Sáng mồng ba Tết Quý Tỵ
Một buổi sáng trời đẹp. Nắng vừa, bầu trời sáng, không khí ấm áp, dễ chịu và… rất xuân. Như đã hẹn, đúng 8 giờ 30, đứa cháu lên đón hai vợ chồng mình. Cả hai gia đình cậu và cháu về quê thăm bà con và viếng mộ phần tổ tiên đầu năm. Riêng vợ chồng mình có thêm một việc nữa, đó là ra Nghệ An làm lễ đính hôn cho đứa cháu. Xe bon trên đường xuân. Hai bên đường từ Đà Nẵng ra Huế, màu xuân vẫn e ấp, không phô phang; nhịp xuân cũng không rộn ràng. Tất cả khoan thai và có chút gì đó hơi lắng trầm. Phải chăng sau một đêm vui xuân, sáng ra người ta chưa vội ra đường hay vì một lí do nào khác?
Xe đến An Cựu, cùng gia đình đứa cháu lên Ngự Bình viếng mộ ông bà, ba của đứa cháu dâu. Cả một vùng dưới chân núi, mộ lớn nhỏ cũ kĩ, san sát, ken dày. Người viếng mộ lác đác khiến không gian nghĩa trang quạnh quẽ quá!. Điều đáng ghi nhận là có những cụm mộ nhỏ hình tròn hoa sen, nơi này bốn mộ, nơi kia năm mộ, nơi khác tám mộ. Trên các mộ nhỏ đó có tấm bia ghi “Khuôn viên mộ Chiêm Thành” và tên người dựng bia là người Việt, kèm địa chỉ cụ thể. Cậu và cháu không hiểu thế nào, chỉ đoán già đoán non : chắc khi xây dựng nhà người ta tìm thấy những hài cốt này, chủ nhà chôn cất và dựng bia. Ghi mộ Chiêm Thành cúng đúng thôi, bởi Huế là đất “sính lễ”, đất “nạp thái vu quy” của vua Chế Mân trong lễ cưới Huyền Trân công chúa, năm 1306. Nghĩ cũng thú vị thật. Làm vua được gọi là “ông con trời” nên quyền bính bao trùm cả mặt đất, bầu trời và biển đảo. Để thỏa mãn nhu cầu vật chất bản thân, hoàng đế sẵn sàng đem một phần thân thể của đất nước làm “hồi môn” như đem kẹo cho trẻ con vậy. Nếu đổi đất mà được sống vĩnh cữu với người đẹp cũng đáng đồng tiền bát gạo, đằng này chỉ một năm sau, Chế Mân chết (1037), nhà Trần sai Trần Khát Chân, người xưa của Huyền Trân, tìm cách đưa nàng về nước. Hóa ra Chế Mân bé cái lầm. Cũng may còn một chút mụn con côi : Chế Đa Đa. Chế Mân đi buôn như thế còn có chút lãi, chỉ nhân dân Chiêm là lỗ đời đời! Đến đây thì cảm hết ý nghĩa của “bốn bể anh hùng còn dại gái”!
Chiều mồng ba Tết Quý Tỵ.
Rời nghĩa trang Ngự Bình lúc 12 giờ kém. Bụng cũng đã cồn cào. Phải tìm chỗ nghỉ ngơi ăn uống đã. Đến quán cơm “Chị Tẹo” - quán cơm mà đứa cháu hay đùa là “Quán cơm Thạc sỹ” - bởi ngày xưa học cao học mình thi thoảng ghé đến đấy. “Chị Tẹo” còn đóng cửa. Sang bến xe Nguyễn Hoàng vậy. Một vài quán cơm mở cửa phục vụ khách. Đại gia đình vào một quán. Quán chật ních, khách ăn đông đảo, nói toàn giọng Bắc. Chắc là các gia đình ở phía Bắc du Nam ngày xuân đây. Nghĩ cũng lạ. Thời thế đổi thay. Những ngày Tết, đại gia đình thường quây quần bên nhau, hoặc đi chúc Tết hoặc ở nhà đón khách chúc tết, vậy mà người ta lại “du hí” ba ngày Tết. Mình trao đổi với đứa cháu chuyện này. Đứa cháu cười : “Bây giờ người ta cái gì cũng tranh thủ hết… Tết, họ tranh thủ dịp nghỉ, nhất Tết này nghỉ khá nhiều ngày… để chơi. Cần gì truyền thống cậu ơi. Người ta rước ông bà về ăn tết, nhưng … là để… ông bà giữ nhà ấy mà!”. Cậu cháu cùng cười. May không thôi sặc… cơm!
13 giờ 30 về đến làng. Ngày Tết mà không khí vẫn không khác gì ngày thường. Vợ chồng mình nghỉ ngơi, rồi lên rú thắp nhang cho ba mẹ, ông anh… Chiều đi thăm và chúc tết bà con và các chị. Mọi việc lễ nghi, ứng xử như thế tạm ổn.
Tối mồng ba Tết Quý Tỵ.
Đúng 20 giờ 00. Họ nhà trai lên xe, bắt đầu cuộc “hành phương Bắc” ăn hỏi cháu Hoàng Ngọc Vĩnh - con ông anh mình ở quê. Lần đầu tiên được đi ăn hỏi kiểu này cũng có cảm giác thú vị. Xe chạy ra Đông Hà, rẽ lên Cam Lộ, bon bon trên đường Trường Sơn. Không gian im ắng. Lác đác hai bên đường mới có một cụm nhà khuất lấp sau lùm cây. Nhìn phía sau, nhìn hai bên xe, bóng tối phủ tràn. Nhìn phía trước, ánh đèn xe soi rõ con đường, khi lên khi xuống, khi uốn lượn quanh co. Chiếc xe gần như “độc hành”, thi thoảng lắm mới có một chiếc xe máy của những người đi chơi đêm đâu đó đang trở về nhà.
Đến ngả ba Phong Nha - Kẽ Bàng, xe dừng lại. Mọi người xuống xe cho giãn gân cốt. Mình tranh thủ làm mấy tấm ảnh kỉ niệm. Đêm núi rừng yên tĩnh thật. Xe lại lăn bánh. Đúng 6 giờ kém 20, xe đã đến đường 7, đoạn xã Long Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
Sáng mồng bốn Tết Quý Tỵ.
Ngoài trời mưa nặng hạt và se lạnh. Mọi nhà xung quanh đều cửa đóng then cài. Chỉ có những ngọn đèn đường thưa thớt hắt ánh sáng soi xuống mắt đường ướt át. Tự dưng mình nhớ lại năm 1997. Nơi đây mình đã từng qua. Cái ngày ấy mình được cử làm Thanh tra ủy nhiệm của Bộ đi làm nhiệm vụ thanh tra thi ở Nghệ An. Mình được phân công đi các huyện Tân Kỳ, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Thanh Chương… Ngày ấy, con đường 7 và vùng đất này còn hoang vu lắm. Bây giờ nhà cửa cũng đã mọc lên khá nhiều. Tuy không sầm uất nhưng cũng không đến nỗi nghèo nàn, đìu hiu. Bây giờ, bộ mặt xóm làng đã khởi sắc hơn, vui hơn, không còn đăm chiêu nữa.
Nhắc lại kỉ niệm năm 1997 ở nơi đây mà cảm giác không vui. Ngày ấy, mình đi cùng Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào Tạo tỉnh Nghệ An, đến thanh tra các phòng Giáo dục huyện, các Hội đồng thi TN. THPT. Ở đâu cũng được tiếp đón niềm nỡ, ân cần. Nhưng ở đâu cũng lạ trong cách ứng xử thi cử so với các tỉnh từ Quảng Trị vào đến cực Nam đất nước. Thời ấy, đến bất kì Hội đồng thi nào, các quan chức trong đó có “ngài Thanh tra” như mình đều được nhận phong bì bồi dưỡng; phòng chủ tịch, phòng họp Hội đồng thi chất đầy bia lon Huda; ở các trung tâm thi đều có “lều chõng” của cha mẹ, người thân mọc lên như nấm vào ngày khai mạc kì thi cho đến buổi thi cuối cùng. Hỏi ra mới biết nơi đây có tục, một người thi là cả gia đình, thậm chí đại gia đình cùng thi! Xem ra, cái quan niệm học để đổ đạt ra làm quan nó vẫn còn có đất sống và phát triển ở thời kì không còn xã hội phong kiến nữa.
Đúng 7 giờ. Họ nhà trai chuẩn bị vào nhà gái làm lễ. Mình vào trước xin trình giờ. Nhà gái vẫn chưa đông đủ. Nhà trai lại tiếp tục đứng đợi đến gần 8 giờ mới vào làm lễ. Cuộc lễ diễn ra chóng vánh, đơn giản nhưng đầy đủ nghi thức. Sau đó là những chén rượu gạo do chính tay ông thông gia cất (ở miền Bắc, gia đình nào cũng tự cung tự cấp rượu cho chính họ) được nâng lên mừng bác, mừng chú, mừng anh, mừng chị,… Sau đó nhà gái mời nhà trai dùng cỗ mặn. Buổi tiệc kéo dài đến 11 giờ. Gia đình hai bên chụp ảnh lưu niệm, chia tay và hẹn gặp vào đám cưới ngày 18 tháng 2 Quý Tỵ. Tất cả lên xe trở về “mái nhà xưa’.
Chiều mồng bốn Tết Quý Tỵ.
Xe lại xuôi Nam. Trời đã hửng nắng. Bây giờ mình mới có thể nhìn rõ quang cảnh chung quanh. Trên đường thỉnh thoảng bắt gặp những tốp trai gái đang vi vu xe máy chơi xuân. Hai bên đường nhà dân lưa thưa, bao bọc những ngôi nhà là những thửa ruộng hay những đồi chè đã thu hoạch. Nhưng đồi chè trồng theo bậc thang trông khá đẹp mắt. Điều lạ là : sân nhà nào cũng có cây nêu treo lá quốc kì. Nhìn xa tưởng lá phướng nhưng đến gần thì không phải vậy. Không hiểu đây là kiểu “nhất cử lưỡng tiện” hay kiểu “tân cổ giao duyên” hay “hình thức thiêng liêng hóa hay siêu hình hóa biểu tượng Tổ Quốc đây”?
Xe chạy vào địa phận Quảng Bình. Anh tài dừng lại cho mọi người nghỉ ngơi. Phía trước xe, hai bên đường là những chòi che tạm bợ. Trước chòi là nồi nấu bắp trái, loại bắp trái mùa nhỏ và thưa hạt. Mình đến một chòi nấu bắp, trao đổi với người đàn ông đang đun bếp. Anh ta bảo quê ở bên kia sông, đem bắp ra đây luộc bán cho khách qua lại. Ba ngày tết cũng kiếm chút ít tiền. Nhìn hai vợ chồng, mình thấy họ hình như chứa quá 40 mươi, nhưng người chốn quê lam lũ trong già hơn nhiều. Nhìn cái chòi lõng chõng mấy nhành lá che khô héo, cái nồi bắp nhỏ đang liu riu lửa, nhìn hai vợ chồng, lòng mình cảm thấy xuân hình như chưa về nơi đây, trong cuộc sống của đôi vợ chồng và bao nhiêu người bán bắp dọc con đường thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình này!
Tối mồng bốn Tết Quý Tỵ.
18 giờ 30 xe ngang qua thành phố Đông Hà. Phố đêm rực rỡ ánh đèn. Nhìn những ngọn đèn cao áp, những dây đèn xanh đỏ nhấp nháy bỗng thương ngọn lửa liu riu luộc bắp bên đường chiều vừa gặp. Giữa ánh đèn này với ngọn lửa kia là một khoảng cách rất lớn của hai hoàn cảnh sống mà đáng ra nó phải thu hẹp lại như ước mơ!
Ai đó bâng quơ : “Sắp đến nhà rồi!”. Giật mình đã đến địa phận Mỹ Chánh rồi à? Nhanh thật về có vẻ nhanh hơn đi. Cái tâm lí ấy không hề thay đổi trong lòng của nhưng người đi xa trở về. Cái xóm Dừa quen thuộc đây rồi. Đúng 20 giờ xe tắt máy. Thế là đi về 24 tiếng, nhưng hơn 20 tiếng ngồi trên xe. Một chuyến đi vất vả, hối hả, nhưng không ai phiền lòng gì cả. Hạnh phúc của cháu là trên hết mà.
Vợ chồng mình vội tạm biệt ông anh lên nhà bà chị nghỉ ngơi. Về đến nhà, mới cảm thấy sự mệt mỏi ở đâu ập đến. Rửa ráy ngồi trò chuyện đợi cơm. 21 giờ ăn cơm rồi đi nằm đánh một giấc đến sáng.
Sáng mồng 5 Tết Quý Tỵ.
Đúng 6 giờ 30, ông anh bà chị chở hai vợ chồng xuống bến xe buýt Big C. Tất cả cùng ăn sáng uống cà phê đợi xe. 7 giờ 30 xe lăn bánh. 8 giờ 30 đến siêu thị Big C ở đường Hùng Vương. Hai vợ chồng đi xe thồ qua bến xe phía nam ở An Cựu. Xe đủ khách chuẩn bị khởi hành. Anh lơ xe chào mời, thôi lên đại và được xếp ngồi sau cùng. Xe vẫn chưa chạy, còn bắt khách, lại ghế xúp chật như nêm. Mình nhìn từ đuôi xe, ngỡ chiếc xe là một thứ đồ hộp đang đóng hộp những hành khách về quê ăn Tết đang trở lại nơi sinh sống.
Thôi kệ. Tết nhứt mà. Miễn sao về nhà kịp ăn cúng đưa ông bà do con gái làm hộ ba mẹ là được. Ba ngày Tết mà đã vắng nhà hai ngày rưỡi, có lí do chính đáng. Thế mới có Nghệ An nhật trình.
Hoàng Dục
Thôi kệ. Tết nhứt mà. Miễn sao về nhà kịp ăn cúng đưa ông bà do con gái làm hộ ba mẹ là được. Ba ngày Tết mà đã vắng nhà hai ngày rưỡi, có lí do chính đáng. Thế mới có Nghệ An nhật trình.
Hoàng Dục
14-2-2013
______________________
______________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét