1. Khoảnh khắc Đá Nhảy.
Kì nghỉ ngắn ngủi chỉ còn lại mấy ngày cuối, 29 tháng 7 phải đi làm lại rồi. Mặc thời gian nghỉ gần hết, mặc thời tiết dự báo sẽ làm mình làm mẩy, mặt mày không tươi, cũng tranh thủ làm một chuyến về Bắc miền Trung với những người cùng chí hướng “ngao du ngày tháng”.
Lúc trời vừa tảng sáng, chuyến đi bắt đầu. Xe bon trên quốc lộ 1, buổi sáng dừng lại điểm tâm tại quán bà Sửu ở Truồi, buổi trưa cả đoàn nghỉ ở quán bên đường thiên lí thuộc địa phận huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Quán xây dựng theo kiểu nhà sàn hay gọi là kiểu nhà thủy tạ cũng được bởi nó nằm trên một bờ hồ rộng bao la. Vị trí địa lí ấy đã trở thành tên quán : quán Bờ Hồ. Vào ăn cơm, khách có thể thoải mái chọn bàn ăn. Nếu không thích bị bó gối thì chọn bàn cao, còn nếu muốn hóa thân thành người Hàn Quốc hay Nhật Bản trong giờ ăn thì chọn bàn thấp. Tất nhiên, ở Hàn Quốc hay Nhật Bản, người ta không làm bàn gỗ tạp, không trải chiếu cói như ở Việt Nam. Cho nên, khách dù ngồi bàn ăn kiểu nước ngoài nhưng vẫn không cảm giác “mất gốc”, ngược lại vẫn giữ được tính dân tộc đậm đà. Tính dân tộc càng đậm đà hơn qua món ăn, trứng vịt tráng, rau khoai luộc chấm nước mắm, gà ta kho gừng… Và ăn xong, khách có thể thưởng thức một ly nước chè xanh vị chát nhưng khi qua khỏi cổ để lại cái cảm giác ngòn ngọt rất thú vị.
Ở quán này, có một điều thú vị nữa mà khách nên biết, đó là trước hay sau khi ăn, khách có nhu cầu tẩm quất sẽ được các bàn tay nhỏ nhắn của các cậu bé khoảng 10 - 11 tuổi làm cho tan đi cái mệt mỏi sau một đoạn đường dài ngồi xe. Thời gian tẩm quất dài ngắn tùy theo mệnh giá đồng bạc mà khách đưa ra trước khi vào cuộc. Các cậu bé trông nhỏ thó, đen đen thế nhưng rất thành thuộc trong nghề, biết dừng lại đúng lúc theo thời khắc của đồng hồ tiền. Nói như thế không có nghĩa là chất lượng tẩm quất kém, vấn đề ở đây chỉ là thời gian ngắn dài thôi. Các cậu bé chăm sóc khách hàng tận tình lắm. Tay các cậu vừa đấm nhẹ nhẹ lên lưng khách, miệng vừa liếng thoắng trò chuyện theo lời khơi mào của khách, khiến không khí giòn giã, khách sẽ có được cái cảm giác khỏe khoắn đến không ngờ. Chỉ có điều, khi trò chuyện với các cậu bé, khách chỉ nên hỏi những điều giản dị và gần gũi với sự trải nghiệm kiếm sống thôi. Chỉ với những câu hỏi trong phạm vi ấy, khách sẽ được các cậu trả lời rành rõ bằng giọng điệu vui tươi và lém lĩnh. Còn nếu nói chuyện học hành thì các cậu học trò lớp năm, lớp sáu ấy cũng sẽ không giấu “lỗ hổng kiến thức” to tướng của mình. Lúc ấy, nếu khách đa cảm một chút sẽ cảm giác buồn buồn và tệ hại hơn, bao nhiêu ngón nghề tẩm quất đặc sắc của cậu bé sẽ trở nên vô nghĩa! Cuộc mua vui trong mấy khắc giờ thế là tan chảy theo “chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình”!
Ăn trưa nghỉ ngơi xong, khách tiếp tục hành trình. Xe qua Thành phố Đồng Hới, đến cầu Nam Đèo, lên dốc Lý Hòa rồi chầm chậm xuống dốc chuẩn bị rẽ phải vào một khoảng đất trống. Nơi đây có những hàng quán phục vụ khách tắm biển và khách ngoạn cảnh Đá Nhảy. Biển ở đây chưa có bàn tay khai phá của con người, còn mang dáng vẻ tự nhiên. Ngay cảnh quan Đá Nhảy cũng thế. Nếu khách tản bộ trên bãi biển, đứng xa mà nhìn dãy đá núi ăn ra tận chân sóng sẽ chẳng thấy gì cả. Khách sẽ buộc miệng, có gì đâu rồi chán nản quay gót. Nhưng nếu chịu khó một chút, càng đến gần càng thấy những khóm đá tạo thành từng mảng, từng khối như nhảy lên vai nhau, ngồi trên lưng nhau; tảng này đội tảng kia, hòn này cõng hòn nọ,… tạo thành những hình thù rất sinh động. Đi qua lớp đá cổng ngõ, càng đi sâu hơn, khách càng chứng kiến nhiều khóm đá khác nằm dọc theo bờ biển, sát mép nước, để rồi cảm giác mình đang lạc giữa thế giới động vật đá. Đây là một con cóc đang ngồi chồm hổm trên mặt sóng ngoác miệng gọi “cháu trời”. Đó là con voi đang dầm chân trong nước biển, nghếch đôi ngà lên, mơ màng nhìn mây trắng đang bồng bềnh trên trời xanh. Kia là hai con gà đang nép mình vào nhau trông rất âu yếm. Nọ là cái Yoni do nhiều tảng đá chồng lên nhau sừng sững giữa bãi cát vàng làm chứng tích cho tư tưởng phồn thực Việt Nam…
Chiều đã về trên biển. Đá Nhảy… Ai đó trầm trồ khen bàn tay tài hoa của tạo hóa. Đá Nhảy một ấn tượng đẹp, ai đó chép miệng. Ai đó hoan hỉ kết luận : Đá Nhảy, kết thúc trọn vẹn và đẹp một ngày vui chơi… Và ai đó dùng dằng : Đá Nhảy đành chia tay…
Cả đoàn lên xe quay về Đồng Hới nghỉ ngơi,… để ngày mai lên suối Mo ọc.
Hoàng Dục
30-7-2013
________________________________
Bạn mình ngược Bắc miền Trung ,
Trả lờiXóaBạn bè không nhảy , nhảy cùng đá thôi .
" Ngao du ngày tháng " đã đời ,
Ai đi Đá Nhảy ...bạn tôi đang chờ ...Ha ha ...
Đá Nhảy, nhảy đá Quảng Bình
Trả lờiXóaCám ơn bạn có lời bình luận vui