Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

454. NGƯỢC BẮC MIỀN TRUNG

      2. Mưa đêm Đồng Hới
      Đêm Đồng Hới lưa thưa mưa. Đứng trên tầng ba nhà nghỉ Hằng Nga ở đường Nguyễn Du nhìn ra sông Nhật Lệ, những ánh đèn ở vườn hoa không đủ soi tỏ mặt nước sông. Ngay cả ánh đèn nhiều màu trên cầu Nhật Lệ và những cột màu thẳng đứng đăng đối dưới thân cầu, trong làn nước, cũng chỉ tỏa sáng một vùng hẹp và dài. Cả một vùng nhờ nhờ tối lốm đốm những nét sáng vì phản chiếu ánh đèn ướt mưa nhòa nhạt. Và rời rạc đây đó một và chấm đèn đỏ nhấp nháy, hình như trên một thuyền chài đang di chuyển chậm chạp, khiến đêm trên sông càng thăm thẳm hơn; nhịp điệu thành phố hình như cũng lắng trầm hơn.  
      Ngắm nhìn quang cảnh đêm mưa, tự dưng lẩn thẩn với câu nói của người xưa : “Vũ vô thiết tỏa năng lưu khách” (Mưa không phải là khóa sắt mà giữ được chân khách). Giá như không mưa sẽ dạo một vòng nhìn lại cảnh quan ngày trước, xem bây giờ đổi thay thế nào. Cũng đã lâu rồi… Bánh xe lịch sử vẫn quay theo chiều lịch sử…
      Ngày ấy, mình đã đến trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Bình này cũng hơn ba lần. Lần thứ nhất vào năm 1992, các Tổ trưởng Trường chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng ra học hỏi kinh nghiệm của Trường chuyên Lam Sơn Thanh  Hóa đã nghỉ đêm nơi này. Lần thứ hai, cùng các anh trong đoàn của Sở Giáo Dục và Đào tạo Đà Nẵng gồm anh Quế, anh Mai Chánh Trí, Võ Quang Đa, Nguyễn Văn Gia, được Bộ cử ra công tác thanh tra thi Tốt nghiệp THPT ở Nghệ An trở về, ghé lại vào buổi trưa trên cửa biển năm 1997. Lần thứ ba cùng gia đình các cháu, con người chị, đi Hà Nội - Quảng Ninh năm 2002. Trong những lần ở đây, lần đầu tiên để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Sau khi “chén bạn chén thầy” hết mấy thùng bia do anh Đoàn Văn Đáng - bạn học B2 Phan Châu Trinh - đang đấu thầu và thi công một khách sạn ở đây mời, anh em chia nhau tản bộ ngắm cảnh ngắm người Đồng Hới. Người thì về phía biển, người lên hướng chợ. Mình chọn chợ, không phải vì “muốn tìm vợ” mà vì ở đấy có tượng mẹ Suốt.  Bài thơ “Mẹ Suốt”, đúng hơn là “Mẹ Suốt diễn ca” của Tố Hữu đã xui mình tìm đến với tượng đài của người mẹ thời chiến tranh này. Đứng trước tượng đài, cảm hứng anh hùng về hình tượng mẹ Suốt trong thơ hầu như bay biến hết, nhường chỗ cho một cảm xúc âm tính về một hình tượng điêu khắc thấp bé, rêu phong lọt thỏm giữa đất trời sông biển bao la. Nhất là khi tượng được đặt ở bến sông gần chợ cá. Không biết đây có phải là cái bến mà mẹ Suốt “Một tay lái chiếc đò ngang” không?  Có lẽ là vị trí này. Có lẽ người ta muốn mẹ đứng đây vừa hồi tưởng quá khứ vừa nghe tiếng vọng về của thơ Nguyễn Trãi : “Lao xao chợ cá làng ngư phủ - Dắng dõi cầm ve lầu tịch dương” để rồi mơ tưởng xa xăm : “Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng - Dân giàu đủ khắp đòi phương”.
      Từ một cảm xúc không vui trước tượng mẹ Suốt, trở về nhà nghỉ Nhật Lệ mà cứ vẩn vơ mãi, trằn trọc dễ chừng đến 11 giờ mới chợp mặt. Vừa chợp mắt đã nghe tiếng gõ cửa phòng. Định mở cửa, anh bạn nằm bên nói nhỏ : “Đừng mở, “vạc kêu sương” đó”. Lại nằm im thao thức. Lại gõ cửa nữa. Anh bạn nằm bên bực mình càm ràm chửi đổng, chửi xong quay sang bảo : “Ở đây nó thế. Gái gú cứ mời mọc thâu đêm. Mấy ông bạn trải nghiệm cho rằng muốn phân biệt gái chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp ở đất này phải dựa vào tiêu chí “mùi bùn”. Cô nào đứng bên mà sực nức mùi bùn thì y như là “nông thôn thiếu nữ” tranh thủ kiếm tiền vì nghề nông không đủ sống”. Rồi anh ta cười khùng khục : “Ông thấy vấy bùn cũng có mặt tích cực ấy chứ. Còn nếu tự hào suông như bông sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” làm sao rạch ròi chân giả.”. Nghe anh bạn nói càng không vui, tự dưng câu thơ Tố Hữu ùa về làm tối ý nghĩ : “Răng không cô gái trên sông - Ngày mai cô sẽ từ trong ra ngoài - Thơm như hương nhụy hoa nhài - Sạch như nước suối ban mai giữa rừng (…) Cô ơi tháng rộng ngày dài - Mở lòng ra đón ngày mai huy hoàng” (Tiếng hát sông Hương). Hiện thực và lãng mạn quá chênh vênh!...


      Đang mưa nhẹ hạt. Nhưng bây giờ muốn đi xem phố xá cũng chả thú vị gì. Hơn nữa, một mình đi dưới mưa để ngắm đêm phố phường có lẽ không còn thích hợp nữa. Đành hướng mắt ra xa. Ở bên kia bãi biển Bảo Ninh có ánh đèn đỏ xanh nhấp nhánh trên cao. Nhìn xuống đường Nguyễn Du, chẳng còn ai đi lại. Đèn vườn hoa vẫn lặng lẽ soi cho hoa cỏ tự ngắm mình. Ngồi nán một chút nữa rồi về phòng. Hẹn với cảnh quan Đồng Hới vào sáng hôm sau. Có lẽ vậy thôi!
Hoàng Dục
1-8-2013
_______________________     

2 nhận xét:

  1. Kiểu này chắc mình phải đi Đồng Hới 1 chuyến !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy thì... phải sắp xếp thôi. Đi là vui, biết nhiều vui...

      Xóa