Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

341. LẮNG NGHE "LỜI THIỀN"

                Mùa VU LAN, Phật lịch 2556, năm 2012
     Tình cờ có trong tay cuốn “Lời thiền” do Ngô Ánh Tuyết và Viên Thông dịch và giới thiệu. Cầm cuốn sách mà lòng thấy vui như được gặp lại cố nhân. Không hiểu có phải do tên sách gợi lên điều tôi quan tâm hay do tên người dịch gọi về những ngày xưa Trung học Phan Châu Trinh yêu thương của tôi. Tuyết là bạn học lớp 12C, cùng thời 1964 -1971 với tôi. Có lẽ cả hai.
     Cuốn sách tập hợp những bài thuyết pháp, những bức thư, những công án thiền của các Thiền sư như Bạt Tụy (Bassui Tokusho), Huệ Hải và Nghĩa Huyền, do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 2005. Cuốn sách được Ngô Ánh Tuyết dịch một cách công phu. Cuốn sách đã đem đến cho tôi nhiều điều bổ ích trong việc tìm hiểu  ngọn nguồn của SỐNG VUI. Vì vậy, tôi xin trích ra đây hai đoạn văn để vừa nhớ bạn, vừa học tập đạo pháp. Bài thứ nhất là “trao đổi” của thầy Anh Minh Ngô Thành Nhân - thân phụ của Ngô Ánh Tuyết - với một vài  học giả về Tôn giáo và phương pháp Thực Dưỡng (phương pháp Oshawa). Bài thứ hai là bài thuyết pháp của thiền sư Bạt Tụy về tu thiền. Tôi tạm đặt nhan đề cho bài thứ nhất là “Những mẩu đối thoại của Thầy Anh Minh Ngô Thành Nhân” và bài thứ hai là “Quán xét bản tâm”.
    Với “Quán xét bản tâm”, bài thuyết pháp này hướng dẫn người tu thiền biết nhìn lại và biết thấu suốt bản tâm của mình. Nếu được như vậy sẽ thấy được Phật tánh. Bài thuyết pháp đề cao thiền học, nhưng không mâu thuẫn với những pháp môn tu tập khác trong đạo Phật, chẳng hạn như pháp môn Tịnh Độ. Nếu tu thiền đòi hỏi người tu tập phải có nội lực để đạt đến sự đốn ngộ thì tu theo pháp môn tịnh độ phải nương nhờ Phật lực để vãn sanh Tây Phương Cực Lạc. Bởi “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”.
1. NHỮNG MẨU ĐỐI THOẠI CỦA THẦY ANH MINH NGÔ THÀNH NHÂN
Một học giả đến hỏi thầy Anh Minh Ngô Thành Nhân về hai phái Tiểu thừa và Đại thừa, phái nào chính thống hơn?
Ông đáp:
- Chẳng phái nào chính thống hay không chính thống. Con đường nào có ích cho sự an vui của chúng sinh là chính, là chân; còn con đường nào dẫn chúng sinh đến chỗ mê lầm đau khổ là tà, là ngụy. Đức Phật có nói : “Tu thành Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn”, tùy ông chọn pháp môn nào thích hợp.
Một người khác đến hỏi:
- Các tôn giáo khác hay giống nhau?
Thầy Anh Minh đáp :
- Chẳng khác, cũng chẳng giống.
- Sao vậy?
- Chẳng khác vì tất cả cùng nhắm đến một mục đích như nhau là sống vui lành mạnh. Chẳng giống là vì có hình thức tu tập riêng biệt do môi trường xuất xứ và hoàn cảnh phát triển khác nhau, mà cũng bởi người theo sinh tâm phân biệt, cố chấp.
Lại có người phê bình:
- Phương pháp Thực Dưỡng còn thấp vì chỉ nói đến cách sống ở đời mà không nêu ra con đường tu hành đạt đạo.
Thầy liền hỏi:
- Vậy ông nghĩ thế nào là đời, thế nào là đạo?
- Đời là sống trong vòng xác thịt vật chất thế gian, còn Đạo là lìa bỏ bản năng dục vọng để đạt đến cõi tâm linh cao cả.
- Ông có ăn không?
- Có ăn mới sống chứ!
- Vậy tại sao ông nói lìa bỏ bản năng; vả lại, suy cho cùng như Thiền Tông quan niệm, thì sự mong cầu đạt đạo cũng là dục vọng. Đạo và Đời là một, tâm với thể gắn liền với nhau. Ông sống làm sao cho thân thể khỏe mạnh, tinh thần được thanh thản và ai gặp ông cũng vui là đạt đạo rồi đó.
(“Lời Thiền”, trích “Lời dẫn nhập”, Ngô Ánh Tuyết viết, trang 6-7) 
2. QUÁN XÉT BẢN TÂM
     Muốn thoát khỏi cảnh khổ của sáu nẻo luân hồi, phải noi theo con đường trực chỉ thành Phật. Con đường này chẳng gì khác hơn là thấu hiểu bản tâm của mình. Vậy, tâm ấy là gì? Đó là chân tính của chúng sinh vốn có trước khi cha mẹ ta ra đời, do đó, có trước khi chúng ta sinh ra, và luôn luôn hiện diện, không hề thay đổi, không hề mất đi. Nên mới gọi đó là “bản lai diện mục” – bộ mặt vốn có xưa nay. Tâm ấy vốn thanh tịnh (trong sạch). Khi chúng ta ra đời thì không phải nó mới nẩy sinh và khi chúng ta chết đi, nó cũng chẳng hề hoại diệt. Nó chẳng phân biệt nam hay nữ và chẳng nhuốm màu thiện hay ác. Không thể so sánh nó với bất cứ cái gì, bởi đó là Phật tính. Tuy nhiên, từ tự tính (tính vốn có tự nhiên) này phát sinh vô vàn ý tưởng như sóng nổi trên biển hoặc như ảnh chiếu trong gương.
      Muốn thấu hiểu bản tâm, trước hết phải nhìn vào cội nguồn từ đó tuôn ra các ý tưởng. Trong lúc đi ngủ hay làm việc, đang đứng hay ngồi, đầu óc phải luôn tự hỏi : “Bản tâm của mình là gì?”, và lòng phải cứ khát khao giải quyết vấn đề. Đây gọi là “tu hành”, “tham cầu chân lí” hoặc “khát khao giác ngộ”. Cái việc gọi là “tọa thiền” chẳng qua là nhìn vào bản tâm. Nên chăm chú quán xét bản tâm hơn là ngày nào cũng tụng niệm muôn vàn kinh kệ trong vô số năm. Cố công tụng niệm chỉ là câu nệ hình thức, tuy tạo ra công đức nào đó, nhưng công đức này sẽ mai một và phải chịu cảnh khổ của ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh). Vì quán xét bản tâm rốt ráo sẽ đắc ngộ, cho nên tu hành theo cách này là điều kiện tiên quyết để thành Phật. Bất kể các ngươi đã phạm vào mười điều xấu (giết chóc, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói dơ, nói lê, vu khống, tham lam, giận dữ, thấy sai) hoặc năm tội chết (giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, đả kích Phật, phá Tăng già), nếu quay trở được tâm và giác ngộ, lập tức các ngươi là Phật. Nhưng chớ phạm tội rồi mong được cứu độ nhờ giác ngộ, vì chẳng có sự giác ngộ hay vị Phật, vị Tổ nào có thể thay cứu độ một người tự dối mình và xuôi theo những con đường xấu xa tội lỗi.
Thử tưởng tượng một đứa bé đang nằm ngủ cạnh cha mẹ, mơ thấy mình bị đánh đập hoặc bị bệnh đớn đau. Dù con khốn khổ đến đâu, cha mẹ cũng không giúp gì được, vì chẳng có ai có thể bước vào tâm mộng của người khác. Nếu đứa trẻ giật mình thức giấc, tự nhiên nó thoát được cảnh khổ. Cũng vậy, ai thấy được bản tâm của mình là Phật, tức khắc thoát ngay những khổ não nẩy sinh trong vòng sinh tử. Nếu Phật ngăn được sinh tử, chẳng lẽ ngài để cho một chúng sinh rơi vào địa ngục hay sao? Không tự mình giác ngộ, người ta sẽ không hiểu được những điều như vậy.
(“Lời thiền”, trích “Bài thuyết pháp” của Thiền sư Bassui Tokusho, trang 29-30)
                                  Hoàng Dục – Pháp danh Nguyên Truyền
                                            _______________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét