Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

403. KẾT CẤU PHÂN MẢNH TRONG "KHÔNG CÓ VUA" CỦA NGUYỄN HUY THIỆP

    Em học sinh cũ trong đội tuyển Ngữ văn quốc gia 2011 gửi tặng tiểu luận của em về "Kết cấu phân mảnh trong truyện ngắn "Không có vua" của Nguyễn Huy Thiệp". Mình rất quý món quà này nên đăng lên blog như là một cách trân trong tình cảm và năng lực văn học của người học trò cũ : Trần Nguyễn Thùy Trang, chuyên văn THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng, khóa 2008 - 2011.                           
    Trên hành trình cách tân mạnh mẽ của văn học dân tộc, nửa sau thập kỉ 80 của thế kỉ XX, văn đàn Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của một hiện tượng văn học lạ, độc đáo và gây nhiều tranh cãi: hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp. Ông đã thổi một làn gió lạ, một làn gió hết sức riêng biệt vào cánh đồng màu mỡ của văn học đương đại nước nhà, trong đó, phải kể đến những những tác phẩm mang cảm quan hậu hiện đại, với kết cấu phân mảnh đầy mới mẻ. Tiêu biểu cho kết cấu phân mảnh trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp là truyện ngắn “Không có vua”. Đến với thế giới nghệ thuật của tác phẩm, ta không thể bỏ qua kết cấu ấy, bởi nó chính là chìa khóa giải mã ý nghĩa sâu sắc của thiên truyện …
    Bất cứ tác phẩm văn học nào cũng có một kết cấu nhất định. Nếu những yếu tố kĩ thuật, thủ pháp là có giới hạn thì kết cấu là vô hạn, vì mỗi tác phẩm là một “sinh mệnh”, một “cơ thể sống” nên kết cấu tác phẩm là một kiến trúc, một tổ chức cụ thể, phù hợp với nội dung của tác phẩm. Kết cấu bộc lộ nhận thức, tài năng và phong cách của nhà văn. Bởi vậy, một nhà văn giỏi phải biết xây dựng kết cấu “vừa vặn” nhất cho tác phẩm của mình. Trong "Không có vua", với kết cấu phân mảnh, Nguyễn Huy Thiệp đã làm được điều đó. Kết cấu phân mảnh là kiểu kết cấu đối lập với kết cấu liền mạch của truyện kể truyền thống. Nếu trong kết cấu liền mạch, các sự kiện trong cốt truyện móc xích chặt chẽ với nhau, thì trong kết cấu này, các sự kiện trong cốt truyện không liền mạch mà rời rạc như những mảnh ghép đặt lên nhau một cách lộn xộn. Đây là kiểu kết cấu nhiều truyện, nhiều mảnh nhỏ trong một truyện, mỗi mảnh nhỏ ấy là một kết cấu, tất cả hợp lại tạo thành kết cấu chung của truyện. Ở đây, nhà văn cố ý tạo ra sự đứt gãy các mạch tự sự để thể hiện khái niệm mảnh đoạn về hình tượng. Đến với truyện ngắn "Không có vua", ta sẽ hiểu sâu hơn về kết cấu này.
    Cốt truyện của tác phẩm chia thành bảy phần nhỏ, có thể gọi là bảy truyện nhỏ theo thứ tự: Gia cảnh, Buổi sáng, Ngày giỗ, Buổi chiều, Ngày tết, Buổi tối và Ngày thường. Ngay cách phân chia này đã tạo nên sự rời rạc trong cốt truyện. Đi vào nội dung từng phần, ta càng thấy rõ hơn điều này. Phần một (Gia cảnh) giới thiệu thành phần gia đình lão Kiền (vợ lão mất đã mười một năm, lão có năm cậu con trai; Cấn làm nghề cắt tóc là con trưởng, Đoài là công chức ngành giáo dục, Khiêm là nhân viên lò mổ thuộc công ty thực phẩm, Khảm là sinh viên đại học, cậu út Tốn bị bệnh thần kinh, người teo tóp, dị dạng và cuối cùng là Sinh, vợ Cấn) cùng với thói quen sinh hoạt tự do trong gia đình vốn thiếu đàn bà và cách những người trong gia đình đối xử với nhau (Tốn hay giúp đỡ Sinh, Lão Kiền hay cau có và chửi bới con, Khiêm khinh hai ông anh, Đoài hay nói cạnh khóe ...). Phần hai (Buổi sáng) kể về hoạt động của mỗi thành viên trong gia đình khi ngày mới bắt đầu (Khiêm dậy sớm nhất đi làm rồi đến lão Kiền dậy pha trà, Sinh dậy lo làm cơm sáng, các thành viên còn lại cũng tất bật lo cho công việc của riêng mình sau bữa ăn sáng). Phần ba (Ngày giỗ) thuật lại không khí ngày giỗ bà Nhớn, vợ ông Kiền. Trong phần này, ngoài sự góp mặt của các thành viên trong gia đình, còn có thêm ông Vỹ (em ruột bà Nhớn), vợ chồng cô em gái lão Kiền và ba người bạn của Khảm (My Lan, Mỹ Trinh và Việt Hùng). Cũng như phần trước, mỗi người lại có một công việc riêng của mình. Phần bốn (Buổi chiều) xoay quanh câu chuyện mất nhẫn và tìm ra chiếc nhẫn hồi môn của Sinh sau buổi sáng ngày giỗ, đặc biệt chú ý là chuyện lão Kiền nhìn trộm Sinh tắm. Phần năm (Ngày Tết) tái hiện không khí gia đình những ngày giáp tết, đêm giao thừa và ngày mùng một. Ở phần này, các thành viên có sự liên kết hơn, nhưng nhìn chung vẫn mang tính phân mảnh rõ rệt. Phần sáu (Buổi tối) kể chuyện xảy ra trong gia đình trong vòng mấy tháng (Sinh có thai, lão Kiền ốm nặng rồi chết). Phần cuối cùng (Ngày thường) tập trung vào buổi tiệc mừng Sinh đẻ con gái.
    Như vậy, có thể thấy rằng, mỗi câu chuyện nhỏ ấy có một kết cấu riêng, có một chủ đề khác nhau, nếu bỏ phần trước cũng chẳng ảnh hưởng gì đến câu chuyện trong phần sau hay phần sau nữa và ngược lại. Ở đây, kết cấu tự sự đã trở nên mờ nhạt, khó nhận ra logic nhân quả theo trật tự thời gian, dù các phần được sắp xếp theo trình tự thời gian trước sau, ta vẫn không thấy được sự liên kết, tác động trong các sự kiện đó. Dường như, các sự kiện chỉ là sự lắp ghép ngẫu nhiên của ý thức. Ngay đến không gian trong tác phẩm cũng có sự phân mảnh rời rạc, lúc thì ở bếp, lúc trước bàn thờ, khi trong buồng Sinh, căn phòng cạnh nhà xí, phòng tắm ... Các câu chuyện cứ diễn ra rời rạc trong những không gian quen thuộc trong căn nhà, họa hoằn lắm mới có cảnh ở bệnh viện lúc lão Kiền mới mổ não xong, nhưng cũng chỉ là thoáng qua. Qua bảy câu chuyện, bảy mảnh ghép lộn xộn trong sinh hoạt của gia đình lão Kiền, ta không thể xác định ai là nhân vật chính, đâu là câu chuyện cốt lõi, đâu là bắt đầu, cao trào hay kết thúc...Tất cả đều rời rạc, từ cốt truyện đến không – thời gian, nhưng xâu chuỗi tất cả lại, nó cho người đọc một bức tranh toàn cảnh về gia đình lão Kiền, tạo ra một kết cấu chung cho tác phẩm mà ở đó, mỗi nhân vật hiện lên rõ nét với những tính cách đặc trưng.
    Trong tác phẩm, ở mỗi phần truyện, hầu như tất cả các nhân vật đều góp mặt, đều xuất hiện với những nét cá tính đặc sắc. Họ là các thành viên trong một gia đình, sống chung trong một không gian nhưng dường như giữa họ không có sự liên kết, quan tâm, yêu thương nhau. Trong thế giới "không có vua" ấy, cha con, anh em gầm gừ, chửi bới, cạnh khóe, cấu xé nhau, không tiếc lời nanh độc dành cho nhau (Lão Kiền bảo Đoài: "Mày ấy à? Công chức gì mặt mày? Lười như hủi, chữ tác chữ tộ không biết, chỉ giỏi đục khoét!”, nói Khảm là: "Đồ ruồi nhặng! Học với chả hành! Người ta dạy dỗ mày cũng phí cơm toi..." hay buông lời khen lại quá lời chửi với Cấn: "Hay thật, cái nghề cạo râu ngoáy tai của mày, nhục thì nhục nhưng hái ra tiền!"; Đoài bảo Khiêm: "tôi nói chú khéo xử sự với người, mà nhanh xử sự với lợn" làm Khiêm "tức nghẹn họng, sùi bọt mép", bảo lão Kiền “một miếng vá xăm đáng một chục nhưng tương lên ba chục thì có đức đấy” hay nghiến răng nói khẽ: "Tôi cũng vô giáo dục nhưng không nhìn trộm phụ nữ cởi truồng" khi lão Kiền bảo Đoài vô giáo dục khi đánh Tốn ...). Không những thế, họ còn xâm hại nhau bằng bạo lực, bằng sự đe dọa tay chân (Khiêm “cầm cái gạt tàn thuốc lá trên bàn ném bào mặt Cấn” vì nhốt Tốn trong căn phòng cạnh nhà xí ngày giỗ mẹ; Khảm đòi “đánh bỏ mẹ” cái đứa nghi ăn trộm nhẫn của Sinh; lão Kiền xui Khảm và Cấn cầm theo búa đi đánh thằng ăn trộm; Cấn “tát Sinh một cái nảy đom đom mắt” khi nghe bố bảo chiếc nhẫn Sinh giấu trong cạp quần ...). Không những thế, cha chồng còn nhìn trộm con dâu tắm, em chồng ngang nhiên sàm sỡ, đòi ngủ với chị dâu; con giơ tay biểu quyết để cha chết... Quan hệ gia đình trong tác phẩm đổ vỡ, không có tôn ti trật tự, không có đạo lí truyền thống, khiến ta không dám khẳng định đây là một gia đình thật sự. Thậm chí hàng xóm còn không biết nhau. Trong cái thế giới "loạn cờ" ấy, sự tận thiện tận mĩ của Sinh trở nên lạc loài, chẳng khác nào “bông hoa lài cắm bãi cứt trâu”. Như vậy, đến nhân vật cũng là những mảnh vụn ghép lại, họ sống chung nhưng lại là riêng, bởi mỗi người có một khoảng trời riêng, một cách sống riêng. Đặc biệt hơn, qua việc tạo ra sự phân mảnh nhân vật ấy, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nên sự đối lập tính cách nhân vật với vai trò xã hội của họ (lão Kiền là cha nhưng không xứng đáng với cương vị một người cha, không làm cho anh em đoàn kết mà nói con cái giết nhau thì “càng mừng”; Đoài là công chức ngành giáo dục nhưng lại hiện lên là người đê tiện, tha hóa lương tâm, vô học nhất; Khiêm tuy làm nghề mổ lợn nhưng lại rất thương yêu Tốn và quan tâm chị dâu; Khảm là sinh viên đại học nhưng không thật thà, thiếu trách nhiệm; Tốn tuy ngờ nghệch nhưng lại là người giàu tình yêu thương, chăm chỉ và cũng là người “sáng suốt” nhất khi nhận ra tình trạng "không có vua" của gia đình mình ...).
    Tóm lại, có thể thấy trong kết cấu truyện ngắn "Không có vua", có sự phân mảnh cốt truyện, phân mảnh nhân vật, phân mảnh không – thời gian ... Tất cả sự phân mảnh đó đã tạo nên kết cấu chung cho toàn bộ tác phẩm, góp phần làm rõ nhan đề và chủ đề thiên truyện. “A ha... Không có vua/ Sớm đến chiều say sưa/ Tháng với ngày thoi đưa/ Tớ với mình dây dưa/ Tình với tính hay chưa?”, bài hát học được từ “bọn bợm rượu” của Tốn tưởng chừng như vô nghĩa nhưng lại là phát ngôn có lí nhất tác phẩm. “Vua” ở đây không chỉ là người có vai vế lớn nhất mà còn thể hiện trật tự cao thấp trong đạo lí cư xử của con người với nhau. Đối chiếu trong tác phẩm, người giữ cương vị ấy, người được tôn kính nhất là cũng lãnh trách nhiệm nặng nề nhất chính là người cha. Thế mà gia đình lão Kiền lại “không có vua”, vua trong gia đình lão chính là đồng tiền (câu trả lời của Khiêm khi Tốn hỏi: “Tiền là gì?”). Trong gia đình ấy, mọi quyền hạn và trách nhiệm của người cao nhất trong gia đình đã bị bác bỏ, nhân thế đảo điên, không có tôn ti trật tự, chuẩn mực đạo đức, điểm tựa tinh thần. Không ai là chủ trong cái gia đình ấy. Từ câu chuyện của một gia đình, tác giả đã đặt ra những vấn đề nhức nhối của thời đại, đó là sự suy thoái đạo đức gia đình trong thời buổi kinh tế thị trường; sức mạnh tha hóa nhân cách con người của đồng tiền; sự mất nhân tính, tha hóa lương tâm, mua chuộc, nịnh bợ của một số trí thức; văn học nghệ thuật ít được xem trọng ... Phân mảnh nhưng có tính khái quát hóa nghệ thuật và tầm tư tưởng lớn lao là ở đó.
    Tạo dựng một kết cấu phân mảnh trong tác phẩm cũng chính là Nguyễn Huy Thiệp đang tạo ra một kết cấu mở trong tác phẩm của mình. Tác giả không áp đặt người đọc phải suy nghĩ, triết lí về các sự việc, hiện tượng trong tác phẩm theo một chiều. Ở đây, người đọc thỏa sức tưởng tượng, ngẫm nghĩ, phán xét về những nhân vật, những câu chuyện xảy ra trong gia đình lão Kiền và rút ra cho mình những bài học, những chiêm nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, không phải là Nguyễn Huy Thiệp bỏ bạn đọc mình giữa mê lộ những tư tưởng. Nhà văn vẫn có những “thông điệp ngầm” để giúp độc giả có thể định hướng đúng nội dung tư tưởng của tác phẩm như qua nhan đề, qua câu hát được lặp đi lặp lại từ đầu đến cuối truyện của cậu út Tốn hay qua cách Khiêm trả lời câu hỏi tiền là gì của Tốn … Dẫu sao, kết cấu này vẫn là một kiểu kết cấu khá lạ, góp phần tạo nên sức hút đối với người đọc, những không giành cho những độc giả “lười”. Đọc truyện ngắn của ông, ta không thể vừa đọc vừa thiu thiu ngủ, hay đọc để giết thời gian. Đã “dấn thân” vào những câu chuyện, những mảnh đời ấy, là ta không thể thờ ơ, lãnh đạm, không thể không trăn trở, thao thức …
    "Không có vua"_ câu chuyện tưởng chừng nông nhưng sâu, tưởng chừng vô lí nhưng đầy triết lí, tưởng chừng rời rạc, không liên kết nhưng lại là một chỉnh thể nghệ thuật hoàn chỉnh trong một kết cấu phân mảnh độc đáo. Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra nhiều khoảng trống, khoảng trắng giữa các câu chữ để người đọc thỏa sức nghĩ suy, liên tưởng, liên hệ với cuộc sống để hiểu mình, hiểu người, hiểu đời hơn. Các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, dù viết về đề tài gì đi nữa, cũng gần gũi với mỗi chúng ta, cũng đều đem lại những khoái cảm nghệ thuật, là vì thế ...

Trần Nguyễn Thùy Trang
__________________
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét