Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

437. ĐỌC "NAM TRIỀU CÔNG NGHIỆP DIỄN CHÍ"

      Mấy ngày nay hơi ham chơi, nên chẳng viết được gì. Hôm nay, đọc văn xuôi Việt Nam thời trung đại thấy tác phẩm "Nam triều công nghiệp diễn chí" của Nguyễn Khoa Chiêm nên ghi vào đây. Ghi xong tự hỏi, người xưa viết như thế, người nay thế nào ?

       "Nam triều công nghiệp diễn chí là tác phẩm văn xuôi chữ Hán do Nguyễn Khoa Chiêm (1659 - 1736), tự Bảng Trung, quê huyện Hương Trà, trấn Thuận Hóa, tỉnh Thừa Thiên - Huế soạn năm 1719.
       "Nam triều công nghiệp diễn chí" là một truyện kí lịch sử viết theo lối chương hồi, gồm 30 hồi, dài ngắn khác nhau. Ngoài nguyên còn có bài tựa của Dương Thận Trai, bài bạt của Tri huyện Giản và một bản thế phả của các chúa Nguyễn.
    Tác phẩm thuật lại các sự kiện lịch sử thời nội chiến Trịnh – Nguyễn từ  1558, khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa đến 1689, gần hết đời Nghĩa vương Nguyễn Phúc Trăn (1687 – 1691).
    Hiện thực phản ánh trong tác phẩm là lịch sử “mở nước” của họ Nguyễn, trần thuật các biến cố lịch sử theo quan điểm của một quan chức gắn đời mình với các chúa Nguyễn. Chính vì vậy, chủ đề tư tưởng của tác phẩm chủ yếu là ca ngợi công lao, đức độ của các chúa Nguyễn. Dù vậy, tác phẩm vẫn giữ được tính khách quan lịch sử với sự hình thành ba thế lực của ba vùng : họ Mạc, chính quyền Lê-Trịnh, chính quyền họ Nguyễn, sau đó là sự chia cắt Đàng Ngoài - Đàng Trong.
    Dù viết bằng lối tiểu thuyết chương hồi, nhưng tác phẩm kí sự lịch sử này đã mô tả khá kĩ nhiều nhân vật lịch sử với những nét tính cách riêng biệt. Trịnh Tùng như một võ tướng có tài, lần lượt đánh bại quân nhà Mạc, nhưng cũng là kẻ thâm hiểm tàn bạo, đã quăng xác Lê Kinh Tông ở sân triều, rốt cuộc chính Tùng bị thuộc hạ bỏ ốm đến chết ở Cầu Đơ, Hà Đông. Nguyễn Hoàng như một người có bản lĩnh, biết khôn khéo an dân, chú trọng khai thác vùng đất mới. Chiêu vũ Nguyễn Hữu Dật như một viên tướng hết lòng với sự nghiệp nhà chúa. Ngoài ra, tác phẩm còn những trang thuật chuyện Đào Duy Từ, Phùng Khắc Khoan và nhiều nhân vật khác.
    Về nghệ thuật trần thuật, Nguyễn Khoa Chiêm sử dụng nhiều chi tiết rất đắc thể hiện được nội dung ý nghĩa của sự việc, ý đồ của tác giả. Chẳng hạn như chi tiết trong trận đánh ở sông Lam năm 1660, một người linh giơ sung lên mà không bắn, vung kiếm mà không chém; ở trận Trấn Ninh năm 1672, có người lính bên Trịnh gọi to báo cho người Đàng Trong cách tránh đạn nổ của quân Trịnh… Các chi tiết đó đã thể hiện bản chất của cuộc chiến, đó là chiến tranh “huynh đệ tương tàn”, đồng thời thể hiện nỗi đau của những người lính trong cuộc chiến "nồi da xáo thịt", "củi đậu nấu đậu" của những binh lính bị huy động vào cuộc nội chiến ấy.
   "Nam triều công nghiệp diễn chí" là một tác phẩm giá trị trong văn học Việt Nam, là một tác phẩm viết theo thể kí sự lịch sử trường thiên vào loại sơm trong văn xuôi tự sự chữ Hán ở Việt Nam. 
Hoàng Dục
13-6-2013
______________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét