Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

421. MÚA GƯƠM CỦA LÀNG KẾ MÔN

      MÚA GƯƠM là một điệu múa dân gian gắn liền với các nghi lễ tang ma, lễ hội ở làng Kế Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Việt Nam.
      Hiện nay không rõ múa Gươm ra đời từ bao giờ. Nhưng tộc họ nào cũng có đội múa gươm, mỗi khi tang ma, tế lễ đều trình diễn như là một lễ thức. Đội hình múa gồm mười một tráng đinh, trong đó có: ông Cai và mười đội viên. Ông Cai đầu đội khăn đóng xanh, đeo kính đen, mặc áo nhiễu xanh, thắt lưng đỏ buộc múi chéo buông xuống bên hông, quần trắng, đi hia trắng hoặc giày cao ống trắng, hai tay cầm hai cây nến quấn giấy xanh đỏ, trang trí giấy trang kim, có tua, cổ tay quấn khăn đỏ. Ông Cai là người điều khiển các màn múa, các điệu múa, các nhịp múa bằng đèn qua động tác tay. Mười đội viên đội khăn đóng đen, mặc áo the đen, quần trắng, đi giày, một tay cầm gươm, một tay cầm đèn. Gươm gồm một bộ 10 cái, đó là bộ tế khí thường thờ trong từ đường của từng tộc. Gươm bằng gỗ, dài khoảng 1,5 mét, hình dáng là một cây gươm đang tra trong vỏ, chia làm hai phần: phần cán ngắn và phần vỏ dài, sơn son thếp vàng. Đèn là hình hộp vuông đáy nhỏ, miệng to, được làm bằng nan tre, dán giấy nền có trang trí hoa lá, trên miệng đèn ở các góc có dán các cánh hoa, trong thắp nến. Mười đội viên chia thành hai nhóm, mỗi nhóm 5 người. Hai nhóm khác nhau ở thắt lưng và tay cầm kiếm, cầm đèn. Nhóm này thắt lưng vàng buộc múi chéo buông bên hông phải, tay phải cầm đèn tay trái cầm gươm. Nhóm kia thắt lưng đỏ, buộc múi buông bên hông trái, tay phải cầm gươm, tay trái cầm đèn. Hai nhóm này khi tách ra hai hàng sẽ tạo nên sự cân đối, hài hòa.   
      Múa gươm gồm bốn phần: Phần lễ, phần múa, phần dàn chào và phần đưa rước. Phần lễ, đội múa chưa cầm gươm mà cầm hương, sau đó theo lệnh của ông cai, họ đi chéo, lên một xuống hai,  rồi lên hai, xong họ quỳ một chân,
lạy hai lạy trước bàn thờ vong. Sau khi lễ xong, họ nhập thành một hàng, bắt đầu đi theo vòng tròn, lúc này người giữ gươm sẽ trao gươm cho người múa và cuộc múa bắt đầu. Đây là cao trào của múa Gươm. Các màn múa gồm lên một xuống hai, gài lồng mốt, tam xà, tứ trụ, nhảy nhập vòng, đánh khu ốc,… khi đi nhịp chậm, khi chạy lúc thúc, khi uốn lượn, khi quấn quýt nhau, khi tỏa rộng ra… trông rất sinh động. Kết thúc phần múa, đội tách hai hàng đứng đối diện nhau, bồng gươm dàn chào. Khi đám đưa, hay rước kiệu, hai hàng gươm này sẽ đi trước đưa hoặc rước.
       Múa Gươm của làng Kế Môn là một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Ngày nay, múa Gươm của làng Kế Môn không chỉ đóng khung trong làng mà còn tham gia biểu diễn ở các lễ hội lớn trong tỉnh Thừa Thiên - Huế. 

Hoàng Dục
14-4-2013
___________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét