Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

461. NHÌN NGƯỜI TA GIÁO DỤC


Ngó “người” rèn nhân cách, ngẫm lại mình!
THÁNG TÁM 22, 2013
Ở nhiều nước châu Á, dạy lễ nghĩa cho trẻ rất được chú trọng vì họ quan niệm trước khi dạy trẻ thành “tài”, hãy dạy trẻ có “đức”…
Kim Anh- Bích Lan- Minh Hòa
Ngó “người” dạy đạo đức cho trẻ…
Chúng tôi có may mắn đã được đến Nhật Bản, được đi tham quan nhiều nơi ở đất nước Mặt Trời mọc. Dù đã tìm hiểu trước khi đến đây, nhưng chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng về vẻ đẹp thanh bình, trong lành của nước bạn. Đường sá lúc nào cũng sạch sẽ, hiếm thấy nơi nào có rác trên đường. Mọi người đi đường, lên xe buýt, tàu điện ngầm… đều theo trật tự, không bao giờ có sự chen lấn, xô đẩy.
Trong lần đến tham quan một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Nhật, chúng tôi đang ngồi ngắm cảnh thì thấy một người mẹ trẻ đạp xe chở theo bé gái chừng 5-6 tuổi. Họ dừng xe cách chỗ chúng tôi vài bước chân và cháu bé xuống nhặt cái giấy kẹo mà khách du lịch nào đó đã vô ý ném xuống đất. Hai mẹ con cháu dắt xe đến một thùng rác cách đó không xa, bỏ giấy kẹo vào đó rồi họ lên xe đi tiếp.
Khi mới đặt chân đến Nhật Bản, chúng tôi đã rất ấn tượng với hình ảnh đa số các em bé ở Nhật, thậm chí 2-3 tuổi đi học, đi chơi đều phải tự đeo balo, cầm đồ của mình, đi lại tự tin, đĩnh đạc y như một người lớn thực thụ.
Tôi đem sự ngạc nhiên đó kể lại cho một người bạn là bà Enomoto Aeko được bà cho biết, đây là việc rất bình thường của trẻ con Nhật Bản. Từ bé trẻ đã được giáo dục về sự chăm chỉ, cần cù và ý thức đối với mọi người xung quanh, đối với môi trường. Và cứ thế, giờ đây những việc làm đó như là thói quen của tất cả người Nhật.
Bà Enomoto cho biết, ngay từ bậc học mẫu giáo, trẻ con ở Nhật đã được rèn luyện tính tự lập và học lễ nghĩa khá nhiều. Trẻ 2-3 tuổi đã được dạy biết nói lời cảm ơn và mỉm cười thật nhiều. Với trẻ mẫu giáo và trẻ bậc Tiểu học, các môn văn hóa như Toán, Văn và Tiếng Anh lại không phải là ưu tiên của nhà trường và cha mẹ. Thay vào đó, họ dạy cho trẻ kỹ năng sống, sự trung thực, tự tin và đặc biệt là các môn thể dục, sinh hoạt tập thể.
Mới đây, trong một dịp công tác ở Hàn Quốc, chúng tôi cũng khá ấn tượng với những hình ảnh, hành động không hiếm gặp trên đường. Trong một lần đến thăm Đài Phát thanh truyền hình quốc gia Hàn Quốc (KBS), chúng tôi bắt gặp từng đoàn các bé mẫu giáo cũng xếp hàng đi vào đây để tham gia buổi trải nghiệm thực tế, thử sức làm phát thanh viên và các vai trò khác ở Đài. Nhìn các bé say mê, chăm chú thử sức với “vai diễn” thật đáng yêu. Hầu như bé nào cũng được thử vai và sau mỗi lần như vậy, cả lớp lại cười vang thích thú…
Qua chị Jiny, phóng viên Đài KBS, chúng tôi được biết đây là hoạt động thường xuyên của các trường mẫu giáo ở Hàn Quốc. Đài KBS cũng đã có nhiều khu riêng dành riêng cho các em ngay trong Tòa nhà của Đài. Ngoài những hoạt động này, trẻ con Hàn Quốc thường xuyên có những buổi thực tế như thế này. Qua mỗi buổi học, các em đều cảm thấy thực sự thích thú và sảng khoái.
Trong một lần đi trên tàu điện, tôi ấn tượng với hình ảnh một cháu bé 10 tuổi khi được mời ngồi xuống hàng ghế hàng dành cho người già, người tàn tật vì còn nhiều ghế trống, nhưng cháu nhất quyết không ngồi, chỉ đơn giản là không phải là ghế dành cho cháu.
Chị Bùi Hồng Thủy, Giáo sư có tiếng trong lĩnh vực công nghệ sinh học, hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Konkuc, Seoul, Hàn Quốc cho biết, hồi con gái chị 5 tuổi, bà nội ở Việt Nam sang chơi. Trong một lần dẫn cháu ra đường, thấy có nhiều hoa đẹp, bà định hái vài bông về cắm nhưng bé nhất quyết ngăn lại. Bé giải thích đây là hoa của chung, để mọi người cùng được ngắm và nó không phải là của mình nên không được hái. “Không chỉ riêng các con tôi, mà trẻ con ở đây đều có ý thức vì từ rất bé, cháu đã được học rất kỹ trong nhà trường. Hoặc ngay cả việc ra đường cứ thấy rác là cháu nhặt, chờ đến khi thấy thùng rác thì bỏ vào”.
Chị Thủy nhớ lại, năm 2011, khi Nhật Bản bị động đất, chị thấy con gái mỗi khi đi học về cứ loay hoay làm việc đến tận khuya. Thì ra cháu thiết kế rất nhiều hình lưu niệm bằng vải, ở trên có dòng chữ “wish Japan” rồi đem ra ngoài đường bán lấy tiền ủng hộ các bạn Nhật Bản. “Khi tôi hỏi cháu giải thích là các bạn ở Nhật Bản gặp nạn, cháu phải làm điều gì đó cho các bạn. Còn vì sao để dòng chữ “wish Japan” chứ không phải “for Japan”, con nói rằng người Nhật có lòng tự tôn dân tộc rất cao, nên việc hỗ trợ họ cũng phải được trân trọng. Những việc làm này xuất phát từ tấm lòng, bởi từ bé các cháu đã được học rất kỹ trong nhà trường về sự chia sẻ với cộng đồng, tình yêu thương con người từ chính những hành động cụ thể”.
Chị Thủy và nhiều người Việt sống ở Hàn Quốc đều có chung tâm sự, họ rất hài lòng khi con của họ được sống trong một môi trường giáo dục như ở Hàn. Trẻ con bước vào lớp 1 không phải chạy đua với điểm số, mà các cháu học rất đơn giản, chỉ 3 môn bắt buộc là Âm nhạc, Thể dục và Giáo dục cộng đồng (gần như môn đạo đức ở Việt Nam), còn các môn khác là không bắt buộc. Môn đạo đức được chú trọng ngay từ bé vì Hàn Quốc là một dân tộc trọng lễ nghĩa, họ cho rằng mọi kiến thức, tài năng cũng phải được bắt đầu từ cái gốc là “đạo đức”. Và học Giáo dục cộng đồng để có lòng tự tôn dân tộc, để biết sống, làm việc có tập thể, cộng đồng.
Ngẫm đến mình…
Không phải ngẫu nhiên, sự trăn trở về đạo đức học đường trong thời gian vừa  qua lại được nhiều người quan tâm như vậy. Chia sẻ tại một Hội nghị mới đây, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng bày tỏ sự lo ngại này và nhấn mạnh “việc đào tạo giáo dục đạo đức cho học sinh đang không được coi trọng”.
Giáo sư Hoàng Xuân Sính, một trong những chuyên gia hàng đầu về giáo dục cũng khá lo ngại về vấn đề đạo đức trong học đường hiện nay. Bà cho rằng, trong 12 năm học từ tiểu học đến hết THPT, các trường chỉ làm được việc trang bị kiến thức cho học sinh. Còn trang bị những đức tính con người hầu như bị bỏ ngỏ.
Thực tế, đa số trẻ con Việt Nam hiện nay đang mất dần đi những đức tính rất đơn giản nhưng lại rất quan trọng trong hình thành nhân cách con người. Hiện tượng trẻ em nói tục, trong bữa ăn không mời bố mẹ, ông bà, ra đường thấy người lớn không chào hỏi… là chuyện thường gặp.
Tại cổng các trường tiểu học vào giờ tan tầm, cũng sẽ không hiếm gặp cảnh trẻ đổ xô ra mua đồ ăn vặt ở các quầy bán rong, ăn xong thì vô tư xả rác ra đường. Thậm chí, bố mẹ mang đồ ăn đến đón con ở cổng, ăn uống xong cả mẹ, cả con cứ thế vứt rác một cách tự nhiên, kể cả khi có thùng rác ở bên cạnh.
Ở ngoài đường, kể cả chở trẻ sau xe, nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn không bỏ được thói quen phóng nhanh, vượt đèn đỏ. Còn trẻ ngồi sau xe, sau khi ăn hết món quà vặt bố mẹ mua cho sau giờ tan học, vô tư vứt rác xuống đường.
Mặc dù quy định cho trẻ đội mũ khi tham gia giao thông cũng được ban hành đã lâu, nhưng trên đường trẻ được cha mẹ cho đội mũ bảo hiểm ít hơn nhiều so với trẻ không đội.
Không phải trong trường trẻ không được học cách phải giữ gìn vệ sinh, nhưng với những việc cha mẹ chúng đang làm, dần dần trẻ sẽ quên mất những bài học đạo đức ở trường, và tự cho mình “quyền” được làm như vậy.
Nguy hiểm hơn là việc dạy trẻ con nói dối. Trong đợt ngành giáo dục “cao điểm” ra quân cấm dạy thêm, học thêm, nhiều đứa trẻ được cô huấn luyện cho nói dối một cách thuần thục. Anh Nguyễn Hữu N (Thanh Xuân, Hà Nội) kể rằng, đứa con trai học lớp 1 của anh cứ thắc mắc vì sao con vẫn đi học thêm nhà cô, nhưng cô dặn có ai hỏi thì nói là không học thêm. Và một lần, có bạn cùng lớp đã bị cô phạt vì lỡ miệng nói rằng “Con đi học thêm nhà cô” khi được người khác hỏi đến.
Vợ chồng bạn tôi có con gái năm nay học lớp 2 và trong mắt của nhiều người lớn, bé vô cùng đáng yêu, luôn quan tâm đến mọi người. Nhưng so với đa số các bạn cùng lứa, cô bé bị xem là “tồ” vì không biết nói dối, không biết giành phần hơn cho mình, không biết cáu giận khi bạn giật bút chì, vẽ bẩn lên áo…
Người bố thì cho rằng, đó là sự phát triển rất cần thiết đối với một đứa trẻ, phải để bé sống trong trẻo đúng với lứa tuổi của mình. Anh đưa ra lý lẽ của mình là không cần con giỏi, không cần con “ma mãnh” như nhiều đứa trẻ cùng lứa bây giờ. Nhưng mẹ của bé thì khá lo lắng, vì như vậy con sẽ rất thiệt thòi, không biết đấu tranh giành quyền lợi cho mình, nhiều khi là chính đáng.
Chuyện của vợ chồng bạn tôi cũng là lo lắng, băn khoăn của nhiều phụ huynh, nhưng trong cuộc sống hiện tại, họ vẫn chưa tìm ra được lời giải đáp, thế nào là tốt hơn cho con của mình.
Chính một cô giáo dạy Văn ở một trường điểm thuộc quận Đống Đa (Hà Nội) tâm sự rằng, với cách dạy và học như hiện nay, cô rất lo sợ con của mình sẽ phát triển “không bình thường”. “Trẻ con bây giờ đòi hỏi quá nhiều, chỉ biết nghĩ đến bản thân. Vẫn biết giáo dục từ gia đình là quan trọng, nhưng với những gì diễn ra ở trường, ở lớp, ngoài xã hội như hiện nay, khó để khẳng định trẻ không bị “lây nhiễm”. Và cũng khó có thể bắt con sống khác với xu hướng chung, khi mà không muốn nó trở thành kẻ lạc lõng, cô độc”./.
Theo VOV



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét