Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

426. GIẤC MƠ CỦA THƠ CA

      Ngày Chủ nhật cuối tháng Tư. Buổi sáng tếu táo với bạn bè ở cà phê Hải Vân. Bỗng thấy đời tha thiết trong một ngày nghỉ. Về nhà, ngồi  nín im bên chồng giáo án bồi dưỡng HSG ngày trước. Lòng chợt bâng khuâng. Nhớ những ngày phiêu bạt ở Sài Gòn. Có gì lặng lẽ diễn ra như hoài niệm. Đành phá tan nỗi trầm ngâm bằng cú click. Thế là lang thang trong không gian ảo đa chiều. Bỗng gặp bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm. Lòng lại bồi hồi theo chiều dọc của  cảm ngôn thơ ca.

ĐẤT NƯỚC NHỮNG THÁNG NĂM THẬT BUỒN

Đất nước những năm thật buồn
Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc
Chung quanh yên ắng cả
Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua
Người giàu, người nghèo đều ngủ
Cả bầy ve vừa lột xác

Sao mình thức ?
Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành ?

Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
Có còn bay trong đêm
Sớm mai còn giữ được màu đỏ ?
Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng
Mong gặp một con cá hanh khác ?
Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường
Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi
Ấm áp ly cà phê sớm
Các bà các cô khỏe mạnh yêu đời
Hớn hở tập thể dục
Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
Không phải gạt vội vì xấu hổ
Ngước mắt, tin yêu mọi người

Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi ?
Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh
Đời đời an ủi
Cho người đã khuất và người sống hôm nay …
 
 22.4.2013
       Năm 1971, khi vừa bén rễ giữa sân trường đại học, tôi loáng thoáng nghe cái tên nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Sau 1975, tôi mới thật sự biết có một nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, rồi biết thêm một ông Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm. Nhưng thú thật, tôi không mê ông Bộ trưởng, tôi chỉ thích  ông nhà thơ đã biết làm cho câu chữ đọng mật trong cảm thức của người đọc bằng cái vị triết luận  nhưng rất đời của thơ.
      Những ngày nối dài thêm một năm đại học  sau năm 1975, tôi đã tìm đọc những bài thơ “Con gà đất, cây kèn và khẩu súng”, “Đất ngoại ô”. Ở những bài thơ này, tôi như thấy một chút tôi trong ấy. Tôi thích tiếng con gà đất qua hơi thổi trẻ con. Tôi thấy tôi trong con gà đất bảy màu với “ngày vui bay trong tiếng gà giòn giã” của tuổi nhỏ rong chơi trên cánh đồng làng. Tôi thích chiếc kèn tây, nhưng tôi cảm cái ngôn ngữ  âm thanh của nó không giống ông. Tôi chỉ thấy đó là  một chiếc kèn mà giai điệu của nó là phận đời người thổi, một người biết vươn lên bằng chiếc kèn tây, một đời người tự do không dựa dẫm vào ai để sống. Tôi không ưa khẩu súng bởi cái âm thanh đanh chát, khô khốc của nó làm nát vỡ biết bao đời.
      Rồi, những tháng ngày gắn bó với bục giảng, tôi thích cái tư tưởng “Đất Nước của nhân dân - Đất Nước của ca dao thần thoại” trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của ông. Bao nhiêu người cầm bút dùng ngôn ngữ dân tộc xây “tượng đồng phơi” cao ngút ngất cho những con người hữu danh, còn ông, ông dành trọn vẹn ngôn ngữ của nhân dân để ca ngợi nhân dân.
     Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
     Họ đã sống và chết
     Giản dị và bình tâm
     Không ai nhớ mặt đặt tên
     Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.
  
   Đọc “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”, tôi không thú  bằng “Mẹ và quả”.  Ở “Mẹ và quả”, tôi cảm được cái thật lòng của tình con, bài thơ  bắt tôi tự nhận thức về mình trước mẹ hiền của tôi. Câu thơ của ông :
     Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
     Mình vẫn còn là một thứ quả non xanh
.
đã khiến tôi giật thót mình, bởi nó như ngọn nến đạo lí đang soi tỏ những góc khuất không hiếu đạo trong tâm hồn tôi.
      Đấy là những gì rất thật  của  cảm thức tôi về thơ ông.  Mong ông thứ lỗi cho vì điều rất thật đó và cũng vì tật rất xấu của tôi : thích một bài thơ qua một câu thơ hay một đoạn thơ!
     Thôi thì gác lại chuyện cảm thơ của tôi. Tôi chỉ muốn bộc lộ một chút băn khoăn : Người ta bàn nhiều lắm về mối quan hệ giữa hiện thực và văn học. Cây văn học sẽ héo khô nếu không hút nhụy từ đất đời mãi mãi xanh tươi. Tôi không nghĩ nhiều về điều đó. Tôi chỉ nghĩ về nghệ thuật của những giấc mơ. Nghệ thuật ra đời từ những giấc mơ, chứa đựng những giấc mơ và khao khát giấc mơ sẽ thành hiện thực trong một tương lai gần. Nói cách khác, nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng dù phản ánh hiện thực bên ngoài hay hiện thực bên trong, thơ dù thể hiện cái tôi ngoại cảm hay nội cảm vẫn có xu hướng hướng về một tương lai tốt đẹp của con người và cuộc đời.
      Không biết ông thế nào, nhưng tôi thấy trong những bài thơ cũ của ông có qua nhiều giấc mơ và bây giờ trong “Đất nước, những tháng năm thật buồn” cũng đựng chứa giấc mơ. Đấy là giấc mơ :
      Nửa đêm thức dậy ngồi hút thuốc vặt
      Lần mò trên mạng tìm một tin tốt lành.

      Ông thấy rồi đó, mạng là một thế giới ảo nhưng phản ánh cái thật của đời. Ông lần mò trên mạng tìm một tin tốt lành có thật của đất nước, khi đất nước đang trôi mình theo những năm tháng thật buồn. Ông “tìm một tin tốt lành” có nghĩa là đang đi tìm cái ước mơ, ước mơ về niềm vui của đất nước. Đọc câu thơ ông tôi thấy lạ. Hiện thực không vui đẹp như mơ chăng, sao ông phải tìm “một tin tốt lành” trên mạng? Đã thế lại “lần mò” nữa. “Lần mò” có nghĩa là “tin tốt lành” còn lẩn khuất đâu đó chưa hề có một dấu hiệu về sự hiện diện của nó. Và tôi càng lạ hơn trong sự “phản thức” của ông :
      Sao mình thức ?
      Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành ?
 
      Giọng điệu ông có vẻ chán chường quá, buông xuôi quá ! Thơ ca tỉnh giấc trước “đời không như là mơ”, nhưng để mơ một giấc mơ khác đẹp hơn. Làm sao thơ lại đoạn tuyệt với những giấc mơ, thơ không đi đến cùng với tương lai. Thơ luôn “đeo đuổi một ngày mai tốt lành”, đó mới là thơ đích thực. Thơ rung động trước cái đẹp đời đang có, xót xa trước cái đẹp chưa có trong đời để sáng tạo nên giấc mơ đời như ông đã viết trong chương V - “”Đất Nước” : “Mai này con ta lớn lên - Con sẽ mang Đất Nước đi xa - Đến những tháng ngày mơ mộng”. 
     Cũng may, sác- na “phản thức” đó chỉ là chút thoảng gió. Giấc mơ vẫn bừng lên trong thơ. Ông mơ trên dòng sông vắng một con cá hanh cô đơn (sao lại là con cá hanh?) sẽ được gặp một con cá hanh khác, chúng sẽ thành một cặp đôi hòa hợp yêu thương. Ông mơ ở bất kì thời gian nào của ngày hằng sống, mọi người ra đường đều có nét mặt nhẹ nhàng của tâm hồn yêu sống, biết cảm thông và chia sẻ. Đấy là nét mặt của những con người bình thường đã bỏ lại sau lưng những điều chưa thanh thản về cuộc sống. Họ đang đi trên con đường đời “hanh thông” và hạnh phúc như con cá hanh gặp con cá hanh khác trong dòng sông vắng lặng. Tất cả sẽ dồn về làm nên một giấc mơ đầy nhân bản, nhân văn :
     Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
     Không phải gạt vội vì xấu hổ
     Ngước mắt, tin yêu mọi người.

     Tôi cũng mơ như ông, trên đất nước mình, ai ai cũng nhìn nhau bằng ánh mắt trong trẻo tin yêu nhau. Tôi chỉ muốn nói thêm một điều thôi, tin yêu đó phải rất thật, phải đặt trên cơ sở của tính người, tình người và tình dân tộc. Mà khi có sự tin yêu nhau của những con người thì tất cả các cái nhìn đều bình đẳng, không  còn phân ranh theo cách này hay cách khác. Tất cả đều là người. Tất cả đều “đi ra từ thượng đế”, nên “tất cả đều tốt lành”.
    Nhưng có chỗ tôi chưa chia sẻ được với ông vì băn khoăn : Sao lại “Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má - Không phải gạt vội vì xấu hổ”?. Giấc mơ con người dù là ai trong cộng đồng Việt sẽ không còn làm những điều đáng xấu hổ, tủi hổ, đó là giấc mơ đẹp đáng trân trọng. Nhưng tôi thấy, làm sao có thể có một giấc mơ tuyệt đối như vậy. Đã là con người, ai lại không có lỗi lầm, vấn đề là có nhận thức được lỗi lầm không, có hối hận, ăn năn, sửa chữa không. Nếu đó là giọt nước mắt “xấu hổ’, giọt nước mắt ăn năn là quý giá chứ ông. Không phải tự nhiên mà có câu đại để là : giọt nước mắt hối hận là vùng nước trong để con người soi mình vào đó mà sửa mình. Biết khóc xấu hổ vì làm điều đáng xấu hổ cũng giống như niềm vui vì làm một điều tốt phải không ông? 
      Mà thôi, bàn thế cũng nhiều, ông nhỉ. Hãy để cho thơ biết mơ giấc mơ của chính nhân dân. Hãy để cho thơ không còn giấc mơ sợ hãi, mà là giấc mơ sư tử như lão Santiago trong “The Old man and the sea” của E. Hemingway.

     Hoàng Dục
     Viết trong âm vang tiếng pháo hoa Đà Nẵng
     29-4-2013
_______________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét