Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

442. GHI CHÉP Ở BUÔN MA THUỘT

      5. Rong chơi Buôn Đôn

     Sáng thứ hai, 17 tháng 6, mới 6 giờ kém, chú Thu, con ông cậu mình, đã gọi điện thoại : “Khoảng 15 phút nữa em tới mời anh chị đi uống cà phê, anh chị chuẩn bị nghe”. Như đã hẹn, vợ chồng mình sửa soạn và xuống phòng lễ tân. Chưa kịp đưa chìa khóa phòng cho cô nhân viên đã thấy một chiếc xe trờ tới đậu trước cửa khách sạn. Mình đoán non đoán già, chắc là xe của chú Thu. Quả đúng, chú ấy đang mở cửa, nhìn vào khách sạn vẻ tìm tìm kiếm kiếm. Vợ chồng mình vội ra, đứa con trai chú ấy chào hai bác rồi lái xe đi. 
      Trời đang rây mưa. Có chút lạnh se se khiến li cà phê thêm đậm đà. Anh em, bác cháu vừa thưởng thức cà phê vừa tâm tình. Nào là chuyện riêng của gia đình, chuyện bà con mình, chuyện về nơi chôn nhau cắt rốn. Chuyện nào cũng giọng chân thành pha hoài nhớ mênh mông. Phải chăng đó là tâm lí của người xa quê, được gặp lại người thân của mình nơi đất khách. Xong cà phê sáng, chú ấy bảo : “Em đưa anh chị đến một quán bún Huế, thưởng thức hương vị quê hương nơi núi cao này, xem ngon cỡ nào”. Loanh quanh một hồi, xe đỗ trước quán bún. Quán sạch sẽ, rộng thoáng,  khá đông khách. Bốn người vừa yên chỗ, gọi mỗi người một kiểu bún, chú Thu hỏi : “Anh biết quán này của ai không?”. Rồi tự trả lời : “Của con anh Châu ở xóm Rèn gần cầu khe xuống làng Đại Lộc đó. Cháu nó vào khoảng hai năm, đem “hương vị bún gia truyền, hương vị Kế Môn” vào đây nên không chỉ hấp dẫn người quê mình đang sinh sống nơi này mà còn cả người Buôn Ma Thuột gốc nữa. Anh thấy đó, bàn nào cũng kín chỗ”.  Chà, vậy là con Trương Phước Châu, bạn học thời Tiểu học Phong Hương của mình rồi. Vợ bạn ấy nổi tiếng với món cháo lòng, bún bò ở quê. Ai ở xa về mà không ăn được cháo lòng “Mụ Châu” là xem như chưa về quê. Mình đã từng thưởng thức cháo lòng ở nhà Châu, thậm chí có lần về quê, hai vợ chồng kéo xuống chợ Đại Lộc, nơi vợ Châu bán, ngồi đòn ăn cháo lòng nữa. Về quê, ngoài những chuyện khác, còn phải nắm cho được hồn quê, tình quê và hương quê mới trọn vẹn. Mà hương quê thì tìm đâu ngoài nồi canh hến, mặt hến thì lặt, nước hết thì húp, có thêm khoai lang luộc nữa thì hết ý; ngoài đọi canh môn cá tràu sền sệt; ngoài cá rang (rô) lớn hơn hai ngón tay hấp; rau tập tàng luộc chắm nước ruốc; xôi hông vắt không dính tay chấm nước mắm nhỉ sền sệt ớt bột,… và món cháo lòng nói trên. Nghe chú ấy “giới thiệu” mình cảm giác nước bún cọng bún đang ăn có hương vị quê nhà, nhưng chẳng rõ rệt chút nào và chẳng biết mô tả ra sao. Chỉ biết trong cái hương vị ấy, hình như  có thêm tình đồng hương, tình yêu quê nhà nên càng đặc trưng hơn, nhất là đối với chú Thu và những người xa xứ như chú. Khi đã ăn xong, mình hỏi bà xã có nhận được cái riêng gì trong tô bún không. Bà bảo như đang ngồi ở quê mà ăn sáng. Mình vốn kém về cái món thẩm định vị giác (“thực bất tri kì vị” mà!) nghe bà xã nói càng thấy mơ hồ, nhưng cũng cảm giác đang ăn bún ở quê, có vị ruốc Kế Môn rất nhẹ khi nêm nấu đang phảng phất bay lên trong làn hơi mong manh từ tô bún, nó làm cho nước vừa ngọt thanh, vừa thơm dịu; cái miếng giò, sợi bún cũng thấm tháp mang mùi vị riêng của nó.  Ra đến xe rồi, mình còn mãi nghĩ đến hương vị của tô bún vừa ăn. Đang vẩn vơ, chú Thu bồi thêm : Anh có thấy ngon nhức răng không? Mình cười : Ngon lắm… nhưng không nhức răng… nhức răng ai dám trở lại quán này! Ai cũng cười, xe lăn bánh.
    Đã đã gần 8 giờ, vợ chồng mình ghé nhà chú Thu, rồi lên nhà Lợi. Chả là mình đã hẹn với Tạ Quang Lấn và Lê Quang Lộc, hai em học trò cũ ở đấy. Đúng 9 giờ, Lấn và Lộc đến, vợ chồng mình và Lợi lên xe, hướng về Buôn Đôn. Kể cũng lâu lắm, năm 2001, mình cũng có đến đây, nhưng ở đấy cũng chưa có gì nhiều, khai thác còn thô sơ lắm. Nghe Lộc bảo bây giờ khác nhiều. Diện tích khu du lịch đã mở rộng thêm. Ngày xưa thầy đến chắc chỉ có một hai chiếc cầu treo, bây giờ khách qua sông tha hồ mà chọn cầu  mà sang. Lại có thêm những nhà sàn rộng bát ngát phục vụ khách nghỉ ngơi, ăn uống… Nghe thế, mình cũng háo hức. Mình bảo, hơn mười năm rồi, khu du lịch Buôn Đôn hẳn đổi thay nhiều. Chuyến đi này, ngoài cái mới của Buôn Đôn, thú nhất vẫn là được đi với cô, với Lợi và với hai em. Đây không là đoàn du lịch, mà du lịch gia đình nên có nét thú vị riêng. Này nhé xe nhà, người hướng dẫn, chụp ảnh nhà, du khách cũng là người nhà. Thấy không, ngồi trên xe mà có ai cảm thấy lạc lõng đâu. Cứ hết chuyện này đến chuyện kia râm ran. Dễ chừng 40 cây số chỉ một loáng là đến. Lấn lái xe tránh một hố nước đục ngầu, đường kính gần hết chiều ngang mặt đường, bảo : “Đường có nhiều đoạn xấu lắm thầy, nhưng cũng chóng đến thôi”. Nghe Lấn bảo, mình bỗng nghĩ đến những bài báo không vui về ngành du lịch Việt Nam đăng những ngày gần đây mà rầu. Bây giờ qua những đoạn đường sóng “trâu mộng”, những hố rộng lai láng nước càng rõ thêm bức tranh buồn thiu của du lịch nước nhà. Đường sá như thế này, cộng thêm các loại vé quá đắt, nạn chặt chém chèo kéo khách, tổ chức không chuyên nghiệp, địa điểm du lịch màu mè những ngày đầu còn sau trở nên nhếch nhác, làm sao mà thu hút khách được. 

      Xe dừng lại rồi bò chầm chậm qua một đoạn đường gập ghềnh, cắt đứt liên tưởng không vui của mình. Mình đưa mắt nhìn hai bên đường. Những ngôi nhà “mặt tiền” đã mọc lên nhưng chẳng làm cho tuyến đường tươi tỉnh sau cơn mưa buổi sáng. Những ngôi nhà ấy đã đẩy rừng cây cao lùi sâu ở đâu đó xa xôi, nhường chỗ hoa màu của con người. Con đường chẳng có một ấn tượng đẹp nào. Những khoảng trống chạy dài, sâu hút khiến con đường trống trải quá! Nghĩ mà buồn, rừng mà thiếu cây sao gọi là rừng! 

      Đúng 10 giờ, xe đến khu du lịch. Thầy trò đi thăm thú những nơi mở thêm. Đúng là cầu treo bắc qua các khu du lịch nhiều hơn. Qua cầu treo, phía bờ sông có thêm những “căn nhà” cây cảnh được cắt xén tỉa tót có bốn cửa với mái vòm đủ kiểu dáng rất đẹp. Thậm chí có thêm những nhà chòi  như nhà sàn dựng cách bờ vài ba mét có cầu gỗ dẫn lối vào. Thầy trò loanh quanh ngắm cảnh, chỉ tiếc một điều mùa mưa nên nước sông đỏ ngầu nhìn không thiện cảm lắm. Nếu là mùa khô, nước xanh trong, dịu dàng chảy, có lẽ tạo nhiều cảm xúc cho khách  du lịch hơn. Cũng đã gần 12 giờ. Lấn và Lộc mời vợ chồng mình và Lợi quay về khu nhà sàn dùng bữa trưa và nghỉ ngơi. Trước khi ăn trưa, Lấn đưa mình đến cửa hàng bán những sản phẩm lưu niệm của cô học trò Ama thế hệ sau. Lấn mua tặng mình một thang thuốc Ama Kông, 2 con voi bằng gỗ chít màu đen tuyền, và đặc biệt tặng hai sợi lông đuôi voi để thầy cô được may mắn. Mình rất vui không phải vì được tặng những vật phẩm trên mà là ở tình cảm của Lấn của Lộc, những học trò cũ hơn 30 năm gặp lại. Theo lời kể của rất nhiều người, mình tin sợi lông đuôi voi có sự kì diệu của nó. Mình vui vì tình nghĩa  của các em. Nhưng trong niềm vui của mình có gợn một chút buồn. Đấy là khi cô chủ cửa hàng đưa một mẩu cuối đuôi voi, lông thưa thớt cho Lấn, bảo đây là đuôi voi đực đã già tuổi. Lông đuôi này mới hiếm quý. Nhìn khúc cuối đuôi voi, tự dưng mình nghĩ đến sự ứng xử của con người đối với voi mà lòng gợn chút suy tư.  Có người muốn xin một sợi lông đuôi phải quỳ xin, đến khi Ông Voi đồng ý mới được lấy. Cách ứng xử này thuộc về tín ngưỡng tâm linh, tín ngưỡng bái vật của thời cổ. Có người săn voi lấy ngà, lấy cả đuôi và lấy... Nhưng cũng có người chặt trộm đuôi voi để bán từng sợi lông thiêng... 

        Xong đâu đấy chuyện các tặng phẩm, thầy trò cùng ăn trưa. Năm người chọn một chiếc bàn kiểu thấp như sập gụ nhưng không kiểu cách, không hoa văn, đặt trên hai chiếc chiếu trải lên sàn gỗ ở sát lan can. Buổi trưa gồm gà nướng, cơm lam, heo rừng, canh chua cá lăng - một loại cá đặc sản Tây Nguyên - sống ở thượng nguồn sông Sê-rê-pôk, ăn với bún. Bữa ăn sẽ mất ngon, mất hương vị đặc trưng của Buôn Đôn, nếu thiếu một cốc rượu thuốc Ama Kông. Để không thiếu màu sắc, hương vị đó, Lấn đã gọi một be rượu đóng trong hộp màu vàng khá bắt mắt. Hộp đựng bình rượu bằng đất nung màu da trâu, có hàng chữ tên sản phẩm, và có cả 6 cái chén nhỏ cũng bằng đất nung cùng màu. Lộc mở hộp, khui bình rượu, rót ra các cốc nhỏ. Năm người nâng cốc chúc mừng hội ngộ, chúc mừng cuộc vui hôm nay. Sau chút cay nồng rất nhẹ của chất nước màu nâu sậm đại bổ, mọi người  bắt đầu thưởng thức các món ăn. Trước hết là món gà nướng. Nghe đâu loại gà này nuôi rất công phu, phải thả rông trong vườn, cỏ non và sâu bọ làm cho gà béo lên nhưng không nhiều mỡ mà chắc thịt hơn. Không hiểu kĩ thuật nướng thế nào nhưng nhìn những miếng thịt gà vàng ươm mà ai cũng có cảm giác dịch vị đang tiết ra khiến dạ dày cồn cào. Bây giờ chẳng ai “khách sáo” nữa. Đôi tay được dịp phát huy chức năng cầm nắm của nó. Ăn một miếng thịt gà nướng, rồi thưởng thức một miếng cơm lam mà chất liệu là nếp thơm dẻo nấu với nước suối trong ống nứa ngô non, vị thơm của nếp chín pha lẫn hương nứa xanh, hòa quyện với vị béo của thịt gà khiến vị giác trở nên tinh tế hơn, cái phàm ăn bắt đầu lấn lướt tư tưởng “ăn lấy hương lấy hoa”. Mà ai có thể cầm lòng được trước sự quyến rũ của món ăn đặc sắc như vậy. Rồi thịt heo rừng chấm muối giã ớt xanh. Lâu lắm rồi mình mới được nếm lại cái vị thịt heo rừng này. Da trông dày mà trong, thế nhưng cứ giòn và mềm tưởng chỉ cần nhai thật nhẹ cũng “tan” trong miệng rồi. Để khỏi mất cái ngon của cá lăng, mình tranh thủ ăn khi tô canh chua còn bốc khói.  Bỏ vào chén một ít bún, chang nước canh, không quên măng chua và thịt cá. Chén bún tỏa mùi thơm ngọt, càng thơm ngọt hơn khi dùng một miếng cá lăng. Thịt cá béo và thơm, nước rất ngọt thấm tháp khiến mình cảm giác thú vị, nhất là khi ăn kèm với bánh tráng Tây Nguyên.

          Vừa ăn vừa trò chuyện, vừa thưởng thức vị ngon của thức ăn, của rượu trong căn nhà sàn trên mặt sông thoáng mát, ai cũng cảm giác say say, lâng lâng. Một bữa ăn thú vị, đầm ấm có hương vị riêng. Đây mãi là ấn tượng khó quên về Buôn Đôn, về những học trò cũ của mình. Cám ơn Tạ Quang Lấn và Lê Quang Lộc đã thiết kế một chuyến rong chơi nhớ đời. Cám ơn Lấn về những tặng vật, cám ơn Lộc đã chịu thương chịu khó bấm máy để có những bức ảnh kỉ niệm Buôn Đôn. Những có lẽ, cám ơn đời, vì  tình nghĩa thầy trò vẫn còn hiện hữu, chứ chưa trở thành hoài niệm đau thương.


    Nhưng … lại chép miệng : “Tiếc quá”! Đã hơn 15 giờ. Mà thôi, phải quay về thành phố, chuẩn bị cho chuyến bay Buôn Ma Thuột - Đà Nẵng vào 7 giờ 45 sáng mai.
Hoàng Dục
BMT, 16-6-2013;
ĐNg, 1-7-2013.  
_____________________    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét