Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

405. TÂM RỖNG RANG

      Đọc sách, nghe được lời trò chuyện giữa Tô Thức với Phật Ấn :
“Một ngày nọ Tô Thức hỏi Phật Ấn : “Này, nhìn xem tôi giống ai?”.
Hòa thượng Phật Ấn đáp : “Trông anh giống như một ông Phật”.
Nghe nói thế, Tô Thức cười lăn cười bò và nói với lão hòa thượng rằng : “Còn ông biết tôi nghĩ ông giống cái gì không? Giống như một đống phân bò”.
Lão hòa thượng Phật Ấn chỉ cười.
Về nhà, Tô Thức đem câu chuyện này huyênh hoang với em gái. Tô tiểu muội cười nhạt và nói với anh rằng :
Làm sao anh có thể nói chuyện với sự hiểu biết thấp đến thế? Anh biết những vị chân tu thường quan tâm gì nhất không? Đó là những việc nhìn thấy tâm hồn và bản chất của mọi việc. Lão hòa thượng nói anh giống đức Phật, điều đó cho thấy rằng Phật luôn hiện hữu trong tâm ông ấy, vì thế bất cứ điều gì ông ta thấy cũng giống Phật cả. Còn anh lại nói ông ta giống như một đống phân bò, vậy hãy thử hình dung trong tâm anh là gì nào?
      (Yu Dan, “Khổng Tử tinh hoa”, NXB Trẻ, 2011, tr. 47)

      Lạ! Một câu chuyện kể hay là một công án thiền. Câu chuyện ngắn mà không để cho tâm trí người đọc, người nghe yên ổn. Hai con người, hai cái nhìn, hai giọng điệu khác nhau, nhưng liệu họ có cách nhau trời vực trong tư tưởng, trong cái nhìn để rồi biểu hiện qua lời nói không? Đừng chú ý cái giọng kể, cách kể của Yu Dan, chỉ chú ý đến nội dung sự việc, mới thấy thú vị.
      Nếu là một câu chuyện kể thì ông Tô Thức thật đáng trách. Đường đường là một trong Bát đại gia Đường Tống, một nhà văn nhà thơ nổi tiếng mà nói năng ứng xử như vậy là không đẹp cho lắm. Giả sử Phật Ấn có giống đống phân bò thật thì Tô Đông Pha thi sĩ cũng nên “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ai đời ông lại nói thẳng đuột như thế. Tâm lí con người luôn thích nghe những lời nói được bôi trơn, nhưng bôi trơn như thế nào, đó là vấn đề. Bôi trơn quá mức là không thật, bôi trơn đúng mực, phù hợp tâm lí người đối thoại là chân thật. Xưa nay người ta vẫn vừa thích nghe lời nói khéo vừa sợ người khéo nói. Cái tâm lí hàng hai, đó là nét tâm lí rất người vậy.
      Nếu câu chuyện trên là một công án thiền thì lời Đông Pha cư sĩ vẫn có cái lí của nó. Cái lí trước hết nằm ở chỗ, ông và lão hòa thượng Phật Ấn rất thân thiết với nhau. Họ hay đàm đạo về thiền học cùng nhau. Trong khi chuyện trò, Tô Thức thường trêu chọc Phật Ấn và lấy đó làm khoái chí vì biết hòa thượng là người chân thật, có tâm bồ tát và hiểu ông. Hiểu như thế, mới thấy lời của Đông Pha cư sĩ chỉ là một thiền hữu rất hồn nhiên. Thứ nữa, nếu xem mọi hình tướng đều không, tính thấy tính nghe không phải là tâm như kinh “Lăng Nghiêm” dạy thì lời Phật Ấn nhận xét Tô Thức, và lời Tô Thức nhận xét Phật Ấn đều như nhau, không có lời này cao nhã lời kia tục tằn
. Cái nhìn thấy Tô Thức “giống Phật”của Phật Ấn  là hình tướng và cái nhìn thấy Phật Ấn  “giống đống phân” cũng là hình tướng. Trong khi mọi sự vật hiện tượng trong con mắt thiền học đều là không cả. Cho nên, nói theo kiểu Tô tiểu muội là rơi vào “cái chấp” rồi. Ta tin Phật Ấn không chấp, không thấy mình giống đống phân; Tô Đông Pha không chấp, không thấy mình giống Phật. Bởi giống Phật là chưa thành Phật; giống đống phân tức không phải đống phân mà là Phật vậy.
      Phật từng dạy rằng, ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành, hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Vậy, ta sẽ thành Phật một khi có ai đó nhận xét ta là Phật chăng ? Ôi, ngộ nhận hình tướng là tâm, người ta vẫn thường như vậy đấy.

Hoàng Dục
 24-2-2013
___________      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét