Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2021

687. HOÀNG HẠC LÂU - NGUYỄN DU

HOÀNG HẠC LÂU

阮攸

Nguyễn Du


Bài thơ Hoàng hạc lâu được đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) cảm tác khi đi sứ Trung Quốc. Bài thơ in trong tập Bắc hành tạp lục
北行雜錄. Tập thơ gồm 131 bài thơ chữ Hán, sáng tác trong khoảng từ 1813 đến 1814. Bắc hành tạp lục được xem là đỉnh cao thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Bài thơ Hoàng hạc lâu này thể hiện cảm hứng hoài niệm về thời đại thịnh trị đã lùi sâu vào dĩ vãng, hoài niệm cái đẹp đã mất, qua đó nhà thơ gởi gắm nỗi niềm ưu tư về đất nước, về con người nhưng không thể thổ lộ cùng ai. Nỗi đau này đã từng day dứt nhà thơ trong Độc Tiểu Thanh kí: Không biết ba trăm năm lẻ nữa/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như.

Nguyên tác:

  








Phiên âm: 

HOÀNG HẠC LÂU

Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì,
Do lưu tiên tích thử giang mi?
Kim lai cổ vãng Lư sinh mộng,
Hạc khứ lâu không Thôi Hiệu thi.
Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu,
Nhãn trung thảo thụ thượng y y.
Trung tình vô hạn bằng thuỳ tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.

Dịch nghĩa:

LẦU HẠC VÀNG

Thần tiên đã đi đâu từ bao đời xưa,
Mà nay vẫn còn lưu dấu ở bến sông này?
Việc mới đến, việc cũ qua như giấc mộng của chàng thư sinh họ Lư,
Hạc đã bay đi mất, lầu chỉ còn lại bài thơ của Thôi Hiệu.
Ngoài hiên, khói sóng vẫn mênh mông,
Trong mắt, cây và cỏ vẫn mơn mởn như xưa.
Tấm lòng thành không có ai để bày tỏ,
Trăng trong, gió mát cũng đâu hiểu được.

Dịch thơ:

LẦU HẠC VÀNG

Vắng bóng thần tiên bao kỷ nay,

Sao còn lưu dấu bến sông này.

Lư sinh mộng hết đời dâu bể,

Thôi Hiệu thơ còn chim hạc bay.

Khói sóng ngoài hiên vờn vẽ tỏa,

Cỏ cây trong mắt mởn mơ bày.

Nỗi lòng chân thật nào ai rõ,

Gió mát trăng trong đâu có hay.

                        Hoàng Dục dịch

Đà Nẵng, 8-2021 

1 nhận xét: