Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

369. TRI ÂN 20-11



Bài này của em Phan Thị Diễm Phương post lên Fb của mình. Đăng lại ở đây để nhớ trường xưa trò cũ.
___________________________________

20/11 - TRI ÂN NHỮNG NGƯỜI CHA NGƯỜI MẸ THỨ 2
by Phuong Phan on Monday, November 19, 2012 at 10:07pm ·
20/11
Năm nay, ngày này, con không có ở Đà Nẵng. Sao lúc ở Đà Nẵng, con không biết trân trọng những ngày này nhỉ? Con nhớ ngày xưa con học
cấp 2, đi thăm thầy cô chỉ là một cơ hội để tụi con tụ tập đi chơi nhảy múa ngoài đường xá, chứ chẳng có một chút xíu thành tâm nào cả… Thật đáng thất vọng! Lớn lên cấp 3, con đã có một hình dung rõ ràng về ngày này. Con chẳng đi thăm thầy cô gì cả. Con chỉ cùng bạn bè hát trên lớp chúc mừng thầy cô. Vậy thôi, nhưng dường như nó ý nghĩa hơn nhiều.
Hôm nay, con đi cùng với một người bạn, bạn ấy bảo là: “ Nhớ quá, ước gì được trở lại như cấp 2, cấp 3, cuộc sống thật thoải mái, chẳng phải nghĩ ngợi gì nhiều cả.” Sáng nay, con dậy từ sớm để kịp cho buổi học thể dục tiết đầu. Trời vẫn rét, nhưng đã có rất nhiều em học sinh đạp xe đi ngoài đường; trên xe là những bó hoa tươi thắm. Con luôn tự nhủ: “ Sao mấy em vĩ đại thế? Chị mà như mấy em, chị ở nhà đắp chăn ngủ cơ. Huhu.” Con cũng không biết sao mà con có suy nghĩ như vậy nữa? Chẳng lẽ con người con đã trở nên thực tế quá chăng? Chẳng lẽ sau này, con cũng như bố mẹ con, hiếm khi cho tiền con mua hoa mừng thầy cô giáo trong ngày 20/11. Hoa rồi cũng héo. Hay chăng con chỉ cần tấm lòng, cần lúc nào cũng hướng về những thầy cô đã dạy dỗ con mà cố gắng? Nó có ý nghĩa hơn thì phải!
Lên Đại học, con cũng gặp được khá nhiều thầy cô giáo “ kute” ( dễ thương), nhưng hình như con không có cảm giác giống như con được thầy cô quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhiều như những ngày học cấp 3. Con ra ngoài này, bạn con 10 người hết 10 người ganh tị với con vì con được học LÊ QUÝ ĐÔN – ngôi trường mà bạn con bảo là chỉ có ở nước ngoài, chứ Việt Nam không bao giờ có. Con hãnh diện 1 phần mà nuối tiếc 10 phần. Con ước giá như con cứ được học trong môi trường như LÊ QUÝ ĐÔN mãi. Màu áo xanh thiên thanh, con đường đến trường băng qua cây cầu NGUYỄN VĂN TRỖI cũ kĩ để nhìn thấy sông Hàn sáng sớm, ngôi trường với cây xanh, thảm cỏ, hoa sen, hoa súng, hồ bơi, kí túc xá 11 tầng mà tụi con vẫn hay trốn lên tầng thượng để nhìn ngắm Đà Nẵng trên cao và ước rằng mình có bay lên, bay lên thật cao. Ngôi trường LÊ QUÝ ĐÔN với thầy cô nhiệt tình, tâm huyết và rất tâm lí. Con học 12 năm nhưng chỉ nhớ mỗi 3 năm cấp 3 tuyệt diệu. Dường như con chỉ nhớ mình học được rất nhiều kĩ năng sống hơn là những kiến thức phổ thông tại LÊ QUÝ ĐÔN. Ngày xưa, có người bảo với con là: “Đừng vào Lê Quý Đôn, học nhiều quá bị điên đấy!” hihi. Con cũng nhận ra con đã bị điên, điên cuồng vì yêu quý các thầy cô và bạn bè ở trường. Học ở trường Chuyên nhưng con không thấy nhiều áp lực. Có chăng khi vào đội tuyển Quốc gia, con phải gánh trên vai nhiều trách nhiệm hơn, trách nhiệm với bản thân và với cả trường mình. Nhưng có chịu nhiều áp lực, mệt mỏi như vậy, con mới bắt đầu quen dần với những khó khăn với cuộc sống và ra đời con đã không còn nhiều bỡ ngỡ nữa. Những bài giảng trên lớp thú thật con thường ít khi nghe giảng. Con chỉ nhớ những bài học cuộc sống mà con được học ở môn Văn. “ Học Văn là học làm người” – thầy con bảo thế mà. Sau này con có con gái, con cũng cho con đi học Văn, để con của con biết vui, biết buồn, biết nhạy cảm với cuộc sống, biết tránh xa vô tâm và rời bỏ cuộc sống nhạt nhẽo.
Cả con và cả bạn bè con lên Đại Học đều như biến thành con người khác – chây lười và chỉ quen kiểu sống hưởng thụ. Có người trượt dốc, có người dừng lại, có người giật mình chạy tăng tốc về phía trước. Nhưng cái con nhận ra điểm chung là học sinh chuyên Văn tụi con biết cách dằn vặt, biết tự ý thức bản thân mình. Đó là những thứ con được học trong “ Vội vàng” , trong “ Đời thừa” mà những học sinh khác không hề nhận ra. Con nhận ra học sinh chuyên Toán sẽ biết cách tỉnh táo và biết cách làm lại từ đầu. Họ thường làm nhiều hơn nói mà. Như thầy Thông dạy Toán cho con vẫn nghiêm khắc: “ Các anh chị xem các anh chị hơn được ai rồi”. Con nhận ra những bài học con học được từ thầy Tuấn sư phạm dạy Hóa cũng rất lớn. Ngày xưa thầy hay bảo là “ Giờ tôi nói các anh chị khướt tai cho qua. Nhưng sau này, có vấp ngã các anh chị mới thấy đúng.” Thầy ơi, con vấp ngã rồi và con đã thấy đúng rồi. Vẫn còn sớm để con được làm lại phải không thầy? Tuổi đôi mươi trôi qua nhanh lắm. Con muốn làm, muốn chiến đấu và trải nghiệm sự thành công. Chứ không muốn sau này con phải dạy lại cho con cháu mình đừng làm cái đấy, sẽ sai đấy và con cháu của con không nghe, vẫn sai, và vẫn đau, và vẫn chiêm nghiệm, và vẫn dạy lại … Tại sao con người không thoát khỏi vòng tròn đó? Đó là cách lớn lên thật hay sao hả thầy?
Cả cuộc đời đi học của con, con đã nhìn 1 người thầy và 1 người cô của con nhắm mắt ra đi. 1 người thầy mà con đã rất yêu quý và đến ngày sinh nhật của con, thầy đột tử. Con khóc không ra tiếng. 1 người cô đã dốc hết sức mình đã dạy dỗ con. Cô còn bảo sau này con có thể về dạy lại cho học sinh của cô. Ngày cô sắp qua đời, cô đã nắm tay con và bảo rằng: “ Con là học trò giỏi nhất trong cuộc đời của cô, cô rất tự hào về con.” Ngày cô đi, con không dám lên nhà cô, viếng cô đến mấy hôm liền. Con chưa bao giờ trải qua cảm giác mất đi người thân nhưng 2 sự ra đi này đã làm con đau khổ đến tột độ. Con nhận ra, đến 1 lúc nào đó, thầy cô sẽ không còn đơn giản là người mình – bỗng – dưng – quen – biết và truyền tải kiến thức đến cho mình mà thầy cô dần dần trở thành người cha người mẹ thứ 2, là một phần rất lớn trong cuộc đời của mỗi tụi con. Chính vì thế, khi viết note này, con lại xưng là “ con” là điều mà thầy con không thích một chút nào. Con vẫn nhớ như in. Nhưng khi ra trường rồi, con muốn được xưng như thế này, để vẫn nhớ rằng, mình có rất nhiều ba mẹ bên cạnh để ủng hộ mình. Không phải như những lúc buồn tủi, ẩm ương tuổi 20, con lại tự hỏi: “ Sao con lại đơn độc thế này? Sao không ai ở bên con?”
Thật ra là do con đã quên đi mất những người thân thuộc luôn hiện diện như một thói quen mà khi mất đi con mới giật mình sực nhớ ra và bật khóc …
Cứ mùa này đến, mùa học sinh đến trường lại có một bông hoa trên tay để tặng thầy cô, con lại nhớ những người cha người mẹ thứ 2 da diết và buồn cho bản thân mình 1000 lần. Có những thứ nuối tiếc mà con không bao giờ cứu vãn được. Con biết. Chẳng hạn như con không đủ dũng cảm để theo nghề sư phạm Văn và không đủ vững chãi trước những cám dỗ của cuộc sống. Dần dần, con trở thành một con người khác mà con cảm thấy dằn vặt và đau khổ. Nhưng rốt cuộc thì sao? Học sinh chuyên Văn nghĩ nhiều lắm mà không chịu làm. Có đúng không hả thầy ơi? Con biết thầy sẽ bảo là: “ Tiêu cực thế! Cuộc sống này đầy những niềm vui, cuộc sống là màu hồng chứ không phải toàn đen xám. Sao các em cứ viết cuộc sống là cơn bão tố trên biển mà chúng ta phải cố gắng vượt qua? Thật không hay chút nào!” :)
Em xin chân thành gửi lời cám ơn đến các thầy cô, những người thầy người cô đã vô-tình đi ngang qua cuộc đời em và làm em nhớ mãi không quên.
Tri ân! 
Phan Thi Diễm Phương
(Chuyên Văn Lê Quý Đôn, Đà Nẵng 2008-2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét