Thứ Ba, 21 tháng 12, 2021

699. GIANG HỒ TỰ THÍCH II

GIANG HỒ TỰ THÍCH II

慧中上士

Tuệ Trung Thượng sĩ

“Giang hồ tự thích II” tức là “Vui thú giang hồ 2”. Tên bài thơ gợi người đọc cảm hứng thú vui được bay nhảy dọc ngang trong trời đất của chủ thể trữ tình. Đi vào bài thơ, ngôn từ, hình ảnh và giọng điệu càng khắc sâu thêm ý tưởng về cảm hứng ấy. Tuy nhiên, nếu đặt bài thơ trong dòng chảy thiền thi, trong tư tưởng của bậc thiền giả sẽ thấy cảm thức thơ xoay quanh một chữ “vô”. Vì vậy, hai câu kết gợi sự tương đồng giữa Tuệ Trung với Tạ Tam qua câu “Tạ Tam kim dĩ vô tiêu tức”. Tạ Tam (835-908) là thiền sư Huyền Sa Sư Bị (玄沙師備)thời Hậu Đường. Từ nhỏ Tạ Tam thích câu cá. Năm 30 tuổi, bỏ thuyền câu lên núi Phù Dung xuất gia theo hạnh đầu đà. Sau làm đồ đệ của Thiền sư Tuyết Phong và đã khai ngộ.

Nguyên tác:

  








Phiên âm:

GIANG HỒ TỰ THÍCH (II) 

Hồ hải sơ tâm vị thuỷ ma,
Quang âm như tiễn hựu như thoa.
Thanh phong minh nguyệt sinh nhai túc,
Lục thuỷ thanh sơn hoạt kế đa.
Hiểu quải cô phàm lăng hãn mạn,
Vãn hoành đoản địch lộng yên ba.
Tạ Tam kim dĩ vô tiêu tức,
Lưu đắc không thuyền các thiển sa.

Dịch nghĩa:

VUI THÚ GIANG HỒ 2

Tấm lòng hồ hải trước đây chưa từng tiêu mòn,
Bóng quang âm vun vút như tên lại như thoi.
Gió mát trăng thanh, sinh nhai đủ,
Non xanh nước biếc, kế sống dồi dào.
Buổi sớm, kéo cánh buồm cô đơn băng mặt nước mênh mông,
Chiều hôm, cầm ngang chiếc sáo ngắn, đùa với khói sóng.
Tạ Tam nay đã không còn tăm hơi gì nữa,
Chỉ còn lưu lại chiếc thuyền không, ghếch mình lên cát.

Dịch thơ:

VUI THÚ GIANG HỒ 2

Hồ hải chí xưa chẳng nhạt phai,

Bóng quang vun vút tựa thoi bay.

Trăng thanh gió mát thân no đủ,

Nước biếc non xanh trí ắp đầy.

Sáng sớm giương buồm băng sóng nước,

Chiều hôm nâng sáo giỡn đùa mây.

Tạ Tam dấu tích nay nào thấy,

Còn chiếc thuyền không gối bãi này.

Hoàng Dục dịch

Đà Nẵng, 12-2021

Nguồn: Thơ văn Lý Trần (tập II), NXB Khoa học xã hội, 1988

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét