Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

460. QUÁ GIANG NỖI NHỚ

       (Đọc tập thơ “VẦNG TRĂNG MẸ”)
   Một buổi chiều tháng sáu hanh hao, khép mình trong phòng đọc sách, thế rồi anh Mai Xuân Anh đến chơi và tặng tập thơ “Vầng trăng mẹ” của nhiều tác giả, bìa Dạ Tịnh, phụ bản: Phan Ngọc Minh và Nguyên Giao, Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành vào tháng 12 năm 2012. Cầm tập thơ mà lòng bâng khuâng theo vẻ đẹp giản dị của trang bìa. Một vầng trăng tròn, hình ảnh cách điệu trái tim bằng nét bút lông treo ở góc cao trên nền trắng tinh khiết. Giản dị thế thôi nhưng là giản dị của cái đẹp, và đó là cái đẹp của tấm lòng, cái đẹp của cõi tĩnh lặng vĩnh hằng. Trong lòng tôi, hình ảnh mẹ lại hiện về như sương khói mang mang.

      Hôm nay mùa Vu Lan 2013, đọc lại tập thơ, cảm xúc xưa vẫn chưa lắng, cứ hồi hoàn trong tôi. Tôi mặc cho hồn mình chuồi theo cảm xúc của 48 tác giả trong thơ. Bốn mươi tám tác giả ở khắp miền Nam với tám mươi tác phẩm đủ thể loại, trong đó phần lớn là lục bát, một thể loại tính nước mềm mại, tưởng như sinh ra để dành riêng cho mẹ, mẹ với những khúc hát ru, mẹ và phận đời mình qua ca dao, và mẹ trong tâm hồn người con qua thơ ca … Dù mỗi người một phương trời, mỗi tác giả một thể loại nhưng tất cả đều hồi hướng trong “vầng trăng mẹ”.
        Như những người con trên trái đất này, các tác giả luôn thấy mình nhỏ bé trước thâm ân từ mẫu, nhưng họ có chỗ khác là biết cách trải nỗi lòng mình lên trang thơ, gửi tình mình vào câu chữ. Mỗi tác giả diễn tả ơn sâu của mẹ theo một cách riêng. Có nhà thơ cảm nhận mẹ không chỉ là đấng sinh thành mà còn là người cho con cả một vùng trời sự sống vô biên:
      Mẹ sinh ra cõi tự do
      Cho con chạy nhảy tha hồ dạo rong
 
      (Suối nguồn bao dung – Tâm Nhiên)
      Mẹ trong con mắt của Tâm Nhiên như là tạo hóa. Tạo hóa sinh ra con người tự do và mẹ cũng sinh ra cõi tự do cho con của mẹ. Điều đó chẳng gì là quá đáng. Khi tạo sinh người phụ nữ, ông trời đã trao cho họ phẩm chất cao quý đó là Thiên nữ tính, đó là thiên chức làm mẹ, đó là sinh ra con người với quyền tối thượng tự do. Sự diệu tuyệt ấy, mẹ không rao giảng, mẹ cứ âm thầm rút ruột tằm để se tơ cho tự do sự sống của con mình. Lại có tác giả liên tưởng hình ảnh mẹ như mái nhà bao dung, nhẫn nại hứng trận mưa:
      Khom người hứng trận mưa cong
      Mẹ che khô tập “vỡ lòng” mới mua
 
     (Con mưa của mẹ – Nguyễn Đức Dũng)
      Câu thơ với hình ảnh lạ “trận mưa cong” và cuốn tập “vỡ lòng” nhiều nghĩa  tạo nên nét riêng của người mẹ trong thơ. Tôi không rõ nội hàm tập “vỡ lòng” là gì, chỉ ngờ ngợ nó không đơn giản là tập sách, hình như nó là những chữ những vần khai mở tâm hồn, trí huệ người con, dẫn dắt con đi về phía đạo lí làm người. Với Mai Xuân Anh, mẹ vừa đem đời mẹ trang trải cho các con, vừa hóa thân để lấp khoảng trống tình cha trong tâm hồn từng núm ruột:
      Nhuộm thắm gót chân đen
      Mẹ thay Ba che nóc
 
     (Khóc mẹ – Mai Xuân Anh)
      Lại có người con trong thơ cứ đắn đo khi ví von mẹ với vầng trăng. Đắn đo vì trăng không phải khi nào cũng viên mãn, mà có “lúc đầy vơi”, còn mẹ đối với đàn con lúc nào cũng tròn đầy với “một nhịp trùng khơi lạ lùng”. Ánh sáng vầng trăng chỉ soi tỏ cái bên ngoài, còn ánh sáng tình mẹ lại soi sáng tâm hồn con, soi sâu vào cõi u minh đời:    
      Vì trăng thì sáng trên đầu
      Mẹ thì sáng giữa trầm sâu cõi đời

      Trăng thì có lúc đầy vơi
      Mẹ hoài một nhịp trùng khơi lạ lùng

      (Vầng trăng mẹ – Miên Long)
     Cũng hình ảnh đầy vơi, trong bài “Mẹ”, Dung Thị Vân dùng để diễn tả thật sâu tấm lòng vị tha, vì con và cho con của mẹ:
       Con đầy là lúc mẹ vơi
       Dòng sông nước mắt nụ cười mẹ cho

      Với Nguyễn Ngọc Chương, cảm xúc về mẹ nương vào tứ ca dao mà thành hình những hình ảnh thơ phóng túng:
      Người ta đổ cực lên non
      Mẹ tôi gánh cực nuôi con hằng ngày

      (Mẹ tôi – Nguyễn Ngọc Chương)
Những khúc hát dân gian không chỉ giúp Nguyễn Ngọc Chương sáng tạo “Mẹ tôi” mà còn hóa thân vào khúc “Hát ru” nữa. Chính cái chất ca dao tạo nên vẻ đẹp sâu đằm mà giản dị của hình tượng người mẹ trong thơ. Mẹ cao cả nhưng gần gũi, mẹ tình nghĩa mà cứng cỏi, mẹ hữu hạn mà vô cùng:
      À ơi, con ngủ cho ngoan
      Để mẹ trải ngọn nắng vàng ra phơi
      Niềm riêng quẳng thúng lên trời
      Trái tim giữ lại ở đời với con

      (Hát ru – Nguyễn Ngọc Chương)
    Trên thế gian này có người mẹ nào không “niềm riêng quẳng thúng lên trời” dành trái tim rộng rãi cho những đứa con yêu thương của mình. Tình mẹ, ơn mẹ luôn là một chân lí vĩnh cửu. Hiểu như thế mới thấy, tại sao Lê Đình Bích, đã ở ngưỡng “quá trưa cuộc đời”, nhưng mỗi lần về bên mẹ vẫn thấy lòng tươi như thuở ấu thơ, vẫn muốn nũng nịu, vòi vĩnh với mẹ, để được sống bình yên hoài mãi trong bóng cả mẹ hiền:
      Không hoài bão chẳng ước mơ
      Chỉ mong sống lại những giờ thần tiên
      Ngửa tay để mẹ cho tiền
      Nghe tiếng mẹ để bình yên trong lòng

      (Tiếng mẹ – Lê Đình Bích)
     Ơn sâu tình mẹ là thế, nhưng có người con nào tự tin nói rằng mình đã trọn đạo hiếu. Thói thường nước mắt chảy xuống, chứ có bao giờ chảy ngược đâu. Nước mắt các đấng sinh thành chảy xuống, đến nhưng đứa con trở thành bậc làm cha làm mẹ cũng sẽ chảy theo chiều như thế… Đó là quy luật tình cảm ruột rà, tình yêu thương của đấng sinh thành dành cho con cái. Cho nên, làm con mấy ai không trăn trở, day dứt vì chưa đền đáp trong muôn một thâm ân tình mẹ. Tâm trạng đó từ xưa đã cồn cào trong thơ, nay vẫn như sóng vỗ bờ câu chữ. Thơ của các tác giả trong “Vầng trăng mẹ” vẫn đập theo nhịp của những lớp sóng tâm trạng ấy. Không bài thơ nào không cộm lên nỗi day dứt về ứng xử của nhà thơ trước ơn sâu từ mẫu.
        Với Nguyễn Miên Thượng, hình ảnh người mẹ “ủ gian nan thành dòng sữa ngọt” nuôi lớn anh, vậy mà anh vẫn hồn nhiên “quên”. Để rồi một chiều, cô đơn bên mộ mẹ, trong lòng mới dậy lên niềm ăn năn muộn mằn:
       Lát sắn, đủm khoai lần lửa quê nghèo
       Mẹ ủ gian nan thành dòng sữa ngọt
       Con lớn lên như lá răm, lá lốt
       Vẫn hồn nhiên quên mẹ đã già nua

       (Chiều bên mộ mẫu thân)
       Tâm tư Nguyễn Miên Thượng trong thơ cũng là tâm tư không biết bao người. Thật ra, những người con, nào phải vô tư, nhất là những người con có tâm hồn thơ như các tác giả trong tập thơ này. Thơ trước hết là tấm lòng. Thơ sống được ngoài cái chất thơ, phải chạm vào vĩa tầng triết học nhân bản. Nói như thế để thấu cảm với các tác giả trong tập thơ. Họ làm sao có thể “hồn nhiên quên mẹ”. Có lẽ nên hiểu những người con chưa thật trả được hiếu đạo vì họ bị gió bụi đời cuốn vào vòng xoáy của nó, rồi bao nhiêu khó khăn, phức tạp trong cuộc sống đánh lưới họ, treo lơ lửng họ giữa lằn ranh nước mắt và nụ cười. Trong hoàn cảnh ấy, nghịch cảnh ấy, dù muốn trả ơn cũng khó lòng trang trải. Phải chăng đó là tâm tình mà Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã nén vào thơ:
      Xin mẹ hiểu con mỗi khi về trầm lặng
      Vì mấy năm con chưa vẹn nụ cười
      Mẹ vẫn sớm hôm tảo tần lận đận
      Chắt máu gầy cho con uống cầm hơi
 
      (Thơ gởi mẹ )
Phải chăng vì thế, tác giả Minh Giác chỉ dám ước mơ, đúng hơn mơ được sống trong giấc mơ trả hiếu mẹ hiền:
      Trong cơn mơ những ngày hè nắng nóng
      Con là mây che mát mẹ làm đồng
      Che bước chân mẹ một đời vất vả
      Nuôi con thơ mẹ bươn chải gánh gồng

      (Giấc mơ nhớ mẹ – Minh Giác)
      Vì chỉ dám sống trong mơ nên khi chạm vào hiện thực mất mát cũng chính là chạm vào nỗi đau. Những người con mang ơn sâu tình mẹ, mong mỏi phụng dưỡng mẹ cha, nhưng ân chưa đền tình chưa đáp, mẹ đã một mình dấn bước trên “đường xa vạn dặm”. Trước hiện thực trống vắng bóng hình mẹ, ai có thể tránh được nỗi đau. Quang Hưng đứng trước vườn cũ mơ về hình bóng mẹ xưa mà bồi hồi, nhưng để cho giậu mồng tới nói hộ lòng mình:
      Con về lại với vườn xưa
      Thời gian trôi mãi, quá trưa cuộc đời
      Giậu mồng tơi, cũng bồi hồi
      Ngày xưa mẹ với mồ hôi chan hòa

      (Còn đó lời ru)
      Rồi một Ái Nghĩa tìm về bến sông xưa, dõi tìm trong thinh không hình mẹ với “tấm áo vá vải thưa rầu rầu”, nhưng nào thấy bóng. Một Nguyễn Hoàng Sa hẫng hụt vì không thấy một tăm hao nào của mẹ sau bóng hàng tre thân thuộc:
      Chừ về vịn bóng hàng tre
      Mẹ ơi ! con gọi nào nghe thấy gì

      (Bài thơ dâng mẹ – Nguyễn Hoàng Sa)
      Cũng có người con, mỗi độ giỗ mẹ buồn như nước mắt của nến chảy thành dòng, từ đó nghe tạo vật thiên nhiên, ngọn gió tưởng vô tình cũng thấm đẫm nỗi buồn vắng mẹ:
      Mâm cơm đạm bạc chín chiều
      Đốt hương khói vẽ bóng chiều qua sông
      Lung linh nến chảy thành dòng
      Ngày giỗ Mẹ gió cũng mênh mông buồn

      (Ngày giỗ mẹ – Triệu Nguyên Phong)
     Và rồi người con ấy, cảm thức sâu sắc nỗi niềm một mình một bóng lẻ đơn của đời mình :
      Ba gian nhà vắng từ không mẹ
      Cửa khép đi, về bóng hỏi tôi

      (Nhớ mẹ – Kiều Trung Phương)
     Còn… còn nhiều… nhiều nữa những nỗi lòng đau, những tình con dành cho mẹ qua trang thơ như của Triều Nguyên, Vỹ Nguyên, Nguyễn Vân Thiên, Yên Huỳnh Đức, Nhật Uyển, Ngô Xuân Nguyên, Nguyễn Cẩn, Đinh Hồi Tưởng, Tạ Văn Sỹ, Vinh Hiền, Xuân Sơn, Trần Ngọc Trác, Trần Thành Nghĩa, Doãn Lê, Dzạ Lữ Kiều, Thích Huyền Lan, Khổng Vĩnh Nguyên,  Mặc Phương Tử, Quảng An, Nguyễn Thị Hồng, Mai Thìn, Nguyễn Kim, Nguyễn Nhã Tiên, Lê Giao Văn, Phổ Đồng, Vũ Anh Sương, Thy Minh, Vô Biên, Nguyễn Lâm Huệ, Hồ Nguyên Tín, Cảnh Thu, Nguyễn Văn Nho, Trần Huệ Hiền… Tôi không thể nào diễn tả hết. Tất cả đã đem đến cho tôi một cảm xúc đẹp về tình con, tình mẹ trong đời và trong thơ. Dẫu trong tập này, thơ có thế này thế khác, nhưng cái đáng quý nhất vẫn là tấm lòng chân thật ngân lên trong thơ. Thơ thực sự biểu hiện trọn vẹn vẻ đẹp của tình mẫu tử thẳm sâu của các tác giả trong “Quán Đoi bên dòng sông Cẩm Lệ” ở thành phố Đà Nẵng thân yêu này.
       Chính vì vậy, tôi nghĩ bài viết này cũng chỉ là niềm cảm xúc riêng tôi, một góc nhìn hạn hẹp của tôi, một cách đồng cảm của tôi trước tình yêu kính mẹ hiền của các tác giả. Và tôi viết như là để “quá giang nỗi nhớ” về mẹ tôi như chữ nghĩa trong thơ Dạ Tịnh:
       Quá giang bóng mẹ một thời
       Nương câu hát cũ cầm hơi sớm chiều
       Nỗi niềm thúng mủng liêu xiêu
       Trăng treo đòn gánh mẹ treo tuổi mình

            (Quá giang)
      Và cũng qua đây, tôi mong mỏi bài viết này sẽ là đóa hoa hồng tặng cho những ai đang hạnh phúc còn mẹ, và là đóa hoa trắng cùng những ai ngậm ngùi vì mẹ đã đi xa.
      Hoàng Dục
      20-8-2013
      (15-7 AL)
       _______________
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét