Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

698. XUÂN NHẬT YẾT CHIÊU LĂNG

 

XUÂN NHẬT YẾT CHIÊU LĂNG

陳仁宗

Trần Nhân Tông

Thoạt đọc bài thơ, tưởng chừng chất tự sự bao trùm tất cả. Cảm giác ấy dậy lên từ tiêu đề bài thơ. “Ngày xuân yết Chiêu Lăng” miêu tả hành động chính yếu đó là “cúng tế” trong một không gian thiêng liêng: Lăng mộ của vua Trần Thái Tông (1218-1277). Người tế là nhà vua đương triều Trần Nhân Tông, cháu nội của Đức Thái Tổ nhà Trần vào thời gian sinh phát: mùa xuân. Nếu xét về dòng tộc, việc tế lễ ấy cũng chỉ là đạo hiếu vốn có. Nhưng xét về văn hóa dân tộc, đây là tư tưởng nói lên sự hòa hợp giữa người chết và người sống - một tín ngưỡng văn hóa dân gian của người Việt bao đời. Ở bình diện chủ thể và đối tượng tế, vua biểu trưng cho dân, người dân với lòng biết ở sâu sắc vị anh hùng Trần Thái Tông đã đánh thắng giặc Nguyên Mông lần thứ nhất 1285 giữ yên bờ cõi, đem lại thái bình cho dân.

Hiểu tiêu đề như thế thì sẽ hiểu tại sao hai câu đầu bài thơ thuần miêu tả, còn hai câu cuối biểu hiện tâm trạng của người lính tham dự trận chiến đấu ấy, bây giờ đầu đã bạc nhưng ấn tượng về trận chiến, về người chỉ huy thao lược, về những người lính anh hùng vẫn không nhạt phai.

Cảm hứng chủ đạo của bài thơ vì vậy là cảm hứng về thời đại anh hùng. Đó là thời đại Trần Thái Tông, niên hiệu Nguyên Phong năm thứ bảy, 1251.

Nguyên tác:

  




Phiên âm:

Tì hổ thiên môn túc,                                                                

Y quan thất phẩm thông.

Bạch đầu quân sĩ tại,

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.

Dịch nghĩa:

Ngày xuân tế Chiêu Lăng

Quân thị vệ như hùm gấu, trước nghìn cửa đứng nghiêm túc,

Áo mũ các quan đủ cả bảy phẩm,

Người lính già đầu bạc còn đến ngày nay,

Thường kể lại chuyện đời Nguyên Phong.

(Thơ văn Lý Trần, Tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1988)

Dịch thơ: 

Ngày xuân tê Chiêu Lăng

Nghìn cửa quân nghiêm túc,

Bá quan bảy phẩm đông.

Lính già đầu đã bạc,

Kể mãi chuyện Nguyên Phong.

                        Hoàng Dục dịch

Đà Nẵng, 12-2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét