Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

444. NHỚ VÀ GHI : ĐẠI BƯỜNG - HÒN KẼM ĐÁ DỪNG

     Dạo này cứ thích rong chơi. Vì vậy, nghe nói đi Đại Bường (âm Đại Bường nghe sướng và lạ hơn Đại Bình), Hòn Kẽm Đá Dừng là đưa cả hai tay, vội bảo bà xã đăng kí với chi hội hưu trường Trưng Vương vào ngày Chủ nhật, 30 tháng 6 năm 2013. 
      Buổi sáng, 5 giờ 30 lên xe ở trước trường THCS Trưng Vương, 6 giờ hơn ăn bún xương bò hầm, uống cà phê tại quán Mười ở trên quốc lộ 1A, phía bắc cầu Câu Lâu cũ. No nê, mọi người lên xe, tự dưng có tiếng hỏi : “Tại sao ở đây gọi là cầu Mống?”. Không ai trả lời! Kể cũng lạ, lắm lúc con người sống như một thói quen, chẳng quan tâm đến những cảnh vật, những địa danh, những tên gọi thân thuộc, bình dị quanh mình. Mình nào khác chi. Đôi khi đang đi, ai đó nhờ chỉ đường cứ lớ ngớ, đường đó đã đi rồi mà chẳng chú ý tên nên không biết ở đâu. Nhà một ông bạn từng lui tới dầm đề, bảo gọi tên đường cụ thể, không biết. Đứa cháu thân thiết, tên khai sinh của nó là gì chẳng biết, chỉ nhớ là Bi, là Cu Tí, là Xíu… Về, đem câu hỏi này nhờ một anh bạn chỉ giáo, được trả lời : “Thời Pháp thuộc, muốn qua cầu Câu Lâu phải qua cầu Mống. Cầu Mống không dài, có cái tên gọi ấy vì nó hình cong như cầu vồng. Chả là khúc sông này chia hai nhánh, nên có hai cầu tiếp nối nhau. Sau này công binh Việt Nam Cọng Hòa xây dựng gộp thành một cầu là Câu Lâu cũ (phân biệt với Câu Lâu mới) nên cầu Mống không còn”. Nghe giải thích, đúng sai thế nào chưa rõ, nhưng cũng thấy thú vị. Thú vị nhất là kí ức dân gian. Không rõ cư dân Vĩnh Điện thế hệ khoảng 40 tuổi có biết cầu Mống không, nhưng cây cầu ấy vẫn sống trong sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt khi nói đến đặc sản bò tái. Bò tái quán Mười, bò tái quán Lép cầu Mống… đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, người ở ta biết đã đành mà người ở tây càng hiểu rõ hơn. 

      Xe vừa lăn bánh, lại có người lên tiếng : “Chà , cầu Cao Lâu”. Có tiếng khác cười cợt : “Cao lâu với chả với chả cao lầu, cứ nghĩ đến chuyện ăn nên sửa bậy sửa bạ tên người ta. Cầu Câu Lâu, bà ơi”. Nhiều tiếng cười cùng phá lên. Nghe chuyện, chợt nhớ đã đọc đâu đó sự tích cầu Câu Lâu. Kể cũng thú vị thật trước thế giới tâm hồn bay bổng, tình nghĩa và tràn trề niềm tin vào cái đẹp của con người và cuộc đời của dân gian. Trong thế giới của dân gian, những sự vật hiện tượng đều được họ thổi hồn vào, đúng hơn họ đem tâm tình của họ mà  thác gởi trong từng sự vật. Cho nên, sự vật nào cũng mang màu sắc huyền thoại, chuyên chở điệu hồn, vẻ đẹp tình nghĩa của người dân Việt bình dị mà cao cả. Câu Lâu, nếu là tên thì chỉ là tên, nhưng nhìn từ góc độ hằng số văn hóa duy cảm, duy tình của người Việt thì nó là trang văn hóa đẹp. Trang văn hóa đó trước hết vang vọng trong một câu ca dao :
        Bao giờ cầu Mống gãy đôi,
        Sông Thu hết nước em thôi thương chàng
.
      Câu ca dao đúc rút từ một câu chuyên thương tâm nhưng mãi sáng đẹp tình vợ chồng thủy chung son sắc của người bình dân Việt Nam. Câu chuyện kể về một gia đình nghèo không biết ở đâu đến ngụ cư ở bờ sông Chợ Củi (sông Thu Bồn, đoạn ở cầu Mống). Người vợ chăm bón vườn rau, nuôi con; người chồng câu cá đổi gạo nuôi sống gia đình. Một đêm người chồng ra ngồi câu trên tảng đá quen thuộc ở bờ sông. Lũ đột ngột kéo về, bờ sông sụt lở, cả người và tảng đá bị nhấn chìm trong dòng nước chảy xiết đục ngầu. Người vợ ở nhà chờ đợi, miệng cứ lẩm nhẩm : “Câu gì mà lâu thế”. Cuối cùng sốt ruột, bồng con ra bờ sông tìm chồng. Nhìn bờ sông, nhìn dòng lũ quét, người vợ hiểu cơ sự. Đau lòng, người mẹ ấy ôm con khóc nức nở, rồi lao mình xuống dòng nước. Cảm động trước tình nghĩa vợ chồng chung thủy của họ, dân địa phương đặt tên cho cây cầu bắc qua bờ sông Chợ Củi là cầu Câu Lâu. 

      Đèo Le. Hơn 7 giờ. Con đèo hẹp, dài và quanh co dữ. Thêm nữa, đường đã hư hỏng nhiều, có đoạn người ta đang làm đường. Bê tông dày hơn 20 phân được đổ dọc một nửa con đường, nhưng chưa đâu vào đâu cả. Phần đường bê tông có nhiều quãng đứt đoạn rất dài. Nhìn cách làm thủ công của công nhân mà ngán ngẫm, kiểu này bao giờ mới có mặt đường mới đây. Năm năm, mười năm hay hai mươi năm… Xe cộ chỉ chạy ở nửa con đường chưa thi công, chiếc này chạy chiếc kia dừng, không chỉ là nhường đường cho nhau mà hình như để có khoảng khắc ngắm cái khoa học cầu đường tiên tiến của xứ ta! Mải vẩn vơ, bỗng một người quen hỏi: “Ông có biết vì sao đèo này có tên là đèo Le không?”. “Chắc là… Không le lách nhiều, thì leo đèo mệt le lưỡi cóc nên gọi tên như vậy chứ gì!”. “Không, tên một kĩ sư người Pháp mở đường đèo này đó”. “Thông tin mới đây, kể nghe với”. Người quen rỉ rã kể: “Có anh bạn người ở đây, cùng khóa Đại học sư phạm với mình, sau năm 1975, do là sĩ quan biệt phái nên đi học tập cải tạo, về hành nghề xe thồ để sống. Có lần anh chở một anh chàng nói giọng Bắc, có lẽ là bộ đội từ Trung Phước đi ra Hương An. Xe đến đèo Le, người đi xe hỏi: “Bác có biết nguồn gốc tên đèo này không?”. Anh bạn mình bảo không rõ lắm. Anh kia mới giải thích : “Tôi hoạt động vùng này trước bảy lăm, tôi rành lắm. Đèo này có tên như thế vì ông kĩ sư người Pháp thiết kế đường đèo tên là Đờ Ne. Ông này có em cũng là kĩ sư tên là Đờ Nách, xây dựng cầu Đờ Nách dưới Đà Lẵng…”. Anh kia chưa dứt lời, anh bạn mình bỗng cất tiếng : “Ờ, há… Thế thì tôi biết rồi, hai ông kĩ sư Pháp ấy còn có thằng em tên là Đờ Ngu…”. “Ông em này làm gì, ở đâu?”, người đi xe thồ hỏi. Anh bạn mình dấm dẳng : “Anh ta… ngồi sau xe ấy”. Lại phá lên cười… Chỉ là chuyện khôi hài. Vẫn không rõ lại lịch tên đèo!
      Khoảng 9 giờ kém 15, xe đến Trung Phước. Mọi người kéo nhau xuống bến đò sang Đại Bường. Ba mươi người lên, đò chạy, một người bảo : “Đò này mỗi chuyến chỉ chở 15 người”. Nghe… mà ghê!  Cũng an toàn cập bến cát lên làng. Cái cổng làng nhiều bậc cấp cao, có vẻ sâu hun hút sau hai bờ tre. Đặt chân lên Đại Bường, đi giữa hai hàng chè tàu, mới cảm nhận được cái không khí yên bình, nét đẹp trù phú của nó. Nơi đây như lời giới thiệu, chiến tranh hầu như bỏ quên, chỉ có những trận lụt là không quên. Người dân lo đối phó với thiên tai hơn là nhân tai.  Ở đây, nhà nào cũng là nhà vườn kiểu Quế Trung chứ không phải là nhà vườn Huế. Đặc biệt, vườn cây ăn quả Đại Bường là nơi họp mặt của các cây trái miền Nam và miền Trung. Có lẽ, vì thế mà cư dân Đại Bường hiền hòa, hiếu khách, thân thiện, luôn mở lòng ra mà sống chăng. Thuyết “Địa tâm lí” này nghe chừng cũng thuyết phục! Trời chang chang nắng, nhưng ở Đại Bường vẫn râm mát. Những bóng cây dịu dàng che cho người cho đất, đến lượt đất và người góp sức chăm lo cho sức sống của cây. Đất - người và cây cứ quan tâm đến nhau, sống vì nhau (nói không ngoa) đã tạo nên cái chất Đại Bường, văn hóa Đại Bường chăng?
      Mười hai giờ 30, lên thuyền ngược Thu Bồn. Mùa này mặt nước sông hình như thu hẹp lại khiến bờ bãi như bị đẩy xa hơn. Thuyền gần chui qua cầu Nông Sơn. Nhìn xa, chiếc cầu lêu khêu cảm giác chông chênh thế nào ấy. Nhìn  từ dưới lên, bề ngang thân cầu chỉ như gang tấc. Nghĩ  mà thấy lạ. Hình người ta xây cầu để cho các em học sinh đi nhằm tránh lặp lại tai nạn thảm khốc, chứ không vì sự phát triển lâu dài của huyện Nông Sơn. Bằng chứng là dưới chân cầu vẫn còn những phà kéo dành cho xe trọng tải lớn qua khu công nghiệp! Và hình như người ta sợ mất đi cái hùng vĩ của những vách đá dựng đứng nên xây cầu nhỏ tạo cấu trúc tương phản tôn thêm sự hoành tráng của núi non.  Thuyền lại chuẩn bị qua chiếc cầu treo ngang sông. Hỏi người lái thuyền, được biết tên cầu là Thạch Bích Đá Ngang. Chiếc cầu thanh mảnh khiến quang cảnh sông nước núi non càng thêm thơ mộng. Thuyền càng lên thượng nguồn, núi non càng hùng vĩ. Thử nhìn vào định vị, thuyền khởi hành từ xã Quế Trung ngược lên Quế Ninh bây giờ là xã Hiệp Hòa.  Bao nhiêu người tả những vườn dâu tươi tốt hai bên bờ sông, nhưng quãng này dưới thuyền nhìn lên chẳng thấy. Chỉ thấy nương ngô, núi non dựng đứng, thi thoảng có  bãi cát trắng nằm mơ màng bên dòng sông. Trên sông những  con thuyền nhỏ đánh bắt thủy sản cũng lẻ loi như những con thuyền gia đình nằm im bên bờ cát. Cảnh nên thơ nhưng cuộc sống chẳng thơ chút nào! 

       Thuyền bỗng chậm lại rồi quay mũi. Nhiều giọng hỏi vang lên : “Đã đến Hòn Kẽm Đá Dừng rồi sao?”.  “Đến rồi”, chủ thuyền bảo. “Vậy à, hèn chi gọi là Đá Dừng. Ở đây đá chẹt nhẹ lòng sông, thuyền phải dừng lại”, một chị nào đó lên tiếng. “Không, Đá Dựng chứ, ở đây đá dựng đứng mà”, một người đàn ông góp lời. Gì thì gì, sông ở đây rất đẹp, nhưng người nào có tâm trạng xa quê, buồn cô đơn khó mà cầm lòng, không đồng điệu với câu ca dao:
        Ngó lên Hòn Kẽn Đá Dừng
        Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi
.
      Còn nếu không có tâm trạng đó, thì khó rứt ra khỏi cảnh. Chẳng trách gì có câu ca dao nối lời:
        Thương cha nhớ mẹ thì về
        Nhược bằng thương cảnh nhớ quê thì đừng. 

      Phải chăng đó là lời mời gọi của Hòn Kẽm Đá Dừng đối với những ai muốn phiêu lãng giữa sơn thủy hữu tình.
      Hoàng Dục
      5 - 7 - 2013
      ____________  

2 nhận xét:

  1. Còn gì bằng cuộc rong chơi ,
    Bê thui : Bảy Lép , quán Mười đều ngon ...
    Đúng là đôi vợ chồng son ,
    Về hưu ...vãn cảnh nước non đã đời .
    Hình 2 , tình tứ tuyệt vời ,
    Hình 3 : " quả mít " nhớ lời Xuân Hương .
    Xin đừng ... bổ mít giữa đường ,
    Lỡ như dính mủ ...vô phương thay quần ....Hì hì ...

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bạn đã ghé chơi
    Bê thui trên giấy sao mời bạn đây
    Thôi thì viết mấy dòng này
    Mủ Xuân Hương không dính chỉ dính tình bầy bạn thôi...

    Trả lờiXóa