Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

418. GIẤC MƠ CÁ THÁNG TƯ

      1. Ngả lưng xuống giường, tôi cố chợp mắt dù chỉ mười lăm phút để tỉnh táo mà đi làm buổi chiều. Đang lơ mơ, tôi như nghe bên tai tiếng hát “Du mục” thầm thì : “Một người vào thành phố - Đếm từng bước buồn tênh… Rồi người bỗng thấy buồn - Người chợt nghe xót xa đất mình”. Hình như đấy là tiếng hát của Trịnh Công Sơn, tiếng hát như gần như xa lãng đãng ấy làm chùng lòng tôi. Tôi như “chợt nghe xót xa đất mình”. Tôi như chìm vào giấc mơ âm thanh. Tiếng hát lớn dần và vỡ òa trong hình ảnh Khánh Ly với giọng ca “ẩm đục, vướng nghẹn như niềm vui chợt mất. Nó bâng khuâng như cơn mưa vội đến. Nó tuyệt vọng như cánh chim non bay lạc trong cơn giông tố mịt mù...” (Tạ Tỵ - Trịnh Công Sơn và tiếng ru máu lệ). Và tôi nghe :
    Đường anh em sao đi hoài không tới
    Đường văn minh xương cao cùng với núi
    Đường lương tâm mênh mông hoài bóng núi
    (…)
    Hãy nhìn lại, người anh em trên chiến trường xa
    Hãy nhìn lại tìm đâu ra những nét mặt thù
    Hãy nhìn lại, được hay thua những thắng bại kia
    Hãy nhìn lại mặt quê hương tan nát từng giờ.

             (Hãy nhìn lại)
      Tự dưng trong giọng hát Khánh Ly như có lẫn lộn giọng đọc lời tựa “Phụ khúc da vàng” của Trịnh Công Sơn do ông viết vào tháng 11 năm 1972 :
Phụ khúc da vàng là những khúc hát viết thêm, tiếp nối “Ca khúc da vàng” trước đây. Nhưng khúc hát này đúng ra không nên có, nhưng bởi trên những con đường, những thành phố và những xác chết của tháng 5 (năm 1972), một lần nữa, tôi không thể nào quên đi tiếng kêu thất thanh của đám người cùng khổ.
Phải chăng những hồi chuông báo tử chưa đủ làm mềm lòng cuộc sinh sát.
Ta sẽ không bao giờ còn thấy bóng dáng của vinh quang - Vì trên những xác chết của anh em sự vinh quang phải giấu mặt
”.
      2. Giọng hát Khánh Ly chưa dứt, lời Trịnh Công Sơn chưa tan, tôi hình như rơi vào một giấc mơ khác, giấc  mơ về người xưa. Đó là mơ thấy Đinh Củng Viên, người Thanh Hóa,  một người nổi tiếng biện thuyết vào thời vua Trần Nhân Tông.
Năm 1270, Nguyên Thế tổ bắt buộc nhà Trần phải nộp biểu xưng vương. Đinh Củng Viên cùng đại phu Lê Đà sang nhà Nguyên biện giải, quyết không để quốc thể bị nhục, không thể để dân tộc bị xem là bạc nhược. Khi trao đổi, vua Nguyên bảo :
- Quân của thiên triều đi đến đâu san bằng đến đó, không ai dám đương cự, trái mạng, sao chúa các ngươi không rõ phận nước mà toan địch thể với ta sao ?
Ông thản nhiên đáp :
- Nếu nhà vua định đem điều nhân nghĩa mà khiến mọi người kính nể thì mới thuyết phục được chúng tôi. Nếu đem binh lực ra dọa nạt, thì dù nước nhỏ, nước tôi vẫn có binh hùng tướng dũng, có núi non hiểm trở để ngăn chận và thù tiếp binh thiên triều.
Thấy ông biểu dương tinh thần bất khuất của dân tộc Việt, Nguyên Thế tổ mến phục. Do đó tránh được binh đao một thời. 
Người xưa sao mà đáng kính trọng đến thế ! Vui sao đất nước của người tài. Vui sao tâm trí và nhân cách của kẻ sĩ xưa, chỉ uốn lưỡi mà không uốn mình nhưng hóa giải được kiếp nạn chiến tranh. 
      3. Nỗi buồn và niềm vui đan xen lan tỏa... Tôi hư thực tâm trí… Có tiếng xe nhà hàng xóm rồ ga… Hóa ra chỉ là giấc mơ cá tháng tư.

Hoàng Dục
1 - 4 -3013
_______________________

2 nhận xét:

  1. Hoàng Dục có bài bình thơ Nguyễn Đức Bạt Ngàn rất hay đấy nhé. Xin gởi lơig thăm anh Cẩm. Dù ở khác huyện nhưng Cẩm và mình cũng từng uống chung giòng Ô Lâu.

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn Hai Lúa rất nhiều. Bình thơ bạn chỉ là cách thể hiện tình bạn ấy mà. Hai Lúa ở huyện nào mà từng uống chung giòng Ô Lâu ? Hải Lăng A?

    Trả lờiXóa