Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

436. VUI VỚI TÚ QUỲ

      Đọc lịch sử văn học Việt Nam từ thế kỉ thứ X đến nay, vừa có cảm giác tự hào vừa có cảm giác đau đớn. Tự hào bởi số lượng tác giả tác phẩm rất đồ sộ, rất phong phú và cũng rất đa dạng. Đau đớn bởi thời kì văn học trung đại, số lượng tác phẩm thất lạc cũng quá nhiều. Có tác giả để lại gần chục tập sách, những còn ghi chép chỉ một vài bài thơ trong Toàn Việt thi lục, Lịch triều hiến chương loại chí, Việt âm thi lục,…
      Hiện tượng không bảo tồn được những di sản văn hóa phi vật thể ấy có nhiều nguyên nhân. Nhưng cơ bản vẫn là: sự lạc hậu về ý thức tư tưởng lẫn cơ sở vật chất; sự tác oai tác quái của khí hậu nhiệt đới giàu có độ ẩm; chiến tranh liên miên, ý thức thủ tiêu tư tưởng bằng hành động phi văn hóa, đúng hơn có tội với văn hóa, đó là “phần thư’ với nhiều hình thức khác nhau. Ngay cả trong thời hiện đại, việc thay màu tư tưởng cũng được thực hiện một cách cực đoan qua việc thu đốt sách mà người ta gọi là văn hóa phản động và đồi trụy, đã khiến văn hóa mai một quá nhiều. Trời đất, thời gian… phản văn hóa đã đành, bởi chúng đâu làm ra văn hóa; vậy mà con người còn góp tay làm mai một di sản văn hóa của dân tộc mới khổ chưa?.
      Buồn… Bổng dưng nhớ đến nhà thơ Tú Quý (1828 - 1926), nhà thơ trào phúng đất Quảng. Tú Quỳ sáng tác đủ thể loại, từ thơ ca đến văn tế, từ thư tín đến câu đối… Thể loại nào cũng rất giá trị, thể hiện tài năng văn chương độc đáo của ông. Số lượng tác phẩm của ông lên tới hàng trăm, nhưng nay thất lạc khá nhiều. Thất lạc bởi mỗi tội tác phẩm của ông phổ biến bằng hình thức chép tay, bằng sự truyền miệng. Trước đây, thơ Tú Quỳ chi có 2 bài được ghi trong Chương Dân thi thoại của Phan Khôi; Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm (1943) in vỏn vẹn bài thơ “Vịnh dế dũi”, sách Việt thi của Trần Trọng Kim (1950) lưu giữ “Vịnh Cồn con”. Mãi cho đến năm 1993, Trương Duy Hy trong “Tú Quỳ - Danh sĩ Quảng Nam” công bố số lượng thơ Tú Quỳ khoảng 400 bài, nhưng chỉ công bố trên 50 tác phẩm.
      Thơ trào phúng Tú Quỳ mang sắc thái địa phương, đó là một nét riêng rất đáng trân trọng. Thơ trào phúng của Tú Quỳ có giọng điệu tự nhiên, lời thơ giản dị đôi khi sỗ sàng, chính điều này tạo nên phong cách độc đáo của thơ ông. Về nội dung thơ  ông đả kích nhiều đối tượng, nhất là bọn sâu dân mọt nước, cường hào ác bá. Hai bài thơ tiêu biểu đó là “Vịnh hát bội” và “Nước lụt”.
      Vội vàng đọc lại thơ Tú Quỳ, thấy vui với hai bài “Vịnh hát bội” và “Vịnh nước lụt” nên “nghịch ngợm vần điệu” cùng ông.
     - “Vịnh hát bội” :       
        Nhỏ mà không học lớn làm ngang,
        Trống đánh ba hồi đã thấy quan.
        Ra rạp, ngồi trên ba đứa hiệu,
        Vô buồng, đứng dưới mấy ông làng.
        Còn màu son phấn : ông kia nọ,
        Cởi lốt cân đai : chú điếm đàng.
        Tuy chẳng vinh chi, nhưng cũng sướng,
        Đã từng trợn mắt, lại phùng mang.
  
    Bài thơ “Vịnh hát bội” được xem là một tác phẩm xuất sắc về nghệ thuật trào phúng, thể hiện sự đau xót, căm giận của nhân dân trước họa ngoại xâm.
        Bài họa : Vịnh quan    
        Ông đây mũi dọc miệng nằm ngang
        Véc tông cà vạt ấy gọi quan
        Ra đường xe ngựa xài hàng hiệu
        Về quê guốc mộc áo khăn làng
        Ghế trên ngồi vững bằng cấp nọ
        Chân đất đứng ngây chẳng biết đàng
        Làm người như thế thành ra sướng
        Ai bảo "nhất thời", chuyện đa mang.

      - “Vịnh nước lụt” :
      Bài thơ “Nước lụt” khiến tầng lớp trí thức tiến bộ đương thời suy nghiệm về vai trò của mình trước vận mệnh đất nước và nỗi đau khổ của nhân dân :

        Mưa từng chập, gió từng hồi,
        Ngoảnh lại giang sơn ngập cả rồi.
        Lũ kiến bất tài đeo ngọn cỏ,
        Chòm rêu vô lực đóng bèo trôi.
        Linh lang vườn rộng nghe chim hót,
        Lóng ngóng giường cao thấy chó ngồi.
        Thương bấy hạ dân sao xiết kể,
        Nào ông Hạ, Vũ để đâu rồi.

 
      Bài họa :   Hạn hán   

        Nắng liên tục, nóng liên hồi
        Sông cạn, ruộng khô, đất nẻ rồi
        Chó nằm bụi rậm thè lè lưỡi
        Trâu mẹp vũng bùn thở đứt hơi
        Đồng không mông quạnh chim không hót
        Nhà chật vườn thưa lắm kẻ ngồi
         Khổ quá đời dân sao xiết kể
        Thiên Lôi, Long Hải ở đâu rồi!
 
Hoàng Dục
4-6-2013
__________________________________
      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét