Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

368. CHA VÀ CON

Đây là điếu văn của em Nguyễn Đức An, con của anh Nguyễn Tuấn. Mình đăng lên đây để thấy trong cuộc đời này, đạo lý vẫn không hề mất đi nếu gia đình là nền tảng vững chắc. Những cành, những hoa trái đạo lí có sum suê, có ngon ngọt hay không đều được nuôi dưỡng bởi một gốc rễ vững bền đó là gia đình, mà trong đó tấm lòng, nhân cách
và trí tuệ của cha mẹ là dưỡng chất. Là một tiến sĩ đang giảng dạy tại đại hoc Bournemouth University (Anh Quốc), hơn ai hết An hiểu rõ điều đó. Vì vậy điếu văn của An là đạo lí làm con, là văn hóa gia đình...
Hoàng Dục
________________________________

Hạc vàng chưa đi...

(Điếu văn tại Lễ truy điệu cha, Nguyễn Tuấn, ngày 14/11/2012, nhằm ngày mồng một tháng mười năm Nhâm Thìn.)

Kính thưa chư vị ông bà, cô chú bác, anh chị em, bằng hữu gần xa.

Hôm nay, ngày 14/11/2012, tức ngày mồng một tháng mười năm Nhâm Thìn, chúng ta tề tựu về đây để tiễn đưa cha chúng tôi, Nguyễn Tuấn, về nơi an nghỉ cuối cùng.

Thay mặt tang quyến, tôi xin chân thành cả
m tạ tấm lòng và sự lo toan đầy ân tình mà tộc họ, bà con, bằng hữu gần xa dành cho người cha yêu thương của chúng tôi trong những tháng cuối đời, cũng như trong những ngày tang gia bối rối vừa qua.

Thưa chư vị,

Cha tôi đã quy tiên, để lại một khoảng trống không gì bù đắp được trong mấy má con chúng tôi, trong các cô chú, trong tộc họ và trong rất rất nhiều anh em, bạn bè mà ba đã gieo gặt được trong suốt 73 năm đời mình. Trong giờ phút thiêng liêng này, xin cho phép tôi được có đôi lời thưa cùng cha, như một cách để vừa bày tỏ tình yêu thương, vừa ôn lại cuộc đời cha.

Thưa ba,

Lúc con sinh ra, ba đang trong trại cải tạo. Lúc ba ra đi, con còn đang ngồi trên máy bay từ nước Anh trở về. Ba đã ráng hết sức chờ con mà không kịp. Nhưng ba ơi, dù nửa cuộc đời con cho đến lúc này không được sống gần ba, ba vẫn luôn là người con thương yêu và kính trọng nhất trên đời. Bởi, ba đã để lại cho con và các em con một di sản đạo đức và tinh thần khổng lồ mà ngay chúng con không thể hình dung được cho đến khi ba đã nhắm mắt xuôi tay.

Chưa bao giờ, má và chúng con tự hào về ba một cách sâu thẳm như lúc này. Ba nằm đó mấy ngày qua, có lẽ đã chứng kiến trên dưới 1500 người đến thăm ba lần cuối. Những tháng nằm trên giường bệnh, ba tiếp đón hết đoàn khách này đến đoàn khách khác.

Từ nước ngoài đến trong nước, từ Sài Gòn, Hà Nội đến Đà Nẵng. Từ các ông bà trong hội đồng gia tộc, anh chị em nội ngoại đến hàng trăm người bạn vài năm hay vài chục năm của ba. Từ chính quyền phường Cẩm Nam nơi ba được chôn nhau cắt rốn, đến các vị lãnh đạo phường Thạch Thang nơi ba đã sống gần 40 năm qua. Trong số những người đến viếng và khóc trước hương linh ba, có cả con cái của những người bạn đang ở xa hoặc đã quá cố nhiều năm của ba.

Có lẽ hiếm có một con người bình thường, chẳng có thế lực gì trong xã hội nào lại có thể hưởng được sự thương yêu như thế từ những người chung quanh mình.

Và chúng con tự hào lắm ba ơi. Bởi nó cho chúng con lần đầu được thấy rõ cái di sản cha chúng con để lại to lớn, mênh mông lắm. Ba để lại một đức độ trong sáng, một cách sống yêu thương và vị tha, lấy Nhân-Nghĩa-Lễ Trí-Tín làm đầu, lấy niềm vui từ những việc mình làm được cho gia đình, tộc họ, bạn bè, xóm giềng.

Ba để lại một gia đình hiếu thuận, kính trên nhường dưới, từ con đến dâu rể đều một lòng lo toan vun đắp cho nhau. Ba để lại bốn người em với bao nhiêu keo sơn gắn bó, bao nhiêu sự kính yêu dành cho một người cha quyền huynh thế phụ.

Với bên ngoài cũng như bên trong gia đình, ba đối đãi với mọi người như là một người bạn chung tình, trước khi là một người anh, người em, người con, người cháu...

Chúng con đã kế thừa, chúng con sẽ kế thừa, và chúng con sẽ truyền đi ngọn lửa yêu thương đó từ ba sang những đứa cháu nội ngoại của ba.

Thưa ba,

Những ngày vừa qua, con biết chắc là ba vui lắm khi thấy trong số những người đến viếng thăm ba có rất nhiều học trò, bạn bè và đồng nghiệp của chúng con. Trong số đó, rất nhiều vị đang nắm những vị trí lãnh đạo chủ chốt ở chính quyền thành phố ĐN, ở các ngân hàng, tập đoàn, công ty lớn.

Những người đó, phần lớn ba không biết mặt lúc sinh thời vì họ thuộc về các mối quan hệ xã hội mà chúng con gầy dựng được trên đường đời. Nhưng con không ngần ngại khoe ra ở đây bởi vì, ba ơi, đó chính là một di sản lớn nữa, dù gián tiếp, của ba đó – cái di sản của một người cha tài ba và kiêu hãnh.

Ba làm nên cuộc đời chúng con bằng trí tuệ, chí khí và khát vọng của một người xuất thân từ một gia đình Nho giáo nghèo ở làng quê Cẩm Phô, vươn lên đậu tú tài nhất tỉnh Quảng Nam, nhận quà tổng thống rồi vào đại học.

Thế cuộc xoay dời khiến đời ba công không thành danh không toại, nhưng sự học và hiểu sâu rộng của ba đã không bao giờ bị bỏ phí. Bởi ba đã dùng nó để không chỉ truyền lại cho chúng con tri thức và niềm đam mê tri thức, mà còn làm tấm gương để chúng con thấy quyền năng tự có của một người có tri thức, để có khát vọng vươn lên, thoát nghèo hèn, cơ cực.

Và ba ảnh hưởng chúng con hơn cả chính ở cái sự kiêu hãnh, tự hào về từng bước tiến trên đường chúng con đi. Cái sự kiêu hãnh đó đã giúp ba cùng má đồng cam cộng khổ, mấy chục năm đứng nấu nhôm, hít khí độc, rồi xoay sở đủ kế sinh nhai, từ làm mắm ruốc, bán cà rem, nuôi gà công nghiệp, nấu bia hơi, mở lò bánh mì, đi buôn gỗ đến bán kính đeo mắt, để chúng con ăn học.

Cái kiêu hãnh đó – song hành với sự kiêu hãnh trong chính chúng con về ba má – đã ăn sâu thành động lực cho chúng con vượt qua bao nhiêu cửa khó để có được ngày hôm nay. Nhìn lên thì chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống thì vẫn thấy mình may mắn hơn rất nhiều người. May mắn vì mình đã có một người cha, một người mẹ như thế.

Chúng con nguyện sẽ tiến thêm nữa để ba giữ mãi niềm kiêu hãnh đó nơi suối vàng – và để những hoài bão thiếu thời của ba sẽ còn mãi trong đại gia đình chúng ta.

Thưa ba,

Trước ngày ra đi, ba để lại cho những người ở lại mấy vần thơ mộc mạc. Ba ví mình như con “hạc vàng lưu luyến”, đón nhận sự ra đi như quy luật muôn đời, nhưng lòng còn vương vấn. Ba tiếc cho đời ba hữu hạn, không đủ để ba trải hết lòng mình với thế gian nhiều “mây trắng trôi” mà ba hằng yêu và sống.

Nhưng ba ơi, nếu có được một giây phút cuối cùng bên ba, con cũng chỉ xin quỳ xuống mà thưa rằng ba có thể ung dung, thanh thản ra đi. Nơi chín suối, ba có thể tự hào với tổ tiên, ông cố-bà cố, ông nội-bà nội rằng ba đã trải hết lòng mình cho một cuộc đời sôi động và ý nghĩa, cho vợ con, cho các em của ba, cho dòng tộc, cho tất cả những ai từng có cơ duyên trở thành anh em-bằng hữu trong đời ba.

Và xin ba hãy cứ là hạc vàng lưu luyến. Lưu luyến để dẫu thân xác ba không còn ở lại thì cái tinh thần Nguyễn Tuấn, cái trí tuệ Nguyễn Tuấn và trái tim Nguyễn Tuấn sẽ vẫn mãi ngự trị trong từng đứa con ba, trong ngôi nhà này và trên thế gian này. Cho nên, dù hạc vàng đã bay xa, chúng con sẽ không nói lời vĩnh biệt... Chỉ xin tạm biệt ba mà thôi!

Đà Nẵng ngày 14/11/2012
__________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét