Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

459. CHỦ NHẬT NHÂN VĂN

      Bây giờ với mình, bờ hồ Thạc Gián trở nên quen thuộc. Hễ rãnh là tìm đến. Khi ngồi mạn ngược đường Hàm Nghi, ở Cao Thông thư quán, đàn đúm với các bạn một thời Trung học Phan Châu Trinh như Cao Thông, Nguyễn Đăng Hòa, Nguyễn Hùng Kiện, Phạm Hữu Châu, Phan Văn Bình, Khoa, Bảy Thoại… Khi quây quần cùng với Đào Huynh, Phan Trọng Lưu, Phan Phước Hiệp, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Khắc Phước ở hồ đông, bên vệ đường Văn Cao. Quen thuộc nên chủ nhật nào không ngồi bờ hồ Thạc Gián, đâm ra nhớ.
      Tuần trước bận không ghé. Tuần này, mới thứ hai lòng tự dặn phải đến tào lao thiên đế cho quên hỉ nộ nhân gian. Sáng nay khoảng hơn bảy rưỡi, tà tà từ đường Quang Dũng rẽ Văn Cao, đến chiến trường xưa đã thấy đồng đạo ngoắc, gọi rồi. Tấp vào, gọi cà phê và nhập chuyện. Các cụ nguyên giáo nhà ta đang đủng đỉnh bàn hai từ “nhà thương” và “bệnh viện”, bàn danh xưng để thấy được bản chất của vấn đề an sinh xã hội chứa trong nội hàm hai từ ấy. Dù chỉ nghe đằng đuôi nhưng cảm giác thú vị nên cũng gật gù.
      Câu chuyện chuyển sang tác phẩm dịch không cần chuyển mạch. Bất ngờ nhưng hợp lí và thuận tình. Chuyện tào lao, nhưng khống bá láp là rứa đó. Cứ lặng lẽ chuyển đề tài. Người hội thoại cứ bình thường trò chuyện, chẳng băn khoăn, thắc mắc gì. Này này… cứ nghĩ coi,  “Terre des hommes” của A. S. Exupéry mà cứ thiệt thà, “Đất của người”, trong khi Bùi Giáng đẩy lên thành không gian triết học, bọc trong phong vị triết văn, “Cõi người ta”… Thời trước, chỉ nghe tên tác phẩm dịch, cũng đã rung dây sướng khoái nghệ thuật rồi. Ừ,… Bùi Giáng, số một về chuyển dịch. Đọc “Khung cửa hẹp”  (Le porte étroite) của André Gide do Bùi Giáng chuyển ngữ quả là đã. Từ tựa, đến truyện, đến những lời thơ đề các nhân vật Jerome, Alissa cuối tác phẩm đọc quên thở. Đọc xong thấy trong miệng cứ ngòn ngọt thế nào ấy. Chữ nghĩa vốn trung hòa mùi vị, thế mà người nghệ sĩ tài hoa đã tẩm vào chúng mùi vị sắc hương riêng, độc đáo quá! Mình không thể quên mở đầu lời tựa, “Ai đẩy Kiều vào lầu xanh. Ai đưa Alissa vào khung cửa hẹp. Định mệnh hay nghi ngẫu”… rồi:
        Hỏi tên rằng biển xanh dâu
        Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa
        Môi cười ở cuối sân ga
        Xưa là cố quận nay là tiễn nhau

      Người ta bảo chữ nghĩa khéo quá đôi khi thiếu tấc lòng chân thật. Chữ nghĩa đẹp mã cũng độc hại như thạch tín, xyanua.  Đó là chuyện chữ nghĩa trong “tiếp thị”, “tiếp thị” một món hàng, một cái tôi, một chủ nghĩa… nói chung. Còn đối với văn chương, trước hết là tấm lòng chân thật sau mới là chuyện chữ nghĩa. Cho nên, chữ nghĩa thấm đậm xúc cảm chân thành về cái đẹp. Cái ông Bùi Giáng này cao tay ấn lắm. Chữ nghĩa cứ răm răm theo sự sai khiến của ông. Những chữ nghĩa chẳng bà con, quen biết nhau, hễ ông cầm bút là chúng trật tự sắp hàng trong thơ rồi rủ rỉ rù rì nói chuyện với nhau, đến khi người đọc chạm đến, tâm tình của chúng qua tiếng nói vỡ òa. Mấy ông dạy văn, sống với chữ nghĩa thú vị thật, chẳng bằng dạy toán như mình… Lại than thở. Ông đọc triết học Phật giáo, hiểu tư tưởng tương đối luận, sẽ hết than, không những thế bụng dạ ông cũng rộng rãi hơn, dễ tha thứ hơn. Ừ, chắc phải nghiên cứu…
     Nhắc chuyện mấy ông dạy văn mà nhớ. Hôm kia được đọc tập “NHỚ NGÔ SỬU” do anh Huỳnh Văn Hoa và anh Nguyễn Văn Nho thực hiện. Sách tập hợp nhiều bài viết tưởng niệm người thầy giáo tài hoa, sắc sảo và rất trung thực: Thầy Ngô Sửu. Mình giao tiếp với anh không nhiều nhưng rất nể trọng. Đọc tập sách càng hiểu anh ấy hơn. Có được một anh Ngô Sửu, một người thầy giáo dạy văn tuyệt vời như thế là do nội lực, cá tính của chính anh, và cũng là nhờ vào môi trường giáo dục gia đình và xã hội đậm chất nhân bản trong lành. Trong tập sách, mình ấn tượng nhất là một câu trong bài viết của Thầy Dương Ngọc Tạo, người thầy dạy văn - ban C - của anh Ngô Sửu. Khi anh mất, dù tuổi cao, thầy vẫn bay từ Sài Gòn ra viếng học trò cũ, đọc văn khóc học trò, rồi viết bài tưởng niệm. Mình không tự tin cho lắm trí nhớ của mình, nhưng cũng mạo muội : “Khoa Văn của nền giáo dục trước bảy lăm mang tính nhân văn nhiều hơn là hiện thực, vì vậy các em còn nhỏ tuổi nhưng đã có những băn khoăn về thân phận, về kiếp người”. Các bạn thấy thế nào.
      Hay, hay,… Văn chương phải chạm đến vĩa tầng triết học, đó là vấn đề con người mang tính nhân loại. Bọn mình làm sao quên nguyên lí giáo dục trước năm 1975: NHÂN BẢN – DÂN TỘC - KHAI PHÓNG… phải không? Không băn khoăn về thân phận, không trăn trở về kiếp người, văn chương ấy thật trống rỗng và vô vị. Triết văn sẽ làm cho văn chương có linh hồn. Văn chương sẽ vượt qua quy luật băng hoại của thời gian chỉ khi thực sự có trầm tích triết văn. Mình đã từng nói và dạy học trò của mình như thế.
      Đấy, chủ nhật, đàn đúm. Nhưng quan trọng không phải cái quán nào chúng ta ngồi mà quan trọng hơn cả là chúng ta ngồi với ai và nói chuyện gì. Những chủ nhật như thế sao không thể gọi là chủ nhật nhân văn nhỉ. Bạn có nghĩ như mình không?


Hoàng Dục
18-8-2013
____________________

7 nhận xét:

  1. Chẳng bao lâu thu về tăm tối lạnh
    Vĩnh biệt rồi hè hỡi mộng vàng qua
    Thơ Pháp mà Bùi tiên sinh dịch ra rứa thì ôi thôi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quá phóng túng hình hài thơ ca. Chỉ có Bùi tiên sinh là như thế. Đọc rất sướng khoái bạn mình ơi!

      Xóa
  2. ...Rồi tiếp nối biếc thu hanh trời mộng
    Đón xuân xanh như gái tuổi dậy thì.

    Trả lờiXóa
  3. Tàn đông quạnh nhớ từng ly rượu nhỏ
    Thức tàn đêm ngỡ mộng đã tiêu tao...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông bạn ơi, đảo điên thơ một chút nghe:
      Từng li rượu nhỏ quạnh nhớ tàn đông
      Mộng đã tiêu tao ngỡ đêm tàn thức...

      Xóa
    2. Thầy giáo văn đảo điên thơ sao cũng được, vui thôi mà...nhưng đọc lên âm vận trắc bằng nghe syncope thế nào á. Hay Thầy là chuyên gia về nhạc rock kiểu syncope này ??? Aha... Ông BG. thức dậy ổng quở chết...

      Xóa
  4. bÀI VIẾT NÀY TRÊN CẢ TUYỆT VỜI

    Trả lờiXóa