Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

338. CÁI ĐẸP TRONG MẮT KAHLIL GIBRAN

                                     CÁI ĐẸP
             Cái đẹp là tôn giáo của các hiền giả
                                            (Một thi sĩ Ấn Độ)

      Bạn, kẻ phiêu du với tâm trí hoang mang trên những lối đi tắt và mòn của các tôn giáo đang phát triển nhanh chóng, và lang thang trong thung lũng của những học thuyết đối chọi nhau.
      Bạn, kẻ cảm thấy tự do khi không chịu nghiêng mình tin tưởng xiềng xích quy thuận và cảm thấy đấu trường của phủ định thì an toàn hơn những đồn binh nho nhỏ quy hàng.
      Bạn chấp nhận cái đẹp làm tôn giáo của mình và kính ngưỡng nó như chúa tể của mình, vì nó hiển hiện trong sự toàn hảo của tạo vật và nó minh nhiên trong các kết luận được trí tuệ đạt tới.
      Hãy bỏ qua một bên những kẻ đem lòng ngoan đạo cặp đôi với tính đồng bóng, và những kẻ ra sức phối hợp lòng tham với khát vọng đời sau hạnh phúc.
      Hãy tin vào thánh tính của cái đẹp, cái khởi đầu của việc bạn thưởng thức cuộc sống và là cái nguyên ủy tình yêu hân hoan của bạn.
      Và rồi, hãy hướng lòng sám hối tới phía cái đẹp vì nó đang lôi cuốn tâm hồn bạn đến gần chiếc ngai của người nữ, kẻ là gương soi cảm xúc của bạn và cũng là kẻ thao luyện linh hồn bạn trong cảnh giới tự nhiên, nơi phát sinh cuộc sống của bạn.
      Bạn, kẻ lạc mịt mù trong những chuyện trò vớ vẩn và chết dưới vực sâu của những tưởng tượng giả tạo, biết rằng trong cái đẹp hiện hữu một thực tại làm tiêu tan lòng ngờ vực và ngăn chận óc hoài nghi, và một sự sáng chói lọi bảo vệ bạn khỏi ánh rực rỡ của trạng thái dối trá.
      Hãy suy ngắm sự yếu ớt của con suối và rạng sáng của tinh sương, vì cái đẹp là phần thưởng may mắn dành cho kẻ chiêm nghiệm.
      Hãy lắng nghe giai điệu của đàn chim, tiếng sột soạt của lá cành, tiếng róc rách của con nước; cái đẹp là phần được chia cho kẻ lắng nghe.
      Hãy quan sát tính ngoan ngoãn của đứa bé, vẻ duyên dáng của người trẻ tuổi, sức mạnh của người trưởng thành, khôn ngoan của người cao niên; cái đẹp là sự đắm đuối của sự quan sát.
      Hãy làm thơ về đóa thủy tiên trong đôi mắt, hoa hồng giữa đôi má, dấu cỏ chân ngỗng trên đôi môi; cái đẹp được vinh danh bởi những kẻ ngâm nga nó.
      Hãy ca tụng dáng liễu vóc người, tóc đen đêm huyền, ngấn cổ ngà ngọc, cái đẹp được vui lên bởi kẻ ngợi khen.
      Hãy thánh hóa thân xác như một đền thờ dành cho vẻ phong nhã lịch sự, và thánh hóa tâm hồn như một lễ vật cho tình yêu; tình yêu không phụ lòng kẻ kính ngưỡng nó.
      Hãy hát thánh ca chúc tụng cho bạn, kẻ được vén lộ những vần thơ của cái đẹp, và tận hưởng chúng vì sẽ không đến với bạn sợ hãi cũng như khổ đau nào.
      (Kahlil Gibran, Nhã ca tình yêu,
      Nguyễn Ước dịch, NXB Văn Học, Hà Nội, 2012, tr.117 - 119)

      Lâu lắm không đặt chân lên khuôn viên THƯ VIỆN KHOA HỌC TỔNG HỢP ĐÀ NẴNG. Hôm nay có chút việc nên tìm đến. Ngắm nghía, quan sát nhiều góc độ, vẫn thấy nơi đây là một không gian đẹp, thoáng mát và yên tĩnh, dù có dấu vết cũ kĩ, rêu phong và ít đầu tư.
     Mà thôi, bận lòng  làm gì cho mệt. Vào phòng mượn tìm vài cuốn đọc lai rai gọi là thư giãn sau những giây phút căng thẳng vì công việc. Lướt mắt trên từng giá sách, bỗng những tác phẩm của Kahlil Gibran hiện ra: Hoài vọng phương Đông, Nhã ca tình yêu, Mật khải,... Không cầm lòng được, vội lấy từng cuốn ra săm soi. Tất cả đều do Nguyễn Ước dịch và xuất bản năm 2012. Mới quá! Tự dưng nhớ về những năm 70, khi Miên Hành ở tại chùa Tỉnh hội Phật Giáo Đà Nẵng, tôi với bạn chung nhau nghiền ngẫm tiểu thuyết “Uyên ương gãy cánh” của Gibran.  Lâu lắm rồi, tôi không nhớ Nguyễn Hữu Hiệu hay Đỗ Đình Đồng dịch “The broken wings”. Chỉ nhớ tác phẩm đã gieo vào tôi và Miên Hành một ấn tượng mạnh về một tình yêu đầy bi kịch nhưng thánh thiện. Và đến nay đã hơn 40 năm rồi mà vẫn còn ám ảnh. Vậy thì tại sao tôi không đọc lại Kahlil Gibran?  Tôi bèn đăng kí mượn hai cuốn.
    Về nhà, những lúc rỗi lại dán mắt vào những trang văn của “Nhã ca tình yêu”. Toàn văn tác phẩm vang lên lời tụng ca tình yêu, tất cả là ngôn sứ tình yêu. “Tình yêu là rượu thiêng được thần linh chưng cất từ trong tâm hồn của họ và rót vào tâm hồn loài người”. Nhưng không phải ai cũng có thể được uống men nồng tình yêu chung với thượng đế, chỉ có những tâm hồn thánh thiện, thanh khiết mới có cơ duyên ấy, còn những ai đam mê trần tục sẽ chỉ “nếm  những sa đọa trác táng của quỷ sứ nơi địa ngục”. Bởi “Tình yêu  là con chim xinh đẹp, nó khẩn cầu bị bắt nhưng không chịu chấn thương”. Và xét cho cùng tình yêu là cái đẹp và cái đẹp là một tôn giáo “hiển hiện trong sự toàn hảo của tạo vật và nó minh nhiên trong các kết luận được trí tuệ đạt tới”. Và cái đẹp là chất thơ được chưng cất từ thế giới tạo vật và cuộc sống, nhưng tinh khiết hơn cả, có sức hút hơn cả là chất thơ tình yêu.
    Trong con mắt của Kahlil, con mắt của ngôn sứ tình yêu, cái đẹp  sẽ cứu rỗi con người khỏi tình trạng hoang mang giữa các tôn giáo, dẫn dụ con người ra khỏi những nẻo đường lang thang vô nghĩa của những lí thuyết chính trị đối nghịch mà con người nhân danh rao giảng. Bởi cái đẹp có thánh tính và nguyên ủy của cái đẹp là tình yêu.
     Muốn được như vậy, con người phải từ bỏ sự đồng bóng, lòng tham, thói dối trá, ích kỉ. Con người phải tẩy rửa trí tuệ và tâm hồn bằng dòng nước mát lành của tự do và nhân bản. Con người tự do là con người kiêu hãnh tự tin đứng trên thành lũy của sự phủ định chứ không bạc nhược náu mình giữa đồn binh quy hàng.
     Chỉ có trang bị cho mình nhận thức và những phẩm chất ấy, con người mới thật sự là một tín đồ ngoan đạo của tôn giáo cái đẹp. Lúc ấy ngoài tín niệm về cái đẹp, nhã ca về tình yêu, con người sẽ không còn một vọng niệm nào khác. Từ khoảnh khắc nắm bắt được thánh tính cái đẹp này, con người sẽ rung cảm trước cái đẹp của “sự yếu ớt của con suối và rạng sáng của tinh sương”, biết đắm hồn trong “giai điệu của đàn chim, tiếng sột soạt của lá cành, tiếng róc rách của con nước”  hay sẽ có được một nỗi rung động thơ trước “đóa thủy tiên trong đôi mắt, hoa hồng giữa đôi má, dấu cỏ chân ngỗng trên đôi môi” Và con người sẽ  “thánh hóa thân xác như một đền thờ dành cho vẻ phong nhã lịch sự, và thánh hóa tâm hồn như một lễ vật cho tình yêu; tình yêu không phụ lòng kẻ kính ngưỡng nó”.
      Có điều xin nhớ cho: “Hãy hướng lòng sám hối tới phía cái đẹp vì nó đang lôi cuốn tâm hồn bạn đến gần chiếc ngai của người nữ, kẻ là gương soi cảm xúc của bạn và cũng là kẻ thao luyện linh hồn bạn trong cảnh giới tự nhiên, nơi phát sinh cuộc sống của bạn”. Bởi “cái đẹp là phần thưởng may mắn dành cho kẻ chiêm nghiệm”, là “phần được chia cho kẻ lắng nghe”, là “sự đắm đuối của sự quan sát", là sự “vinh danh bởi những kẻ ngâm nga” cái đẹp.
       Ngôn sứ cái đẹp của Kahlil là thế, nhưng nhân loại hình như đang xa rời cái đẹp. Nhiều người chạy theo cái đẹp ảo mà bỏ quên cái đẹp thật, tình yêu con người. Thậm chí có người nuôi dưỡng mãi lòng ngụy tín về một thiên đường cái đẹp đã mất hay chỉ vì một bức tranh vẽ về cái đẹp mà gây lụy khổ cho bao người khác. Những con người ấy sẽ chẳng bao giờ được uống chung rượu tình yêu cùng thượng đế!
       Ngôn sứ cái đẹp của Gibran có ý nghĩa vĩnh hằng phải chăng là ở đây?
                                                     HD, 15-8-2012


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét