Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

340. ĐỌC "LÁ THƠ TỊNH ĐỘ"

                                             Mùa VU LAN, Phật lịch 2556, năm 2012
      “Lá thơ Tịnh Độ” là cuốn sách tập hợp 46 bức thư của Pháp sư Ấn Quang ở Trung Hoa, vị Tổ thứ mười ba trong tông Tịnh Độ, gửi cho các cư sĩ bàn về pháp môn Tịnh Độ do Hòa thượng Thích Thiền Tâm dịch thuật, Phương Liên Tịnh xứ Mật tịnh Đạo tràng ấn tống năm 2009, Phật lịch 2553, dày 286 trang.
      Qua những trang thư ngắn gọn, lời thư giản dị, giọng thư ôn tồn khuyên bảo hết sức chân thành, thấm đẫm duyên căn đạo pháp, tác giả hay cũng chính là dịch giả, bằng sự thực chứng của mình lí giải thật cụ thể và thật thuyết phục về Pháp môn Tịnh Độ, tức là Pháp môn niệm Phật.
      Trên con đường dẫn hướng chúng sinh tu tập để đến bến bờ giải thoát, đạo Phật có nhiều pháp môn trong đó phải kể đến Pháp môn niệm Phật. Pháp môn niệm Phật do Đức Thích Ca truyền dạy. Đức Bổn Sư thấu hiểu tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, trong tâm họ đều có đủ Phật pháp, nhưng họ không đủ nội lực để tự giác ngộ. Vì thương xót chúng sanh không đủ sức dứt nghiệp, Đức Phật riêng mở pháp môn Tịnh Độ, “Nương nhờ Phật lực, đới nghiệp vãng sanh” này cho họ thọ trì. Môn niệm Phật tuy giản dị nhưng rất rộng sâu. Đây là pháp môn mà chúng sanh nhờ Phật lực để được sinh vào cõi vô sinh vô diệt. Dù giản dị nhưng lợi ích của Pháp môn Tịnh độ rất lớn, “vượt hơn tất cả các giáo pháp thông thường. Người ta nói tu các pháp môn khác như con kiến bò lên núi cao, niệm Phật vãng sanh như thuyền buồm xuôi theo gió nước” (Thơ đáp Nữ sĩ Từ Phước Hiền, tr.101).
      Niệm Phật có bốn phép : Trì Danh, Quán tưởng, Quán tượng, Thật tướng. Trong bốn phép đó, phép “Trì danh” tức là niệm danh hiệu Đức Phật là linh nghiệm hơn cả. “Trì danh mà chứng thật tướng, không cần quán tưởng cũng thấy Tây phương” (Thơ đáp Nữ sĩ Từ Phước Hiền, tr.105) chính là ở chỗ này. Có người cho rằng muốn sớm giác ngộ thì phải niệm tất cả các danh hiệu Phật. Điều đó không có gì sai, nhưng chưa thật thấy diệu pháp của “Trì Danh”. “Trì Danh” là chuyên niệm Phật A Di Đà. Sở dĩ chỉ niệm như thế vì “Phật A Di Đà là Pháp giới Tạng thân, bao nhiêu công đức của chư Phật trong mười phương pháp giới, nơi một Phật A Di Đà đều đầy đủ cả” (Thơ đáp Cư sĩ Cao Thiệu Lân, tr. 25). Hơn nữa kiếp trước, Đức A Di Đà đã phát bốn tám nguyện độ sanh, trong ấy có một điều nguyện : “Nếu chúng sanh nào nghe danh hiệu Ta, chí tâm xưng niệm cho đến mười lần, cầu sanh về Cực Lạc, như không được vãng sanh, Ta thề không thành Phật” (Thơ đáp Cư sĩ Trần Tích Châu, tr. 39). Niệm Phật A Di Đà có hai cách, niệm đầy đủ: “Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới, Đại từ, Đại bi, A Di Đà Phật” hay tĩnh lược: “Nam mô A Di Đà Phật” đều linh nghiệm.
      Niệm Phật tùy theo điều kiện hoàn cảnh của bản thân mà thực hiện. Phép niệm Phật phải tùy theo cảnh duyên, tinh thần, sức khỏe của cá nhân mà tạo lập.
      - Nếu có bàn thờ Phật và có thời gian tu tập thì lễ Phật hai buổi sớm chiều. Lễ gồm các bước: Tụng kinh A Di Đà một lần, Chú vãng sanh ba lần, đọc bài kệ “A Di Đà Phật thân sắc vàng…”, đọc xong có thể đứng hoặc đi nhiễu quanh bàn Phật và niệm : “Nam mô Tây phương Cực lạc thế giới, Đại từ, Đại bi, A Di Đà Phật” càng nhiều càng tốt, sau đó  quỳ trước bàn Phật niệm Quan Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh Hải Chúng, mỗi Thánh hiệu ba lần, rồi đọc văn Tịnh độ, phát nguyện hồi hướng vãng sanh.
      - Nếu thờ Phật nhưng công việc bận rộn, buổi sáng sau khi vệ sinh cá nhân, đến trước bàn Phật lễ ba lạy, rồi đứng thẳng  chắp tay niệm “A Di Đà Phật” mười lần. Rồi đọc bài kệ “Nguyện cùng người niệm Phật đều sanh về Cực Lạc. Thấy Phật thoát sanh tử. Như Phật độ tất cả”. Xong bài lễ Phật ba lạy rồi lui ra.
      - Nếu không có bàn Phật thì chắp tay hướng về phương Tây giống y cách thức trên mà niệm. Đây là phép “Thập niệm” của ngài Từ Vân sám chủ lập ra.
      - Nếu do bị việc đời ràng buộc, khó tham thiền tụng kinh, thì mỗi người đều có thể tùy sức tùy phần lễ trì niệm để hồi hướng vãng sanh. Ngoài khóa tụng chính thức, khi đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, động, tịnh, ăn cơm, mặc áo, các thời, các nơi, đều nên niệm Phật. Những nơi sạch sẽ, khi nghiêm kính, có thể niệm thầm hay niệm ra tiếng. Nếu ở chỗ không sạch sẽ như nơi đại, tiểu tiện, hoặc khi không nghiêm kính như lúc ngủ, nghỉ, tắm gội, chỉ nên niệm thầm. “Niệm thầm công đức đồng như ra tiếng, nhưng cần phải rõ ràng, tha thiết và đừng xao nhãng” (Thơ đáp Cư sĩ Đặng Bá Thành, tr.17).
      Để pháp môn Trì Danh thực sự linh nghiệm nên tâm niệm, lấy những điều sau đây làm trọng.
      - Niệm Phật phải lấy Tín, Nguyện và Hạnh làm tông yếu. “Tín” tức có một niềm tin vững chắc vào Phật Pháp. “Tín” là tin chắc cõi Ta bà là một bể khổ. Khổ vì cõi Ta bà có tám điều : sanh, già, bệnh, chết, thương xa lìa, oán gặp gỡ, cầu không toại ý, năm ấm lẫy lừng. “Sanh, già bệnh, chết, thương xa lìa, oán gặp gỡ, cầu không toại ý” là quả của đời quá khứ, “Năm ấm : sắc, thọ, tưởng, hành, thức” là nhân khổ của đời vị lai, nhân quả dây dưa, nối nhau không dứt. “Năm ấm” là gốc của tất cả sự khổ. Con người lúc sống không biết tạo nhân lành nên tạo nghiệp ác thường bị quả báo. “Quả báo có ba đời: hiện báo, sanh báo, hậu báo, con cái là bốn nhân: Báo ân, báo oán, trả nợ, đòi nợ” (Thơ đáp Cư sĩ Lâm Giới Sanh, tr.45-46). “Tín” là tin chắc cõi Cực Lạc có vô lượng điều vui. “Tín” là tin bản thân mình phàm phu đầy nghiệp lực nên không thể tự giải thoát ra khỏi vòng sanh tử trong đời hiện tại. “Tín” là tin Phật A Di Đà có lời nguyện rộng lớn, chúng sanh nào niệm danh hiệu Ngài sẽ được tiếp dẫn vãng sanh Cực lạc. “Nguyện” là nên nguyện được nhanh chóng thoát khỏi cõi Ta bà,  sớm sanh về Tây phương; chứ không phải nguyện kiếp sau được trở lại làm người, được hưởng giàu sang phú quý. “Hạnh” là phải siêng năng, khẩn thiết niệm “Nam mô A Di Đà Phật” tùy theo điều kiện hoàn cảnh đã nêu trên.
       - Khi niệm Phật phải chí thành, tha thiết mới có cảm ứng. Phải tôn kính tượng Phật như Phật sống. Phải xem Kinh điển là thầy của chư Phật ba đời, là Pháp thân xá lợi của Như Lai. Chính sự cung kính đó sẽ giúp cá nhân đạt được sự linh ứng của Phật Pháp. Đó là điều Pháp sư Ấn Quang khuyên Cư sĩ Đặng Bá Thanh, tr. 12 : “Có một phần cung kính thì tiêu một phần tội nghiệp, thêm một phần phước huệ, hai ba phần cho đến mười phần cung kính cũng như vậy. Trái lại, nếu càng khinh thường, thì tội chướng càng thêm, phước huệ càng suy giảm”.
      - Niệm Phật phải “nhiếp tâm” để tiêu trừ vọng niệm. Phép nhiếp tâm không gì hơn là chí thành, tha thiết khi niệm Phật. Dù niệm thành tiếng hay niệm thầm đều xuất khởi từ tâm, rồi miệng phát ra cho tai nghe được. “Tâm và miệng rành rẽ, tai nghe rõ ràng, nhiếp tâm như thế, vọng niêm tự dứt” (Thơ đáp Cư sĩ Cao Thiệu Lân, tr. 30). Nếu làn sóng vọng tưởng quá mạnh nên dùng phép “thập niệm kí số”. “Thập niệm kí số” là khi niệm Phật phải ghi nhớ rành rẽ từ câu một đến câu mười, hết mười câu này thì trở lại mười câu khác, xoay vần mãi. Nhớ chỉ niệm mười câu mà thôi, không được hai hoặc ba mươi câu, khi niệm không nên lần chuỗi chỉ dùng tâm ghi nhớ. Nếu niệm luôn một mạch mười câu thấy khó, thì phân làm hai đoạn, từ một đến năm, từ sáu đến mười. Nếu thấy kém sức lại chia làm ba hơi, từ một đến ba, bốn đến sáu, bảy đến mười.  Dùng thuần thục phép “thập niệm kí số” không những trừ được vọng niệm, mà còn có thể dưỡng thần, tịnh tâm.
      - Niệm Phật cần tu phép quán Tứ niệm xứ : quán thân không sạch, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường và Pháp vô ngã. Không những thế còn phải sám hối, sửa lỗi làm lành. Phải tu phước, giữ giới luật và tạo nghiệp lành, không tạo ba nghiệp ác. Thân nghiệp là sát sanh, trộm cắp và tà dâm. Khẩu nghiệp là : Nói dối, nói trau chuốt, nói đôi chiều, nói hung ác”. Ý nghiệp là : Tham dục, giận hờn và ngu si” . Nói chung, “người học Phật cần phải giữ lòng tốt, nói lời tốt và làm việc tốt” (Thư khuyên người mới phát tâm học Phật, tr. 227).
      - Niệm Phật cần phát bồ đề tâm là lòng lợi mình và lợi người. Niệm Phật phải ăn chay ít nhất là lục trai, phải lo cho tròn những việc trong gia đình, phải giữ tròn đạo hiếu, dạy con cháu sống hiếu thảo, giữ lễ nghĩa, đạo lí, khuyên mọi thành viên trong gia đình thường xuyên niệm Phật A Di Đà và Quan Âm Bồ Tát. Ngoài xã hội thì khuyên nhiều người tu niệm pháp môn Tịnh Độ, có như vậy mới thêm phần công đức giáo hóa, nhanh chóng được về với cõi Cực Lạc.
       Tóm lại, pháp môn Tịnh Độ chính do Đức Thích Ca Mâu Ni nói ra, sáu phương chư Phật đều khen ngợi, các bậc Đại Bồ Tát đều tuân giữ, các kinh tạng  đều tuyên dương. Vì vậy, người xuất gia hay cư sĩ nên chuyên tâm trì niệm và truyền bá cuốn sách “Lá thơ Tịnh Độ” này vì đây là cuốn sách có ý nghĩa lớn, giúp mọi người mau tấn tới trên con đường tu tập đạo pháp.
                      Hoàng Dục-Pháp danh Nguyên Truyền
                  ________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét