì được, còn người đã đến sao lại bảo “uống trà đi”?
      Triệu Châu lớn tiếng gọi thầy viện chủ và bảo ông ta: Thầy uống trà đi.

      2. Thiền sư Chương thời Ngũ đại, Trung Quốc học thiền với hòa thượng Đầu Tử. Một hôm, thiền sư Chương làm củi xong, hòa thượng Đầu Tử thưởng cho một tách trà và bảo: Sum la vạn tượng(1) thảy đều ở nơi đây. Đây là trà quan trọng. Nếu ngươi uống với vô thức thì không biết có chuyện gì rắc rối xẩy ra đây.
      Thiền sư Chương muốn khoa trương nội lực nên đã đưa tách trà ra và nói: Sum la vạn tượng ở nơi nào đây? 
      Hòa thượng Đầu Tử bảo: Thế thì nhà người vẫn thật sự chưa có mặt trong đây.
      3. Một hôm hòa thượng Giáp Sơn (805-811) sau khi uống một tách trà xong, pha một tách khác và đưa cho thị giả của ông. Thị giả định đưa tay ra đón lấy, hòa thượng thu tay lại và hỏi: Đây là cái gì? Thị giả không trà lời được.
      4. Một giáo sư đại học đến hỏi thiền với Nan-in, một thiền sư nổi tiếng thời Minh Trị Thiên Hoàng. Ông ta đến, thiền sư tiếp đón nồng hậu và mời ông ta thưởng thức trà. Thiền sư rót trà vào chén của giáo sư, rót đến đầy tràn cả ra ngoài mà vẫn cứ rót. Thấy vậy ông giáo sư mới lên tiếng: Nước trà đã đầy rồi không thể rót cho đầy thêm. Thiền sư lặng lẽ ngước nhìn giáo sư, hồi lâu lên tiếng: Giống như chiếc chén này vậy. Đầu óc ngài đã đầy sẵn kiến thức và ý tưởng thì làm sao tôi có thể giới thiệu thiền học với ngài khi ngài chưa dốc cạn chén trà của ngài đi.
                                            ***
      Mấy tháng nay tập uống trà. Chả là xưa nay cứ “cơm trắng nước trong” miết, ngày ba bữa nước lọc, chẳng biết ý vị của trà là gì. Tết, đứa cháu đến và bảo, chú không uống trà ư? Nên uống chú à. Tốt cho tim mạch lắm. Nhất là ở tuổi của chú. Để cháu biếu chú một cân trà Bắc Thái. Nghe cũng xuôi tai. Thế là tập uống trà.
      Hôm nay, ngồi độc ẩm, hoác nhiên nhớ đến những câu chuyện trà trong “Mỗi ngày một câu chuyện thiền”(2) của Thu Nguyệt Long Dân và “Góp nhặt cát đá”(3) của Thiền sư Muju. Những câu chuyện trà, thâm trầm nhưng khó nắm bắt chiều sâu của chúng, đành loanh quanh thật khẽ trong lớp vỏ ngữ ngôn, lắng im nghe tiếng gió vọng về.
     Bàn chuyện trà, nhất là nghệ thuật uống trà đã khó huống gì bàn về trà đạo, trà thiền. Một phàm phu làm sao tỏ rõ văn hóa trà. Hơn nữa chưa hề đọc thánh thư của trà đạo là Nam Phương Lục của Tông Khải, chỉ biết võ vẽ, đại khái về trà đạo, một thể thức uống trà trong tĩnh lặng (Wabicha) mà Thiên Lợi Hưu là vị tổ khai sáng thì làm sao bàn về trà thiền. Nhưng chả sao. Phàm phu cũng cách luận giải phàm phu về những chuyện trà.
     Trà trong những câu chuyện trên không phải là văn hóa trà, kĩ thuật nâng lên thành nghệ thuật uống trà. Trà trong những câu chuyện trên không là mạt trà, đoản trà, diệp trà, Lý Tú Uyên, Bạch Mao Hầu, Trảm Mã trà,… Uống không cần phải  có bộ ấm chén Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần. Lệ thuộc vào trà vào ấm chén chỉ dừng lại ở mức văn hóa trà. Thưởng thức trà như thế chỉ thưởng thức hương vị trà, cao hơn là tinh túy trà. Người uống cũng năm bảy hạng. Có hạng thức giả thực thụ, có hạng trưởng giả học làm sang, có hạng chạy theo hình thức,… Còn trong những câu chuyện trà trên, uống trà là cảm nhận hương vị thiền, người uống là một thiền sĩ. Đúng hơn uống trà là một hành động giác ngộ, nhưng câu chuyện về trà là những công án thiền.
     Cũng có thể hiểu, trà trong nhưng câu chuyện trên mang ý nghĩa Phật triết, nôm na là triết thiền. Người uống trà luôn ở tâm thế rỗng rang, gọi là cha-no-yu (trà hội) như Thiên Lợi Hưu nói: Cha-no-yu nghĩa là biết cái gốc của việc chỉ đun nước sôi, khuấy trà rồi uống mà thôi. Hay : Hình thức cha-no-yu mà ngồi trên chiếc bồ đoàn nhỏ lấy Phật pháp đệ nhất để tu hành đắc đạo. Gánh nước, lấy củi, đun nước sôi, khuấy trà, đem dâng cúng Phật, xong ta uống, rồi cắm hoa và xông hương trầm, thảy đều học dấu tích các hạnh của chư Phật tổ.
      Ở câu chuyện thứ nhất, viện chủ phân biệt người mới đến và người từng đến, băn khoăn việc mời trà những người đã đến tham học thiền, có nghĩa là còn chấp ngã. Cho nên Triệu Châu mới bảo “uống trà đi”, có nghĩa là vứt bỏ những ý niệm, để không còn cái có, chỉ còn cái không của cảnh giới vô ngã, thân tâm hợp nhất. Ở câu chuyện thứ hai, thiền sư Chương muốn khoa trương chút nội lực qua câu nói “Sum la vạn tượng ở nơi nào đây?”. Sự khoa trương đó chứng tỏ ông ta còn bị trói buộc bởi cái tôi. Bởi vậy, hòa thượng Đầu Tử mới nói “Thế thì nhà ngươi vẫn thật sự chưa có mặt ở đây”. Còn loay hoay trong vòng vây của cái tôi làm sao đốn ngộ được. Ở câu chuyện thứ ba, thị giả không đáp được câu hỏi của hòa thượng Giáp Sơn khi ông thâu tay cầm tách trà lại và hỏi “Đây là cái gì?”. Không đáp được vì tâm còn tạp niệm, còn dựa vào cái thấy, trong khi đó cái thấy không phải là tâm. Không đáp được vì thị giả dựa vào trí mà không dựa vào trí huệ. Còn trong câu chuyện thứ tư, vị giáo sư kia vẫn chưa vứt bỏ được kiến thức và tư tưởng thì chưa thể học thiền.
    Nhìn từ khía cạnh thiền học, bốn câu chuyện đều đưa ra một công án thiền. Người học thiền phải làm sao “vô tâm” khi thưởng thức một tuần trà. Ngay cả khi uống trà đừng nghĩ trà là trà, hãy nghĩ đơn giản đó là việc bình thường như “việc chỉ đun nước sôi, khuấy trà rồi uồng mà thôi”. Tất cả đều tự nhiên, đầu xuất phát từ cái tâm bình lặng của con người.
     Tuy nhiên, nếu nhìn mấy câu chuyện trên từ cái nhìn thế sự, cũng có điểm thú vị của nó. Hòa thượng Triệu Châu mời trà khách mới đến học hay từng đến tham học thiền, đó không chỉ là lấy lễ tiếp khách mà còn thể hiện tấm lòng của chủ nhân. Trong con mắt của chủ nhân, khách đã đến hay từng đến đầu là khách, khách đều là con người, phải quý mến, phải tiếp đãi như nhau, không có chuyện khinh trọng khách hay con người nào. Thiền sư Chương còn khoa trương chút nội lực là còn bị ràng buộc bởi chữ danh. Trong khi đó, sống ở đời chữ danh không phải không cần nhưng cần nhất vẫn là chữ thực. Và phải thấy chữ danh do chữ thực mà hình thành. Không thực tài, thực tâm thì chỉ đạt được chữ danh hão huyền mà thôi. Hay câu chuyện giáo sư đại học kia nói lên ý nghĩa của sự học. Học mang ý nghĩa cầu tiến, cầu thiện, cầu mĩ. Người ta không thể học được khi bị sai khiến bởi tâm lí tự tôn, tự mãn. Tự tôn, tự mãn chính là gốc gác của bảo thủ, thái độ trùm chăn hay mũ ni che tai mà không tự biết.
      Mấy câu chuyện trà còn bao nhiêu ý nghĩa nữa, phàm phu này chưa biết. Loanh quanh như thế cũng đã nhọc tâm mệt trí rồi, nên nghĩ bừa: Trà là thiền những trà cũng không phải là thiền, chỉ có tánh không mới là thiền.
      Nghĩ quẩn rồi đưa tách trà lên môi. Một mùi thơm nhẹ phảng phất. Hóa ra uống trà vẫn có cái thú vị của nó. Vậy mà… xưa nay không hề hay biết!

      Hoàng Dục
      13-4-2015
_______

(1) Tất cả các pháp, các hiện tượng đầy dẫy, la liệt.
(2) Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, 2005.
(3) Vũ Thế Ngọc chú dịch, NXB Phương Đông, 2008.

3 nhận xét:

  1. Mình rất thích câu này của bác: Trà là thiền những trà cũng không phải là thiền, chỉ có tánh không mới là thiền.

    Trả lờiXóa
  2. Mình rất thích câu này của bác: Trà là thiền những trà cũng không phải là thiền, chỉ có tánh không mới là thiền.

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn bạn đã thấu hiểu và động viên

    Trả lờiXóa