Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

417. THÀNH HOÀNG CỦA LÀNG BẠN TÔI

      Buổi chiều cuối năm, trời còn hanh nắng. Năm nay thời tiết lạ quá. Chã có gì gọi là đông tàn xuân đến cả.
     Tôi nhìn con phố quen mà lòng bâng khuâng. Trên con phố này, tôi đã đi về từ thuở thiếu niên cho đến bây giờ. Ấy mà chưa một lần tôi nghĩ về nó, về những con người lại qua nơi này. Chiều nay, ngồi bên li cà phê với ông bạn thân, tôi mới có dịp nhìn kĩ nó. Những cửa hàng không sơn quét lại để đón xuân mới. Chúng vẫn khoác chiếc áo năm xưa. Đường phố vẫn những người hối hả ngược xuôi, nhưng có chút gì rời buồn trong nét mặt và dáng điệu của họ.
      Người ta bảo, chợ 30 tháng chạp là chợ của người nghèo. Có lẽ đúng như thế thật. Tôi nhìn những người đi mua sắm. Ở họ toát ra vẻ vội vàng nhưng cũng có chút trù trừ, đắn đo. Hình như đồng tiền mang đi, những dự tính mua sắm ban đầu và hàng hóa thực không khớp với nhau, khiến họ lo lắng thì phải. Tôi quay sang ông bạn thân đang suy tư theo khói thuốc : “Này, ông thấy mấy người kia không ? Mai mồng một Tết rồi, vậy mà còn lặn lội sắm Tết. Rõ khổ cái thân nghèo!”. Anh bạn vẫn dõi theo sợi khói mỏng mảnh tan nhạt dần : “Biết sao được. Khoảng cách giàu nghèo bây giờ rộng lắm. Thôi thì… nghèo ăn Tết nghèo chớ sao! Gì thì gì, nhưng truyền thống làm sao mà bỏ được!”. “Ừ, đúng thế thật”, tôi gật gù.
       Anh bạn giở giọng xa xăm : Ngày xưa làng mình, có một vị thành hoàng rất ngược đời. Ông ta tên là Nguyễn Thực, khi đang sống, ông ta bảo với dân rằng : “Nam Tào Bắc Đẩu báo cho ông biết, ông chết đúng  vào giờ linh, sẽ được phong làm thành hoàng làng này. Nhưng ông không muốn chết rồi mới được phụng thờ. Ông muốn dân làng thờ khi ông còn sống”. Ông còn bảo : “Muốn biết thực hư chuyện đó thế nào thì vào những ngày lẻ trong tháng, cứ đúng giờ ngọ, đến miếu thờ sẽ thấy đèn nhang tự dưng cháy lên mấy phút rồi tắt”.  Dân làng tò mò đến xem, thấy sự việc linh ứng như ông Nguyễn Thực nói. Dân làng sợ rồi tin. Họ bàn với nhau, ông ấy có chút công lao, nay sợ chết không thấy được người ta thờ cúng, thôi thì chìu cái tâm lí sợ ấy của ông ta cũng được. Họ sửa sang lại miếu thờ, những ngày sóc vọng, những ngày giỗ tết đều sắm sửa lễ vật, hoa quả, cỗ mặn cúng thành hoàng. Cỗ gồm một cân thịt bò, một cân thịt heo, một con gà trống thiếng, một con gà mái mơ, xôi một mâm, chè một nồi ba, rượu 5 lít,… Cúng xong mang về nhà cho ông ta ăn uống thỏa thuê. Không những ông ta ăn uống, mà còn mang cho cả bà con họ hàng ông nữa. Không những ông ta béo tốt mà con cháu ông cũng phì nộn ra. Ngược lại, dân làng càng ngày càng khốn đốn, người nghèo ngày càng nhiều, phải lưu tán kiếm ăn khắp các vùng lân cận. Cũng may,  ông ta chỉ sống thêm được vài năm rồi mất. Dân làng vui mừng, nhưng ác thay cái tâm lí thờ cúng thành hoàng vẫn không bỏ được. Bởi cái tâm lí đó đã thành lệ làng bất di bất dịch rồi.
      Nghe anh bạn kể, tôi phì cười: “Ông khéo tưởng tượng ghê. Mình chưa nghe trên cái nước mình có một thành hoàng nào như thế cả”. “Ôi dào - anh bạn lại thả khói thuốc nói - Kiến văn ông hẹp lắm. Không những làng mình có thành hoàng độc đáo nhất nước mà còn cung cấp thành hoàng cho các làng khác nữa”. Tôi tròn xoe mắt thầm nghĩ bạn mình khéo đùa thật! Thấy nét mặt tôi có vẻ hoài nghi,  anh bạn tiếp lời : “Ông có nghe cả làng kéo nhau đi ăn xin một ngày trong năm chưa, có à, thành hoàng làng đó là một người dân của làng mình bị khánh kiệt vì cúng tế thành hoàng sống Nguyễn Thực đó. Dân làng ấy đâu nghèo khó, họ ăn xin một ngày để nhớ ơn người khai canh đấy thôi. Ông có nghe làng nào thờ thần ăn trộm không?” Tôi bảo có, cái làng khi tế lễ thành hoàng ở đình làng, người ta tắt hết đèn nến trong mấy phút để thần dễ dàng ăn trộm, và cũng để người đi lễ, xem lễ sờ soạng nhau như là kẻ ăn cắp, hay như người tìm bắt kẻ cắp… không ? Nghe tôi nói thế, anh bạn vỗ đùi : “Đúng đó, kiến văn ông cũng tạm. Thành hoàng làng đó cũng là dân làng mình từ dạo lưu tán kiếm ăn”. Bạn tôi ngừng một giây, chỉ tay về phía mấy người đi chợ : “Mà biết đâu chừng, trong những người nghèo  đi chợ 30 Tết ấy lại có người gốc làng mình… ”
      Tôi ngao ngán cho anh bạn tôi. Câu chuyện của anh thực thì có thực mà hư thì quả là hư, khó tin nhưng không thể không tin. Tôi nhấp một ngụm cà phê, nhìn dòng người xuôi ngược phiên chợ cuối năm mà thầm nhủ : “Mong những người nghèo ấy không phải là dân của làng bạn tôi, nếu không lại có thêm nhiều làng thờ thần ăn trộm thì nguy”.

Kế Môn, 29 - 3 - 2013
Hoàng Dục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét