1.
Lên trang web Làng Kế Môn thấy chạy hàng tít “Đoàn múa náp làng Kế Môn diễn tại
làng Phước Tích”. Sau hàng tít là dòng tin : “Ngày 16/8/2011 (17/7 Tân
Mão), mặc dầu trùng vào ngày lễ Thu Tế của làng Kế Môn, Ban Văn Hóa làng cũng
đã cử đoàn múa Náp của làng tham gia chương trình “Đêm hội văn nghệ Dân gian
làng cổ Phước Tích”, tại làng Phước Tích, huyện Phong Điền theo lời
mời của Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế”. “Theo yêu cầu của Ban Tổ Chức, làng Kế Môn cử
3 đội múa Náp tham dự chương trình”.
Đọc bản tin, trong tôi dậy lên bao câu hỏi
: múa Náp là gì? Ở làng Kế Môn có điệu múa Náp sao? Nhưng
đọc kĩ và xem hình ảnh kèm theo, hóa ra đây là “Múa gươm” (người dân thường gọi
tên bằng phương ngữ : “Lộn gươm”), một hình thức nghi lễ văn hóa dân gian của
làng vốn có từ xa xưa. Nhưng tại sao lại có hiện tượng trái khoáy thế này ? “Múa
Gươm” trở thành “múa Náp” ! Ai đã đặt (đúng hơn là cải tên) cho điệu múa của
làng, một điệu múa đã đi vào tâm thức của người Kế Môn bao đời nay, đã trở
thành nét đẹp văn hóa tinh thần mà dân làng mãi gìn giữ và phát huy, bằng một
cái tên xa lạ như vậy ? Và tôi bỗng đâm ra hoài nghi chính mình : cái biết của mình ít ỏi, trong khi đó tri thức
nhân loại thì vô cùng, làm sao đem cái hữu hạn của trí tuệ mình mà đong hết, chứa
hết cái vô cùng ấy ! Biết đâu đó, điệu múa Gươm ở làng Kế Môn còn có tên gọi là
múa Náp ?
Dù tự nhủ như thế nhưng trong tôi vẫn
không hết băn khoăn. Tôi vội lật tìm trong “Từ điển Văn hóa Việt Nam” của Vũ Ngọc
Khánh và Phạm Minh Thảo, trong tất cả các điệu múa cung đình và múa dân gian,
không có mục từ múa Náp. Vậy là phải nhờ trợ thủ thân thiện google, hóa ra có
điệu múa Náp thật. Trang tìm kiếm hiện
ra rất nhiều bài viết, phần lớn quảng bá điệu múa Náp của làng Tân Mỹ, xã Quảng
Ngạn, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Có thể kể một số bài tiêu biểu ::
“Múa
náp, đặc sắc văn hóa Quảng Điền, Thừa
Thiên - Huế” (không có tên tác giả), trang Tin tức du lịch, 1/2011; “Sống lại điệu múa Náp” của
Đoàn Vũ, báo Tin Tức, 4/2011; “Múa náp hồi sinh sau gần thế kỉ” của
Minh Ngọc, báo Lao Động điện tử, 1/2011; “Khôi phục điệu múa Náp truyền thống”
(không có tên tác giả), báo Việt Nam nay, 10/2011,… Riêng múa Náp ở làng biển Mỹ Tân, thuộc xã Thanh Hải, nằm
cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 20 cây số về hướng Đông - Bắc có 2
bài trong đó có “Đặc sắc múa Náp” của Thái Sơn Ngọc đăng trên - Báo Ninh Thuận,7/2011.
2. Qua những bài viết về múa Náp ở Tân Mỹ,
Quảng Ngạn, Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế; ở làng Mỹ Tân, Ninh Thuận, tôi thử
làm phép đối sánh từ tên gọi đến lịch sử, từ trang phục đến đạo cụ, từ vũ điệu
đến mục đích và ý nghĩa,… với cái gọi là múa Náp ở làng Kế Môn, huyện Phong Điền,
tỉnh Thừa Thiên - Huế (mà tôi biết), mong giải quyết thỏa đáng về tên gọi cho
điệu múa truyền thống lâu đời của làng Kế Môn. Chỉ cần thao tác so sánh đơn giản
cũng thấy múa Náp của ba vùng đất có nét giống nhau nhưng cũng rất nhiều điểm khác biệt.
Làng/Mục
|
KẾ MÔN(TT
– Huế)
|
TÂN MỸ (TT-
Huế)
|
MỸ TÂN
(Phan Rang)
|
Ra đời
|
Thế
kỉ XV (nông nghiệp, khi lập làng, mỗi tộc họ có một đội múa).
|
Thế
kỉ XIX (ngư nghiệp, đời Gia Long, cả làng chỉ một đội múa).
|
Thế
kỉ XVII (ngư nghiệp, khi lập làng, cả làng chỉ một đội múa).
|
Số người
|
11,
tráng đinh, gồm 1 ông cai và 10 vũ
sinh
|
20,
thiếu niên (10-15 tuổi), chia làm 5 nhóm, mỗi nhóm bốn người.
|
8-10, thanh niên, gồm 1 ông cai, còn lại là
vũ sinh.
|
Trang phục
|
Khăn
đóng, áo dài xanh, đen; quần trắng, thắt lưng vàng, đỏ, giày trắng.
|
Chít khăn cùng màu với áo quần, áo
quần đồng màu gồm các nhóm màu đỏ, vàng, xanh nước biển, xanh lá cây, hồng.
|
Người múa náp đầu chít khăn, mặc
quần áo rộng, lưng cuốn đai, chân cuốn xà cạp đi giày vải bó như những đội thủy
binh thời xưa.
|
Đạo cụ
|
-
Vũ sinh : Hương - gươm - đèn hộp giấy có trang trí hoa văn.
- Ông cai dùng đèn trụ (đèn sáp gắn trên ống
nứa, bọc giấy màu, quấn trang kim, tua) - khăn vải đỏ’
|
Gậy - đèn (không rõ hình thức)
|
Chiếc Náp như một thanh đao dài 100cm, phần
lưỡi 40cm dành cho vũ sinh, ông cai dùng cặp sanh.
|
Vũ đạo
|
Lên
một xuồng hai, tam xà, tứ trụ, gài lóng mốt…
|
Tam xà, tứ trụ, vô búp (búp sen),
ra nở (sen nở), đi vòng số 8
|
Bái
tổ, ba thoi, đá đầu, đánh cán, đánh lưỡi, nhảy ngựa, tạ hàng ngang, tạ hàng
xuôi, sắp mặt, sắp lưng, ra lưng, nhảy trái…
|
Mục đích
|
Múa
chủ yếu trong các lễ tang của những người trong dòng tộc.
|
Gia
đình nào có việc hiếu hỷ, đội múa này sẽ đến chia sẻ buồn vui cùng gia quyến
và lễ cầu ngư.
|
Cúng
đình, cúng lăng Ông Nam Hải.
|
Bảng so sánh đã cho ta cái nhìn tương đối về điệu múa của ba vùng đất. Nhưng dù tương đối, ta vẫn có thể thấy được, giữa điệu múa làng Kế Môn và Mỹ Tân (Phan Rang) rất khác biệt, tại sao lại có cùng tên múa Náp?
Múa Gươm làng Kế Môn - Ảnh Đặng Hữu Hùng
Điều đáng chú ý là điệu múa của làng Kế
Môn với làng Tân Mỹ. Bởi ca hai về vũ đạo có chỗ giống nhau và mục đích ý nghĩa cũng vậy.
Nếu cho rằng điểm giống nhau đó bắt nguồn từ không gian định cư thì cũng có cái
lí của nó. Cả hai làng dẫu khác huyện, một bên là Phong Điền, một bên là Quảng
Điền, nhưng đều thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hơn nữa cả hai đều nằm trên trục đất
cát trắng phía Bắc cửa biển Thuận An, nên có sự giao lưu, ảnh hưởng lẫn nhau. Đấy
là xét từ không gian sinh sống, còn xét về không gian văn hóa lại khác. Từ góc
nhìn không gian văn hóa ta thấy sự sinh
thành và phát triển múa Náp của Kê Môn và Tân Mỹ khá xa lạ. Tân Mỹ và Mỹ Tân là
không gian biển, người dân ở hai miền này đều sinh sống bằng nghề đánh bắt hải
sản; riêng Kế Môn là một làng thuần nông. Từ không gian cộng đồng, từ hai nền
văn hóa khác nhau, văn hóa lúa nước và văn hóa biển, làm sao có điệu múa giống
nhau. Nếu giống, có chăng chỉ Tân Mỹ và Mỹ Tân, còn Kế Môn thì hẳn là khác biệt,
cho nên điệu múa nghi lễ văn hóa của Kế Môn được gọi tên múa Náp là không ổn. Ở
đây, cũng xin nói, nếu dựa vào quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa thì cũng
không thể lí giải ổn thỏa được. Bởi vấn
đề đặt ra là điệu múa làng nào chịu ảnh hưởng của làng nào ?
Để giải thích có
lẽ nên nhìn hai điệu múa của hai làng Kế Môn và Tân Mỹ từ điểm nhìn thời gian
lịch sử chăng ? Nhìn từ góc độ thời gian, làng Kế Môn hình thành từ thế kỉ thứ
XV, điệu múa gươm của làng ra đời từ cái mốc lịch sử ấy nên cũng có bề dày
truyền thống hơn 5 thế kỉ. Trong khi đó, điệu múa Náp của làng Tân Mỹ, huyện
Quảng Điền, căn cứ bài viết của hai tác giả Đoàn Vũ và Minh Ngọc thì :
“Vào
đời vua Gia Long (1802-1820), trong một lần du thuyền ngược về khu vực cửa biển
Thuận An, nhà vua thấy trên bờ biển có một đám đông đang tụ tập nhảy múa, động
tác uốn lượn rất lạ mắt. Thấy lạ, vua dừng thuyền đến xem và được biết đó là
điệu múa náp của ngư dân Quảng Ngạn. Thấy điệu múa hay, vua khuyên dân làng nên
duy trì điệu múa này. Từ đó, người dân Quảng Ngạn giữ gìn điệu múa này, gia
đình nào có việc hiếu hỷ, đội múa này sẽ đến chia sẻ buồn vui cùng gia quyến.
Gần một thế kỷ qua, điệu múa náp đã bị
thất truyền, do những người tuổi cao, sức yếu, không truyền lại cho con cháu.
Nhận thấy điệu múa náp có nguy cơ biến mất hẳn, từ năm 1994, các ông Phan Đăng
Khoa, Trần Đình, Trần Đa và ông Lê Minh - Trưởng thôn Tân Mỹ đã thu thập, biên
soạn để phục dựng các điệu múa náp đúng với nguyên bản”.
Qua đoạn
văn có thể thấy, trước khi vua Gia Long khuyên, điệu múa ấy chỉ là “một đám đông tụ tập nhảy múa, động tác uốn
lượn rất lạ mắt”, sau đó “dân làng
mới duy trì điệu múa”, “giữ gìn điệu
múa này, gia đình nào có việc hiếu hỉ, đội múa này sẽ đến chia sẻ buồn vui cùng
gia quyến” hay “giữ gìn điệu múa này như một “báu vật” của quê hương”. Chỉ đến khi vua
Gia Long khuyên, điệu múa Náp của làng biển Tân Mỹ mới chính thức ra đời vào
thế kỉ XIX như là một nghi lễ văn hóa dân gian. Nhưng rồi “Gần một thế kỷ qua, điệu múa náp đã bị thất truyền”, tức là gần
hết thế kỉ XX. Năm 1994, sau khi tập
luyện để biểu diễn trong lễ khánh thánh
đình làng “đội múa lại tan rã”.
Điều băn khoăn là: một điệu múa truyền thống đặc sắc được người
dân “Quảng Ngạn giữ gìn”, đã trở
thành “điệu múa dân gian truyền thống”,
là một “báu vật” quê hương, thậm chí
“điệu múa này
đã gắn bó với đời sống văn hóa tâm linh của người dân” tại sao lại
có hiện tượng đứt đoạn gần 100 năm ? Ngay cả khi khôi phục vẫn tan rã ?
Từ hoài
nghi này, ta có thể thấy chỗ không thuyết phục về sự lịch sử hình thành điệu
múa Náp của làng Tân Mỹ như các bài báo đã viết. Và cũng từ đó cho ta một kết
luận sơ bộ : dù vũ đạo có giống nhau, nhưng đó là giống nhau do sự tiếp biến,
còn tên gọi không thể là một. Múa Náp phải chăng chỉ là điệu múa của Tân Mỹ và
Mỹ Tân, điệu múa của cư dân miền biển trong lễ cầu ngư. Còn điệu múa của làng
Kế Môn thì không thể gọi tên như vậy được.
Điều băn khoăn nữa là về cái tên múa Náp. Tại
sao có tên múa Náp ? Náp là gì ? Lần theo bài viết của Đoàn Vũ, tôi bắt gặp câu : “Các ông Trần Đa, Trần Đình thu thập tài liệu về múa náp từ các bản dịch
chữ Hán - Nôm, được cất giữ tại các họ tộc”, và theo Minh Ngọc : “Các
ông Đa, Đình thu thập tài liệu về múa náp từ các bản dịch chữ Hán - Nôm được
cất giữ tại các gia phả họ tộc trong làng”. Chính hai câu văn này đã cho tôi một cơ sở để tìm hiểu
khái niệm Náp là gì. Lật giở những từ điển Hán Việt của Thiều Chửu, của Nguyễn
Văn Khôn có trong tủ sách gia đình vẫn không thấy từ “Náp”, tranh thủ giờ nghỉ tìm
những từ điển khác ở Thư viện Đại học Duy Tân vẫn không. Hay “Náp” là từ Nôm ?
Tôi thử tìm trong “Bảng tra chữ Nôm” của Viện Văn học (1976) cũng chẳng có từ
Náp nào ! Không có từ Náp, nghĩa là không thể gọi tên sự vật, từ đó cũng khó
hình dung được bản chất của sự vật hiện tượng đó là gì ? Hay từ Náp là phương
ngữ ? May thay, bài viết của Thái Sơn Ngọc trên báo Ninh Thuận cho tôi một cái
nhìn. Đọc câu : “Chiếc
náp dài khoảng 100 cm, phần lưỡi dài khoảng 40 cm, hình thức như một thanh đao”
mới
thấy, người dân Mỹ Tân lấy tên đạo cụ - cái náp để gọi tên điệu múa của họ.
Điều này hoàn toàn hợp với cách gọi tên
các điệu múa dân gian của người Việt. Phổ biến nhất là lấy đạo cụ đặt tên điệu múa.
Có thể kể một số điệu múa được đặt tên theo cách ấy. Múa Bã Trạo, tức là mùa chèo thuyền, đạo cụ là mái chèo; múa Bồng ở hội Láng, ở hội Triều Khúc, Bắc
Bộ Việt Nam, đạo cụ là chiếc trống bồng đeo trước bụng người múa; múa Đọa pụ, tức là Đội nước của người
Chăm, mô phỏng động tác, hình dáng của cô gái Chăm đi lấy nước về nhà, họ đội mỗi
cô một bình nước trên đầu; múa chạy Gậy
ở Đông Sơn, Thanh Hóa, khi tham gia múa, mỗi trai đinh vác một cây gậy bằng tre
dài 1, 5m quấn giấy xanh đỏ; múa Chạy cày
ở Đan Từ và Nghĩa Lập, tỉnh Vĩnh Phú mô phỏng công việc cày bừa nặng nhọc trong
sinh hoạt mùa vụ, mỗi người tham gia múa cầm một cái bắp cày; múa Lân đạo cụ là con lân, múa Rồng đạo cụ là con rồng;…
Múa Gươm làng Kê Môn - Ảnh Đặng
Hữu Hùng
Từ tập quán gọi tên các điệu múa dân gian
nêu trên có thể nói rằng, gọi điệu múa dân gian của làng Kế Môn là múa Náp là
không hợp lí, bởi đạo cụ là gươm : “Gươm
gồm một bộ 10 cái, đó là bộ tế khí thường thờ trong từ đường của
từng tộc. Gươm bằng gỗ, dài khoảng 1,5 mét, hình dáng là một cây
gươm đang tra trong vỏ, chia làm hai phần: phần cán ngắn và phần vỏ
dài, sơn son thếp vàng”. Bộ gươm là bộ tự khí thờ trong các từ đường họ
tộc. Tất cả các họ : Bùi Viết, Phan, Đặng Hữu, Nguyễn Thanh, Lê Cảnh, Trần
Đăng, Trần Văn, Trần Duy, Hoàng Ngọc, Hồ Tá,… họ nào cũng có một đội gươm múa
trong tang lễ của người trong tộc họ; chứ không phải chỉ một đội của làng như ở
Tân Mỹ và Mỹ Tân. Và điệu múa của làng Tân Mỹ, theo cách gọi tên dân gian, phải
là múa Gậy hay múa Đèn như em Nguyễn Thị Nhung, một sinh viên xem biểu diễn điệu
múa này đã gọi tên.
Nói tóm lại, qua những gì đã trình bày, có
thể nói rằng, gọi điệu múa nghi lễ truyền thống lâu đời của làng Kế Môn bằng
cái tên múa Náp là hoàn toàn khiên cưỡng, không có lí lẽ thuyết phục. Múa Gươm là tên gọi duy nhất đúng và chỉ với tên gọi ấy
mới có thể chỉ ra được bản chất, cái hồn, vẻ đẹp nghệ thuật, văn hóa của vũ điệu,
thể hiện trọn vẹn mục đích ý nghĩa của nó. Và chỉ có tên gọi “Múa Gươm” mới thỏa
mãn được nhu cầu tâm lí, tình cảm của người dân Kế Môn bao đời về một điệu múa
đậm sắc văn hóa quê hương họ.
Trên đây là thiển ý có phần chủ quan của
tôi, chắc hẳn vẫn còn nhiều điều bàn bạc. Người viết chỉ mong được đồng cảm và
sẻ chia về nét đẹp văn hóa của làng quê yêu thương và tự hào của mình mà
thôi.
Hoàng
Dục
28-4-2013
_________________________
PHỤ LỤC :
1. MÚA GƯƠM
Còn
gọi là múa Náp. Là một điệu múa dân gian gắn liền với các nghi lễ
tang ma, lễ hội ở làng Kế Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, Việt Nam.
Hiện
nay không rõ múa Gươm ra đời từ bao giờ. Nhưng tộc họ nào cũng có
đội múa gươm, mỗi khi tang ma, tế lễ đều trình diễn như là một lễ
thức. Đội hình múa gồm mười một tráng đinh, trong đó có: ông Cai và
mười đội viên. Ông Cai đầu đội khăn đóng xanh, đeo kính đen, mặc áo
nhiễu xanh, thắt lưng đỏ buộc múi chéo buông xuống bên hông, quần trắng,
đi hia trắng hoặc giày cao ống trắng, hai tay cầm hai cây nến quấn
giấy xanh đỏ, trang trí giấy trang kim, có tua, cổ tay quấn khăn đỏ.
Ông Cai là người điều khiển các màn múa, các điệu múa, các nhịp
múa bằng đèn qua động tác tay. Mười đội viên đội khăn đóng đen, mặc
áo the đen, quần trắng, đi giày, một tay cầm gươm, một tay cầm đèn.
Gươm gồm một bộ 10 cái, đó là bộ tế khí thường thờ trong từ đường
của từng tộc. Gươm bằng gỗ, dài khoảng 1,5 mét, hình dáng là một
cây gươm đang tra trong vỏ, chia làm hai phần: phần cán ngắn và phần
vỏ dài, sơn son thếp vàng. Đèn là hình hộp vuông đáy nhỏ, miệng to,
được làm bằng nan tre, dán giấy nền có trang trí hoa lá, trên miệng
đèn ở các góc có dán các cánh hoa, trong thắp nến. Mười đội viên
chia thành hai nhóm, mỗi nhóm 5 người. Hai nhóm khác nhau ở thắt lưng
và tay cầm kiếm, cầm đèn. Nhóm này thắt lưng vàng buộc múi chéo
buông bên hông phải, tay phải cầm đèn tay trái cầm gươm. Nhóm kia thắt
lưng đỏ, buộc múi buông bên hông trái, tay phải cầm gươm, tay trái cầm
đèn. Hai nhóm này khi tách ra hai hàng sẽ tạo nên sự cân đối, hài
hòa.
Ảnh từ trang web Làng Kế Môn
Múa
gươm gồm bốn phần: Phần lễ, phần múa, phần dàn chào và phần đưa
rước. Phần lễ, đội múa chưa cầm gươm mà cầm hương, sau đó theo lệnh
của ông cai họ múa lạy trước bàn thờ. Sau khi lễ xong, họ bắt đầu đi
theo vòng tròn, lúc này người giữ gươm sẽ trao gươm cho người múa và
cuộc múa bắt đầu. Đây là cao trào của múa Gươm. Kết thúc phần múa,
đội tách hai hàng đứng đối diện nhau, bồng gươm dàn chào. Khi đám
đưa, hay rước kiệu, hai hàng gươm này sẽ đi trước đưa hoặc rước. Các
màn múa gồm lên một xuống hai, tam xà, tứ trụ… khi đi nhịp chậm, khi
chạy lúc thúc, khi uốn lượn, khi quấn quýt nhau, khi tỏa rộng ra…
trông rất sinh động.
Múa
Gươm của làng Kế Môn là một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc.
Ngày nay, múa Gươm của làng Kế Môn không chỉ đóng khung trong làng mà
còn tham gia biểu diễn ở các lễ hội lớn trong tỉnh Thừa Thiên -
Huế.
Hoàng
Dục viết
Đăng
trên http://nguoikemon.blogspot.com/
2. Sống lại điệu múa náp
Ngày trước, điệu múa náp đã trở thành món ăn tinh
thần không thể thiếu ở các lễ hội cầu ngư, ma chay ở vùng biển. Sau gần 100 năm
thất truyền, múa náp đã được người dân vùng biển ở thôn Tân Mỹ (xã Quảng Ngạn,
Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) phục hồi nguyên bản với những nét đặc trưng
truyền thống.
Điệu múa náp đang hồi sinh.
Vào đời vua Gia Long
(1802-1820), trong một lần du thuyền ngược về khu vực cửa biển Thuận An, nhà
vua thấy trên bờ biển có một đám đông đang tụ tập nhảy múa, động tác uốn lượn
rất lạ mắt. Thấy lạ, vua dừng thuyền đến xem và được biết đó là điệu múa náp
của ngư dân Quảng Ngạn. Thấy điệu múa hay, vua khuyên dân làng nên duy trì điệu
múa này. Từ đó, người dân Quảng Ngạn giữ gìn điệu múa này, gia đình nào có việc
hiếu hỷ, đội múa này sẽ đến chia sẻ buồn vui cùng gia quyến.
Gần một thế kỷ qua, điệu múa
náp đã bị thất truyền, do những người tuổi cao, sức yếu, không truyền lại cho
con cháu. Nhận thấy điệu múa náp có nguy cơ biến mất hẳn, từ năm 1994, các ông
Phan Đăng Khoa, Trần Đình, Trần Đa và ông Lê Minh - Trưởng thôn Tân Mỹ đã thu
thập, biên soạn để phục dựng các điệu múa náp đúng với nguyên bản.
Các ông Trần Đa, Trần Đình thu
thập tài liệu về múa náp từ các bản dịch chữ Hán – Nôm, được cất giữ tại các họ
tộc. Riêng ông Phan Đăng Khoa vừa thủ vai ông cai, vừa làm “ông bầu” của 2
đội múa náp thanh niên và thiếu niên. Ông Khoa tổ chức đội múa náp có 20 người,
chia làm 5 nhóm. Họ mặc trang phục màu đỏ, vàng, xanh nước biển, xanh lá cây… và
đạo cụ là đèn, gậy.
Mỗi lần trình diễn điệu múa náp
diễn ra khoảng 30 phút, gồm các tiết mục múa là Tam xà, Tứ trụ, Vô búp sen, Sen
nở... Đội múa đa số là các em thiếu nhi, là những hạt nhân gìn giữ điệu múa náp
trong tương lai của làng.
Đến nay, múa náp ở Tân Mỹ không những được sống lại sau gần một thế
kỷ vắng bóng, mà còn được đưa vào khai thác trong dự án “Du lịch cộng đồng” của
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội và tour du lịch khám phá “Tam Giang
huyền thoại”.
ĐOÀN VŨ
3.
Giữ hồn điệu múa cổ
Tương
truyền vào đời Vua Gia Long (1802-1820), trong một lần du thuyền ngược về khu
vực cửa biển Thuận An, nhà vua thấy trên bờ biển có một đám đông đang tụ tập
nhảy múa, có kết hợp một số cử chỉ uốn lượn rất lạ mắt. Thấy lạ, vua dừng
thuyền đến xem và được biết đó là điệu múa náp của ngư dân Quảng Ngạn. Thấy
điệu múa hay, vua khuyên dân làng nên duy trì điệu múa này. Từ đó, người dân Tân Mỹ giữ gìn điệu múa này
như một “báu vật” của quê hương. Gia đình nào có việc hiếu hỷ, đội múa này
đến - vừa chia sẻ nỗi buồn cùng gia quyến, đồng thời nhảy múa để xua đuổi ma
quỷ giúp linh hồn người chết được siêu thoát.
Trải
qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, các làn điệu múa náp dần dần mai một.
Những thế hệ biết nhảy náp bài bản nhiều người giờ đã quy tiên. Người còn sống
do tuổi cao, sức yếu, khó có thể chỉ vẽ cho con cháu điệu múa truyền thống của
làng. Ông Trần Đình - một người dân ở thôn Tân Mỹ - tâm sự: “Lúc còn nhỏ, đứa
mô trong làng được chọn đi múa náp là oai lắm. Hồi nớ không có đồng phục đẹp
như bây chừ, toàn đi chân đất, đời ông cha tui chừ ri là hết nhảy náp được rồi,
chỉ mong con cháu sau này, gìn giữ vũ điệu của tổ tiên truyền lại”.
Nhận thấy “báu vật tâm linh” có nguy cơ biến mất, từ năm 1994, ông Phan Đăng Khoa, Trần Đình, Trần Đa... và ông Lê Minh - Trưởng thôn Tân Mỹ - đã tiến hành thu thập, biên soạn “ giáo án” phục dựng các điệu múa náp đúng với nguyên bản. Mỗi người một việc. Các ông Trần Đa, Trần Đình thu thập tài liệu về múa náp từ các bản dịch chữ Hán - Nôm được cất giữ tại các gia phả họ tộc trong làng. Riêng ông Khoa chịu trách nhiệm vừa thủ vai ông cai vừa là “bầu sô” của 2 đội múa náp thanh niên và thiếu niên. Theo lời ông Khoa, đội múa náp thường có 20 người, chia làm 5 nhóm, trang phục màu đỏ, vàng, xanh nước biển, xanh lá cây, hồng. Với đạo cụ là đèn hoặc gậy, điệu múa náp diễn ra từ 25-30 phút.
Nhận thấy “báu vật tâm linh” có nguy cơ biến mất, từ năm 1994, ông Phan Đăng Khoa, Trần Đình, Trần Đa... và ông Lê Minh - Trưởng thôn Tân Mỹ - đã tiến hành thu thập, biên soạn “ giáo án” phục dựng các điệu múa náp đúng với nguyên bản. Mỗi người một việc. Các ông Trần Đa, Trần Đình thu thập tài liệu về múa náp từ các bản dịch chữ Hán - Nôm được cất giữ tại các gia phả họ tộc trong làng. Riêng ông Khoa chịu trách nhiệm vừa thủ vai ông cai vừa là “bầu sô” của 2 đội múa náp thanh niên và thiếu niên. Theo lời ông Khoa, đội múa náp thường có 20 người, chia làm 5 nhóm, trang phục màu đỏ, vàng, xanh nước biển, xanh lá cây, hồng. Với đạo cụ là đèn hoặc gậy, điệu múa náp diễn ra từ 25-30 phút.
Một
sản phẩm du lịch độc đáo
Trước đây, điệu múa náp vốn chỉ có
các màn: Tam xà, tứ trụ, vô búp (búp sen), ra nở (sen nở), đi vòng số 8 với số
lượng từ 20-24 người tham gia. Để điệu múa sinh động hơn, những người trong Ban
biên soạn múa náp làng Tân Mỹ cải biên thêm vào một số động tác như: Tứ
trụ sen, đi hàng một hàng hai và hàng chéo... Điều đặc biệt là lớp thiếu niên rất thích múa náp - nhất là
những dịp có lễ hội cầu ngư và dịp tết cổ truyền. “Khi bắt tay khôi phục điệu
múa náp truyền thống, chúng tôi rất chú trọng đến các em nhỏ, đây chính là
những hạt nhân múa náp trong tương lai của làng Tân Mỹ” - ông Khoa nói.
Bây
giờ, múa náp ở Tân Mỹ không những được sống lại sau gần một thế kỷ vắng bóng,
mà còn được đưa vào khai thác du lịch. Mới đây, Cty TNHH du lịch An Thạnh kết
hợp dự án du lịch cộng đồng do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội
đã đưa điệu múa náp của làng Tân Mỹ vào tour du lịch khám phá “Tam Giang
huyền thoại”.
Từ
ngày múa náp vào tour, cuộc sống của người dân Tân Mỹ sôi động hẳn lên. Khắp
các khoảnh đất nhỏ có mái che - vốn là nơi sinh hoạt của thôn - được trưng dụng
làm nơi biểu diễn. Khi chúng tôi đến Tân Mỹ, cũng là lúc đội múa náp chuẩn bị
đón khách du lịch. “Dù đã nhiều lần đón khách, nhưng tụi em vẫn thấy hồi hộp
như lần đầu” - Dũng – một thành viên đội múa - tâm sự. Khách đến, cả đội hàng
ngũ chỉnh tề rồi say sưa trong các điệu múa. Trên nền tiếng trống, khèn lúc rộn
rã, khi réo rắt, những bước di chuyển tam xà, tứ trụ, tam lang, tứ lang, vô
búp, ra nở... của các em làm khách trầm trồ thán phục.
Tiếng
lành đồn xa, nhiều người dân Tân Mỹ lập nghiệp trên thành phố - thậm chí có
người ở tận trong Nam, ngoài Bắc - mỗi khi gia đình có việc ma chay, họ thuê
đội múa náp thanh niên đến để múa náp trước linh cữu người quá cố. Nhiều “Mạnh
Thường Quân” kiều bào ở nước ngoài là con em Tân Mỹ thấy việc khôi phục điệu
múa cổ rất ý nghĩa đã gửi tiền về tài trợ trang phục, đạo cụ biểu diễn. Ông Lê
Minh - Trưởng thôn Tân Mỹ - cho biết, năm nào huyện Quảng Điền tổ chức liên
hoan văn nghệ, đội múa náp Tân Mỹ cũng tham gia.
Minh Ngọc
4. Đặc sắc múa náp
Cùng với hò bả trạo, hát giao duyên thì múa náp là loại hình văn hóa dân gian mang tinh thần thượng võ có giá trị bền vững trong đời sống cư dân làng biển.
(NTO) Múa náp là một trong những loại
hình văn hóa dân gian đặc sắc của cư dân miền biển tỉnh ta. Trải qua hơn ba trăm năm khai hoang lập ấp,
múa náp đã đồng hành với đời sống tinh thần của ngư dân Mỹ Tân. Mỗi đường siêu,
thế võ trong múa náp thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của cha ông thời mở
cõi, nhằm bảo vệ cuộc sống thôn xóm bình yên.
Nghi thức cúng nghinh
Ông Nam Hải tại làng biển Mỹ Tân.
Nằm cách Tp. Phan Rang- Tháp Chàm khoảng 20 cây số về hướng
Đông-Bắc, làng biển Mỹ Tân thuộc xã Thanh Hải, nổi tiếng với nghề đánh cá phát
triển thịnh vượng vào bậc nhất của huyện Ninh Hải. Cảng Mỹ Tân tấp nập tàu
thuyền trong và ngoài tỉnh đến neo đậu mua bán hải sản và tiếp tế nhiên liệu.
Mỹ Tân còn bảo tồn nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của làng biển Nam Trung Bộ. Tương truyền cư dân Mỹ Tân ngày nay có nguồn
gốc từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đến sinh cơ lập nghiệp từ hơn
300 năm trước. Cùng với việc di dân, cha ông mang theo phong tục, tập quán
đến vùng đất mới lưu truyền cho con cháu. Những người thuở khai hoang mở cõi
được dân làng tôn làm thần hoàng bổn cảnh thờ phụng tại đình làng. Cùng với hát
hò bả trạo, hát giao duyên thì múa náp là loại hình văn hóa dân gian mang tinh
thần thượng võ có giá trị bền vững trong đời sống cư dân làng biển.
Ông Phạm Ngọc Huề, năm nay 93 tuổi là bậc kỳ cựu ở Mỹ Tân.
Ông được mời làm “cố vấn” của làng trong các kỳ lễ hội, cúng tế. Ông Huề cho
biết, từ khi ông còn nhỏ đã thấy trong làng có múa náp. Các kỳ cúng đình, cúng lăng Ông Nam Hải đều có múa náp. Đội múa náp
thường có từ 8 đến 10 người được tuyển chọn từ các trai đinh có đạo đức, sức
khỏe tốt. Ông thủ chỉ hướng dẫn trai đinh rèn luyện việc múa náp theo đúng
bài bản. Đội múa chia làm hai hàng chịu
sự chỉ huy của đội trưởng theo tiếng gõ ra hiệu cặp sênh được làm bằng gỗ dài
chừng 30 cm. Người múa náp đầu chít
khăn, mặc quần áo rộng, lưng cuốn đai, chân cuốn xà cạp đi giày vải bó như
những đội thủy binh thời xưa. Chiếc
náp dài khoảng 100 cm, phần lưỡi dài khoảng 40 cm, hình thức như một thanh đao.
Người học múa náp phải mất 3-5 tháng
chuyên tâm rèn luyện mới có thể thành thạo thế đánh. Các bài múa náp được
truyền dạy với tên gọi dân dã cho dễ nhớ: Bái tổ, ba thoi, đá đầu, đánh cán,
đánh lưỡi, nhảy ngựa, tạ hàng ngang, tạ hàng xuôi, sắp mặt, sắp lưng, ra lưng,
nhảy trái…
Đội múa náp Mỹ Tân luyện
tập tham gia Liên hoan Làng biển Việt Nam năm 2011.
Sáng ngày 23-7, tại thôn Mỹ Tân, chúng tôi được chứng kiến
buổi tổng dượt lễ cúng nghinh Ông Nam Hải và biểu diễn múa náp. Đây là hoạt
động thiết thực của nhân dân địa phương chuẩn bị tham gia Liên hoan các
Làng biển Việt Nam diễn ra tại tỉnh ta vào đầu tháng tám. Sau hồi trống chầu
vang vọng thông báo với chư thần và dân chúng lễ hội nghinh Ông Nam Hải, ông Lê
Văn Xị, 73 tuổi với vai trò chánh tế mặc lễ phục đứng trước hương án đọc bài
vọng Ông Nam Hải. Các ông bồi tế và học trò lễ giúp việc cho chánh lễ thực hiện
trình tự các bước cúng tế.
Sau bài tế, tiếng trống chầu vang vọng, anh Nguyễn Hữu Hà, 37
tuổi cầm cặp sênh gõ nhịp chỉ huy đội múa náp “chiếm lĩnh” sân lễ. Múa náp là những thế võ với cách đánh nhanh,
mạnh mẽ, dứt khoát thể hiện sức chiến đấu bền bỉ của cư dân thời khẩn hoang lập
ấp. Lực lượng ngư dân trẻ khỏe sẵn sàng chiến đấu chống giặc giã, thú dữ để
bảo vệ cuộc sống bình yên cho dân làng.”Chúng tôi rất vui mừng khi được tham
gia biểu diễn tại Liên hoan Làng biển Việt Nam năm 2011. Đây là dịp để đội múa
náp Mỹ Tân cống hiến cho du khách gần xa nét đẹp văn hóa đặc sắc của người dân
làng biển Mỹ Tân. Chúng tôi tiếp tục bảo tồn và truyền dạy các bài múa náp cho
thế hệ trẻ thôn Mỹ Tân gìn giữ một loại hình văn hóa đặc trưng của cư dân làng
biển Việt Nam”, anh Nguyễn Hữu Hà, phấn khởi nói.
______________________________________
Cảm ơn thông tin rất thú vị của Bác
Trả lờiXóaĐặng Trần Hanh Thông