Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

443. BÀN GÓP

      Đọc “Cái cười của thánh nhân” của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, ở phần thứ hai, tạm gọi là những mẩu chuyện u mặc của người xưa, thấy truyện nào cũng ý nhị, tạo tiếng cười nhẹ nhàng mà thâm trầm thấm đậm chất phương Đông. Thế là “lòng thích tay ngứa” lẫy ra một truyện ngẫu nhiên như “bói Kiều”, và truyện này hiển hiện trước mắt:
      Truyện 11: THỔI SÁO 
     Vua Tuyên Vương nước Tề thích nghe thổi sáo, và lúc nào muốn nghe, bắt ba trăm người cùng thổi một loạt. Trong ba trăm người ấy có Đông Quách tiên sinh không biết thổi nhưng cũng tạm dự kiếm cơm.
      Đến khi Tuyên Vương mất, Mẫn Vương nối ngôi, cũng thích nghe thổi sáo, nhưng chỉ muốn nghe riêng từng người. Đông Quách thấy thế tìm đường trốn trước.

                                           Hàn Phi Tử
      1. Lời bàn của Thu Giang Nguyễn Duy Cần:
      Thời nào và ở đâu mà chẳng có hạng người như tiên sinh Đông Quách này. Có điều Đông Quách tiên sinh của Hàn Phi Tử còn ít nhiều liêm sỉ: biết thân mà chuồn trước. Nhưng đó cũng là nhờ có người như Mẫn Vương biết nghe nhạc. Đông Quách ngày nay đã chẳng những quá nhiều, mà họ lại còn “thổi mạnh” hơn ai một cách vô cùng trơ trẽn để trưng bày cái dốt của họ khi bị bắt buộc “thổi” riêng không chút ngượng ngùng, là vì họ được phần đông người không thông nhạc ca ngợi không tiếc lời: hễ nói nhiều là hay, dù là người dốt. Quả là một trò hề độc đáo giữa người đóng kịch và người xem kịch.
      2. Bàn góp:
      Lời bàn của Thu Giang quả sâu sắc nước đời vừa cụ thể vừa khái quát, vừa xuôi thuận, vừa nghịch ngược. Có thể nói, qua một giọt nước, người bình đã thấy biển lớn. Cái câu kết “Quả là trò hề độc đáo giữa người đóng kịch và người xem kịch” đã xâu chuỗi sự thật của muôn đời, của tấn trò đời đang diễn ra hàng ngày trên quả đất này.
      Thế nhưng, kẻ chữ nghĩa lõm bõm này lại nghĩ: Trước hết, để hiểu đúng cái nghĩa lí u mặc của thánh nhân gởi gắm trong truyện, phải xác định nhân vật chính là ai, chủ đề trung tâm của truyện là gì? Qua nhan đề “Thổi sáo”, qua các tình tiết “không biết thổi nhưng cũng tạm dự kiếm cơm”, “tìm đường trốn trước”. Nếu nhan đề là “Nghe sáo” thì nhân vật trung tâm là Tuyên Vương và Mẫn Vương? Cho nên, vấn đề chưa hẳn là Mẫn Vương “biết nghe nhạc” hay Tuyên Vương không biết nghe nhạc. Nghe từng người hay nghe ba trăm người cùng diễn tấu chưa hẳn nói lên được đầy đủ kiến thức âm nhạc, năng lực thẩm âm, sự tinh tế trong thưởng thức âm nhạc của người này hay người kia, mà đó đơn thuần có thể là sở thích. Còn xét về Đông Quách, ba trăm người trình tấu hay từng người trình tấu chỉ là cơ hội thuận lợi hay không thuận lợi với ông ta mà thôi. Đó là cơ hội trà trộn, lập lờ đánh lận để “tạm dự kiếm cơm”. Tất nhiên, không ai không thấy Đông Quách tiên sinh “còn ít nhiều liêm sỉ”. Nhưng nếu đặt trong nền tảng tư tưởng của Nho gia, cái người gọi là “tiên sinh”, tức là kẻ có học ít nhiều chữ nghĩa thánh hiền kia, đã xa rời, đã chối từ đạo lí của người xưa “bần tiện bất năng di” (nghèo khó không thay đổi lối sống). Cho nên cái đáng trách là trách Đông Quách tiên sinh, trách một con người có học lấy cơ hội chủ nghĩa làm phương cách sống. Suy cho cùng cái tấn trò đời diễn ra như thế nào là bởi nhân cách của từng con người cụ thể, văn hóa ứng xử của từng cá thể trong xã hội. Ví như ngày nay, chuyện “chiêu hiền đãi sĩ” là nên làm, nhưng người chiêu hiền lợi dụng người tài để vinh danh chính mình, người được chiêu hiền thì không bỏ lở cơ hội để no cơm ấm cật, để dễ dàng chui vào cái “vòng danh lợi cong cong”. Như vậy, nên hư đều ở con người cá thể có đạo lí, nhân cách hay không.
      Mà thôi bàn góp cũng chỉ là góp bàn. Đã là con người thì ai cũng có thể thế này thế kia, vấn đề cơ bản là có biết “tìm đường trốn trước” như Đông Quách tiên sinh không. Cái đáng buồn về con người là khi họ như nhà toán học, triết gia người Pháp B. Pascal đã nói : “Người đâu phải là một ông thánh, cũng đâu phải là một con thú. Và khốn nạn thay, kẻ chỉ muốn làm ông thánh lại biến thành con thú”. 
      Hoàng Dục
      3-7-2013
      ___________ 

2 nhận xét:

  1. Nên photocopy chuyện Thổi Sáo này phát cho các đại biểu quốc hội chxhcnvn xem đở buồn ngủ khi họp :-)

    Trả lờiXóa
  2. Đề nghị hay, nhưng có gan... không?

    Trả lờiXóa