4. Những khuôn mặt Ama Trang Lơng xưa
Vẫn cơn mưa chiều Tây Nguyên, nhưng không tầm tã. Hai vợ chồng trên một chiếc xe máy đội mưa tranh thủ đi thăm mấy người ba con ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, rồi về cuối đường Phan Bội Châu. Thời gian ở lại Buôn Ma Thuột không nhiều, sợ lu bu với học trò, vợ chồng mình sẽ bị các thím, các chú ấy trách, anh chị đã vào đây mà không ghé chơi, bà con gì mà lạt lẽo hơn nước ốc thì phiền. Lòng vòng mà cũng mất gần hai tiếng đồng hồ. Tình cảm như thế là đong đầy. Bây giờ đã là 15 giờ. Về khách sạn Kim Oanh, nói theo ngôn ngữ của Bích Nguyệt - cô học trò cũ, chủ khách sạn - là nhà mình, thay áo quần, rồi đi dự tiệc cưới, cũng vừa vặn thời gian.
Mưa đã nhỏ và thưa hạt. Nước mưa không còn xối xả chảy xuôi theo độ dốc của những con đường. Hai vợ chồng thong thả tới trung tâm tiệc cưới Hoàng Lộc 2 ở cuối đường Bà Triệu. Tự dưng lòng mình hồi hộp như buổi đầu lên lớp. Nhớ lần đầu đứng trên bục giảng, điều mình hồi hộp nhất không phải là bài dạy mà là các em sẽ đón nhận mình thế nào. Nhiều thầy giáo lần đầu giảng dạy, bắc ngay vào bài giảng, gieo ấn tượng bằng bài giảng; còn mình thì không. Mình bao cũng dành tiết đầu cho hoạt động giao tiếp làm quen. Qua đó, mình chỉ mong tạo sự giao cảm bằng những lời giới thiệu có tính chất tâm tình. Và cũng qua đó, mình chờ đợi ở các em sự hợp tác. Quá trình giảng dạy của thầy giáo và học tập của học sinh không phải khi nào cũng tròn đầy theo một khuôn đúc ra mà có lúc này lúc khác. Thầy giáo, ngay chính trong quá trình giảng dạy, nhất là dạy văn vẫn có sở trường sở đoản (!), cho nên không phải bài dạy nào cũng thành công. Người thầy không là thánh, mà là người nên trước hết phải giao tiếp kiểu người. Nếu không có sự thấu hiểu, hợp tác tốt nhất giữa thầy và trò thì cũng khó có hiệu quả “lên lớp” chất lượng nhất. Nhưng đây đâu phải là lần đầu lên lớp mà lo! Mình biết khoảng khắc gặp lại những khuôn mặt học trò xưa Ama Trang Lơng không phải là giây phút đứng trước những khuôn mặt lạ lẫm của tiết dạy đầu khi nhận lớp. Bởi đây là những khuôn mặt đã từng thân quen, nhưng đã hơn ba mươi năm xa. Những khuôn mặt non nớt ngày xưa bây giờ hẳn đã nét cứng cáp của tuổi. Thời gian sẽ làm biến hình những gì có trong dòng chảy của nó. Các em cũng thế, liệu mình có nhận ra không. Cái hồi hộp của mình là vậy!
Bước lên sảnh nhà hàng đã thấy bố mẹ chú rể, bố mẹ cô dâu và cả Thạch (chồng Trai) đứng đón khách. Vội bắt tay, nói lời chúc mừng với hai bên gia đình. Bích Nguyệt, cô học trò cũ vừa bắt tay mình vừa nói giọng tiếc rẻ: Thầy Trình có đến nhưng về rồi, Thầy Chánh vừa đi ra. Các thầy bận tiếp khách ở Bộ vào nên chỉ đến chúc mừng. Nghe mà thấy thiếu thiếu điều gì. Lê Ngọc Trình, người Trà Vinh, học Đại học Sư phạm Sài Gòn, về trường năm 1978, dạy sinh vật, hiền dễ mến. Trịnh Minh Chánh, người em trong nghề, dân Đà Nẵng, bây giờ là Trưởng Phòng Giáo Dục Phổ thông Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắc Nông; ngày xưa chan hòa với nhau dưới mái trường Ama. Khi mình chuyển về Đà Nẵng, Chánh mỗi lần ra quê đều ghé thăm. Năm 2001, mình lên coi thi học sinh giỏi quốc gia, hai anh em trò chuyện cả đêm cùng học trò ở khách sạn Bạch Mã của Mỹ Dung. Rồi buổi sáng cùng xì xụp với tô bún bò bà Mô. Chao ơi, tình cảm vẫn tràn đầy, vậy mà không gặp Chánh được. Ngày mai, thứ hai, Chánh lên Đắc Nông rồi. Tiếc thật. Đang vẩn vơ, Thạch xin phép đưa hai vợ chồng mình lên tầng hai, nơi tổ chức tiệc cưới. Thạch bảo em đưa thầy đến chỗ Ama Trang Lơng, rồi cười. Mình bảo, Trai có đi dự không. Dạ, vợ em ốm đột xuất, cô ấy tiếc lắm thầy ạ, Thạch bảo. Lại tiếc nữa. Trai cô học trò có nhà ở gần cầu 14, mình đã đến đó nhiều lần, thân thiết như người nhà. Ngày xưa Nguyễn Thị Trai mảnh khảnh và duyên dáng, bây giờ không biết có còn như xưa không?
Theo Thạch đi về góc phải cuối sảnh cưới, đang nhìn quanh quất, bỗng nghe tiếng cùng reo: “Thầy Dục, cô Hoa…”. Sau lời đồng thanh, những người khách ngồi ở ba bàn cuối, đều đứng cả dậy, khuôn mặt tươi hẳn lên. Các em của ngày xưa Ama Trang Lơng đó sao. Mình cảm giác như các em đứng dậy chào mình khi vào lớp, vào cái phòng thứ hai của dãy nhà có bốn phòng học tường vôi mái lớp tôn ở khu B. Dãy phòng học nằm song song với con suối chảy từ hướng Duy Hòa về. Dãy phòng học nằm một mình giữa nương bắp, nương đậu mà nghe chung quanh trống vắng. Nghĩ đến nó lòng mình vui hẳn lên, vui như mở hội, các em xưa Ama đây rồi. Nhưng kìa… nhìn những khuôn mặt quen quen mà chẳng nhớ tên cụ thể là em nào. Vội bắt tay từng em, xin lỗi các em, lấy thời gian làm lí lẽ biện minh cho trí nhớ thảm hại của mình. Mà cũng đúng thôi, lúc ấy các em mới mười tám, đôi mưới bây giờ đã hơn năm mươi rồi còn gì. Ba thập niên không gặp, làm sao mình nhận ra được cụ thể từng em. Bỗng nghĩ, sự hồi hộp của mình từ đầu không vô cớ chút nào. Ba năm giảng dạy các em, cùng ở nội trú với nhau, vậy mà “quên” một cách kì cục! Các em lần lượt vừa bắt tay mình vừa giới thiệu tên, nào là Liêm, Phước, Thảo, Mỹ Con, Ánh, Giang, Lộc, Lấn, Dinh, Trung, Huệ, Xuân, Thùy, Trâm, Cúc, Nghĩa, Mỹ Dung… Nghe tên, trong trí mình bỗng hiện về lung linh những nét mặt, nhân dáng, thậm chí những ấn tượng ngày xưa của từng em. Rồi thầy Dương Văn Đức đang dạy toán Trường chuyên Nguyễn Du, thầy Phan Văn Bé, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắc Nông vừa mới nghỉ hưu. Đức vẫn gầy, vẫn ít nói như ngày xưa. Bé đẫy ra, mí mắt bụp dày hơn, nhưng da vẫn không trắng hơn ngày xưa một chút nào, vẫn nói nhiều, sởi lởi, trông có vẻ yêu đời. Rồi Y Nhi đến, cụng li với thầy cô, các bạn, xin phép về đưa con ra sân bay. Rồi Y Miên, già dặn hơn nhưng vẫn gầy, vẫn tếu táo như xưa đến chào.
Thế là suốt tiệc cưới con của Bích Nguyệt, ngồi giữa các em học trò cũ, mình có cảm giác bầu khí bữa tiệc đã nhường chỗ cho ngày vui gặp mặt của thầy trò trường Ama Trang Lơng khóa 1978 - 1981. Bởi những ánh mắt nụ cười đều dành cho những kỉ niệm xưa. Cái không khí “nóng sôi lên” là do những câu chuyện xưa về Ama Trang Lơng “nổ” ra giòn giã. Trò này gợi nhớ một kỉ niệm, trò kia nối thêm kỉ niệm khác. Hết trò đến thầy, những gì tốt có, không tốt có, nhưng đều rất yêu thương cứ thế mà trãi dài ra tưởng như vô tận. Trí nhớ hoạt động hết công suất nhưng không hề than thở, ngược lại có cảm giác hạnh phúc, vì đã lưu giữ không sót một kỉ niệm nào của ngày xưa tình nghĩa quý giá ấy. Từ việc bắc cây cầu gỗ chịu được trọng tải lớn qua con suối ở khu B bằng những giọt mồ hôi của thầy trò, đến những ngày chủ nhật từng tổ luồn sâu vào rừng rậm, cùng nhau đi kiếm củi về bán cho nhà bếp (còn thầy vừa quản lí vừa tìm những nhánh lan rừng về treo trước hiên nhà cho đời thêm hương sắc); từ chuyện hàng đêm thầy trò với súng ống có vẻ oai vệ chia phiên nhau tuần canh, bảo vệ an ninh cho nhà trường đến những buổi hành quân dã ngoại rã rời đôi chân nhưng vui đáo để. Rồi chuyện các trò nghịch ngợm bắt trộm gà của thầy Hiệu trưởng Lê Văn Hòe, chuyện mất chiếc máy phát điện vẫn để dưới gốc cây muồng dùng cho những buổi ngoại khóa vào đem thứ bảy cuối tuần, do một em học sinh ngoại trú dại dột lấy cắp; chuyện một em nữ buồn phiền gia đình đã hành động nông cạn, để anh Nương tài xế, thầy Giác và mình nửa đêm đưa lên bệnh viện tỉnh cấp cứu, khi về thì Fulro đánh, may mà chạy thoát được. Từ chuyện trồng đậu, bắp cho đến mỗi nhà trồng một dàn bầu, bí hoặc mướp vừa tạo bóng mát màu xanh cho ngôi nhà vừa thu hoạch bán cho nhà bếp cải thiện bữa ăn. Rồi chuyện Phạm Thị Yến mỗi lần hắt hơi cứ kêu to : “Hách xì hơi” vang cả một góc khu tập thể, chuyện những cặp đôi yêu đương nhưng thư tình cứ “giờ chơi mang đến lại mang về” kiểu lớp trưởng Đinh Tiên Ánh… Rồi từ chuyện những em không có mặt trong tiệc cưới hôm nay như Tuấn A, Mỹ Phương, Hồng Linh, Ngọc Ba, Nguyễn Thị Tiến, Vũ Quyền, Nguyễn Văn Ngọc… đến những em đã đi xa như Trần Vinh, Phạm Mười… Bao nhiêu là chuyện… Tất cả, trong khoảng khắc này sẽ là một dấu ấn đẹp, làm đầy thêm kỉ niệm Ama Trang Lơng.
Chuyện trò rôm rả, bố mẹ chú rể, đôi tân lang, tân giai nhân đến chào. Tạm gác chuyện cũ vài giây, cùng nâng cốc chúc mừng hạnh phúc cho hai cháu Hữu Đức - Ngọc Ánh, chúc mừng cho Bích Nguyệt - Văn Liễu nào. Những chiếc cốc cạn, nhưng nụ cười thật tươi cho mình cảm nhận vẻ đẹp của tình đồng môn. Nhìn các em mà vẳng nghe câu nói của Xuân hồi nãy. “Với bọn em bây giờ, bạn nào tổ chức đám cưới cho con, dù không mời nhưng nếu chúng em biết được cũng đi dự. Đây là “luật bất thành văn” của bọn em đó thầy cô”. Thế là tình thật, tình bạn là thế. Ama Trang Lơng là thế. Ba năm nội trú đã nối kết các em lại. Các em, những con người với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều gặp khó khăn cuộc sống từ Đắc Nông, Đắc Min, từ các buôn làng xa, từ Buôn Hồ, Krông Păk, từ Lăk… hội tụ về dưới mái trường vừa học vừa làm này. Ba năm cùng học cùng sống, các em cùng sẻ chia những vui buồn, làm sao phôi pha được. Ba năm không dài nhưng đã làm nên một dấu ấn tình nghĩa đậm đà làm sao các em có thể hờ hững với nhau, trách móc nhau. Nếu sống có tình thì sẽ biết thấu hiểu sẻ chia, lúc ấy nhưng giận hờn trách móc sẽ không có đất nẩy mầm, mà chỉ có yêu thương rợp bóng.
Buổi tiệc đã tàn. Khách đã vãn, chỉ còn ba bàn của thầy trò Ama Trang Lơng. Nguyệt - Liễu lại đến đề nghị nối bàn, cùng nâng cốc rồi tạm biệt. Một kết thúc có hậu, rất tình cảm. Thế nhưng, thầy và trò còn luyến lưu lắm, còn kéo xuống sảnh trò chuyện rồi chụp ảnh dùng dằng.
Vẫn mưa. Vợ chồng mình, cùng Lấn, Lộc, Dinh, Trung ghé vào nhà thầy Trần Đình Lợi chơi một lát. Tạ Quang Lấn lấy xe hơi đưa vợ chồng mình về khách sạn. Lộc, Trung kéo đến có cả Nguyệt lại hàn huyên. Mình rất vui nhưng không khỏi có chút bùi ngùi. Ngồi nói chuyện với các em mà mình không thôi nhớ về những khuôn mặt một thời Ama Trang Lơng trong buổi tiệc cưới. Các em đã cứng tuổi lắm rồi, thậm chí có em ngoại hình đi trước tuổi tác. Có em nét mặt đầy tự tin, nhưng cũng nhiều em hằn lên những trải nghiệm vất vả, thậm chí đau thương trong ánh mắt nụ cười. Biết làm sao được khi số phận trao cho người này sự may mắn, dành cho người kia điều không may. Chỉ mong, các em vượt qua, sống ổn trong đời.
Ngoài kia mưa vẫn rơi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét