Tôi tin
trong giao tiếp bằng lời, chúng ta có đôi lần không muốn trả lời câu hỏi của ai
đó. Bởi các câu hỏi có những mục đích khác nhau, người hỏi có quan hệ thân sơ
không ai giống ai. Và không phải khi nào chúng ta cũng nhất thiết đon đả cởi mở:
Lưng tôi đây mời bạn ghé vào coi.
Tôi cũng vậy, bởi tôi cũng là người bình
thường như tất cả mọi người bình thường khác. Có câu hỏi tôi trả lời, có câu
thì không. Có người tôi trả lời nhưng có người tôi im lặng hay tảng lờ giả đò
làm lạc điệu để lái sang đề tài khác. Chẳng hạn, có người hỏi tôi sao không là đảng
viên, trong khi ông rất xứng đáng. Tôi ngắn gọn, tôi là Phật tử. Người ấy hỏi,
tại sao? Tôi chỉ nhìn xa xăm.
Có người biết chuyện, bảo tôi khép lòng,
thiếu thân thiện. Tôi im lặng vì người trách không ở vào thời khắc, không khí lúc
tôi và người kia trò chuyện. Chỉ tôi mới có thể hiểu người đang giao tiếp với
tôi, nên có quyền chọn lựa nên hay không trả lời. Tôi không thích câu hỏi tại
sao về vấn đề này của người kia nêu ra. Câu hỏi khiến tôi phán đoán người hỏi không hề tôn trọng tôi,
hoặc là người tò mò tâm lí tự nhiên, nhưng cũng có thể là tò mò chức năng. Nghĩ
vậy nên tôi không mở lời.
Đấy là câu hỏi, tôi nghĩ không nhất thiết
phải trả lời. Và tất nhiên, thái độ im lặng này không nhiều, ít xẩy ra hơn. Phần
lớn trong mọi giao tiếp, tôi đều trả lời người hỏi, thậm chí trả lời nhiều hơn mong muốn của người hỏi nữa.
Chẳng hạn, trong khi trò chuyện, một người
bạn hỏi, lâu nay anh vẫn thường đi lễ chùa? Tôi nhanh nhẩu, không, kể từ năm 1975.
Bạn ấy hỏi tại sao, anh là một Phật tử mà? Tôi bảo, tôi quy y từ lúc chưa lên
mười, nhưng càng lớn tôi càng thiếu niềm tin tôn giáo, đúng hơn đánh mất dần.
Tôi thích phật học hơn. Anh vẫn thờ Phật mà?, người bạn băn khoăn. Ừ, vẫn, tôi
nói. Mà anh có biết không, tôi tiếp, thờ Phật cũng có trăm đường. Xét về không
gian thì có thờ tại nhà riêng, thờ ở chùa làng, chùa huyện, chùa thành phố,
chùa tỉnh, chùa nước. Xét về mục đích, có người thờ để tu đức, tu tánh, tu tâm;
có người thờ để được ăn oản. Ăn oản hiểu cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nghĩa thực
và nghĩa ẩn dụ, nghĩa gốc và nghĩa phái sinh.
Ý anh là thờ Phật với mục đích cầu lợi,
cầu phước, anh bạn cụ thể hóa. Thì cũng đâu đó, tôi lơ lững. Anh thấy đó, bây
giờ người đúc tượng xây chùa rất nhiều, người lên chùa lễ Phật xin lộc cũng lắm.
Tôi không vơ đũa cả nắm đâu. Tôi vẫn trân trọng những người thành tâm. Lại thêm
cái gọi là du lịch tâm linh, nên người ta xây chùa để thu hút khách du lịch. Chùa
càng to tượng càng lớn, khách du lịch vãng chùa càng đông. Người này càng mê
tín thì người kia được lợi. Kinh tế thị trường quả không chừa chốn
tôn nghiêm. Hỏi làm sao đình chùa miếu mạo không loạn lên!
Anh bạn có vẻ nghĩ ngợi. Anh nói cũng
có cái lí, nhưng tôi tin Phật giáo vẫn là một tôn giáo lớn không chỉ ở nước ta
mà cả thế giới nữa. Những biểu hiện mê tín mà báo chí đăng tải chỉ là hiện tượng
của thời mạt pháp. Anh không thấy nhà bác học Albert Einstein khẳng định, đạo
Phật là tôn giáo của tương lai đó à?
Đồng ý với anh, tôi nói, nhưng không thể
không đau lòng trước thực trạng mê tín, cầu lợi, cầu danh của nhiều người thờ
Phật hiện nay. Tôi thì tôi lo, người ta xây chùa thờ Phật để được ăn oản, đến nỗi
khi chùa sập người ta cứ ôm tượng Phật mà thờ với ý nghĩ còn Phật còn oản. Hoặc
cứ khư ôm tượng Phật nhưng chẳng ngộ ra được điều gì, mặc thế sự đầy vơi…
Đấy là một bằng chứng cho sự thân thiện
của tôi. Đúng hơn cho việc chọn lựa của tôi, khi nào thì trả lời câu hỏi của đối
tượng giao tiếp.
Không biết có ai tin tôi không?
Hoàng Dục
22-2-2014
____________
Dương Uyển Châu ời,
Trả lờiXóaAnh bạn viết tưng tưng kiểu này tui thích đọc hơn mấy bài "luận văn mẫu" cho hs. chuyên văn lắm lắm. :-)
Nhưng thật sự cõi vô thường này chỉ để "vui thôi mà" là đã đem hỷ lạc, lợi lộc cho chúng sinh hữu tình rồi đạo hữu à.
NT-NĐH
Tưng tưng viết bạn rất ưng,
XóaBạn ưng bụng, lòng mình mừng biết bao.
Văn tưng chữ tửng ào ào,
Viết là để mọi người vào đọc chơi.